BÀI THỨ 305

BỔN PHẬN LÀ TRÊN HẾT

CHU TOÀN BỔN PHẬN

Cách cư xử của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh cam go đem lại cho chúng ta nhiều bài học quí giá. Chỉ những tâm hồn có đời sống nội tâm sâu xa mới hiểu nổi. Còn các tâm hồn tầm thường sẽ coi đó là vô lý. Họ sẽ nói rằng sao lại phải dấn thân vào một công việc biết trước là sẽ thất bại. Tại sao lại làm thế. Nếu là bổn phận đúng như thánh ý Thiên Chúa muốn thì Ngài sẽ hướng dẫn để mọi hành vi của ta đạt tới thành công chứ.

Thực ra, như chúng ta đã thấy, Thiên Chúa nhắm thành công ở tương lai hơn ở hiện tại. Các hy sinh đầy khắc khổ Ngài đề xướng lúc ban đầu chẳng khác gì lá vàng rụng xuống đất chất đống một chỗ, nhưng đó lại chính là những nguồn mạch phong phú ngầm kín. Ai lại chẳng biết có nhiều vị thừa sai liên tiếp đem hết tâm lực, thời giờ, sức sống để hoạt động truyền giáo mà chẳng đạt tới kết quả nào! Cứ an tâm! Đến một ngày nào đó, tất cả những hy sinh trên đây sẽ biến thành hạt giống tươi tốt và sinh được nhiều giáo đoàn đông đúc nhiệt thành.

Cho dù kết quả cuối cùng này không đạt tới chăng nữa, thì việc làm của các nhà truyền giáo vẫn là những hành động anh hùng, và chắc chắn sẽ được tính sổ đầy đủ để được ân thưởng xứng đáng. Hội Thánh Công Giáo vô cùng rộng lớn, nhưng nhờ sự thông hiệp các thánh và các phần tử của Hội Thánh, nên những công trạng luôn được liên đới trao đổi cho nhau. Chính Thiên Chúa là Đấng trung gian Quan Phòng, xếp đặt cuộc trao đổi. Vậy ai ngăn cấm được Ngài dùng các huân công vào mục đích xa hơn? Do đó nên nhiều cố gắng hy sinh đã không có kết quả tức thời.

Đi xa hơn nữa, chúng ta biết rằng cứu cánh tối hậu của mọi loài thụ tạo là tôn vinh Thiên Chúa. Khi đã đạt được cứu cánh này rồi, nếu công kia việc nọ vẫn còn vô hiệu thì nào có quan hệ gì! Vả lại, theo ý tưởng trình bày trên, tình trạng đó có thể xảy ra, nhưng trên thực tế thì không bao giờ như vậy. Thế nhưng việc làm xem ra thất bại của Thầy Chí Thánh còn sờ sờ ra đó đủ để chúng ta nhận chân giá trị sự thật.

Tuy nhiên, không thể lấy đó mà ngụy biện cho những hành động dấn thân liều lĩnh. Mỗi việc làm đều phải theo Thánh ý Thiên Chúa. Và chúng ta phải khôn ngoan nhận biết thánh ý này. Chúa Giêsu thúc bách chúng ta thi hành mệnh lệnh Cha Ngài trong mọi sự. Chính bằng cách đó mà Thiên Chúa làm tròn vai trò của Ngài: đó là vai trò điều hành vạn vật. Một khi chúng ta hoạt động theo như Thiên Chúa đòi hỏi, phần thưởng công trạng của chúng ta rất lớn lao: chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện chương trình của Ngài. Với ý chí tự do, chúng ta tham dự guồng máy sinh hoạt của Ngài. Như thế, mọi việc làm nhỏ bé của chúng ta đều được thần thiêng hóa.

Tỏ lòng ngưỡng mộ giáo lý Chúa dạy. Đó là nguồn phấn khởi khích lệ trước tương lai mịt mờ, là niềm ủi an mỗi khi thất bại.

 

TỆ TRẠNG CỦA TÂM HỒN TÔI

Còn tôi, tôi không đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Chỉ một khó khăn nhỏ cũng đủ làm tôi chùn chân thất vọng. Thay vì theo gương Ngài thực hiện Thánh ý Chúa Cha trong mọi việc, tôi lại chỉ nhắm tới các phương thức thế tục. Nên tôi lâm vào sự thiếu sót, tôi bó tay tuy đã được ý kiến khôn ngoan bàn định. Các dữ kiện như thế là đầy đủ lắm rồi. Thiên Chúa thường muốn khuyên răn tôi qua những hoàn cảnh đó. Ai đòi Thánh ý Thiên Chúa phải rõ ràng như ban ngày, thì chẳng bao giờ quyết định làm được gì, vì sống dưới thế gian này chúng ta như đi trong bóng tối. Người ta chẳng làm được gì nếu cứ lo sợ vẩn vơ và chuẩn bị quá kỹ. Các thánh thường làm những việc mà con mắt loài người cho là táo bạo liều lĩnh.

Điểm quan trọng đem lại khích lệ là không phải thành công hay thất bại minh chứng việc chúng ta có vâng theo Thánh ý Thiên Chúa hay không. Có nhiều khi người lành thánh nhiệt thành đã thất bại trong những hoạt động thánh thiện nhất! Các Sứ Đồ, sau các ông là các thánh, tất cả các ngài cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về điểm này. Ngay chính Thầy Chí Thánh cũng đã bị đuổi khỏi Nazareth và mấy ngày nữa đây, Ngài phải thấy tận mắt tất cả công trình của mình bị sụp đổ một cách đau thương.

Hãy suy nghĩ về quan niệm của tôi đối với vấn đề này. Xét xem nó có ảnh hưởng xấu hay tốt tới bản thân. Lợi dụng bài học cao quý này mà thành tâm sửa đổi quan niệm sai lầm nếu có.

 

THẤT BẠI BỀ NGOÀI, THÀNH CÔNG BÊN TRONG

Chúng ta phải hiểu đường lối trên đây của Thiên Chúa như thế nào? Công cuộc Ngài muốn thực hiện thì Ngài lại phải để suy sụp. Biết thế sao Ngài còn truyền thực hiện? Sao Ngài lại không bảo vệ cho tới lúc hoàn thành? Để trả lời cho các thắc mắc này, nên xét hai nguyên tắc chúng ta đã suy niệm. Hãy cùng nhau nhắc lại:

a. Các dự tính, chương trình của Thiên Chúa đều mang tính cách dài hạn. Do đó, công việc thất bại hôm nay, nhưng sẽ thành công rực rỡ vào ngày mai. Chẳng hạn nhìn lên núi Sọ, chúng ta thấy Đấng Chinh Phục thế gian phải chết tất tưởi nhục nhằn giữa muôn lời nhạo báng. Thế nhưng ngờ đâu chính ở điểm đó mà Chúa Cứu Thế đã thành công trong việc bành trướng Vương Quốc của Ngài tới tận cùng trái đất.

b. Nguyên tắc thứ hai liên kết chặt chẽ với nguyên tắc thứ nhất. Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan muốn để mặc các nguyên nhân phụ hành động, chỉ can thiệp trong điểm chính yếu cần thiết mà thôi. Chẳng hạn, Ngài làm ngơ để các bạn hữu Chúa Giêsu bày tỏ thái độ ích kỷ, vụ lợi và dùng uy quyền gây tai hại cho người khác. Ngài để một dân tộc lầm lạc sống trong ngông cuồng, và để người lành thánh trong tình trạng nhút nhát thường xuyên. Rồi từ sự suy sụp nặng nề này, Ngài phát sinh ơn Cứu Chuộc thế gian, đổ tràn ơn thánh, ban nhiều mẫu gương tập luyện các nhân đức.

Hành động của Thiên Chúa tỏ ra đáng ngưỡng mộ không kém khi Ngài để loài người, những tác nhân phụ, cộng tác vào chương trình riêng của mình, và nhất là khi Ngài can thiệp qua những phép lạ lớn lao, đó là SỐNG LẠI và HIỆN XUỐNG.

Do đó, chúng ta đừng bao giờ bối rối lo âu về mọi khó khăn bủa vây công trình cao cả của Ngài là Hội Thánh. Với các tư lợi cũng vậy, chúng ta hãy luôn phó thác trong tay Ngài rồi cứ sống bình tâm. Ngài cũng sẽ đối xứ với chúng ta bằng một cách thức tốt đẹp như trên. Ngài để mắt trông coi chúng ta, và không một chi tiết nào ra ngoài ánh mắt Ngài. Từng hành vi nhỏ cũng nằm trong chương trình từ muôn thuở của Ngài. Ngài thương đoái đến chúng ta với ánh mắt đầy từ nhân: mời gọi chúng ta đến tham dự nguồn hạnh phúc với Ngài. Ngài muốn và chuẩn bị cho niềm vui hạnh phúc của chúng ta trong mọi sự. Do đó, chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên khi thấy sự việc bên ngoài xảy ra trái ngược với ý muốn. Trường hợp cảm thấy hình như bị Ngài bỏ rơi, chúng ta càng phải đặt hết niềm tin yêu phó thác nơi Ngài mạnh mẽ hơn. Thường thường chúng ta sẽ không nghe thấy Ngài trả lời đâu, vì Ngài sống rất âm thầm và thinh lặng. Ngài hiện diện khắp nơi, có mặt mọi chỗ và bao trùm với mầu nhiệm. Ngài là Hữu Thể Vô Biên, nên chúng ta không thể nghe tiếng nói Ngài trực tiếp, cũng không tiếp xúc với Ngài một cách nhãn tiền được, bao lâu chúng ta còn lưu ngụ nơi cõi thế hạn hẹp và lưu đày này. Để tỏ mình và đối thoại với loài người, Ngài nhập thể, dùng chính ngôn ngữ loài người làm nhịp cầu giao cảm. Ngài là chính Chúa Giêsu, Đấng rất đáng yêu mến của chúng ta. Lạy Chúa là Đấng Vô Biên! Lạy Chúa là Đấng Vô hình! Con chúc tụng Chúa! Trong Chúa Giêsu Kitôâ con nhận biết Chúa, chiếm hữu Chúa và yêu mến Chúa.

Chúng ta hãy sống tinh thần từ bỏ mọi sự để phó thác trong tay Chúa là Cha Chí Ái! Thật là dễ dàng và êm đềm biết bao!