BÀI THỨ 323

RỬA CHÂN CHO ÔNG GIUĐA

Điều nổi bật nhất trong việc làm cao đẹp này là bài học về đức khiêm nhường và bác ái Kitôâ giáo. Chúng ta sẽ nghe biết từ chính miệng Thầy Chí Thánh dạy bảo. Nhưng để lãnh hội và thấu hiểu mọi ý nghĩa, chúng ta hãy suy niệm một cảnh tượng lạ lùng khác đó là Chúa Giêsu khiêm nhường quỳ gối rửa chân cho Giuđa.

 

MỘT SỰ TỰ HẠ LẠ LÙNG

Giuđa là ai? Một con người bần tiện, vì tham tiền mà cả gan bán đứng một người mình biết là vô tội với giá ba chục bạc. Một kẻ hèn hạ vì đã phản Thày, bậc Thày đáng kính đã ban bánh ăn hằng ngày. Một kẻ lỳ lợm xảo quyệt, vì cả gan bước vào phòng Tiệc Ly, và giờ phút này không ngần ngại đưa chân ra cho Đấng mà hắn vừa âm mưu bán đứng, để được rửa chân như các người khác.

Chúa Giêsu biết tất cả, đọc biết tâm tư mờ ám ghê tởm ấy, nhưng Ngài vẫn không lùi bước. Ngài thực hiện từng chi tiết cho nghi thức khiêm nhường ấy. Ngài làm không phải với thái độ bực bội chịu đựng, một thái độ trái với tâm hồn cao thượng, nhưng làm với sự nhẫn nhục thê thảm mà bổn phận cao cả đòi hỏi phải chu toàn. Đức khiêm nhường, một khi hoàn hảo có thể hạ mình xuống tới mức thấp hèn nhất và bằng lòng với tình trạng đó.

Lạy Chúa Chí Thánh, khi làm phép lạ và giảng dạy, con đã thấy Chúa quá cao cả rồi, nhưng hôm nay con thấy Chúa còn cao trọng hơn nữa. Chúa vượt xa mọi nhân đức nhân loại chúng con. Có thể nói được rằng hình như Chúa vượt khỏi chính cả bản thân Chúa nữa. Việc khiêm nhường quỳ xuống rửa chân cho Giuđa, một con người bần tiện tột bực, tỏ cho chúng con biết chiều cao thăm thẳm của nhân đức khôn ví của Chúa. Con ngạc nhiên và ngưỡng mộ khôn xiết! Con sung sướng và hãnh diện về Chúa vô ngần!

Đặc biệt nhận biết sự yêu thích của Ngài đối với đức khiêm nhường. Tưởng tượng những tâm tình chúng ta có thể có nếu đứng vào địa vị của Ngài!

 

ĐỨC ÁI KHÔN LƯỜNG

Tôi đã ngạc nhiên trước đức khiêm nhường lạ lùng của Chúa, nhưng tôi sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa nếu đi sâu vào trái tim Ngài. Tôi thấy sáng ngời trong đó một nhân đức cao cả đã khiến Ngài xuống thế làm người đó là Đức Ái cao cả. Như vậy nghĩa là gì? Mục đích và trọng tâm của hành vi hạ mình trên đây lại không phải nhắm tới bài học khiêm nhường sao? Chính Chúa Cứu Thế đã xác định điều đó mà! Chúng ta sẽ nghe Ngài nói rõ ràng về điều này. Hãy chú ý đến những kết hiệp Ngài rút ra từ bài học đó để thấy đức khiêm nhường chẳng qua chỉ là dụng cụ hỗ trợ cho một nhân đức cao cả hơn đó là Đức Ái. Đức khiêm nhường có vai trò chính yếu là làm nền tảng cho toà nhà, còn đức ái xây cất và tô điểm cho tòa nhà ấy thêm phần khởi sắc hơn.

Lạy Chúa Cứu Thế, khi đôi tay thần linh của Chúa cầm lấy chân các môn đệ để thực hiện công việc tôi tớ ấy, Chúa cảm thấy sung sướng biết bao! Trường hợp con tiếp đón người thân hữu từ xa đến với đôi chân đầy bụi bặm nhọc mỏi, không biết con có cảm thấy vui sướng khi rửa chân cho người ấy không! Ôi lạy Chúa, Chúa thương yêu với tình yêu bao la hơn con muôn vàn lần.

Nhưng Giuđa không phải là bạn thân của Chúa nữa. Nếu như hắn muốn trở lại trong tình thân với Ngài thì vẫn còn được, nhưng hắn không muốn điều đó nữa. Chúa Giêsu biết tỏ tường như vậy, nhưng biết bằng tiền tri thức thôi, nên sự hiểu biết này không thay đổi gì về diễn tiến bình thường của sự vật.

Giuđa còn có thể hoán cải. Ơng luôn còn tự do. Và Chúa Giêsu luôn cư xử với hắn như một kẻ có tự do. Ngài đang muốn khơi dậy nơi tâm hồn hắn một thúc đẩy khả dĩ giúp hối cải tìm về ơn cứu rỗi.

Tình yêu Chúa Giêsu quá mãnh liệt nên không thể xa tránh và e dè với một người bạn tội lỗi. Từ thâm tâm Ngài vẫn còn nhớ mối thâm tình cũ. Ngài cảm thấy vết thương rướm máu và sự tan vỡ của tình bạn. Ngài mong con chiên lạc biết đường quay về.

Điều đó thật dễ hiểu vì nếu Ngài luôn nhẫn nại đối với những người mất đức tin như cành nho không còn kết hợp với gốc nho nữa, thì Ngài còn phải có thái độ mời đón hơn thế nhiều đối với Giuđa xấu số, nhưng vẫn còn ở trong đức tin, nhưng tiếc thay ông  lại đi tìm nơi ẩn náu trong thất vọng.

Cách cư xử của Chúa là bài học cho chúng ta trước một kẻ tội lỗi nào đó, khi chúng ta không biết kẻ ấy có trở lại hay không? Vậy chúng ta đừng tỏ ra ác cảm, nản chí và tuyệt vọng. Hãy hành động và bền tâm tới cùng! Lạy Chúa, con xấu hổ vì con đã có thái độ ghê tởm đối với những tín hữu bất hạnh. Tâm tình như thế chẳng đem lại ích lợi gì mà còn giết chết hay ít ra cũng làm tê liệt lòng nhiệt thành nơi họ, người ta chỉ có thể chiếm đoạt các linh hồn bằng tình yêu thôi. Người ta luôn nhạy cảm trước tình yêu, và ác cảm chỉ đưa đến ác cảm, chỉ có tình yêu là đem lại kết quả dồi dào. Tình yêu đích thực đưa đến lòng thương xót.

 

ĐỨC ÁI TẾ NHỊ

Chúng ta hãy suy niệm một khía cạnh khác của đức ái nơi Chúa Giêsu đối với kẻ phản bội. Đức ái chân chính đòi buộc ta không được làm mất thanh danh của tha nhân và giữ sao cho kẻ đó khỏi bị kẻ chung quanh chê ghét. Chúa Cứu Thế đã chu toàn được khía cạnh này của đức ái một cách anh hùng đáng làm bài học cho muôn thuở. Các sứ đồ khác nghĩ sao nếu Ngài làm ngơ hay hắt hủi một người trong nhóm các ông. Như thế các ông sẽ suy ra rằng chính người đó là kẻ phản bội khi Chúa nói: ‘Phải, một người trong chúng con sẽ phản bội Thày.’ Để không công khai chỉ rõ Giuđa, Thầy Chí Thánh giữ thái độ im lặng và cứ rửa chân cho hắn, bàn chân mà một vài phút nữa đây sẽ đi thực hiện công việc ô nhục.

Chúng ta hãy so sánh thái độ tế nhị dè dặt này với tính tự do buông thả của chúng ta khi chúng ta không ngần ngại bêu xấu các lỗi lầm của tha nhân. Lỗi lầm của họ dù có thật đi nữa, nhưng cứ để vậy không cho ai hay biết thì đã sao! Chúng ta đừng khi nào lấy mất của tha nhân cái điểm tựa tinh thần tạo nên do danh giá còn nguyên vẹn. Hành động như thế là chu toàn khăng khít bổn phận người Kitôâ hữu chân chính. Có lẽ trí ngay thẳng của đương sự đã nhận thức được lỗi lầm, và khuyến cáo đương sự cải hóa. Thế nhưng chỉ có đức tin siêu nhiên mới ban sức chu toàn việc đó thôi.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh rất đáng tôn thờ, chính Chúa và gương sáng của Chúa đã gây tin tưởng và lôi cuốn cho con. Nếu con từ chối không theo gương Chúa, nếu con để mặc Chúa thực hiện một mình những hành vi đem lại cho lòng mình niềm đau ấy, thì trái tim con chai đá mất rồi! Còn gì nữa đâu khi con chống đối lại lòng trung thành quảng đại! Một trong các lý do khiến Chúa né tránh việc chỉ rõ Giuđa là có ý dạy chúng con triệt để kính trọng thanh danh của tha nhân.

Thử nhìn lại nếp sống dĩ vãng và kiểm điểm thái độ hiện tại. Tưởng tượng đến một hoàn cảnh nào đó khi chúng ta bị thử thách. Khắc ghi vào tâm trí cảnh tượng Thầy Chí Thánh rửa chân cho ông Giuđa.

----------o0o----------