CHỊU NẠN, SỐNG LẠI, LÊN TRỜI, HIỆN XUỐNG

(Trích theo các ghi chú và di cảo của tác giả)

 

 

CHÚ DẪN[1]: Cha Leopold Beaudenom viết cuốn chót của Bộ Suy Niệm Đời Chúa tới đây thì được Chúa gọi về an nghỉ đời đời. Đoạn đường còn lại với các chặng thương khó, sống lại, lên Trời và hiện xuống mới chỉ được ngài phác họa sơ qua những ý tưởng chính yếu và các đoạn Thánh Kinh nguyên vẹn chưa chú giải.

          Dầu sao đó cũng là tài liệu quý báu và các bạn hữu của tác giả cố gắng thu thập lại để gửi đến các độc giả. Họ không muốn quảng diễn các tài liệu đó thành những bài nguyện ngắm hoàn bị dù là theo chiều hướng của tác giả. Tác giả có một lối suy diễn đặc biệt, một bút pháp tinh tế, một giọng văn truyền cảm, một ý tứ sâu sắc thấm thía, nên các bạn hữu chủ trương toàn bộ nguyện ngắm này phải có đặc tính duy nhất đó. Chính vì vậy họ sao lại các ghi chú và bản thảo nguyên vẹn, trừ một vài chỗ có thêm bớt đôi chút để giọng văn và ý tứ được mạch lạc hay trích dẫn ít nhiều đoạn Tin Mừøng quen thuộc trong ngòi bút và lời giảng của tác giả.

          Các độc giả đã quen với phương pháp suy diễn tư tưởng của tác giả trong 338 bài trên đây, thiết nghĩ tự mình cũng có thể bổ khuyết được dễ dàng các điểm mà tác giả chưa quảng diễn trong những bài còn lại sau đây. Biết đâu đó cũng là thánh ý Chúa Quan Phòng muốn để các tâm hồn tập đi một mình dần dần trên đường học hỏi để biết, để yêu và để theo Chúa.

 

BÀI THỨ 339

HẤP HỐI TẠI VƯỜN CÂY DẦU

 

+ Tiền nguyện: ‘Linh hồn Thày buồn sầu đến chết, các con hãy tỉnh thức mà cầu nguyện’ (Mt26, 38). ‘Bấy giờ một thiên thần từ Trời hiện ra để an ủi Ngài; và khi lâm vào cơn hấp hối, ngài cầu nguyện nhiều hơn trước: Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha!’ (Lc 22, 42).

          Chúng ta hãy hình dung lại các chi tiết thật cảm động lúc Chúa hấp hối trong Vườn Cây Dầu. Hãy hợp làm một với mọi nỗi sầu khổ và lời kinh nguyện của Chúa Cứu Thế, Thầy Chí Thánh của chúng ta!

 

HAI QUY LUẬT CHI PHỐI VŨ TRỤ

Có hai luật chi phí vũ trụ đó là thánh ý Thiên Chúa, tuyệt đối và phổ quát, ở trên Trời cũng như ở dưới đất. Cịn đau khổ cũng phổ quát nhưng chỉ tương đối và chỉ ở dưới đất.

          Để am hiểu hai luật lệ này, phải nhìn lên cao để nhận ra thánh ý rất khôn ngoan nhân từ và cao siêu vô cùng của Thiên Chúa. Một khi ánh mắt đức tin đã hướng về Thiên Chúa, thì không nên ngoảnh lại các sự vật dưới thế, chẳng hạn như các nỗi cơ cực, bất công và đau khổ. Hãy kết hợp phó mình cho thánh ý Ngài!

          Chỉ nhắm tới thánh ý Chúa mà thôi, đó là điều kiện để sống thánh thiện và được hưởng hạnh phúc đời đời. Đó cũng là mạch nguồn của bình an và sức mạnh.

 

NGUỒN MẠCH BÌNH  AN

Bình an là một nguồn hạnh phúc cho cuộc sống, và hạnh phúc thật chỉ là bóng mờ nơi trái đất này. Nhưng để bóng đó trở thành sự thực và phúc đức thì phải có yếu tố thần linh.

          Trước hết sự bình an hệ tại việc tự chủ được bản thân. Nó ngự trị trong tâm hồn biết sống từ bỏ và kết hiệp với thánh ý Thiên Chúa. Nó là kết quả của sự từ bỏ, và vững bền ngay cả trong cuộc chiến đấu, cuộc chiến đấu có thể là kéo dài suốt đời sống.

          Dĩ nhiên là hòa bình đến sau chiến thắng, nhưng hòa bình cũng có trong lúc chiến đấu và trong lúc chiến đấu cam go nhất.

          Bạn gãy nhìn ngắm Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu! Tâm hồn Ngài bùng nổ một cuộc chiến nội tâm. Tâm trạng run sợ, yếu đuối và bối rối. Chẳng khác gì một trận bão ngoài khơi, sóng nước tung hoành, gió táp cuồng loạn, mưa rơi như thác đổ trên con thuyền hầu như sắp chìm.

          Những ý nghĩ mình bị bỏ rơi, những tâm tình sợ hãi dữ dằn cũng không thể trấn áp được bản tính kiêu hùng và trầm tĩnh, bản tính đó luôn chống cự và cuối cùng đã chiến thắng. Tại sao lại như thế được? Đây là lý do:

          Trong khi nhân tính ngài đang phải gắn bó với thế giới vật chất, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn về Trời. Trên chót đỉnh huy hoàng ấy, Ngài vui hưởng cuộc thị kiến hạnh phúc, chính trong lúc mà thân xác Ngài quì phục dưới đất, lo buồn run sợ đến đổ mồ hôi máu. Cuộc thị kiến hạnh phúc gắn liền với nỗi khổ đau thấm thía dằn vặt tâm hồn. Ôi một bài học khó hiểu!

          Tâm hồn chúng ta nhiều khi cũng có tình trạng đó. Ngay chính giữa các điều ghê tởm hãi hùng hay trong cơn cám dỗ dữ dội nhất, ta có thể hưởng thị kiến, chắc không phải thị kiến hạnh phúc nhưng là thị kiến thánh ý Thiên Chúa đem lại bình an thư thái.

          Như thế nơi tâm hồn có hai phần, hai phạm vi khác nhau.

          Sự bình an thuộc phạm vi trọng hơn, luôn luôn và ở mọi nơi khi nó liên kết với thánh ý Thiên Chúa. Sự bình an đích thực có thể có ngay cả khi cảm thấy mình không hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Trong một thành phố đang bị bao vây, lá cờ phất phới bay trên tháp của pháo đài có tác dụng đem lại phấn khởi thế nào, thì cũng thế, phần trọng hơn trong tâm hồn có thể áp đảo được trận bão lòng và vươn mình lên tới Trời cao để kết hiệp với thánh ý Thiên Chúa. Đó là một thứ thị kiến tuy không phải là thị kiến hạnh phúc nhưng cũng mang sắc thái thần linh.

          Thế nhưng ma quỷ luôn giăng cạm bẫy không cho cuộc thị kiến thánh thiện ấy kéo dài lâu. Mưu sâu chước độc của chúng là hướng con mắt chúng ta về các nguyên nhân phụ thuộc để rồi không thể nhìn lên cao hơn.

          Có những tâm hồn hiểu biết và không bối rối lo âu trước thánh ý thần linh. Cũng có những tâm hồn không hiểu biết thánh ý Chúa. Nhưng tại sao Chúa lại để đau khổ nào đó xảy ra, nhất nữa đau khổ đó lại xảy ra do lỗi người khác?

          Bạn thử nhìn ngắm Chúa của chúng ta xem! Các nỗi đau đớn Ngài chịu do đâu mà tới? Do Giuđa,  Phêrô, các lý hình, hay mọi người khác với các thói hư tật xấu, với lòng khiếp nhược hay lòng đố kỵ. Vậy mục đích của Thánh ý Cha là gì? Chắc rằng Thiên Chúa không nhắm chính những hành vi tội lỗi, nhưng làm ngơ cho các hậu quả của chúng do sự liên hệ tới Con yêu dấu của Ngài.

          Hơn nữa, trong sự khôn ngoan dự phòng Ngài đã nhìn thấy tội lỗi của người Do Thái giết Chúa và Ngài quy hướng tất cả về chương trình cứu chuộc. Nạn nhân Giêsu sẽ là Đấng Cứu Độ nhân gian và đồng thời là nơi nương tựa, là đường lối chúng ta phải theo.

          Như thế, hầu như không có điều gì xảy đến cho chúng ta mà không do tội loài người, tội tổ tông và các hậu quả xa gần của tội, cũng như việc tiếp tục phạm tội bằng việc làm hay thiếu sót.

          Tâm hồn chúng ta sẽ được bình an thư thái, nếu chúng ta nhận ra rằng tất cả đều nằm trong thánh ý Thiên Chúa. Hãy cố gắng nhìn ra và xác tín điều đó.

          Chính tinh thần đức tin đem lại hồng ân này. Còn cái nhìn một chiều và thiếu khôn ngoan về các nguyên nhân phụ thuộc chỉ làm rối loạn con tim.

          Vậy trong mọi sự, hãy cố gắng chỉ nhìn thánh ý Chúa thôi. Muốn được sự bình an thần linh thì phải trả với giá đó. Mong rằng đó là niềm hạnh phúc an ủi cho cuộc sống lưu đày của chúng ta.

 

NGUỒN SỨC MẠNH

Sau khi cầu nguyện ba lần, Chúa Giêsu đứng dậy đến gần các Tông Đồ và nói: ‘Các con hãy thức dậy! Hãy ra đón họ đi! Kìa, kẻ nộp Thầy đến rồi!’ Trả lời cho Giuđa Ngài nói: ‘Này bạn, bạn phản bội Con Người bằng cái hôn như thế sao?’ Còn với quân lính: ‘Các ông tìm ai? Này tôi đây!’ Sức mạnh của lời Ngài khiến họ phải lùi lại. Thánh sử viết: ‘họ lùi lại và ngã xuống đất.’ (Jn 18,6). Sức mạnh tinh thần này sẽ không giây phút nào rời khỏi Ngài, dầu ngay cả lúc phải đau khổ. Cũng vậy, chúng ta phải tìm lấy cho mình sức mạnh nơi thánh ý Thiên Chúa, đồng thời phải ao ước và quý trọng sức mạnh ấy. Thiên Chúa sẽ hành động trong chúng ta và nhờ chúng ta, chúng ta hãy trở nên cây sậy dòn yếu trong bàn tay quyền năng của Ngài.

          Có thể Ngài sẽ để chúng ta cảm thấy rõ rệt về sự yếu đuối và bất lực không thể bền tâm của mình, nhưng có hệ gì. Như thế càng hay cho chúng ta. Vì đồng thời chính khi đó, chúng ta cũng cảm thấy rằng chính Ngài luôn gìn giữ để tính yếu đuối đó khỏi sa ngã và ban cho chúng ta ơn chịu đựng, ơn can đảm là những ơn mà tâm hồn không cảm thấy khi cuộc thử thách chỉ là ngắn ngủi.

          Omnia possum in Eo qui me confortat! Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng bổ sức tôi’ (Phil 4,13). ‘Chính lúc tôi cảm thấy yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ nhất’ (2 Cor 12,10).

          Bày tỏ tâm tình Tìm điều dốc quyết Để kết bông hoa thiêng liêng, hãy nhớ lấy các lời nói sau đây: ‘Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết, các con hãy tỉnh thức mà cầu nguyện!’

----------o0o----------

 

 

 

 



[1] Người dịch chú dẫn phỏng theo Nhà Xuất Bản và bạn hữu của tác giả.