BÀI THỨ 314

CHÚA GIÊSU ĐỐI XỬ VỚI GIUĐA

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Để hiểu được bài nguyện ngắm này thấu đáo, cần để ý hai điểm chính yếu sau đây:

1. Duy có mình Thiên Chúa mới biết được các quyết định trong ý chí tự do của sinh vật có tự do. Tất cả đều hiện diện đồng thời trước cái nhìn vô tận và vĩnh cửu của Ngài. Đối với Ngài không có tương lai, không có quá khứ, nên Ngài không can đoán trước mà đúng hơn là Ngài nhìn thấy tất cả cùng một trật. Quyền năng phát sinh từ bản tính này của Ngài không thông truyền cho ai cả, ngay đến nhân tính nơi Chúa Giêsu Con Một Ngài cũng không. Nhân tính Chúa Giêsu không biết toàn diện mỗi thụ tạo với bao nhiêu phạm vi, như luật lệ, nguyên nhân, hiệu quả. Ngài (nhân tính) không đủ kiến thức để có thể nhìn thấy trước các sự kiện tương lai sẽ xảy ra theo ý chí tự do chúng ta. Giữa nhân tính và Thiên Tính nơi Ngài có khoảng cách biệt vô tận.

2. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể thông truyền vào nhân tính Chúa Giêsu các sự kiện tương lai hiện diện trong tâm trí Ngài bằng cách mặc khải. Các mặc khải tạo nên cái mà người ta gọi là kiến thức thiên phú. Chúa Giêsu được phú bẩm rất dồi dào kiến thức này, nên Ngài biết được hành vi phản bội của Giuđa. Khi còn theo Chúa Giêsu, Giuđa còn là con người lương thiện. Ông tỏ ra rất tận tâm. Và Chúa Giêsu hành động theo các nguyên tắc nhân loại chúng ta, nên khi chọn gọi Giuđa Ngài dựa vào các tiêu chuẩn tự nhiên lộ ra bên ngoài, và suy đoán theo trí khôn nhân tính.

 

NGUYỆN NGẮM

Khi mặc khải hành vi phản bội của Giuđa cho Chúa Giêsu, Chúa Cha nhắm tới hai sự việc: trước hết là mở cho Chúa Giêsu một môi trường rộng lớn để có thể giãi bày các nhân đức của Ngài. Đồng thời qua mẫu gương nổi bật này, Chúa cho chúng ta một bài học chắc chắn và niềm xác tín về các đòi hỏi của nhân đức Kitôâ giáo.

 

CHÚA GIÊSU ĐỐI XỬ CÔNG BÌNH

Vì đã được Chúa Cha thông ban ánh sáng thiên phú, nên Chúa Giêsu có bổn phận phải giữ bí mật điều đã được ủy thác. Chúa Giêsu chấp nhận các hậu quả do Chúa Cha đòi hỏi: không tiết lộ gì trước thời điểm mà sự việc sẽ xảy ra, không để dấu gì tỏ lộ ra bên ngoài. Chúa Giêsu sẽ tuyệt đối giữ bí mật này.

Chúng ta thử quan sát Ngài trong nếp sống thường ngày. Đó thực là bằng chứng chắc chắn nhất: cho tới trước ngày chịu chết, Ngài không bao giờ nói một lời hay tỏ dấu hiệu nào về điểm này. Mỗi buổi sáng khi Giuđa đến nhận hôn bình an, Chúa Giêsu không hề tỏ thái độ chán nản, nhăn mặt bất mãn hay hắt hủi. Ôi, một cái hôn mai này sẽ gây nên thảm kịch đẫm máu! Chúa Giêsu vẫn đối xử với ơng như với các người khác, cũng giọng êm ái với tiếng nói dịu dàng. Ngài tỏ ra tín nhiệm hắn đến nỗi trao cho hắn giữ túi tiền chung để chi tiêu về các nhu cầu vật chất, vì thấy hắn có khả năng lo việc quản lý.  Lạy Chúa Giêsu, con hết lòng ngưỡng mộ Chúa và mong Chúa tín nhiệm con!

Giữ bí mật ở tận tâm tư, đồng thời vẫn nói năng, hành động, vui vẻ với những người mà chúng ta biết chắc là bất xứng: đó là bài học cao quý rút ra từ mẫu gương lớn lao kia. Vị linh mục có bổn phận tương tự: điều nghe ở tòa cáo giải thì phải tuyệt đối vô tư. Ngài không có quyền khinh bỉ các tội nhân. Mọi bí mật dù ở ngoài tòa cáo giải, nhất là các điều quan trọng, cũng đều bắt buộc giữ bí mật. Người nghe và nhận các bí mật chẳng khác gì một nhà kho giữ gìn vật dụng, nhưng không được quyền sử dụng.

 

CHÚA GIÊSU ĐỐI XỬ BÁC ÁI

Nếu trong hai trường hợp này, đức công bằng bắt buộc phải có thái độ dè dặt tuyệt đối, thì đức bác ái cũng có thể có những đòi hỏi tương tự. Thực vậy, nếu không có lý do quan trọng thì không được tước đoạt hay làm giảm thanh danh của người khác. Thanh danh thì  quý hơn bất cứ điều lợi ích nào khác, nó là điểm tựa thần diệu của ý chí. Người Kitôâ hữu buộc phải yêu tha nhân như bản thân mình.

Do đó họ có bổn phận không được tiết lộ những lỗi lầm chưa ai biết, cũng không được quả quyết về điều mình còn hồ nghi. Họ không những phải giữ gìn lời nói, mà phải ý tứ đến cả mọi thái độ nữa. Họ không được lợi dụng ánh mắt cử chỉ cũng như kiểu nói úp mở, hay thái độ khinh bỉ để ngụ ý tỏ lộ một điều nào đó.

Nói đúng ra, đức ái không đòi buộc gay gắt, tức là không được khinh rẻ tha nhân như đức công bằng, nhưng thiết tha khuyên không nên làm việc đó. Thái độ khinh người biến tâm hồn chúng ta trở nên chua ngoa, làm ảnh hưởng không hay đến tâm tình yêu Chúa dịu dàng và trong sạch, và cuối cùng hầu như bao giờ cũng đưa tới chỗ tọc mạch đáng tiếc. Một tâm hồn sống khiêm nhường thực sự, thay vì khinh miệt tội nhân, thì nhìn nhận hiện trạng cá nhân mình cũng bi đát không kém nếu không có ơn thánh tiếp cứu  cách đặc biệt, và tương lai mình sẽ thế nào nếu mất đi các ơn đó.

 

PHẦN ÁP DỤNG

Chúng ta hãy hình dung lại cảnh tượng Chúa Giêsu đón tiếp Giuđa. Bên ngoài Ngài luôn có thái độ bình thản và tỏ ra niềm nở. Bên trong chỉ có hơi khác một chút: đau khổ nhưng không cay cú. Ngài vẫn thương yêu thật tình, luôn quý yêu những tính tốt của cá nhân.

Và Ngài giữ mãi thái độ này cho tới chết! Chúng ta hãy ngưỡng mộ và thán phục vẻ dịu dàng hiền từ của Ngài khi nói chuyện với Giuđa, luôn tín cẩn khi nhờ hắn giúp đỡ việc gì, vẫn nhã nhặn lịch thiệp khi trao đổi tình âu yếm với hắn.

Hãy cố gắng suy gẫm về cảnh tượng này để nhập tâm tình bác ái sâu đậm mà ít có ai thực hành và tìm hiểu thấu đáo. Sau đó, chúng ta thử đưa mắt nhìn về cách cư xử của ta và các tâm tình bên trong xem có giống Chúa không. Biết bao điều lệch lạc phải quyết định sửa đổi: dốc quyết để có cái nhìn cao thượng hơn, cải tiến các thói quen tập quán, và yêu mến tha nhân, yêu mến cả kẻ thù theo tinh thần Chúa Kitôâ. Để có thể dốc quyết thì cần phải có ơn thánh trợ lực. Hãy xin ơn hộ giúp nhờ vào các công trạng của gương mẫu Chúa Giêsu, luôn bước theo Ngài với tất cả tình yêu mến.

Lạy Chúa Giêsu, vì muốn soi sáng và hướng dẫn con, Chúa mới cư xử như vậy! Con muốn học theo cách sống của Chúa với bất cứ giá nào. Nếu có phải thực hiện cử chỉ anh hùng thì đã có ơn Chúa giúp con rồi. Ôi! kinh nghiệm cho thấy rất ít tâm hồn Kitôâ hữu thực hiện nổi hai nhân đức công bằng và bác ái. Phải nhận rằng người đời có rất nhiều gương sáng về thận trọng và trung tín. Hình ảnh tương phản này khiến chúng ta phải nhục nhã biết bao.

Hãy suy nghĩ và duyệt xét lòng mình xem. Cầu nguyện xin ơn can đảm mổ xẻ cặn kẽ vấn đề.