BÀI THỨ 337

BÀI SUY NIỆM CHUẨN BỊ TƯƠNG KHÓ 5

+ Tiền nguyện: Cho tới đây, lòng thương hại cũng như sự ngưỡng mộ đều phát sinh từ tình cảm nhân loại; chúng được khơi dậy do những ưu điểm cao cả, nhưng dù sao thì vẫn thuộc bình diện loài người. Giờ đây chúng sắp mặc lấy một bộ mặt siêu việt, cảm động khác thường khi chúng ta chiêm ngắm người đau khổ đó là Thiên-Chúa-làm-người. Phải suy niệm cẩn thận xem ngôi vị, vai trò và tâm tình của Ngài có ảnh hưởng gì đối với chúng ta. Tất cả những điểm đó thật cao trọng, gây kinh ngạc và có thể nói là thật lạ lùng và một khi đã xác tín được điều đó, chúng ta như thấy mình đang sống trong một tình trạng thật tồi tệ: chúng ta thiếu lòng kính trọng, thiếu lòng nhiệt thành và biết ơn.

          Để chữa mình, chúng ta đưa ra lý do là những chân lý đã biết từ lúc còn nhỏ thì quá đơn giản và quen thụôc, nên không gây một tác dụng đánh động lòng nữa. Căn nguyên do đâu? Có phải những chân lý ấy đã mất đi cái quyền thu lượm nơi chúng ta những tâm tình mà chúng vốn sẵn mang nơi mình không? Chắc chắn là không, và lúc này đây chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc suy niệm chăm chú, đó là phương thế duy nhất đưa ra ánh sáng điều gì còn khâm liệm trong trạng thái vô tâm.

          Vậy trước hết, chúng ta hãy đưa ngôi vị, vai trò và các quyền lợi của Chúa Giêsu ra trước trí phán đoán sáng suốt, hãy nhìn thẳng vào đó và nếu có thể, hãy suy niệm với tất cả sự chú ý. Hôm nay chỉ đưa ra vài nét phác hoạ đó cũng tạm đủ. Chúng ta sẽ tiếp tục để đi tới hoàn thành bức họa trong những bài suy niệm tới.

 

GIÊSU CHỊU NẠN LÀ THIÊN CHÚA

Một điều chắc là chỉ nhân tính Chúa chịu đau khổ, nhưng nhân tính ấy lại không có nhân vị, nhân tính ấy được xâm chiếm do thiên vị của Ngôi lời. Do đó những lời nhục mạ phỉ nhổ là nhắm thẳng vào Thiên Chúa, và mọi tâm tình thương cảm của chúng ta cũng là dâng lên chính Ngài. Ôi một cảnh tượng lớn lao quá! Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa bị phản bội, bị đánh đòn, bị đóng đinh bởi những kẻ do Ngài dựng nên và là chủ. Những bàn tay tàn ác đang nâng cao để giáng mạnh xuống Thiên Chúa đầy uy nghi quyền thế. Chúng khạc nhổ nhục mạ gương mặt có vẻ đẹp vô cùng.

          Chúng ta có thể kể mãi không hết những điều tương phản như thế, nhưng ở đây chỉ cần nói ra những ưu phẩm của Thiên Chúa và đem đối chiếu với nỗi ô nhục trong cuộc khổ nạn của Ngài. Nhưng sự thực có đúng như thế không? Đúng! Hoàn toàn đúng. Tiếc một điều tâm trí tơi hẹp hòi quá không thể hiểu nổi! Hy vọng tình trạng này không còn tồn tại mãi trong tương lai.

          Chúng ta hãy nhấn mạnh về điểm tương đồng này để khơi dậy sự rung động. Hãy vững mạnh trong đức tin sống động. Chính đức tin này sẽ giúp hiểu chân lý cao cả đó với tất cả sự lạ lùng.

 

GIÊSU CHỊU NẠN LÀ THIÊN CHÚA NHẬP THỂ

Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là người anh em chúng ta. Ngài đâu có nhu cầu mặc lấy bản tính chúng ta và trở nên giống chúng ta! Vậy thì tại sao người đã làm như thế? Hãy thử lượng tính khoảng cách giữa Ngài với chúng ta và suy đến động lực thúc đẩy Ngài đoái thương đến loài người: động lực ấy không gì khác hơn là chính tình yêu bao la và vô vị lợi của Ngài.

          Đó là lời giải thích độc nhất mà lý trí loài người có thể suy ra được. Và lời giải thích này thật lạ lùng đến nỗi một trí khôn dù ngu muội mấy cũng chỉ cần có đức tin là có thể chấp nhận. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu mầu nhiệm tình yêu đó hoàn toàn, dù cả ở trên Trời sau này, vì mầu nhiệm có tính cách vô cùng. Dưới trần gian chúng ta suy niệm mầu nhiệm ấy mà không khơi dậy một chút ngạc nhiên, chúng ta nói đến mà không cảm thấy tâm hồn rung động. Và về phía chúng ta, chúng ta còn mặc cả với những hy sinh hãm mình, khi chúng ta chưa đi đến chỗ từ chối hẳn.

GIÊSU CHỊU NẠN LÀ THIÊN CHÚA GIỮA CHÚNG TA

Tôi là một chi thể của thân thể Ngài nói theo ngôn ngữ thánh Phaolô thì tôi thuộc về than thể, về xương thịt Ngài. Chúng ta hãy để giờ suy niệm điều kỳ diệu này cho thấu đáo, vì từ đó chúng ta có thể rút ra một áp dụng hữu ích.

          Khi thấy một phần tử trong gia đình, người anh em, hay đứa con yêu dấu đang phải chịu đau khổ dữ dằn, chúng ta cũng cảm thấy đau đớn trên xác thịt, trong máu huyết và cả trong xương tủy. Có thể nói như chính chúng ta đang chịu nỗi đau đớn của người thân kia. Chúng ta khóc than mãi trong trạng thái bất lực của mình, nếu như có thể khóc. Thường thường trong cơn đau dữ dằn, người ta bị dồn nén trái tim đến nỗi làm cho không thể rơi chảy nước mắt. Mỗi nhát rìu của người tiều phu băm vào thân cây sẽ làm cho tất cả cành cây, dù bé mấy cũng rung chuyển. Như vậy thì lẽ nào những roi đòn giáng xuống thân xác Chúa Giêsu lại không làm rung động chúng ta chi thể cùa Ngài?

          Lạy Chúa Giêsu, điều đó là sự thực, vì Cha con mình có chung một sức sống, sức sống có Chúa là điểm tựa và là nhựa bổ dưỡng sự sống. Thế nhưng tiếc thay, vì dù sự kết hiệp này có chặt chẽ hơn cả mối tình phụ tử thì tâm hồn con vẫn chẳng cảm thấy gì và mắt con cũng không nhìn thấy chi. Chúng con nhìn nhận sức sống ấy có thật. Đó là một chân lý đức tin, nhưng chỉ những tâm hồn sống đời nội tâm biết mở mắt nhìn những sự thẳm sâu của cõi vô hình, mới có thể hiểu và thấm nhuần được thôi.

          Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của con, xin ban cho con thứ ánh sáng đó, chỉ một tia thật yếu ớt thôi cũng được, để con thấy mình được sống với Chúa trong sự sống siêu nhiên, một sự sống cao cả và mãnh liệt hơn sự sống nối kết người mẹ với con mình, lúc đó con sẽ xấu hổ về thái độ thờ ơ lãnh đạm của con đối với Chúa. Đồng thời con nhất quyết coi những nỗi đau đớn trong cuộc tử nạn của Chúa như những ngọn roi đòn để lại dư âm đau đớn trong linh hồn con.

          Hãy suy niệm lại từng điểm một. Trước những điều cao trọng khôn lường này, chúng ta chỉ có thể đưa đến hai kết luận trái nghịch: hoặc là tất cả những điều đó là do tưởng tượng, hoặc là tôi là người hời hợt khốn nạn không biết sống theo đức tin.  Bày tỏ tâm tình và tìm điều dốc quyết.

----------o0o----------