BÀI THỨ 304

NHỮNG HÀNH VI VÔ ƠN 

 

TÂM TRẠNG DÂN THÀNH GIÊRUSALEM

Khi Chúa Giêsu vẻ vang xuống triền đồi Ôliu, người ta thấy từ Giêrusalem, một đám đông hối hả chạy về phía Ngài để nhập đoàn. Họ gồm những thành phần nào? Phần lớn là người Galilê và lương dân. Lương dân ở đây phải hiểu là những người sống tại các nước lân bang Palestina, chẳng hạn như người Hy Lạp và Rôma. Tại các nước ấy, có nhiều người thiện tâm muốn cải hóa tâm hồn trở về với Thiên Chúa chân thật. Và họ đến đây để thờ lạy Ngài nơi Đền Thánh, nhân dịp mừng lễ Vượt Qua.

Trong đám người chạy ra đón Chúa, người Do Thái lưu ngụ tại Giêrusalem chỉ chiếm phần thiểu số. Chúng ta thử tìm hiểu lý do của sự kiện đó! Nguyên do chính là sự kiêu ngạo, một mối tội đầu sinh ra mọi tội lỗi khác. Chàng Giêsu thuộc xứ Galilê chứ nào có phải ai xa lạ! Galilê là thị trấn tầm thường về mọi mặt. Dân chúng nghèo nàn, kém văn hóa, nuôi miệng bằng những nghề tầm thường. Cả xứ chẳng có lấy một viện học thuật thì làm gì đào tạo được người thông thái uyên bác. Như thế, việc gì phải quan trọng hóa và bày đặt đón rước một chàng trai Galilê tự nhận là nhà cải cách mà chẳng học hành gì ở các viện học thuật?

Còn đối với họ là người Giuđê, có Đền Thánh Giêrusalem, một cung điện nguy nga với mái lát vàng với các hàng cột cẩm thạch. Đền Thánh này là trung tâm tôn giáo độc nhất nơi cõi thế, đã  được các dân tộc hết lời ca tụng và hành hương dâng cúng lễ vật.

Họ đào tạo được những nhà thông thái nổi danh, mà những thành phần ưu tú trong nước cũng như ngoại quốc đều đến vấn kiến học hỏi thêm. Chúng ta cứ nhìn cách sống của các bậc tiến sĩ thì biết: họ ngồi trên ngai cao trọng, phẩm phục lộng lẫy dành riêng cho địa vị của họ, và từ đó cai trị cộng đồng dân chúng. So sánh họ với chàng thanh niên vô danh tiểu tốt miền quê Galilê, xuất thân từ thành Nazareth, người ta thấy khác biệt quá xa, và theo câu châm ngôn thường nói thì: ‘Nazareth, có gì tốt lành đâu!’ Người thanh niên ấy đi chân không, ăn mặc sơ sài, rảo khắp các thị trấn làng mạc, theo sau là mấy bác ngư phủ nghèo nàn vô học, chàng thuộc giới bình dân ngu dốt, lại tiếp xúc cả với hạng người thu thuế.

Đó là tâm trạng kiêu ngạo mù quáng của thành Giêrusalem. Họ cố tình hay vô ý không nhận ra vẻ cao trọng đích thực bên trong của Chúa Cứu Thế. Họ đưa ra nhiều điều tương tự để đầu độc và đánh lạc dư luận chung.

Nhưng mọi mưu mô hạ nhục Chúa và xách động dân chúng  dù có chuẩn bị chu đáo mấy cũng uổng công và thất bại, vì Chúa Giêsu ăn nói rất có duyên và rất lôi cuốn dân chúng. Ngài tỏ ra nhân hậu, ai cũng đem lòng mến phục. Giáo lý Ngài truyền bá am hợp với lý tưởng của một tâm hồn thiện tâm. Ngài làm bao phép lạ phi thường, cụ thể nhất là chữa các bệnh nhân đến xin Ngài thương giúp. Ngài cho Lazarô chết bốn ngày sống lại.

Nhờ đó Ngài kết nạp được nhiều bạn hữu thân tín, cả một số người Do Thái nữa. Nhưng con số ít ỏi này có thấm vào đâu sánh với cả một đám đông luôn chống đối, hoặc có thái độ lãnh đạm đứng ngoài cuộc.

Và dù môi trường có bi đát như thế mặc lòng thì Chúa Giêsu vẫn muốn cố gắng chinh phục một lần cuối. Ngài biết rằng sẽ thất bại ê chề, nhưng trái tim độ lượng của Ngài vẫn tiến tới.

 

 

 

TÂM TRẠNG TÔI RA SAO ?

Chúng ta hãy tự xét xem tâm tình chúng ta thế nào trước tình cảnh đau thương ấy. Một tâm hồn biết yêu mến Chúa tận đáy lòng, chắc chắn phải cảm thấy run sợ cho cuộc sống của mình. Dĩ nhiên đối với chúng ta, thì các biến cố trên đây đã lui vào quá khứ xa xăm rồi. Chúng ta đã thấy các biến cố diễn tiến ra sao. Chúng ta đã nhìn thấy mặt trời của mầu nhiệm sống lại ló rạng trên mồ trống. Dầu vậy thì việc gợi lại các biến cố này vẫn còn gây nhiều cảm xúc đối với chúng ta.

Mỗi lần nhớ đến người thân yêu nhất đã bị đau đớn cùng cực, trái tim ta cảm thấy xót thương buồn rầu. Người thân yêu đã thoát khỏi cơn sầu khổ từ lâu, và giờ đang sống bên cạnh chúng ta, nhưng vào giây phút cô đơn nào đó, khi những kỷ niệm đau thương kia hiện lên tâm trí, chúng ta thế nào mà chẳng rùng mình run sợ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật là người thân yêu nhất đời của con, nên lúc này hồi tưởng lại những cuộc thương khó và tử nạn Chúa đã chịu xưa, con không khỏi rùng mình kinh khiếp.

Con nhìn Chúa đang tiến vào thành thánh, và hôm sau Chúa phải đụng đầu với những kẻ chống đối cố chấp. Chúa đau buồn khi thấy những người này đầu độc dân Chúa bằng cách xách động dân chúng nổi nên khinh miệt, oán thù và đả đảo Chúa, Chúa sẽ phải chịu đựng nhiều lời tố cáo vô liêm sỉ và muôn điều nhục nhã không thể tả.

Thôi, thôi, xin Chúa hãy quay trở về Galilê, nơi quê hương hiền hòa của Chúa. Ở đó người ta sẽ vui vẻ tiếp vị tiên tri đồng hương. Chúa sẽ gặp lại các thị trấn quen thuộc, dân chúng sẽ chúc tụng Chúa, và nhất là các bạn thuyền chài sẽ tìm đến gặp Chúa.

Nhưng không thể được, đã đến giờ phải hy sinh trọn vẹn để cứu chuộc thế gian. Trước khi hiến thân làm vật hiến tế, Chúa muốn để lại cho loài người những bài học và gương lành quý báu. Do đó, Chúa đã tận dụng những ngày còn lại trườc khi bị bắt.

Ôi! lạy Chúa! Chúa đáng ngưỡng mộ và tôn sùng biết bao! Chúa nhân hậu và hiền dịu biết mấy! Chúa vẫn chiến đấu dù biết trước sẽ bại trận. Chúa vẫn lên tiếng giảng dạy, dù biết những lời giáo huấn này không được ai hiểu và đón nhận. Qua cách cư xử như thế, Chúa muốn khẩn thiết nói với con rằng: trong mọi việc, phải nhắm tới việc chu toàn bổn phận và chu toàn cách bình thản, không áy náy lo lắng đến thất bại đang đe dọa ngay bên.

 

BÀI HỌC QUÍ GIÁ

Như thế, phải chăng chu toàn bổn phận là điều cấp bách đến độ buộc phải thực hiện cả những việc vô ích nữa sao? Có việc gì là vô ích đâu! Nếu dừng lại ở hậu quả nhất thời, thì có lẽ người ta cho là vô ích thật đấy, nhưng sự việc lại khác hẳn nếu nhắm tới những thành quả sâu xa hơn.

Trong mấy ngày tới đây, Chúa Giêsu sẽ bị chống đối không ngừng. Ngài như muốn đổ dầu thêm vào cơn thịnh nộ của đối phương, để rồi họ sẽ lên án Ngài. Ngài sẽ chứng kiến cảnh dân chúng vùng lên chống lại Ngài.

Nhưng nhân cơ hội này, Ngài reo rắc hạt giống thần linh với những tia sáng thức tỉnh vào các tâm hồn. Đó là một số ít tâm hồn lãnh nhận được sự sống, khi nghe Ngài giảng dạy ngay thời bấy giờ, hoặc sau này qua bao thế hệ, biết bao nhiêu người khác cũng được cứu rỗi qua Tin Mừng.

Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tỏ lòng ngưỡng mộ, tạ ơn Người Bạn Chí Ái đã thương nghĩ đến chúng ta. Chắc hẳn tình yêu nơi Ngài phải sâu xa tột bực, với tính tự chủ của Ngài phải tối ư hoàn hảo.

Chúng ta hãy dâng lên một vài tâm tình cảm thông hầu an ủi Ngài phần nào

 

----------o0o----------