BÀI THỨ 324

GIẢI THÍCH BÀI HỌC

Tin mừng ghi lại: ‘Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài mặc áo rồi về chỗ và nói với các ông: các con có biết? ‘

Chúng ta hãy hình dung lại Chúa Cứu Thế đang ngồi nơi chỗ vị chủ tiệc. Gương mặt oai nghiêm của Ngài tỏa hiện vẻ trầm tĩnh sau khi chu toàn bổn phận cao cả, và như có một điều linh cảm nào đó để loan báo một mặc khải. Các môn đệ yên lặng chờ đợi.

Chúng ta xin ơn thông hiểu những lời Chúa Giêsu sắp nhắn nhủ các môn đệ, và đừng quên tâm tư Ngài lúc đó cũng hướng về mỗi người chúng ta.

 

TINH THẦN PHỤC VỤ

Qua các bài suy niệm trước đây, chúng ta đã hiểu hành vi tự hạ mình của Chúa khi Ngài rửa chân cho các môn đệ. Chính bản chất công việc cũng nói lên ý nghĩa đó rồi, vậy Thầy Chí Thánh còn muốn dạy thêm gì nữa? Thiên Chúa luôn làm sáng tỏ những điều mà con người còn bán tín bán nghi. Ở đây Chúa muốn đánh tan mọi bóng tối nghi hoặc. Ngài trình bày bài học một cách thật rõ ràng. Vậy, một khi đã nhận rõ bổn phận thì ai nấy phải sẵn sàng chu toàn. Lời Chúa chất chứa đầy đủ sức sống. Hãy nghe Ngài nói: ‘Các con có biết việc ta vừa làm cho các con không? Các con gọi Ta là Thày và là Chúa thì phải lắm, vì Ta thật là như vậy. Vậy nếu Ta là Thày và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương để các con bắt chước.’ Phải chăng ở đây Ngài chỉ muốn nói tới những trường hợp áp dụng khó khăn, và đôi khi không thể thực hiện được? Chắc là không, vì tầm mức áp dụng việc bác ái này rất rộng rãi và dễ dàng thực hiện. Chúng ta hãy đi sâu vào ý nghĩa.

Đâu là đối tượng chính mà Chúa muốn nhắm tới trong bài học này? Suy xét một chút chúng ta sẽ thấy ngay. Đó là sự hợp nhất giữa mọi người. Đức ái là mối dây liên kết mọi người, còn kiêu ngạo là chướng ngại dễ dàng gây nên chia rẽ. Vậy phải loại trừ kiêu ngạo. Kiêu ngạo thường hay xuất hiện nơi những người ở địa vị cao, dù bất cứ lãnh vực nào cũng vậy. Nó làm cho người ta quên đi sự bình đẳng giữa các Kitôâ hữu trong dân Chúa, và rồi khơi dậy nơi tâm hồn lòng khinh chê những người cấp dưới khiến cho họ phải đắng cay.

Sự kiêu ngạo này đã thấm nhập vào bản tính con người, và hầu như nắm quyền thống trị trong mọi thời đại và mọi nơi xã hội loài người. Nó quỉ quyệt không ngừng len lỏi vào mọi chỗ, đến ngay cả trong các cộng đoàn Kitôâ hữu nữa. Trong cảnh tượng chúng ta đang suy niệm thì không thấy xuất hiện óc thống trị tai hại đó. Hội Thánh luôn chống lại óc thống trị qua các giáo huấn. Dầu vậy mặc lòng, Hội Thánh vẫn chịu ảnh hưởng của nó. Các thánh nhân, trong mọi thời đại và tại các nước Kitôâ giáo, đã bảo toàn và khôi phục tinh thần khiêm nhường do việc tình nguyện chọn lấy thân phận tôi tớ, hoặc làm nổi bật với những tấm gương sống động của các Ngài.

 Chúng ta có thể thấy các Ngài luôn luôn qua các thành phần trong cộng đồng dân Chúa: Giáo Hoàng, Giám Mục, Đấng Lập Dòng, Bề Trên Tu Hội, nhà chăn dắt các linh hồn v.v. Các Ngài thành thật tự coi mình như tôi tớ sống giữa anh em và khiêm nhường chu toàn bổn phận tôi tớ ấy. Cũng không thiếu những người cha, mẹ trong gia đình hay người chủ trong các xí nghiệp biết nêu gương phục vụ đúng tinh thần Kitôâ Giáo, điều đó giúp họ thi hành quyền bính một cách mềm dẻo.

Giờ phút này, chúng ta hãy nhìn vào chính bản thân. Chúng ta đã hiểu vẻ cao trọng và tươi đẹp của tinh thần t nguyện phục vụ chưa? Đã có lần nào thực hành chưa? Hãy tỏ lòng hối hận, và tìm một vài điều dốc quyết quảng đại.

 

 

QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN

Tinh thần Kitôâ giáo đó thuộc bản chất siêu nhiên và khi xâm nhập vào bản tính sa đọa chúng ta, nó giống như những cây bị biến dạng do việc canh tác, đang cố gắng âm thầm để trở về hình thức ban đầu. Vậy chúng ta hãy coi chừng các tâm tình và phương cách hành động. Hãy đề phòng ảnh hưởng nguy hại của các gương mẫu đối nghịch được dư luận tán đồng.

Chúng ta hãy cố gắng am hiểu điều mà thế gian không hiểu. Nếu muốn sống tinh thần thương yêu khiêm nhường và nhân từ như Chúa Giêsu dạy, chúng ta hãy trở về nơi nguồn thật. Ở chính nguồn thì bao giờ nước cũng trong sạch tinh tuyền,  khi chảy qua các khe suối, nó sẽ mang theo mọi rác rưởi và cuốn đi mọi nơi.

Có nhiều lối giải thích đầy màu thế tục, hay những phong tục thói quen nghịch chướng, đã trở nên như những luật chung. Phần đông người ta lại bằng lòng với giòng nước chảy qua vừa tầm sức múc kín, và như thế nước suối kia trở nên một thứ thuốc độc hủy hoại tinh thần Kitôâ giáo, tuy không giết chết hẳn, nhưng khiến phải sống trong tình trạng bệnh hoạn và làm tê liệt đời sống siêu nhiên. Thế nên qua các thời đại, đã có nhiều Kitôâ hữu hướng về ngẫu thần, và rồi ngày nay nhiều người hiếu động đã cả gan thu hẹp tôn giáo và theo một khuynh hướng tự nhiên.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy xét đến phần trách nhiệm của mình trong sự thoái hóa khủng khiếp ấy. Chúng ta là những người yêu mến Chúa Giêsu, thực tập và sống tinh thần của Ngài, nhưng chúng ta đã rao giảng lời Chúa bằng gương sáng, bằng việc làm chưa? Chúng ta đã tỏ ra hiền hậu thông cảm với mọi người khiêm nhường phục vụ tha nhân, đặc biệt người dưới quyền và kẻ nghèo hèn chưa? Chớ gì các tâm hồn đạo đức hãy tận diệt óc thống trị nguy hại luôn gây rối loạn và làm tan rã những công trình tốt đẹp. Về điểm này, chúng ta đã đọc đi đọc lại và suy niệm thấu đáo lời Chúa nói: ‘ Nếu Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Quả thật, quả thật. Thầy bảo cho chúng con biết: môn đệ không trọng hơn Thầy, và sứ đồ không trọng hơn Đấng đã sai họ đi.’

+ Linh hồn: Lạy Chúa Cứu Thế, nếu con không được hạnh phúc là Sứ Đồ của Chúa, thì ít ra cũng là người được theo Chúa. Và ở đây lời Chúa là muốn nói với tất cả mọi người. Chúa nói với con: ‘Môn đệ không trọng hơn chủ đâu. Ta là chủ mà còn quỳ xuống rửa chân cho mọi người, cả Giuđa nữa, con thấy không?.’

+ Chúa Giêsu: con nỡ nào khinh chê gương sáng Cha làm để rồi từ chối việc mặc lấy thái độ khiêm nhường đó trước mặt các người bề dưới của con? Thế gian đã nói với con rằng: làm như vậy là con quá hạ thấp địa vị của con, và cứ như thế thì con sẽ mất hết cả uy quyền. Các Sứ Đồ của Ta đâu có thái độ như thế. Trái lại, họ hết lòng thán phục và thương cảm Ta, luôn quyến luyến yêu mến ta mãi.

+ Linh hồn: Lạy Thầy Chí Thánh, thật đúng vậy. Nhưng vì Chúa là đấng vô cùng cao cả, nên Chúa có thể làm hết mọi sự mà vẫn không mất mát gì.

+ Chúa Giêsu: Con ơi, như thế là con đã đụng tới một vấn đề hết sức tế nhị hàm chứa bài học đáng giá rồi đó. Để hạ mình mà không mất mát chi về quyền hành cũng như uy tín, thì từ chính con người mình phải tỏa ra một hào quang nhân đức. Vậy, con hãy sống cho thật nhân đức, sống như một vị thánh. Vai trò con đòi hỏi như vậy đấy, và ơn thánh thì chẳng bao giờ thiếu cho con đâu.

Cha biết rằng đôi khi hoàn cảnh có thể là trái nghịch không tiện cho sự hạ mình bên ngoài như thế, lúc đó con phải làm gì? Ít ra trong tâm hồn con vẫn giữ thái độ đó, như mình đang quỳ dưới chân mọi người, dưới chân những kẻ chống đối cũng như những kẻ gièm pha chê cười con. Trong giây phút khó khăn ấy, con hãy ngước mắt nhìn lên Cha: Cha đang quỳ gối rửa chân cho các môn đệ Cha, Cha sống khiêm nhường giữa họ và hết lòng yêu mến họ. Và trong tâm trí, con hãy quỳ bên Cha. Bên Cha, con sẽ dễ dàng khiêm nhường và yêu mến tha nhân mãi mãi. Trái tim Cha sẽ chuyển thông lửa yêu mến sang trái tim con. Con yêu quý, thế là con đã biết mọi sự, và con sẽ được sung sướng mãi, con biết chu toàn những điều Cha dạy.

Giờ phút này tôi phải bày tỏ tâm tình khiêm nhường và hối cải. Tôi cố gắng đem ra thực hành.