BÀI THỨ 308

NHỮNG NGÀY ĐỢI CHỜ

Tiến vào thành Giêrusalem giữa muôn tiếng hoan hô chúc tụng của đám đông, và ngay chiều hôm đó Chúa Cứu Thế trực chỉ về Đền Thánh. Đền Thánh đang mong đợi Ngài trở lại. Từ xa xưa, các tiên tri đã loan báo giờ phút này. Và kìa! Ngài đang tiến vào như người chủ nhà, như vị hoàng đế chiến thắng hồi loan. Ngày mai, Ngài sẽ dùng uy quyền để đuổi bọn buôn bán; và mỗi ngày, Ngài lại xuất hện để mời gọi mọi người gia nhập Vương Quốc Ngài sắp lập. Ngài mời tất cả, không những người Do thái mà cả lương dân nữa. Tại đây, Ngài sẽ mạc khải Thiên Tính mình mỗi lúc một rõ ràng. Các người biệt phái và Sađu sẽ chất vấn Ngài bằng những câu hỏi đầy ma giáo. Ngài sẽ đáp minh bạch, nhưng dù thế cũng không lôi kéo họ về đường ngay nẻo chính được. Tâm hồn họ đã trở nên hoen ố và luôn muốn chống đối. Bị thất thế trong các cuộc tranh luận, họ tìm cách trả thù một cách bỉ ổi ở lãnh vực khác.

 

DÂN CHÚNG KHÔNG NHÌN NHẬN NGÀI

Ngài biết rằng nhóm biệt phái đang tìm cách kiếm cớ trả thù. Ngài cũng biết rằng họ sẽ lạm dụng quyền thế để hạ nhục Ngài trước công chúng với những lời vu khống trắng trợn. Và ngay lúc này, hình như Ngài đã mang máng nghe thấy tiếng la hét đòi lên án tử hình xen lẫn những tiếng hoan hô và đả đảo rồi. Sao lại có thể như vậy được? Đây là dân riêng của Ngài, dân Ngài hằng yêu mến và đến để cứu chuộc khỏi nô lệ tội lỗi, thế mà giờ đây, thay vì mở lòng đón nhận giáo lý Nước Trời, họ lại đi vào đường lầm lạc và nhu nhược không dám đứng về phe người vô tội. Dân thành Giêrusalem lại có thể nổi dậy chống đối vị cứu tinh mà chính họ đã mòn mỏi trông đợi được sao? Chính trong hoàn cảnh đó Chúa Giêsu lên tiếng chúc dữ cho thành phố bất nghĩa, đứng về phe thù nghịch để chống Ngài. Họ sẽ chịu trách nhiệm về tội trạng họ gây ra: một ngày kia sẽ gánh lấy tai họa khủng khiếp giáng xuống.

Đó là tình hình thành phố trong những ngày Chúa Nhật, thứ hai và thứ ba tuần thánh. Chúng ta hãy sống trọn những ngày này bên Ngài trong lúc Ngài dùng mọi cách, mọi nỗ lực để chiến đấu tới cùng. Ngài cho ánh sáng tỏa chiếu, soi sáng cho các tín hữu tụ họp quanh Ngài để nghe giảng dạy. Ngài tâm sự với tất cả tấm lòng âu yếm. Sau mỗi cuộc tranh luận gay go, Ngài lại đến với các tín hữu đạo đức này, và tâm hồn Ngài được bình thản. Ngài tiếp tục tâm sự với giọng nói thật ấm đầy quyến rũ, và gương mặt Ngài luôn điềm tĩnh. Không một đam mê thế tục nào làm Ngài nao núng. Không một đe dọa nào khiến Ngài lo âu. Tâm hồn cao đẹp của Ngài chẳng khác gì mặt nước hồ thu phẳng lặng phản chiếu cảnh vật và trời xanh rõ nét. Ôi! chớ chi lúc bấy giờ chúng ta có mặt ở đó để phủ phục tôn thờ Ngài? Chúng ta sẽ háo hức uống nếm từng lời giảng huấn cao siêu của Ngài? Chúng ta sẽ bủn rủn tay chân khi nghe Ngài nói đến cái chết, và xác định ngày giờ chắc chắn trong hai hôm nữa? Bây giờ có gì cản ngăn chúng ta tỏ bày các tâm tình này đâu? Chúng ta sẽ nói gì nếu Ngài còn hiện diện tại đó trước mặt chúng ta?

 

NIỀM AN ỦI KHI ĐÊM VỀ

Khi chiều xuống, Ngài lại trở về Bêthania. Phải chăng Ngài về đó để tránh khỏi mưu bẫy của các đối thủ? Chắc là không, vì ở Giêrusalem thế nào lại chẳng có nơi trú ẩn an toàn. Như thế, chúng ta có thể đoán được rằng Ngài chọn Bêthania làm nơi trú đêm do một động lực cao quý mà Ngài luôn dành để nhiều ưu tiên, đó là tình bạn thánh thiện. Tại đây, Larazô và chị em ông niềm nở đón tiếp Ngài. Đồng thời các bạn tâm phúc khác của Ngài cũng kéo đến tìm gặp Ngài ở đó, và cũng có thể tin rằng Ngài đến Bêthania để trú đêm bên người mẹ hiền quý yêu của Ngài. Rồi đây thánh sử sẽ hé mở cho chúng ta nhìn thấy điều này trên núi Sọ: ‘Dưới chân thập giá có Maria, Mẹ Chúa Giêsu và các thiếu phụ thánh thiện đã theo Ngài từ Galilê để giúp đỡ Ngài những công việc lặt vặt.’ Do đó Mẹ Maria chắc phải có mặt trong số các người hành hương hiện trú tại nhà Lazarô. Giêrusalem có quá đông khách thập phương kéo đến mừng lễ, nên các bà tìm chỗ trú chân tại Bêthania thì cũng tiện lắm rồi, điều đó thật hợp lý và dễ hiểu.

Dựa vào dữ kiện chắc chắn trên, chúng ta có thể hình dung lại cảnh hai mẹ con gặp nhau mỗi buổi tối. Con bộc lộ tâm tư thổn thức để mẹ cảm thông. Mẹ đem tình thương yêu an ủi con như lúc con còn ấu thơ. Mẹ biết hết các âm mưu chống lại con mẹ trong bóng tối. Mẹ thấy giờ hiến tế đang tới một cách khắc nghiệt. Tuy nhiên, mẹ không biểu lộ nỗi khổ tâm ra bên ngoài mà chỉ âm thầm sầu khổ và đau đớn. Chúa Giêsu không lau khô những giọt nước mắt ấy, vì Ngài thấy đó là những giọt nước mắt vô cùng hợp lý và mang lại nhiều công phúc. Ngài còn nâng tâm hồn Mẹ lên cao mãi, tâm hồn Mẹ luôn say sưa chu toàn vai trò trọng đại của mình.

 

TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN

Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ tình cảm và tư tưởng loài người để diễn lại đầy đủ cuộc tâm sự giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Câu chuyện của các Ngài cao siêu vời vợi khó mà diễn tả được, chỉ còn cách là chúng ta kính cẩn quỳ gối ở đàng xa để chiêm ngắm dáng điệu trang nghiêm của các Ngài. Hãy để tâm hồn chìm đắm trong một vài tâm tình về cảnh tượng ấy, tuy lờ mờ nhưng giúp đem lại hiệu quả khiến ta cảm thấy như đang hiện diện trong môi trường vừa cao siêu vừa bí nhiệm khôn lường. Chúng ta hãy thưa với Ngài rằng:

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa về mọi sự cao đẹp tuyệt vời Chúa đã thực hiện nơi tâm hồn Mẹ Thánh Chúa, về mọi tâm tình âu yếm Chúa đã làm triển nở nơi trái tim Mẹ rồi đây sẽ là tình mẫu tử đối với con.

Lạy Mẹ Maria, con cám ơn Mẹ về việc Mẹ làm hài lòng Chúa Giêsu với sự thông hảo tuyệt đối trong mọi ơn thánh của Ngài, về niềm an ủi Mẹ trao cho Ngài qua thái độ nhẫn nại và quảng đại trong việc thông phần chịu đựng. Xin Mẹ dạy con biết cách bày tỏ tâm tình, hầu an ủi Ngài phần nào! Xin Mẹ dạy con yêu mến Ngài! Vì khi yêu, tâm tình người ta sẽ bộc phát tùy hoàn cảnh, nhất là trong những lúc buồn. Ngày nay những giây phút phải đau buồn này lại quá thường xuyên.

Lạy Mẹ, Mẹ có thấy rằng khi hành động như thế, tức là con tiếp tục công việc xưa kia Mẹ đã thực hiện với Chúa Giêsu, con yêu dấu Mẹ dưới thế chăng?

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Khơi dậy được những tâm tình như thế rồi, chúng ta đừng vội dừng lại ở đó, nhưng hãy cố gắng diễn tả bằng thái độ ngưỡng mộ và tin yêu!  Mừng cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria vì đã được cùng nhau tâm sự để cùng nhau vui buồn sướng khổ. Đó là niềm an ủi lớn lao nhất khi người ta đang sống trong cảnh đau khổ buồn phiền. Vì niềm đau của người này hòa lẫn vào khổ đau của người kia tạo nên nguồn tình cảm chung để rồi cùng nhau chia sẻ. Ôi, nỗi đau khổ tương giao, con đã nối kết được các tâm hồn một cách linh thiêng dịu dàng. Hồn ta hỡi, con có cảm thấy tự trái tim con phát hiện niềm ao ước và hy vọng nào không?

 

----------o0o----------