BÀI THỨ 320

RỬA CHÂN CHO CÁC SỨ ĐỒ

 

+ Tiền nguyện: Phần đầu bữa tiệc đã qua, chén rượu nho đỏ đã chuyển đi lần thứ nhất. Chúa Giêsu đã gợi đến cái chết sắp tới và việc trở về Trời qua lời tâm sự: ‘Thày sẽ không còn uống thứ rượu này nữa cho tới khi uống với chúng con thứ rượu mới ở nhà Cha Thày.’ Ngoài những diễn tiến theo luật ghi, Ngài xen vào tư tưởng tương tự dưới một hình thức khác: ‘Thày sẽ không còn mừng lễ Vượt Qua nào nữa cho tới khi mừng lễ Vượt Qua đích thực với chúng con.’ Các liên tưởng gợi ý về cái chết sắp đến của Ngài được tỏ lộ.

Cũng trong bữa ăn này, Ngài nói về sự phản bội, và ám chỉ cách kín đáo đến tên phản phúc. Chúng ta có thể tưởng tượng lại được niềm xúc cảm của mọi người. Gương mặt Chúa Giêsu đượm nét buồn vô hạn nhưng không có vẻ gì là cay đắng. Các Sứ Đồ lo sợ đưa mắt nhìn nhau. Duy Giuđa vẫn bình thản như không. Chúa không chỉ rõ mặt tên phản phúc. Giờ đây, một cảnh tượng vô cùng lạ lùng diễn ra, nhưng than ôi nó không đưa lại nhiều ngạc nhiên, vì quá quen thuộc với chúng ta rồi. Dẫu sao chúng ta cũng hãy cố gắng chăm chú suy niệm để hình dung được một cách sống động cảnh tượng đó.

Chúng ta hãy nhìn Thầy Chí Thánh rời đi-văng, cởi áo ngoài, thắt dây lưng với mảnh vải tầm thường và đổ nước vào một cái chậu rồi quỳ xuống trước từng Sứ Đồ để rửa chân cho họ. Xin ơn hiểu biết sâu xa về cử chỉ khiêm hạ và các bài học tiềm ẩn trong việc làm ấy.

 

THIÊN CHÚA HẠ MÌNH XUỐNG LÀM TÔI TỚ

Trên đời này có ai mà lại hạ thấp giá trị mình đi như thế không? Ngài chỉ là một con người, nhưng một người ở bậc Thày, các Sứ Đồ là môn đệ của Ngài. Ngài là Tiên Tri và là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Thế nhưng các danh hiệu đó có là gì đâu so với những vẻ cao cả chứa đựng bên trong! Ngài là người như chúng ta, đúng như vậy, nhưng cả nhân loại hợp lại đem so bên Ngài cũng chẳng thấm vào đâu! ‘Cha Thày đã trao ban toàn quyền trên Trời dưới đất cho Thày.’ Vậy Ngài là Hoàng Đế thống trị mọi loài thụ tạo, thống trị loài người dưới đất cũng như các thiên thần trên Trời. Và còn có thể nói: Ngài còn cao trọng hơn tất cả mọi thụ tạo đó hợp lại, vì tuy là người nhưng là một người khác hẳn mọi người, hơn hẳn mọi người. Ngài không là Thiên Chúa với nhân tính nhưng thực sự là Thiên Chúa bởi Ngôi Vị. Nơi Ngài không có nhân vị như chúng ta, mà chỉ có Ngôi Vị Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài như cá vị, nên nếu như Ngôi Lời không thể thông chuyển sang nhân tính chính Thiên Tính vì tự nó là không thể chuyển thông được, thì ít ra cũng mặc cho nó cái địa vị của mình. Do đó nhân tính nơi Chúa Giêsu cũng đáng được chúng ta quỳ gối tôn thờ.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng Vị Chúa làm Người ấy đang đứng, trán ngẩng lên cao. Hãy đi sâu vào tâm hồn Ngài. Ôi, thực là cảnh tượng phi thường chưa từng nghe biết! Tâm hồn cao cả của Chúa đang chiêm ngắm cõi vô biên! Nó thấy mình kết hiệp với Ngôi Lời và mặc lấy mọi vẻ huy hoàng của Ngôi Lời, nó đã nhận được nhiều hồng ân và vẻ đẹp muôn thuở, nhận lấy để rồi thông ban cho mọi người những ơn lành trọng đại với tình xót thương vô bờ. Và trong khi quỳ xuống rửa chân cho các Sứ Đồ, chắc chắn Chúa Giêsu liên tưởng tới các điều này. Thánh sử đã khéo léo cho chúng ta biết qua những lời minh bạch: ‘Chúa Giêsu biết rằng Ngài đến từ Cha Ngài và sắp sửa về cùng Chúa Cha.’ Là Ngôi Lời hằng có, quả thực Ngài đã đến từ Chúa Cha, mang theo toàn thể bản tính Chúa Cha với mọi vẻ đẹp, quyền năng và hoàn thiện vô cùng. Là con Người, Ngài cũng đến từ Chúa Cha, nhưng như mọi tạo vật khác, không phải phát sinh từ cung lòng Chúa Cha, mà do hành vi sáng tạo toàn năng của Chúa Cha. Thân xác và linh hồn này là tác phẩm của bàn tay Chúa Cha, và Ngôi Lời từ Trời cao xuống mặc lấy xác hồn đó. Ngôi Lời kết hiệp làm một với xác hồn này và nhờ xác hồn này Ngôi Lời nhập thể, rồi chờ đến ngày vinh quang đem cả xác hồn ấy theo trở về Trời. Ôi cao trọng và vinh quang thay! Chúa Giêsu sẽ luôn mãi là Thiên-Chúa-làm-người. Thiên Chúa sẽ không bao giờ xa lìa loài người.

Khi nói: ‘Thày sắp sửa về cùng Cha Thày’, là môi miệng của con người nói, nhưng con người nói nhân danh Ngôi Lời. Trên bình diện là người, tuy Ngài được tạo dựng như ai khác, nhưng con người của Ngài không bao giờ tách khỏi Ngôi Lời, nên khi nói, sắp sửa về với Chúa Cha, là chính Ngôi Lời nói và Ngôi Lời trở về cùng Chúa Cha.

Hãy thích thú chiêm ngắm tâm hồn Chúa Giêsu yêu dấu ngời sáng với muôn vẻ đẹp. Trên vầng trán, trong thái độ uy nghiêm đó chúng ta thấy được hình ảnh phản chiếu của những điều cao trọng. Chúng ta hãy mở mắt ra mà nhìn xem trước ấn tượng sống động về vẻ huyền diệu lý tưởng. Chúng ta thấy được gì? Một người, và người ấy cởi áo ngoài ra, lấy giây vải thắt lưng, quỳ gối xuống trước từng người đánh cá quê mùa, môn đệ của Ngài đó! Hãy quan sát cử chỉ của Ngài: bàn tay thánh thiện đem đặt chậu nước dưới những bàn chân bụi bặm, đổ nước lên trên mà rửa, rồi lau khô cẩn thận.

Ngài là Ngôi Lời Vĩnh Cửu, ngang bằng với Thiên Chúa Cha mà hạ mình quỳ gối xuống làm công việc thấp hèn của người tôi tớ: một cảnh tượng khó học, một bài học khiêm nhường cảm động! Cảnh tượng đã quá cao cả, thì bài học phải mang đặc tính vô cùng quan trọng.

Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa đáng tôn thờ, và khi làm công việc của người tôi tớ, Chúa càng tỏ ra cao trọng vô ngần! Cao sang với mọi vẻ cao cả của việc hạ mình, trọng vọng với mọi vẻ đẹp tươi của tình yêu thúc đẩy đưa đến hành động ấy.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh, gương mẫu Chúa sống động quá chừng, nó đập vào mắt mọi người và tạo nên ấn tượng sâu đậm khó phai mờ. Gương mẫu ấy có sức thuyết phục lòng người, nó thâm nhập vào tận tâm can và mãi mãi ở đó. Với trọn vẹn tâm hồn, con lắng tai nghe Chúa giải thích về bài học quý báu chứa đựng trong việc làm cao cả ấy!

Bầy tỏ tâm tình ngưỡng mộ một cách tự nhiên, sống lâu giờ trong ấn tượng này khi gợi lại câu chuyện lịch sử ấy. Một điều nữa nên làm là tưởng tượng các chi tiết nối tiếp nhau như chúng đang diễn tiến trước mặt chúng ta vậy.

 

ÔNG PHÊRÔ TỪ CHỐI

Trước hết Chúa Giêsu tiến đến chỗ ông Phêrô ngồi. Nhưng với đức tin sâu xa ông không thể chịu được một giây phút phải nhìn cảnh Thầy Chí Thánh là Chúa Trời đất mà quỳ xuống xin rửa chân cho mình. ‘Ồ không, không khi nào!’ Ông trả lời Chúa như thế với thái độ bộp chộp như thói quen.

Chúng ta hãy cám ơn ông, vì thái độ từ chối của ông, sẽ là niềm an ủi cho chúng ta.

Thực vậy, Ông Phêrô thật là người đáng mến, chúng ta còn trọng kính ông ấy vì ông đã hiểu và cảm thấy việc làm của Thầy Chí Thánh là quá khiêm nhường. Ở trường hợp đó không biết chúng ta có phản ứng được như thế không? Còn đối với các Sứ Đồ khác lại để mặc Chúa làm, thật khó hiểu. Có lẽ đức tin các ông không mấy sâu xa nên không nhìn thấy rõ Thiên Tính nơi Chúa Giêsu dưới bộ áo nhân loại. Một đức tin lu mờ, yếu ớt khó có thể sửng sốt trước vẻ cao trọng vô hình.

Ông Phêrô đáng được ca tụng về hành vi cao đẹp đó. Hành vi này giống như tia chớp loé sáng chiếu soi mọi cảnh vật đang chìm đắm trong đêm tối. Sự phản ứng trước hành động Chúa làm, khiến nổi bật trước mắt chúng ta nhiều vẻ huy hoàng còn đầy ẩn dấu của một trong những tín điều của đạo thánh. Điều mà trước đó chúng ta mới biết mơ hồ, thì từ lúc này chúng ta có thể xác tín trong ánh sáng.

Nếu đưa mắt nhìn vào trái tim Chúa Giêsu lúc này, chúng ta có thể thấy Ngài cảm động giữa sự lãng quên chung của mọi người. Ai mà không thấy hạnh phúc khi gặp được một tâm hồn hiểu và cảm thông với mình! Lạy Chúa Giêsu, trái tim Chúa lúc nào cũng tốt lành như vậy nhưng bị quên lãng vây bọc từ mọi phía. Ước gì thỉnh thoảng con có thể dâng lên Chúa những lời đầy thân tình như thánh Phêrô! Con tin rằng sẽ đem lại cho Chúa niềm an ủi nào đó. Nhưng than ôi, sự thực lại ngược hẳn, con thuộc số những người chứng kiến nhiều hành vi hạ mình của Chúa hàng ngày như trong Phép Thánh Thể chẳng hạn, nhưng con vẫn bình thản làm lơ như người vô cảm. Đã thế, con còn dám nói rằng Chúa không đau buồn gì khi ngự xuống tâm hồn lạnh giá vô thức của con!

Chúng ta hãy nguyện xin cho có được một niềm tin sống động, biết vượt trên mọi dáng vẻ bên ngoài để có thể đưa mắt nhìn sâu vào cõi thăm thẳm nhiệm mầu và truy tìm ra ánh sáng. Hãy hối tiếc về thái độ vô ý thức mỗi lần đón nhận thịt máu, linh hồn và linh tính Chúa Giêsu vào tâm hồn. Xin thánh Phêrô thông chuyển cho chúng ta những hăng say do niềm tin của thánh nhân.

----------o0o----------