BÀI THỨ 327

MANNA TRONG SA MẠC

 

NHU CẦU CẦN THIẾÂT

Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh sa mạc mà dân Israel đã bao năm vất vả vượt qua để tiến về Đất Hứa. Đồng cát khô khan chạy xa tít tắp, gai góc cằn cỗi mọc lan trên đá. Đây đó một vài đám cỏ cháy khô như không có một chút sức sống. Đó là nơi hoang vắng, tiêu điều, thiếu thốn mọi sự. Loài người trên đường dương thế nào khác gì con đường sa mạc khốn khổ và buồn phiền ấy! Bao âu lo, bao thất vọng, bao cơ cực thường gặp phải trên đường đời. Người ta cảm thấy đói khát hành hạ. Không có gì có thể thỏa mãn.

Nếu tình trạng con người là như thế thì phải nói sao về tâm hồn Kitôâ hữu và điều kiện phải chịu dưới thế gian này? Thế gian không có gì để có thể nuôi dưỡng đời sống thần linh. Của ăn nuôi dưỡng linh hồn phải xuống từ Trời như Manna thuở xưa.

Mỗi buổi sáng, trước khi mặt trời mọc, dân Israel thấy phủ đầy trên nơi họ cư ngụ một thức ăn lạ có màu trắng quyến rũ và mùi vị thơm ngon. Bề ngoài xem ra quá loãng xốp thế mà lại có sức bổ dưỡng lạ thường.

Cũng thế, hằng ngày trên cánh đồng bao la của Hội Thánh, Manna Thánh Thể cũng xuất hiện mọi nơi và được nhiều tâm hồn tín hữu đón nhận. Giữa Manna và việc rước lễ có thật nhiều điểm tương đồng, ở đây chúng ta chỉ nói đến những gì tiêu biểu nhất.

 

MANNA THÁNH THỂ

Ngày xưa, Manna là của ăn hàng ngày của dân Israel. Dựa vào việc sáng lập, bản tính và vai trò của Phép Thánh Thể, thì việc rước lễ phải là của ăn hàng ngày của con cái Thiên Chúa. Hội Thánh sơ khai đã thực hành việc rước lễ với tất cả lòng nhiệt thành mộ mến. Chúng ta hãy ghi ơn Đức Giáo Tông Piô X, ngài đã phá bỏ mọi thành kiến và lập lại thói quen rước lễ hàng ngày. Chắc chắn một điều là Manna chẳng bao giờ thôi đổ xuống hàng ngày trên các bàn thờ, nhưng tiếc thay chỉ một số quá ít tín hữu đến đón nhận. Tại sao có hiện tượng sa sút này? Nhân loại ngày một lơ là với việc rước lễ, họ cho là quá phiền toái, viện dẫn nhiều nguyên tắc sai lạc để bào chữa: nào là để tỏ lòng kính trọng đối với công việc thánh thiện, nào là nếu làm nhiều lần thì sẽ trở nên nhàm chán, không còn cảm giác và quý trọng nữa. Lý chứng sau cùng hay được viện dẫn nhất: bất xứng.

Bất xứng ư! Chúng ta phải hiểu từ ngữ ấy thế nào? Nếu cứ suy về sự cao cả của Đấng mà mình đón nhận vào tâm hồn, thì không ai dám cho mình là người xứng đáng tiếp đón vị thượng khách ấy. Ngay đến các vị đại thánh cũng còn nói là mình bất xứng, và thực sự các ngài cũng bất xứng. Nhưng đó không phải là điều quan hệ. Có một trở ngại cho việc rước lễ đó là tội trọng. Khi quyết định hàng ngày đổ Manna xuống cánh đồng Hội Thánh để nuôi dưỡng con người chắc hẳn Chúa Cứu Thế biết rõ tình trạng tội lỗi, yếu hèn của loài người. Ngài biết rõ ràng rằng số người hoàn thiện thật là hiếm, dù ngay trong thời sốt sắng ngoan đạo nhất.

Nhưng Ngài vẫn tự hạ, ban mình cho hết mọi người. Cũng như trong dụ ngôn tiệc cưới, Ngài nhận vào bàn tiệc những người bần cùng lang thang ngoài đường phố, những người mù què, nghĩa là tất cả mọi người tàn tật thiêng liêng. Nhưng với điều kiện nào?

Điều kiện là họ phải có ý muốn đáp lại lời mời gọi của Ngài. Hãy lưu ý tới điểm này. Ngài chỉ loại trừ ai không mặc áo cưới[1] nghĩa là những người không mặc lấy ơn thánh. Có thể nói rằng Ngài chỉ loại trừ những kẻ chết (phần hồn) thôi. Lý do dễ hiểu là Ngài biến mình trở nên của ăn để nâng đỡ và phát triển sự sống, chứ Ngài không đến để ban phát sự sống.[2]

 

CẦU NGUYỆN VÀ DỐC QYYẾT

+ Linh hồn: Lạy Chúa là Thầy Chí Thánh, biết bao trường hợp thân xác Chúa không được tôn thờ xứng đáng. Có nhiều người lên rước Chúa với tâm hồn đầy tội nhẹ đáng kể mà họ không muốn tu sửa. Nhiều người khác đón Chúa vào lòng với thái độ hờ hững không mảy may chú tâm. Nhưng Chúa vẫn không muốn ai nói rằng những tâm hồn như thế thì không xứng đáng đến gần Chúa.

+ Chúa Giêsu: Không, Cha không muốn ai nói như vậy mà  trái lại là khác, các tâm hồn đến để chu toàn một bổn phận, và Cha, Cha cũng chu toàn bổn phận của Cha là ban mình cho họ. Họ có được sức sống múc kín nơi nguồn mạch của Cha. Bao lâu sự sống đó còn ở trong họ thì Cha vẫn luôn luôn hoạt động; như trong trường hợp của các bệnh nhân, dù họ không thấy hứng thú gì khi dùng của ăn, nhưng đồ ăn tự có sức nuôi sống họ.

Con ơi, con không thể hiểu được nguồn thương yêu của Chúa đối với loài người sâu thẳm dường nào. Cha tự hóa mình trở nên của ăn cho loài người là vì loài người chứ không phải vì Cha đâu. Đó là động lực duy nhất thúc đẩy Cha. Dù khi lên bàn thánh đón rước Cha họ có rước quê kệch thế nào, Cha vẫn luôn đón nhận với tất cả tình thương mến. Con có tin ở tình yêu Cha không? Loài người có làm bất cứ điều gì khiến cho trái tim Cha bị tổn thương thế nào chăng nữa thì cũng không làm Cha phẫn nộ chút nào. Cha luôn có ánh mắt của người mẹ hiền, và đối xử với mọi tâm hồn như người mẹ hiền, con hiểu chứ! Tất cả là thế đó. Thế nên bao lâu tâm hồn con cái Cha còn thoi thóp sức sống của Cha, Cha không thể nào cầm lòng mà không yêu mến và cứu giúp.

+ Linh hồn: Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa đáng tôn thờ, con không ngờ tình yêu Chúa lại quá nhân từ đến mức đó. Con xin nhận biết với lòng ngạc nhiên xúc động, và con đau buồn khi không có tình yêu mà con hằng mơ ước, một tình yêu vô vị lợi, hoàn hảo, nhiệt thành để đáp lại tình yêu Chúa. Ôi, con chỉ có một giấc mơ! Dẫu sao thì xin Chúa cũng nhận lấy và coi đó như một ước vọng của đứa con khốn nạn không có gì để dâng lên Chúa.

Hãy chiêm ngắm tình yêu âu yếm vô bờ của Chúa Giêsu với tấm lòng xúc động. Tình âu yếm này, Ngài tỏ bầy với riêng tôi, dù tôi sống thờ ơ lãnh đạm hay tâm hồn ngập tràn tội nhẹ. Xin ơn sống quảng đại để vươn lên khỏi trạng thái tầm thường! Trước đây tôi có thể bào chữa cho mình là chưa biết, nhưng từ nay tôi không còn lý do bào chữa nữa. Hãy chạy đến gieo mình vào cánh tay Thầy Chí Thánh với tâm hồn tin yêu phó thác.

----------o0o----------

 

 



[1] Một loại áo choàng lộng lẫy thời đó buộc phải mặc để tham dự các đại tiệc. Không ai có lý do bào chữa vì người ta có để sẵn một số tại tiền đường dành cho các khách được mời sử dụng.  

[2] Việc rước lễ này một đôi khi có thể ban trao sự sống, nhưng đó không phải là mục đích chính của việc thành lập bí tích Thánh Thể.