BÀI THỨ 307

CĂN NGUYÊN SÂU XA CỦA OÁN THÙ

 

THAM LAM CỦA CẢI VÀ DANH VỌNG

Chúng ta thử tìm hiểu căn nguyên sâu xa gây nên lòng thù oán nơi người biệt phái và đưa đến sự thay lòng đổi dạ của dân chúng. Căn nguyên ấy là bởi một tâm tình thế tục đã từng khiến con người trở nên mù quáng trong phán đoán và hành động: đó là lòng ham muốn của cải và danh vọng thế tục thái quá.

Dân Do Thái trông đợi một Đấng Cứu Thế kiểu trần gian, một vị hoàng đế toàn năng đưa dân tộc và quốc gia họ lên tới chóp đỉnh vinh quang thịnh vượng và bá chủ nhân loại. Quan niệm quá hẹp hòi và vụ lợi này khiến họ không đào sâu để hiểu ý nghĩa các lời tiên tri loan báo về Chúa Cứu Thế. Họ chỉ dừng lại ở nghĩa đen của chữ viết mà không lột được ý nghĩa đích thực của ý tưởng. Thực vậy, từ những mặc khải tối mờ như bị phủ lớp sương mù dầy đặc, chúng ta thấy phát hiện đây đó nhiều tia sáng rực rỡ hé mở cho ta thoáng nhìn thấy một vương quốc cao vời vợi, nhưng thuần túy thiêng liêng, nơi dành làm ngai cho đức khiêm nhường, của sự từ bỏ của cải đời này, và cả đau khổ nữa.

Những người Do Thái trên kia thật khác xa với tinh thần vương quốc siêu nhiên này. Họ nhìn với con mắt khinh bỉ Người tự xưng mình là Đấng Cứu Thế mà lại nghèo khó hèn mọn lúc nào cũng chỉ nói đến hy sinh từ bỏ, chịu đựng điều sỉ nhục, và luôn yêu thương tha nhân.

Bản chất của lòng ích kỷ thì vốn gớm ghét các đức tính ấy, nó không những xúi bẩy chúng ta tìm cách né tránh mà còn lớn tiếng kết án bài xích nữa.

Chỉ có tinh thần siêu nhiên mới có thể chấp nhận những điều Chúa Cứu Thế giảng dạy trong tâm tư ý tưởng, và nhất là áp dụng trong đời sống.

BỆNH CHUNG CỦA CON NGƯỜI

Các khuynh hướng xấu của con người sa ngã sẽ khiến người Do Thái hành động lệch lạc đó đều tiềm ẩn trong bản tính mọi người không trừ ai. Phần đông người đời đặt lợi ích thế gian lên trên tất cả. Mọi lợi lộc vật chất này ảnh hưởng sâu đậm tới các hoạt động, làm hư sai tư tưởng, tạo nên tâm tình chán ghét lòng đạo, đôi khi chán ghét cả tôn giáo nữa. Một khi đầu óc lúc nào cũng chỉ mơ ước tiền tài danh vọng, thú vui nhục dục, thành công hão huyền, người ta sẽ mất đi ý thức về Nước Trời. Và rồi, khi không còn cho việc chu toàn các bổn phận khó khăn là đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, không coi những cơ cực trong cuộc sống là phương thế đạt ơn cứu rỗi, người ta sẽ sống buông xuôi theo các lầm lạc tai hại. Điều nguy hại nhất, như trường hợp người Do Thái, là sống mù quáng, phạm tội mà lương tâm không hề áy náy.

Sự mù quáng trên đây là điều thực đáng lo sợ, ai có thể chắc rằng mình không mắc phải tình trạng đó? Chính các môn đệ tâm phúc của Chúa Giêsu không hiểu thấu luật điều cao trọng này, nên đã hết sức ngỡ ngàng khi nghĩ tới Thầy mình bị đóng đinh trên thập giá: lúc đó các ông đã mất đức tin nên ít có mặt trên núi Sọ.

Thực ra, quan niệm về Nước Thiên Chúa vượt trên tầm trí tự nhiên của con người. Dù có nghe được lời của Thầy Chí Thánh giảng giải thì tâm hồn cũng vẫn phải cần đến ơn thánh giúp đỡ để nuôi dưỡng niềm tin. Làm sao chuyển hướng lòng tin đó vào đời sống được khi mà bản tính loài người vẫn còn đó?

Bản tính ấy luôn khơi dậy những khuynh hướng đối nghịch, đôi khi còn gây áp lực mãnh liệt ảnh hưởng đến các hoạt động của con người. Chúng ta phải tạo cho mình một tâm hồn siêu nhiên thâm sâu, khả dĩ khắc phục được bản tính đã sa ngã.

Một tâm hồn thích sống theo tình cảm, vụ lợi, khoe khoang, sẽ luôn gặp phải những sơ lỡ, những giây phút yếu đuối đáng tiếc. Trái lại, tâm hồn biết hy sinh, vị tha, khiêm nhường, sẽ tiến bước vững vàng trên đường tu đức. Bản tính tự nhiên chỉ đưa đến sức lực tạm thời, duy có ơn thánh mới đem lại sức mạnh của Thiên Chúa.

 

ẢNH HƯỞNG SÂU XA TRÊN MỌI NGƯỜI

Các sứ đồ mặc dầu yêu mến Thầy Chí Thánh cách chân thành, nhưng vẫn còn bị những quan niệm đương thời chi phối. Các ông mơ hồ trông đợi một vương quốc trần gian, với hy vọng sẽ được nắm giữ những chức vụ quan trọng bậc nhất. Bài giảng ‘Phúc Thật’ chỉ lóe sáng trong tâm trí các ông ít lâu rồi vụt tắt, không thấm nhiễm được vào tinh thần hẹp hòi và đầy thành kiến. Đức khó nghèo, khiêm nhường và nước mắt, tất cả đối với các ông vẫn còn là kẻ thù cần phải xa lánh. Khi Chúa Cứu Thế loan tin Ngài sắp lên Giêrusalem để chịu mọi cực hình, rồi chịu chết tất tưởi trên thập giá, thì các ông khiếp sợ và tìm cách ngăn cản Ngài đừng nói gở như thế. Lúc bấy giờ các ông chưa hiểu được rằng chính từ muôn ngàn đau khổ Ngài chịu ấy, sẽ phát sinh một vương quốc vô cùng mới mẻ và hạnh phúc với những nhãn giới khác lạ. Ở đó, đức khó nghèo, khiêm nhường, nước mắt, sẽ giải thoát con người khỏi ách thế gian; niềm ủi an thanh bình, sự sống thanh khiết, tình yêu tha nhân, đó là hình ảnh của nước Thiên Chúa.

Mãi sau này các sứ đồ mới hiểu được như vậy. Các ông tỉnh ngộ để rồi sống và chết cho chân lý muôn thuở đó.

Phần chúng ta, tuy dù đã hiểu biết về các lời giáo huấn, nhưng chúng ta vẫn còn giữ mãi những ý hướng của bản tính sa đọa, để nó làm động lực thôi thúc chúng ta mơ ước, vui thích tìm kiếm tiền tài, tiện nghi, danh vọng phù vân hay một chức vị nào đó với những lợi lộc giả trá.

Cái tinh thần mà Chúa đã chúc dữ đó vẫn ngang nhiên lộng hành trong thế gian, không những nơi lương dân mà đáng tiếc hơn nữa là cả nơi khu vực người Kitôâ hữu tầm thường. Nọc độc của tinh thần này nhiều khi còn ảnh hưởng tới cả những tâm hồn đạo đức thánh thiện nữa.

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Thỉnh thoảng điều chỉnh lại các quan niệm nhuốm mùi thế tục, bằng cách đem đối chiếu với các chân lý trong bài giảng ‘Phúc Thật.’ Hãy đề phòng khuynh hướng hành động theo thế gian cả tư tưởng theo trào lưu thời đại, cũng rất ghê gớm. Tất cả thống trị trên những tâm trí khiến cho rằng mình là độc lập và sáng suốt.

 

----------o0o----------