BÀI THỨ 321

‘CON KHÔNG DỰ PHẦN VỚI THẦY’

 

LỜI ĐE DỌA ÊM ÁI

Sự chống cưỡng của Phêrô chả kéo dài được bao lăm, thì bị khuất phục trước lời đe doạ êm ái của Thầy Chí Thánh: ‘Nếu Thày không rửa chân cho con thì con không được dự phần với Thày đâu!’ Không, con không được kể vào sổ môn đệ nữa! Không được sống với Thày nữa! Không được chiêm ngắm dung nhan Thày và không được về Trời với Thày! Trước viễn tượng vô phúc này, toàn thân ông Phêrô run rẩy và tức khắc kêu lên cùng với giọng nói bộc phát như lần đầu: ‘Nếu vậy, xin Thày không những rửa chân mà rửa cả tay cả đầu nữa.’ Ông có ý muốn nói: con phải xa lìa Thày ư, lạy Thày Chí Thánh, điều đó không thể được. Thôi Thầy muốn làm gì thì tùy Thày, tất cả mọi sự con có là thuộc về Thày. Xin Thày nhận lấy hết đi! Vắng bóng Thày sao con sống được!  Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của ông Phêrô và biến thành tâm tình của chúng ta. Nếu sợ rằng như vậy là giả tạo thì ít ra hãy tỏ lòng ao ước mạnh mẽ được cảm thấy như vậy.

Bài trước chúng ta đã suy niệm về đức tin khiến thánh Tông Đồ từ chối việc làm quá tự hạ của Thầy Chí Thánh. Trong bài này chúng ta ngưỡng mộ đức vâng lời và tình yêu đã thôi thúc thánh nhân chấp nhận việc Chúa làm. Chúng ta hãy chia vui với Chúa Giêsu vì lòng hăng say tự bộc phát của thánh Phêrô đã đưa lại niềm an ủi cho tâm hồn Chúa. Chúng ta đừng nghĩ ngay đến việc ông Phêrô chối Chúa sau này. Ở đây nên đề cập tới câu trả lời của Chúa Giêsu: ‘Ai đã tắm rửa sạch sẽ rồi thì chỉ cần rửa chân thôi.’ Tại các xứ Phương Đông, người ta quen đi dép, nhưng dù có tắm hàng ngày nhưng phải đi qua lại đường xá, nên bụi bặm dính đầy chân.

Hình ảnh trên đây thật rõ ràng và rất tự nhiên. Lúc này Chúa Giêsu không liên tưởng nghĩ tới các tội nhân, nhưng Ngài ngụ ý các tâm hồn đạo đức, đặc biệt những tâm hồn năng lui tới với Ngài bằng nguyện ngắm và rước lễ hàng ngày. Trên đường dương thế, không ai biết và có thể tránh được bụi bặm tức là những bất toàn hoặc những lỗi lầm nho nhỏ hàng ngày do việc tiếp xúc với người đời.

Chúng ta hãy nhìn đến sự yếu đuối của chúng ta và đem lòng sợ hãi.

 

CON KHÔNG ĐƯỢC DỰ PHẦN VỚI THÀY

Lời đó muốn ám chỉ một khía cạnh đặc biệt khác. Phải chăng chỉ cần sao nhãng việc thanh tẩy các bất toàn và lầm lỗi nhẹ là người ta đã đánh mất Chúa Giêsu và không còn thuộc về Ngài nữa? Chúng ta không nên hoảng sợ mà chỉ nên ý tứ đề phòng. Lời Chúa nói kia là lời khuyến cáo căn dặn. Thực vậy, tâm hồn nào không để ý sửa chữa các lỗi lầm nhẹ và sao nhãng các việc đạo đức thì sớm muộn sẽ rơi vào tình trạng buông xuôi tháo thứ. Sự buông xuôi lại sinh nên hai hậu quả nguy hại khác nữa: làm yếu nhược các ý chí giống như dây cung thả lỏng, và làm nhụt cùn lương tâm, mất đi sự sáng suốt và tinh tế. Người ta không còn để ý chống lại nết xấu, nó không được sửa trị và ngày một thừa thắng xông lên. Đời sống khô khan nguội lạnh chính là căn nguyên gây ra các tội trọng làm chúng ta xa Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhận thức mối nguy hại trong việc gắn bó với các bất toàn và lỗi lầm nhẹ, chúng sẽ khiến tâm hồn yếu nhược dần. Chúng ta mới chỉ nói tới sự gắn bó thôi chứ chưa đi vào chính lỗi lầm đâu. Tội lỗi thường là những hành vi bất chợt hay do tính yếu đuối, và người ta thường hối tiếc ngay sau đó. Còn sự quyến luyến tội là chiều theo tội, tự ý chống lại ơn thánh.

Thế nhưng việc tham phần với Chúa Giêsu nghĩa là gì? Là cuối cùng sẽ được chung hưởng hạnh phúc của Ngài trên Trời. Mà trên Trời thì không thể chấp nhận một mảy may bợn nhơ tội lỗi, do đó tội nhẹ tuy không đóng cửa Thiên Đàng lại một cách vĩnh viễn, nhưng thật là đau khổ cho tâm hồn yêu mến khi vẫn phải xa cách trong một thời gian nào đó. Tâm hồn có lòng tin yêu sẽ nhận thấy điều này thật rõ ràng. Lậy Chúa Cứu Thế đáng tôn thờ, con có thể nghĩ rằng khi lìa khỏi cõi đời, con sẽ phải sống một thời gian lâu, rất lâu mà không được nhìn thấy Chúa không? Ngay dưới thế gian này, con như linh cảm thấy như vậy khi nhìn cách sống của con. Vào giờ phút trọng đại khó quên, Chúa đến gặp con với đôi tay rộng mở. Con đọc thấy tình yêu nồng nàn hiện trên khoé mắt, trong nụ cười của Chúa. Con thấy mình đứng trước chân Chúa. Rồi bỗng chốc được Chúa ẵm lên tay. Thế mà đau đớn và đáng tiếc thay cho con, vì giây phút đó chẳng được bao lâu! Con đã buông mình sống trễ nải với quá nhiều lỗi lầm, quyến luyến với tội lỗi qua bao nhiêu tháng năm. Và con thấy mình xa Chúa, con sống tự mãn một cách mù quáng dù con có thể tìm đến Chúa ít ra trong Phép Thánh Thể. Mà giả như có muốn làm lại cuộc đời chăng nữa, thì lúc đó con cũng chẳng biết làm gì để xa tránh các lầm lỗi và thanh tẩy tâm hồn con cho trinh trong.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con ý thức con đường cứu rỗi này. Và trong những hoàn cảnh nguy hiểm, xin Chúa nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho con rằng: ‘Con hãy coi chừng, đừng nói lời phạm đến đức ái ! Hãy hy sinh cho đức ái ! Hãy hy sinh đừng tìm kiếm sự kính nể của tha nhân. Hy sinh các sở thích tiện nghi này đi nếu con muốn dự phần với Cha.’

Tưởng tượng mình đang rên khóc trong lửa luyện ngục, rồi đưa mắt nhìn lên Trời thấy thoáng nhiều vẻ đẹp mờ mờ xa xa. Trong khi đó thì mình phải sống trong luyện ngục một mình không có Chúa Giêsu! Vì mình đã sống sao nhãng. Quyết sống quảng đại.

 

MỘT KHÍA CẠNH KHÁC CỦA LỜI ĐE DỌA

Chúng ta còn có thể nhận thấy trong lời từ chối lúc đầu của Phêrô một thái độ chống lại ơn thánh. Tuy lời từ chối là do phản ứng tự nhiên, với tất cả lòng thành thật, do động lực tình yêu thôi thúc, nhưng ông Phêrô vô tình mắc một lỗi lầm là đã không hoàn toàn tuân phục như đức từ bỏ đòi hỏi. Sao ông không nhủ mình rằng Chúa Giêsu biết hơn tôi về điều sẽ đem lợi ích cho tôi, nên phải để mặc Ngài làm gì tùy ý. Sự việc đó đưa đến hai nhân đức: lòng trọng kính và lòng tin yêu phó thác. Đức phó thác thì vượt trên lòng kính trọng. Để sửa sai người môn đệ yêu dấu, Chúa Giêsu đánh ngay vào yếu đuối tình cảm. Hình như Ngài có ý nói: Thày là chủ, Thày muốn con phải vâng lời hoàn toàn, nếu không Thày hết tình nghĩa từ đây. Đó là ý nghĩa của lời đe dọa nhẹ nhàng trên.

Chúng ta không làm mất lòng Thiên Chúa khi chúng ta chỉ có những lời chống đối tương tự do lòng trọng kính và do tình yêu mến. Nhưng nếu để khuất phục Phêrô, Ngài dùng lời đe dọa đáng sợ cho một con tim yêu mến: ‘Con không dự phần với Thày nữa’, con không là bạn hữu của Thày nữa, thì chúng ta nghĩ sao về thái độ chống lại ơn thánh mà lý do không mấy chính đáng như sợ phiền đến bản thân, hay hèn nhát trước hy sinh?

Cùng các tâm hồn quảng đại, các bạn cũng nên suy niệm thật kỹ càng về bài học vâng lời và phó thác hoàn toàn này. Khi nào Thầy Chí Thánh mời gọi bạn thực hiện công việc xem ra vượt quá tầm sức bạn hay khiến cho bạn hết được kính nể, bạn hãy cố gắng hãm dẹp mọi sợ hãi và mặc lấy thái độ khiêm nhường để ngoan ngoãn vâng theo! Nếu rõ ràng Ngài muốn lôi kéo bạn đến việc kết hợp chặt chẽ với Ngài mà bạn cảm thấy mình bất xứng thì cũng không nên chống cưỡng như ông Phêrô. Nên nhớ rằng lòng thương xót và tình yêu của Ngài đối với chúng ta vô bờ bến. Chỉ cần ta có lòng thành thật với ý hướng ngay lành và biết nghe theo các lời khuyên dụ khôn ngoan là đủ rồi. Đừng quên một điều quan trọng nữa là Chúa Giêsu nói với chúng ta qua linh ứng nội tâm được kiểm soát bởi lý trí ngay thẳng và tiếng nói có thẩm quyền.

----------o0o----------