BÀI THỨ 338

BÀI SUY NIỆM CHUẨN BỊ THƯƠNG KHÓ 6

 

+ Tiền nguyện: Không biết chúng ta còn có thể nói gì thêm nữa không. Phải chăng chúng ta đã đi tới chót đỉnh và không thể tiến thêm được nữa, phải chăng những ý nghĩ có thể sẽ mất đi sự đậm đà nếu chúng ta để ý đến các điểm phụ thuộc khác? Nhưng kìa, trong tâm trí chúng ta như xuất hiện những cái nhìn mới, những cái nhìn cũng cao trọng như các điều trên và có phần mãnh liệt hơn. Không có gì tác động trên chúng ta một cách công hiệu hơn là cái thuộc về chính chúng ta. Và tình yêu Chúa Giêsu với các đau đớn Ngài chịu là vì tôi, tất cả đều tập trung trong tôi.

Ôi! Ai có thể cho tôi hiểu và cảm thấy được điều đó!

 

GIÊSU CHỊU NẠN &  ĐAU KHỔ CHO CHÚNG TA

 Chúng ta đã nhiều lần nói đến chân lý này rồi, nhưng phải chăng là thừa nếu đem bàn lại một lần nữa? Không, điều chúng ta làm ở đây là cố gắng cảm nhận được tầm quan trọng của nó. Một câu nói có vẻ là quá đáng nhưng nói lên được đầy đủ ý nghĩa: tất cả cuộc thương khó đó là vì tôi. Ngài chịu thương chịu khó cho tôi! Than ôi, thế mà tôi lại luôn thờ ơ hững hờ khi ôn lại các chặng đường Ngài đã trải qua, thật tôi là đứa khốn nạn đáng xấu hổ dường nào! Có thể nói được rằng từ đầu đến cuối mỗi một nhục nhằn, mỗi khổ hình Ngài chịu là chịu cho tôi và Ngài luôn luôn nghĩ đến tôi!

          Bởi thế có thể kết luận được rằng tôi thuộc về Ngài hoàn toàn. Nếu vậy tôi phải làm gì để chứng minh rằng tôi luôn cố gắng bù trả tình yêu của Ngài đối với tôi? Danh dự và lòng biết ơn của tôi buộc tôi phải trả lại. Nhưng không biết đã có được hành động cụ thể nào chưa? Tiếc thay tôi vẫn để chân lý đó trong mơ hồ. Còn gì cảm động hơn là luôn luôn được Ngài để ý tới và ngay cả những đau khổ dữ dằn nhất cũng không làm Ngài đổi ý! Tôi sẽ giữ mãi tư tưởng này trong suốt các bài nguyện ngắm tới.

 

GIÊSU CHỊU NẠN &  ĐAU KHỔ VÌ TỘI CHÚNG TA

Ở đây cũng như trong các bài suy niệm trước, lời khẳng định trên đối với tôi chẳng qua chỉ là một tiếng nói suông, tiếng nói dù nhắc đi nhắc lại muôn lần thì tôi cũng chẳng cho là quan trọng. Có phải chính vì để đền bù các tội lỗi riêng của tôi, mà Chúa Cứu Thế đã chịu đau khổ? Có phải nếu không có Ngài thì không một lỗi lầm nào của tôi được tha thứ? Phải chăng nếu không có tội lỗi của tôi thì Ngài đã không chịu cuộc thương khó? Phải chăng nếu chỉ có tội lỗi của mình tôi thôi cũng đủ để Ngài chịu hy sinh và chịu chết? Một lần nữa đây là một trong những sự bao la mà tâm trí con người không thể thấu hiểu. Dù chỉ ở trong tâm tưởng, tâm trí cũng không thể bước theo thứ tình yêu quá độ vượt trên mọi giới hạn đó. Tôi cần phải có đức tin để tin tưởng và xác tín như vậy. Từ nay tôi phải nhìn Đấng tự nguyện làm nạn nhân thay tôi với thái độ nào? Tôi có thể hy sinh gì trên bản thân để dâng trao Ngài?

          Tôi phải biết đớn đau thấm thía khi thấy mình lạnh nhạt vô cảm trước những tai họa do mình gây ra. Tôi phải thưa cùng Ngài với nỗi niềm đau đớn và tất cả lòng thành thật rằng: kẻ khốn nạn phản bội Chúa chính là con đây, quan toà bất công lên án Chúa cũng là con nữa; và người lý hình đóng đinh chân tay Chúa vào thập giá cũng chính là con, vì tội lỗi con mà Chúa đã đau khổ trăm triều trong cụôc thương khó xưa kia. Ôi lạy Chúa là Đấng Cứu Thế, chớ gì các tâm tình này thấm nhập vào tâm hồn con.

 

GIÊSU CHỊU NẠN &  ĐAU KHỔ VÌ YÊU

Tới đây thì hình như chúng ta không thể thêm gì vào chứng tích tuyệt hảo của tình yêu nơi Chúa Cứu Thế. Nhưng nguồn phong phú của tình yêu này vẫn luôn là vô tận. Ai có thể vạch giới hạn cho một trái tim khi nó được kết hợp với lòng nhân từ vô biên? Chúa Giêsu sắp cho chúng ta thấy một chứng cớ. Ngài biến giòng máu chảy ra thành giá chuộc tội, giòng máu cho chính tay tôi khơi chảy lại biến thành thuốc thơm xoa dịu mọi vết thương đau đớn của tôi.

          Sao! Trong khi phải chịu đau đớn dữ dằn, thấy trước nguyên nhân đưa đến cuộc treo trên thập giá chính là tôi, mà Ngài còn đủ tâm trí và con tim quảng đại để nghĩ đến việc xoa dịu những nỗi cơ cực của tôi ư? Đúng vậy đó! Từ trên thập giá, Ngài nhìn thấy mọi khổ đau khốn cực của tôi, Ngài muốn chia sẻ với tôi bằng cách như cảm thấy chính những khốn khổ đó, và dường như Ngài quên đi rằng Ngài đang bị các đau đớn dữ tợn dằn vặt sâu xé.

          Hồn tôi ơi, nếu ở đây ngươi còn do dự không nhìn nhận phép lạ tình yêu, thì hãy nghĩ tới Phép Thánh Thể. Giêsu của núi Sọ đang ngự trên bàn thờ với những vết thương đem đến vinh quang. Khi rước lễ ngươi lại không thấy dường như Ngài bước khỏi thập giá chân tay còn vấy máu cứu chuộc để tiến về ngươi mong tìm được một nơi ẩn náu, một Thiên Đàng tình yêu trong tâm hồn ngươi sao? Đấng có thể ban hiến cho ta toàn thân với cả thịt máu hiến tế mà lại không có thể tập trung mọi tâm tư ý tưởng để nghĩ đến Ta sao?

          Lạy Chúa, xin nâng đức tin con lên cao để nhận ra ơn mạc khải này. Xin cho con hiểu được chân lý rực sáng ấy. Và một khi con hiểu được chân lý đó thấu đáo, thì con sẽ không còn dám sống uể oải trong khô khan tầm thường nữa.

          + Tiểu chú: Các bài suy niệm chuẩn bị thương khó trên đây có mục đích tạo nên trong tâm hồn chúng ta những thái độ và tâm tình cần phải có khi bước vào cuộc thương khó của Chúa Cứu thế để có thể rút được nhiều điều ích lợi. Các điều suy niệm trên đây sẽ như những tia sáng giúp soi chiếu vào từng cảnh tượng trong cuộc chịu nạn, từ đó sẽ khơi dậy nhiều tâm tình và những điều dốc quyết thích hợp. Vậy chúng ta nên nguyện ngắm chung tất cả những tư tưởng đó ngõ hầu ghi khắc sâu được vào tâm trí.

          Thiết tưởng cần phải xác định ở đây những đối tượng chính mà chúng ta muốn đạt tới:

          a. Tôi muốn liên kết chặt chẽ và mật thiết hơn với Đấng là Thầy và là người sắp trở nên vị cứu tinh cho tôi.

          b. Tôi tìm cách tỏ bày niềm thương cảm và an ủi Ngài.

          c. Tôi để tâm hiểu biết ý nghĩa của các gương lành Ngài làm. Nếu Ngài đã muốn tự đặt mình vào nhiều hoàn cảnh phiền phức khác nhau là Ngài có ý dạy bảo chúng ta phải biết chu toàn bổn phận, đồng thời giúp chúng ta chu toàn dễ dàng.

Các tâm hồn đạo đức cần tìm hiểu động lực cao siêu nơi Chúa Giêsu đã thúc bách Ngài hành động. Động lực cao cả nhất vượt trên mọi động lực khác mà Ngài yêu quý nhất, đó là vinh quang Thiên Chúa. Tiếp đến mới là việc cứu chuộc thế gian, động lực này chỉ là phương tiện để Ngài đạt tới việc tôn vinh Chúa Cha.

Một động lực khác ít ai biết tới đó là ý chí thúc đẩy Ngài vươn lên tới chỗ muốn ngày một đạt nhiều huân công, nhiều vẻ tươi đẹp và cao trọng.

Ngài muốn như thế để xứng đáng lãnh hạnh phúc vĩnh cửu.

Mỗi việc Ngài làm đếu do ba ý hướng cao cả trên thúc đẩy, những ý hướng đó không làm thiệt hại gì đến lợi ích thật êm ái và đầy công hiệu Ngài mang lại cho mỗi người chúng ta tâm hồn.

------------oOo------------