BÀI THỨ 311

NHỮNG ÂM MƯU NHAM HIỂM

 

VIỄN TƯỢNG CUỘC CHỊU NẠN

Tiếp tục bài suy niệm hôm qua, chúng ta hãy hình dung lại cảnh tượng đêm sầu khổ ấy. Thầy Chí Thánh đang còn quỳ gối, đầu cúi sâu như để nhận lãnh từ tay Chúa Cha từng đau khổ đang chờ đợi Ngài. Lúc này mới chỉ là những đau khổ tinh thần: Chúa Cha bày ra trước mắt Ngài mọi chi tiết của thảm kịch sắp diễn tiến trên sân khấu Giêrusalem mà ít giờ phút nữa Ngài phải đương đầu. Như thế có khác gì lưỡi dao nút sâu vào trái tim Ngài và lúc rút ra càng khơi vết thương cho thêm đau đớn?

Để phục hồi ơn cứu rỗi chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh cả Con Một Ngài! Ôi mầu nhiệm thay lòng xót thương thần linh!

Lúc đó Chúa Giêsu nhìn thấy trước những gì? Ngài nhìn thấy các đối thủ gồm nhĩm biệt phái, văn nhân, tư tế và kỳ hào đang âm thầm ra khỏi nhà. Họ lẩn đi đâu trong đêm tối vậy? Họ đến  dinh thầy cả thượng phẩm để hội họp. Tề tựu đông đủ, ai nấy ngồi vào chỗ riêng xếp theo chức bậc địa vị, họ sắp luận xử người Galilê cô thế kia.

Và Chúa Giêsu nhận ra từng gương mặt, gương mặt cố che dấu sự thù oán qua mặt nạ giả hình. Ngài nghe từ môi miệng họ thốt ra những lời bóp méo sự thật của lời Ngài giảng, diễn tả sai lạc ý kiến Ngài, gán ghép cho các phép lạ Ngài thực hiện là do ma quỷ can thiệp, chúng bảo nhau tuyên truyền trong dân chúng thuộc sẵn để tự thốt ra tất cả những lời tố cáo đầy vu khống đó khi cần thiết.

Nhìn và nghe tất cả mọi điều trên mà không có thể phản đối hay bào chữa, thực là cơn thử thách cam go dữ dằn cho Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cảm nhận nỗi cơ cực của Ngài! Hãy ngưỡng mộ đức bình tĩnh chịu đựng đau đớn của Ngài. Hãy nhìn ngắm Ngài để Ngài có thể đọc được trong đôi mắt chúng ta mối thương cảm đối với Ngài, một mối thương cảm bất toàn, nhưng thành thật.

Tuy một vài bạn hữu của Chúa cố gắng minh oan cho Ngài nhưng vô hiệu. Tiếng nói của họ bị lấn át bởi những tiếng la lối om sòm và nguyền rủa. Chúng ta hãy cảm thông nỗi khổ tâm của họ. Có lẽ họ quá nhút nhát như phần đông các người lương thiện trong mọi thời đại. Lên án họ là một điều quá khắt khe và liều lĩnh. Tốt hơn là hãy hỏi lòng mình xem, đứng vào hoàn cảnh họ chúng ta có thể làm được gì. Biết đâu chúng ta lại nhút nhát không dám hành động ngay cả trong những trường hợp không mấy cam go như thế. Liệu chúng ta có lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu và Hội Thánh Ngài khi khả năng và hoàn cảnh cho phép dễ dàng không?

 

TỘI ĐÁNG KẾT ÁN

Tuy thế buổi họp vẫn không đi tới đâu. Không có lời tố cáo nào rõ ràng và đầy đủ bằng chứng. Người thì bảo: ông ta xách động dân chúng, gây xáo trộn trong dân, mà bổn phận chúng ta là phải bảo vệ trật tự công cộng. Người khác thêm vào với giọng khinh bỉ: ông ta tự xưng là vua, đó là điều vô cùng lố bịch, nhưng dân chúng lại bị đánh lừa quá dễ dàng, nếu như họ tin vào vương quyền giả hiệu này, thì người Roma sẽ nghĩ sao? Biết đâu mẫu quốc sẽ tước đoạt cả mọi quyền bính còn lại nơi tay chúng ta thì sao!

Và giữa tiếng ồn ào của bao lời trao qua đổi lại, vị trưởng tế đứng lên, đó chính là Cai Pha. Ông muốn dùng tới quyền thượng phẩm của mình để giải quyết vấn đề. Cả hội nghị yên lặng lắng tai nghe. Với giọng trịnh trọng, ông phán quyết: Ta đã định án rồi. Người này phải bị khai trừ. Dầu sao nếu hắn có vô tội thì chúng ta chẳng hệ gì. Một người chết để cứu cả dân tộc là điều phải lẽ.

Cả hội trường đồng thanh tán thành bản án vô nhân đạo của vị chủ tọa. Tin Mừng ở đoạn này đã ghi chú rằng năm đó có Cai Pha là thầy cả thượng phẩm. Thiên Chúa dùng ông để nói lên lời tiên tri hàm chứa một chân lý vượt trên cả ý tứ ông muốn nói: phải, người vô tội ấy sẽ phải hy sinh, nhưng sẽ trở nên ơn cứu chuộc cho muôn dân.

Chúng ta hãy đi vào tâm tình Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy cả hội nghị đứng lên hoan hô tán đồng bản án hung bạo: Ngài cảm thấy hai tâm tình trái nghịch. Một đàng thì sự sợ hãi tự nhiên nổi dậy khi nhìn thấy cuộc nhục hình dữ dằn. Đàng khác Ngài cảm thấy mãn nguyện vì có thể đổ máu để vãn hồi vinh quang Chúa Cha, đồng thời để cứu chuộc chúng ta hết thảy.

Hãy tỏ lòng ngưỡng mộ, tạ ơn, thông cảm với Ngài! Tâm hồn chúng ta lại không rung động với tâm tình quảng đại trước cảnh tượng này sao?

 

CUỘC TRAO ĐỔI CỦA NGƯỜI PHẢN BỌÄI

Lệnh tử hình thế là được tuyên bố. Không còn ai nghi ngại gì nữa. Những người có tâm địa bần tiện thở phào thỏa mãn. Nhưng đầu óc họ lại đối diện với một bận tâm nan giải: hành động đó có gây nên nổi loạn nơi dân chúng không? Dù chúng ta cố gắng ngăn chặn thế nào, nhưng dân chúng cứ ngày một chạy đến với người đó. Nên chúng ta cho thuộc hạ bắt ông ta vào dịp lễ thì e rằng dân chúng sẽ tìm cách đánh tháo. Và như thế ông ta luôn luôn thoát khỏi tay chúng ta. Việc làm chính đáng của chúng ta do đó lại chuốc thêm thất bại ê chề. Lúc này dân chúng vẫn còn chống đối chúng ta mạnh lắm. Thôi đừng có vội vã đốt giai đoạn mà làm gì? Như vậy là liều lĩnh không đúng lúc? Cứ để sau lễ Vượt Qua rồi hãy tính. Lúc đó khách hành hương trong và ngoài nước đã tản mát, thành phố không còn ai, chúng ta tính lại nước cờ cũng chưa muộn gì, mà có lẽ đó mới là lúc thuận tiện để hành động.

Ý kiến trao đi đổi lại xem ra chín chắn khôn ngoan đấy, nhưng những kẻ hiếu động vẫn lo âu và chưa thỏa mãn, họ biện bác rằng: phải hành động ngay bây giờ vì ông ta đang ở trong tầm tay chúng ta. Để mai mốt mới ra tay, chúng ta biết ông ta ở đâu mà tìm.

Giữa lúc đó một tên gia nhân thày cả thượng phẩm dón dén bước lại gần vị chủ tọa tâu: thưa ngài, có một môn đệ của tên Giêsu muốn xin hầu kiến Ngài. Anh ta nhất quyết rằng ngài sẽ tiếp ngay tức thì nếu Ngài biết anh ta đến đây vì chuyện gì. Ông Cai Pha quay về phía cử tọa rồi nói vừa đủ lớn cho mọi người nghe: Cho vào! Cho vào! Rồi mọi người đều lên tiếng: Chúng ta muốn nghe hắn nói gì. Tên đầy tớ đi ra, và một lúc sau người ta thấy một người khác đi vào, dáng điệu nhất quyết, đôi mắt gian giảo, gương mặt khó thương. Hình như anh ta biết rõ mình đang ở đâu, biết cả chuyện hội nghị đang âm mưu bàn tính. Do đó không cần chờ người ta hỏi, không cần xưng danh tính, anh vào đề ngay: ‘Các ông trả tôi bao nhiêu nếu tôi nộp người đó cho các ông?

Từ Bêthania, Chúa Giêsu đang nhìn và nghe người môn đệ bất trung thương lượng giá cả nộp Thầy. Có ai ngờ được con người ấy lại nộp Thầy mình, cử chỉ và lời nói của anh ta đập vào giác quan nhạy cảm của Thầy Chí Thánh tạo nên niềm đắng cay chua chát. Đó mới là viễn tượng trong tương lai thôi.

Còn lúc này đây, Ngài thương hại và đau xót nhìn Giuđa, một sứ đồ được tuyển chọn, một người bạn tâm phúc tri kỷ bí mật của Nước Trời. ‘Hỡi bạn cùng ăn một tấm bánh, cùng đi một đoạn đường với Ta, bạn lại nỡ phản bội đem bán Ta vì đồng tiền sao?’ Chúng ta hãy đem lòng thương cảm nỗi niềm đau đớn của Chúa Giêsu chí ái.

Hãy ngưỡng mộ sức chịu đựng nhẫn nhục cao cả nơi Ngài: Ngài có thể dễ dàng đập vỡ toan tính của kẻ phản bội, nhưng đã không làm. Chúng ta không thể tìm thấy nơi Ngài mảy may giận dữ hay thù oán. Trái tim Ngài rộng lượng đến nỗi cho đến giờ phút chót vẫn sẵn sàng cứu vớt kẻ bất trung.

Chúng ta thử đưa mắt nhìn vào bàn tiệc ly, Ngài không đuổi hắn khỏi bàn tiệc Vượt Qua. Ngài rửa chân cho đương sự như các sứ đồ khác. Tại Vườn Cây Dầu, Ngài vẫn đến để nhận chiếc hôn phản bội.

Thày cả thấy một kẻ quá hèn mạt đứng trước mặt mình, ông muốn che dấu sự quan trọng của vấn đề và đưa ra một giá khinh bỉ là ba mươi đồng bạc, tương đương với số tiền chuộc một người nô lệ. Thật là quá ít, nhưng cả Hội Đồng đã ấn định, nên Giuđa không nài nẵng phản đối nên đành chấp nhận.

Thật là nhục nhã cho Chúa Giêsu dường nào: bị người bạn tâm phúc đem bán với giá tiền mua một nô lệ!

Lạy Chúa Giêsu, đức khiêm nhường của Chúa vượt hẳn trên sự nhục nhã vì Chúa chấp nhận nỗi nhục ấy với tất cả tình yêu mến. Tại sao vậy? Vì Chúa muốn chuộc lại mọi điều lăng nhục do tội kiêu ngạo loài người đã xúc phạm đến Chúa Cha, và để dậy cho chúng con bài học muôn thuở.

Hãy tỏ lòng ngưỡng mộ và bày tỏ các tâm tình âu yếm. Nuối tiếc về thái độ sợ hãi, né tránh những nhục nhã nhỏ mọn. Bao lần chúng ta bỏ qua dù chúng ta có thể lãnh nhận!

Đặc biệt ngạc nhiên trước một tình yêu không gì có thể làm đổi hướng, nhưng trái lại sẵn sàng tha thứ tất cả cho người đang tâm phản bội.

Nhiều tâm hồn nghi ngờ chưa thấu hiểu trái tim rộng lượng của Chúa Cứu Thế, nên bao lần họ đã băn khoăn tự hỏi không biết tội lỗi mình đã được Chúa tha thứ chưa, hoặc khi mới có một chút lơ là mà đã thắc mắc cho rằng như thế là mình đã bỏ, đã đoạn tuyệt với Chúa rồi?

----------o0o--------