BÀI THỨ 342                                                         

CHÚA GIÊSU NƠI BA TÒA QUAN LỚN

 

+ Tiền nguyện: Hãy hình dung lại đội quân đến bắt Chúa.

Các người cầm gươm giáo, gậy gộc đến bắt Ta như bắt một tên trộm cướp. Lúc này là giờ của các người, giờ của đêm tối và của quyền hành tối tăm.’ (Lc 22, 52).

          Bấy giờ, binh lính, viên đội trưởng và thủ hạ Do Thái (cùng với đèn đuốc và khí giới trên tay) bắt Chúa Giêsu trói lại. Trước tiên họ điệu Ngài đến nhà Anna nhạc phụ của Caipha làm thượng tế năm đó.’ (Ga 18, 12).  Rồi họ dẫn Ngài tới nhà Caipha, nơi đây đã tề tựu đông đủ Hội Đồng Cộng Tọa gồm các tư tế, văn nhân và kỳ hào trong dân. Ông Phêrô theo Ngài xa xa và vào tận trong tiền đường nhà thầy cả thượng phẩm’ (Mc 14, 53).

CHÚA GIÊSU TẠI NHÀ CAIPHA

Ngài ở đây suốt đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu. Ngài luôn tỏ ra  có bản lĩnh, thái độ trầm tĩnh ngay cả lúc bị ngược đãi tồi tệ, nhất là khi đối diện với các lời chứng gian buộc tội của các tư tế. Các người biệt phái (những người thánh thiện bề ngoài) đang tâm đi tới chỗ vu oan ghê tởm dưới chiêu bài bên ngoài là lo cho ích chung.

          Phần chúng ta, đây là một điều chúng ta phải lo sợ và ghê tởm. Lòng ghen tị, ác cảm, thành kiến có thể đưa chúng ta đến chỗ thái quá, và chúng ta dễ dàng để mình bị lôi cuốn theo đó.

          Thử hỏi chúng ta có sống trong tình trạng thánh thiện và chắc chắn hơn họ không? Lòng nhiệt thành nơi chúng ta có thật sự vô vị lợi không? Còn họ, ít ra bề ngoài, họ đã tuôn gi lề luật một cách hoàn hảo và tỉ mỉ.

          Hãy cố tránh và đề phòng những nguyên nhân đưa đến tình trạng thái quá. Hãy run sợ vì bản tính chúng ta quá yếu đuối.

          Ngoài ra, hãy xét đến những lời chứng gian ngoa nhiều vô kể và khủng khiếp vô ngần mà người ta dựa vào đó để áp bức và đưa Ngài vào cõi chết. Sách thánh ghi: ‘Bấy giờ có mấy người chứng gian đứng lên tố cáo Ngài rằng: chúng tôi có nghe ông ta nói sẽ phá Đền Thánh Giêrusalem do tay loài người xây cất, và trong ba ngày sẽ xây lại ngôi đền khác mà không nhờ tay người thợ nào.’ (Mt 14, 58).

Đối với tai người Do Thái thì đó quả là người phạm thượng, nhưng ‘Chúa Giêsu yên lặng: Jesus autem tacebat’ đến nỗi làm cho vị thượng tế ngạc nhiên và có lẽ xen chút khâm phục: ‘Sao! Ông không đáp gì về tất cả mọi điều mà những người này tố cáo ông ư? Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yên lặng chẳng đáp lại lời nào’ (Mc 14, 60).

          Còn chúng ta, chúng ta nổi sùng chống cự ngay khi người khác nói xấu chúng ta, cả những khi họ nói đúng sự thực nữa. Nhiều lúc khi quá cảm xúc, chúng ta lại hiểu ngay về đàng trái những lời nói thực ra không có ẩn ý xấu nào!

          Những lời nói hành, những điều vu oan mà chúng ta thường hay phàn nàn, đem sánh với các điều Chúa Giêsu phải chịu nào có thấm vào đâu. Những lời tố cáo gian ngoa chống lại Chúa đã khiến Ngài phải chịu tử hình, bị án tử hình nhưng nào Ngài có than phiền chi đâu? Chúng ta lại không muốn theo gương Ngài sao?

CHÚA GIÊSU BỊ KHINH DỂ TẠI DINH HÊRÔDÊ

Chúng ta đã chiêm ngưỡng cõi lòng Chúa Giêsu khi bị vu oan: bình thản, dịu hiền và bác ái. Thái độ của Ngài trước dinh quan Hêrôđê cũng đáng cho chúng ta quan tâm và học hỏi không kém.

          Thánh sử kể lại: ‘Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ, vì từ lâu ông vẫn còn ao ước gặp Ngài. Số là ông đã nghe nói nhiều về Ngài với bao sự lạ. Nên ông hy vọng sẽ thấy được Ngài làm một vài phép lạ. Ông hỏi Ngài đủ điều, mà Ngài chẳng trả lời chi. Thế là Hêrôđê với tất cả triều đình khinh khi Ngài, chế nhạo Ngài cho Ngài mặc áo trắng (áo của người điên) rồi truyền điệu trả cho Philatô’ (Lc 23,8-11).

          Thật là thái độ yên lặng đáng gía vàng bạc! Ngài từ chối tự bào chữa và không làm phép lạ đã từng làm ở nơi khác là vì Ngài muốn như vậy. Ngài để họ mặc cho mình áo trắng của người điên, không chút phản đối rồi để họ điệu đi giữa muôn ngàn binh lính không ngớt nhạo báng hành hạ Ngài.

          Còn chúng ta thì chẳng bao giờ chịu sự sỉ nhục nhỏ nhoi.

CHÚA GIÊSU TẠI DINH PHILATÔ

Tại đây trong khi chờ đợi khổ hình đóng đinh, Chúa phải chịu thêm mọi nỗi đau khổ dữ dằn khác theo sau những điều sỉ nhục và vu oan giá họa trên kia.

a. Vu oan: ‘Họ bắt đầu tố cáo Ngài: chúng tôi thấy người này gây rối loạn trong dân, cấm nạp thuế cho Cesar, lại xưng mình là Vua là Kitôâ’ (Lc 23,2). ‘Và Chúa Giêsu không đáp lại lời chỉ khiến cho quan trấn phủ phải ngạc nhiên’ (Mt 27,14).

          b. Sỉ nhục: Philatô nói với dân chúng: ‘Các ngươi muốn tha cho ai? Giêsu hay Barraba?’ - ‘Barraba là tên đại gian ác bị tống ngục vì tội làm loạn và giết người.’… … ‘Và toàn dân kêu lên: hãy giết nó đi và tha Barraba cho chúng tôi.’

          c. Hành hạ: ‘Bấy giờ Philatô truyền điệu Chúa Giêsu đi đánh đòn’ (Ga 19,1). Với khổ hình man rợ này, Chúa Giêsu sẽ chẳng than phiền lời nào, không kêu la, cũng chẳng dùng quyền năng sẵn có mà giảm bớt trận đòn hay làm dịu cơn đau.

          Còn chúng ta, chúng ta không hề muốn thân xác phải chịu đau đớn nào cả.

          Tiếp đến, lính quan Tổng trấn đem Chúa Giêsu ra pháp đình, có cả đến một trung đội vây quanh Ngài. Họ lột áo Ngài đang mặc, lấy áo điều khoác cho Ngài. Lại quấn một vòng gai đội lên đầu Ngài, còn tay hữu thì cầm một cây sậy. Rồi họ quỳ trước Ngài mà ngạo rằng: Tâu Vua Do Thái! Họ khạc nhổ vào mặt Ngài, cầm cây sậy đánh vào đầu Ngài làm cho gai nhọn đâm sâu vào hơn’ (Mt 27,37-30).

          Chúa Cứu Thế thần linh của chúng ta đã lấy mạo gai mà đổi lấy cho chúng ta triều thiên vinh quang trên Trời! Hạnh phúc biết bao nếu một ngày kia được nhận lãnh triều thiên do chính tay Ngài trao ban với tất cả tình thương mến.

          Hãy tỏ lòng yêu mến và ngưỡng mộ! Bầy tỏ tâm tình và tìm điều dốc quyết thích hợp!

          Chúa Giêsu yên lặng chẳng nói lời gì. Ille autem tacebat et nihil respondit’ (Mc 14,61).

----------o0o----------