BÀI THỨ 310

NGÀY THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

NGÀY SỐNG CUỐI CÙNG BÊN NGƯỜI THÂN

Chiều ngày thứ ba, Chúa Giêsu lại trở về Bêthania, đây là lần trở về cuối cùng. Ngài ở lại đây cả ngày thứ tư, và cho đến chiều thứ năm mới lến Giêrusalem. Hai ngày này là dành cho những chuẩn bị cuối cùng để đón nhận cuộc chịu nạn, cũng là cuộc giã biệt các bạn hữu và thân quyến. Ngài đã làm gì trong hai ngày đó? Chúng ta thử tìm hiểu với lòng sốt sắng và trung thành theo bên Ngài!

Ngài không làm ngơ trước Mẹ Thánh và các bạn hữu. Ngài gặp riêng từng người để khuyên bảo và khích lệ tùy theo nhu cầu cần thiết. Rồi trong lúc tụ họp đông đủ sau bữa tối, Ngài tâm sự lần chót với mọi người. Lúc đó, Ngài có được những lời âu yếm cảm động với họ hơn lúc nào hết. Và không bao giờ Ngài đưa tinh thần đức tin, đức ái và lòng can đảm của họ lên cao bằng lúc này. Ngài ca tụng vẻ xinh đẹp của đức hy sinh chịu đựng. Ngài nói: ‘Các người sẽ phải đau khổ trong khi thế gian vui mừng. Nhưng niềm vui của các người một ngày kia sẽ được trọn vein. Thế gian đã hành hạ Ta, thì cũng sẽ bách hại các người. Nhưng, các người đừng sợ chi cả: Ta đã thắng thế gian rồi. Khi Ta bị treo lên thập giá, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.’

Chúng ta hãy tìm hiểu thấu đáo lời đảm bảo này đối với chúng ta! Ngài muốn nói cho cả chúng ta nữa. Hãy tiến vào đời sống siêu nhiên, đời sống có điều kiện là đau khổ khi còn ở dưới thế này. Đó cũng là điều kiện của Thầy Chí Thánh. Chúng ta sao nỡ không chia sẻ điều kiện đau khổ đó với Ngài? Dĩ nhiên chúng ta không cần phải khước từ các giờ phút nghỉ ngơi mà Chúa đoái thương dành cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải đón nhận với cả tình mến các giờ phút phiền muộn đen tối khác. Lạy Chúa Giêsu, chúng con luôn luôn vui buồn như Chúa và cùng Chúa!

 

THÁNH Ý CHÚA CHA

Mối bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu vẫn là Chúa Cha. Chắc rằng tâm tư Ngài không bao giờ rời khỏi Chúa Cha. Tuy nhiên, đây là lúc Ngài cần phải dâng lên Chúa Cha lời nguyện tha thiết nồng nàn nhất. Ban đêm thường là giờ phút thuận tiện cho Ngài cầu nguyện, và để Ngài sống một mình với Chúa Cha. Vạn vật yên lặng triền miên trong giấc ngủ. Ngài quỳ gối, cúi đầu tôn thờ Chúa Cha và nhắc lại lòng ao ước của mình là muốn phục hồi vinh quang Chúa Cha bằng chính giá máu của mình.

Nhìn thấy Con Một phủ phục dưới chân xin làm vật hy sinh hiến tế, Người Con mà Ngài hết lòng thương mến, Chúa Cha trên Trời sẽ cư xử thế nào? Phải chăng Chúa Cha sẽ đem lời an ủi? Không, mà trái lại còn gửi thêm nhiều thử thách khác. Thiên Chúa cũng thường hay đối xử như vậy với các tâm hồn quảng đại, để tinh luyện nhân đức họ hầu xứng đáng lãnh nhận phần phúc đời đời. Đối với Con Một, vật hy sinh hiến tế, Chúa Cha thấy những giờ phút đau khổ trong cuộc thương khó chưa đủ, nên Ngài muốn rằng mỗi lần liên tưởng tới cuộc tử nạn cũng là một cuộc tử nạn rồi. Hôm nay đây, khi chờ đợi cuộc tử nạn đến, Người Con đó cảm thấy sợ hãi hơn bao giờ hết, và nỗi lo sợ đó cũng giống như nỗi lo sợ của chúng ta khi đứng trước tai nạn sắp đến, chắc chắn sẽ đến, dường như có thể sờ chạm thấy được.

Một hôm, Thầy Chí Thánh nói với một thánh nữ rằng: ‘Cha sẽ tăng thêm cường độ nhạy cảm cho con!’ Và lúc này đây, lúc mà sắp dấn thân vào cuộc hiến tế đẫm máu, Chúa Cứu Thế cảm thấy nổi dậy muôn vàn tâm tình cơ cực khi liên tưởng tới giây phút chịu nạn. Chính Chúa Cha muốn thế và xui khiến nên vậy. Tại sao lại như vậy? Chúa Cha hành động như thế là vì tình yêu. Nhưng có lẽ chúng ta đã hiểu sai về một trái tim của Thiên Chúa. Chúa Cha thấy Con Một mình trọn hảo trong mọi sự. Do đó, nơi một nạn nhân cái gì là tiêu biểu nhất nếu không phải là việc biến người ấy trở nên một nạn nhân đúng nghĩa nhất, đó là chịu đóng đinh cách dữ dội nhất?

Chúng ta hãy tỏ thái độ ngạc nhiên với tâm tình cầu nguyện và tinh thần đức tin sâu xa.

 

VÂNG PHỤC  CHÚA CHA TRONG MỌI SỰ

Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ chứng kiến cuộc hy sinh xảy ra vào một ngày trọng đại nhất lịch sử. Lúc này đây, chúng ta hãy suy niệm cuộc hiến tế diễn ra tại nhà Bêthania, dưới màn che huyền bí của đêm chờ đợi.

Chúng ta sẽ nhìn thấy gì? Đâu là chứng tích hiến lễ hy sinh? Chúa Cha đáng mến bày ra trước mắt Con Một dấu yêu mọi cực hình, từng chi tiết một mà Người Con sắp phải chịu. Chúng ta nghe được gì? Mỗi khi Chúa Cha đưa ra trước mắt Chúa Con một nhục nhã hay đau khổ nào, Chúa Con đều trả lời: thưa Cha vâng, con xin sẵn lòng nhận tất cả. Nhân ý của Ngài cũng vậy, luôn kết hiệp làm một với thiên ý và vươn lên tới mức độ thực sự là thần linh. Nhân ý và thiên ý nơi Chúa Cứu Thế kết hợp làm một. Ôi tâm hồn Chúa đầy sức lực, đầy an ủi và ngời chói ánh vinh quang!

Thực là bài học quý báu cho chúng ta! Thiên Chúa thấy trước, sắp đặt và cho phép xảy đến cho chúng ta những cơ cực đủ loại, từ điều nhẹ nhàng nhất cho đến tai họa lớn lao hơn. Chớ gì những lúc nhận lãnh đau khổ, chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu mà kêu lên rằng: vâng lạy Chúa, ý chí con hợp với ý chí Chúa Giêsu và hòa nhập làm một với Ngài, hai ý chí chỉ trở nên một.

Như thế các hành vi chúng ta đều mang sắc thái thần linh, vì nguyên tắc của tất cả đời sống luân lý đều hệ tại ở ý chí tự do con người. Và rồi chúng ta có thể nói lên lời đầy ngưỡng mộ rằng: mãnh lực thay, an ủi thay và vinh quang thay cho tâm hồn Kitôâ hữu nào biết sống đơn sơ hèn mọn theo thánh ý Thiên Chúa!

Vào những thời kỳ cam go của cuộc đời, những giờ phút hướng về tương lai chỉ thấy toàn một màu đen tối, chúng ta hãy chạy đến tìm ơn phúc trọng đại đó nơi Thiên Chúa. Hãy thân thưa với Ngài: lạy Cha, mọi đau khổ đang vây bọc đời sống con, Cha đã nhìn thấy trước tất cả, và Cha đã muốn như thế. Chính bàn tay Cha xếp đặt mọi sự để con lãnh nhận. Con xin tôn thờ bàn tay Thiên Chúa ấy. Đó là bàn tay của một người Cha thương yêu, con xin dâng trao với tâm hồn trìu mến. Xin ý Cha luôn luôn được thể hiện nơi con và qua con. Và người Cha chí ái này sẽ nói thêm: con ơi, con nên biết rằng, qua cách cư xử như vậy là con đã đóng góp một phần đáng kể vào vinh quang của Cha. Máu chảy từ các vết thương của con sẽ hòa lẫn vào máu cứu chuộc của Con Một yêu dấu Cha, hầu hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian.[1] Còn gì danh dự hơn cho con nữa đâu! Đối với các thánh của Cha, đó là hạnh phúc lớn lao nhất mà các ngài hằng ước ao.

Hãy bày tỏ tâm tình yêu mến với Chúa Cha trên Trời, và tâm tình trìu mến với Chúa Giêsu! Khiêm nhường cảm tạ các Ngài. Chấp nhận mọi thập giá gửi đến trong cuộc sống, và hối lỗi đã qua. Từ nay tôi sẽ không để đau khổ dằn vặt tôi nữa.

 



[1] Thánh Phaolô nói: ‘Nay tôi vui mừng về những đau khổ phải chịu vì anh em. Và tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót nơi các đau thương Chúa Kitô phải chịu vì nhiệm thể Ngài là Hội Thánh’ (Col 1,24)