BÀI THỨ 309

SỐNG NHƯ CÁC BẠN CHÚA GIÊSU

 

CHIA SẺ VUI BUỒN VỚI CHÚA

Chúng ta cần nói đến Lazarô và hai chị ông ta, với những tâm tình của họ đối với Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thương đau này. Biết đâu cũng sẽ là tâm tình của chúng ta đối với Thầy Chí Thánh.

Chắc chắn họ buồn rầu khi biết có nhiều kẻ thù nghịch liên kết với nhau chống lại Ngài. Họ muốn mọi người đều yêu mến Đấng mà họ đã từng yêu mến tha thiết. Tình yêu đích thực không ích kỷ giữ bo bo đối tượng làm của riêng mình.

Họ lo sợ cho tính mạng Ngài. Khi nghe trong thành Giêrusalem có biến động, họ nài xin Ngài đừng đến đó nữa. Họ muốn Ngài ở lại với họ, để nếu có chuyện gì thì còn có người nọ người kia. Nhưng, nài nẵng mấy cũng vô ích, cứ sáng sớm Ngài lại tạm biệt họ để về Giêrusalem thi hành sứ mệnh. Mỗi ngày như thế họ lại tự hỏi không biết hôm nay Ngài có về không?

Nếu họ theo Ngài lên Đền Ihánh, thì họ thấy niềm vui nỗi buồn liên tiếp đến với Ngài. Đám dân chất phác tuốn đến với Ngài để nghe giáo lý mới lạ, để chiêm ngưỡng và tôn vinh Ngài là Vua. Bệnh nhân được chữa khỏi tật nguyền nhìn Ngài và cảm động đến ứa nước mắt. Lời Ngài giảng dạy thật cao siêu và có sức quyến rũ lòng người. Người nghe cảm thấy tâm hồn được lâng lâng như thoát tục, bay bổng lên cõi cao xanh. Lúc đó người ta quên hết mọi điều khiến phải lo âu sợ hãi, vì ai chẳng nghĩ rằng đám dân này đã thuộc về Ngài, nếu có bề gì thì họ sẽ nổi lên bênh vực Ngài. Còn đối với các kẻ thù nghịch, biết đâu trước sự kiện dân chúng mến chuộng Chúa Giêsu, họ chẳng nghĩ lại mà trở về với Ngài? Và khi nghe những lời sửa trách hợp lý hợp tình, chắc họ cũng cảm thấy Ngài đang đau khổ chờ đợi họ thay đổi sang lòng mến yêu chứ? Ôi, chớ gì họ kéo nhau chạy đến gieo mình vào cánh tay Ngài?

Nhưng than ôi, sự thật lại ngược hẳn! Đối phương đang tụ tập xa xa với giáng điệu đầy ngạo mạn, khinh thị, bàn tính nhỏ to với nhau, thỉnh thoảng ném tia nhìn soi mói đầy ác cảm về Chúa Giêsu. Các bạn tâm phúc của Chúa Giêsu lúc này mới chưng hửng trước sự thật phũ phàng. Niềm hy vọng trên kia chỉ là giấc mơ. Mối lo sợ lại bao trùm trên họ. Tâm hồn hồn họ càng cảm thấy băn khoăn dằn vặt. Họ sốt ruột mong cho ngày chóng tàn để Ngài trở về Bêthania an bình, thoát được mọi nguy hiểm. Ngày nay, chính Chúa Giêsu đó cũng có người yêu kẻ ghét như thế. Chúng ta đứng về thành phần nào? Biết bao nhiêu tâm hồn luôn yêu mến Ngài tha thiết và muốn an ủi Ngài thật tình. Cũng rất nhiều người quảng đại muốn gieo bước chân tới khắp mọi nơi để truyền bá Tin mừng, và sẵn sàng hy sinh cả đời sống, tính mạng vì danh Ngài. Như thế, ngay dưới thế gian này Ngài đã nếm hưởng nguồn hạnh phúc trên Trời, nơi không còn mảy may đau khổ.

Chúng ta hãy hợp ý với các bạn tâm phúc xưa của Ngài. Hãy cùng vui với họ khi thấy có tâm hồn trung thành yêu mến Ngài, vì trong trái tim Chúa lúc đó đã có chỗ cho chúng ta rồi.

 

CHÚNG TA HÃY VUI BUỒN VỚI HỌ

Chúng ta hãy bày tỏ tâm tình buồn khổ cùng họ, vì chúng ta lại chẳng củng cố những lý do khiến phải lo lắng như họ đó sao? Ngay trong những người đã chịu phép rửa tội, cũng có rất nhiều kẻ thù địch chống lại Chúa Cứu Thế. Nếu ngày nay những người này không làm hại thân xác bằng xương bằng thịt của Chúa được, thì họ làm tổn thương và xâu xé nhiệm thể Ngài là Hội Thánh. Họ dùng nhiều chiêu bài để đầu độc con cái Chúa, những tâm hồn đơn sơ, và đôi khi cả những phần tử ưu tú cũng bị lầm lạc với nhiều điều ngụy biện của họ. Lý thuyết nguy hại họ tuyên truyền làm các tâm hồn yêu mến cảm động trong ngày rước lễ lần đầu, trở nên có tâm trạng oán thù. Bao nhiêu lầm lỗi sai lạc, bao nhiêu bội phản gây rối diễn ra trước mắt chúng ta hằng ngày, và còn biết bao mưu đồ phá hoại đang chuẩn bị trong âm thầm nữa? Chúng ta hãy bày tỏ niềm đau và lo âu sợ hãi như Lazarô, Marta và Maria, cùng các bạn tâm phúc Chúa xưa kia.

Một đàng họ có đủ lý do để lo sợ, nhưng đàng khác họ cũng có nhiều động lực để nuôi niềm hy vọng. Thời đại chúng ta ngày nay cũng vậy, Chúa Cứu Thế luôn có người yêu mến và kẻ ghen ghét. Với niềm hy vọng sâu xa, các bạn hữu Chúa tiên đoán là Nước Ngài sắp trị đến! Ngược lại các đối thủ thì tuyên truyền Nước đó sắp tàn lụi, và trước mắt họ thì sự tàn lụi đó chỉ là vấn đề thời gian lâu mau mà thôi. Ở giữa các bạn hữu và đối thủ Chúa là dân chúng dốt nát mù quáng, luôn chiều theo bên nào táo bạo hơn. Ôi! Ước gì các sứ đồ và môn đệ Chúa trong những ngày trước cuộc tử nạn đó biết lôi cuốn dân chúng như sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì có lẽ các ông đã xoay ngược được tình thế rồi.

Nhưng Thiên Chúa không cho phép thế. Ngài có chương trình riêng của Ngài. Ngày nay thì mọi ý định cứu chuộc đã hoàn tất và ứng nghiệm theo lời Thánh Kinh. Từ cõi chết đã phát hiện nguồn sống. Để phổ biến và loan truyền tràn lan trên cõi thế, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống và hoạt động trong Hội Thánh. Ngài không lìa bỏ Hội Thánh bao giờ. Thánh ý Thiên Chúa muốn rằng mọi bạn hữu Chúa Giêsu, sứ đồ, môn đệ hay các tín hữu nhiệt thành, hãy can đảm đoàn kết lại để tạo sức mạnh hầu cùng nhau tiến về cứu cánh trong một trật tự, với tinh thần hy sinh, từ bỏ và tin yêu vào Chúa. Duy có Chúa Thánh Thần mới là động lực của đại cuộc này mà thôi.

 

TÍCH CỰC PHỤC VỤ NƯỚC CHÚA

Các bạn hữu Chúa ngày đó quá ư nhát đảm. Họ không biết làm gì ngoài việc buồn rầu lo lắng. Họ quá ít ỏi? Ngày nay, nếu chúng ta chỉ cảm thông với nỗi đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta xúc động và cầu nguyện thôi, thiết tưởng chưa đủ. Để lập Vương Quốc Chúa, phải xuất hiện, phải rao giảng, phải hoạt động. Nói tắt rằng mỗi người phải là một sứ đồ, không phải sứ đồ quả cảm trước ngày chịu nạn mà một sứ đồ hăng say sau ngày Hiện Xuống.

Chúng ta hãy nhớ lại định luật tự nhiên thật quan trọng và có thể áp dụng rất là thích hợp ở đây: một hoạt động không có cường độ là hoạt động vô hiệu. Vô hiệu là trường hợp một người chu toàn cặn kẽ mọi bổn phận tôn giáo nhưng không mảy may nhiệt thành, đương sự làm để che mắt thế gian thôi chứ không phát huy tinh thần Chúa Giêsu cho thế gian. Vô hiệu là trường hợp câu chuyện chẳng bao giờ đề cập hay hướng vọng về Chúa Giêsu. Trái tim thường hướng về điều mình thích. Kết quả ra sao nếu đóng kín lãnh vực siêu nhiên như vậy? Vô hiệu là trường hợp một tâm hồn nhiệt thành trong môi trường gia đình hay học đường, mà không nhận thức gì về cõi siêu nhiên hằng sống. Giáo dục đối với các tâm hồn còn nông cạn bên ngoài nên chóng phai mờ. Điều này thật hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Cuối cùng vô hiệu còn là trường hợp làm việc bố thí không do động lực chính đáng thúc đẩy để trở thành hành vi bác ái đích thực muốn giúp đỡ tha nhân cả hồn lẫn xác. Nói tóm lại, một hoạt động, một hành vì thiếu sức sống, không có cường độ là việc làm vô hiệu, không thể trở thành ‘muối thế gian’ được.

Hồn ta hỡi, ngươi có thể thành thật nói với Chúa Giêsu rằng: ngươi luôn bận tâm lo cho Chúa, ngươi đau khổ khi thấy ít người biết và yêu mến Chúa, nhất là khi thấy nhiệm thể Chúa là Hội Thánh bị một số bạn hữu Chúa phản bội. Ngươi muốn làm tất cả mọi sự để Chúa hài lòng. Ngươi mến các tâm hồn yêu Chúa. Ngươi vui sướng nói chuyện với họ về Chúa. Ngươi không để tâm hồn mà ngươi mến lại từ bỏ và sống xa Chúa được. Đó là mối bận tâm thường xuyên của ngươi. Đồng thời, ngươi sẽ cố gắng tìm phương thế hữu hiệu, để dẫn các tâm hồn trở về với Chúa. Đối với người ngươi có nhiệm vụ coi sóc, ngươi sẽ cố gắng lôi kéo họ về với Chúa do lòng nhân từ ngươi có, với gương sáng ngươi làm, để giúp họ cởi mở tấm lòng, và nếu có thể, ngươi còn thực hiện bằng cả hành vi âm thầm bên trong nữa.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

So sánh mối bận tâm về gia đình và việc làm ăn với mối bận tâm mưu cầu ích lợi cho Nước Chúa: chúng ta có suy tư lo lắng tiêu hao sức lực cho Chúa như ích lợi riêng mình không? Chúng ta hối tiếc, nhưng sự hối tiếc này phải nâng đời sống ta lên cao hơn. Như vậy chúng ta có thể xác định điều quyết định cụ thể nào?

----------o0o----------