BÀI THỨ 343

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA CỨU THẾ

 

+ Tiền nguyện: Trước khi suy niệm vài đoạn tấm bi hùng kịch vĩ đại này, chúng ta hãy suy gẫm lời tiên tri Isaia:

 Ngài (Chúa Cứu Thế) đã bị thương tích vì sự bất công của chúng ta, bị bạc đãi vì tội lỗi chúng ta: án phạt đổ xuống trên Ngài để đem lại bình an cho chúng ta, nhờ vết thương tím bầm của Ngài mà chúng ta được lành mạnh. Ngài chịu nộp làm lễ hy sinh vì chính Ngài muốn thế, và Ngài chẳng hề cất tiếng than phiền. Ngài sẽ bị điệu xử tử mà không chống cự, như con chiên bị mang đi chọc tiết. Ngài yên lặng chịu đựng không hề mở miệng như chiên con trong tay thợ xén lông’ (Is 53,5).

Và lời tiên tri của tác giả thánh vịnh: ‘Chúng đã đâm thủng tay chân Ta và đếm các xương Ta’ (Ps 21,17-18).

TÊN ĐẠI GIAN ÁC BARRABA

Dân chúng đồng thanh kêu lên: hãy giết nó đi và tha Barraba cho chúng tôi’ (Lc 23,18). ‘Như thế ứng nghiệm lời tiên tri rằng: Ngài bị liệt vào số kẻ gian ác’ (Mc 15,28). Chúa Giêsu để dân chúng có cảm tình với Barraba hơn Ngài. Người vô tội và vị ân nhân chấp nhận việc bị xếp hạng dưới cả tên trộm cắp và sát nhân!

          Còn chúng ta, chúng ta buồn rầu khi người khác yêu mến người lương thiện hơn chúng ta. Tự ái chúng ta nổi dậy khi tha nhân không trọng kính chúng ta đủ. Tính ghen tương luôn đòi được đối xử hơn người và nhiều khi đi tới chỗ quá đáng hay lố bịch.

Chớ gì chúng ta biết đừng xin gì ngoài lòng yêu thích sự khinh chê, chúng ta có thể tìm thấy ngay nơi bản thân những động lực giúp sống được như thế!

 

CHÚA GIÊSU BỊ ÁN TỬ HÌNH

Ông ta đã phạm thượng. Ông ta đáng chết’ (Mt 26, 66). ‘Đem đi! Đem đi! Đóng đinh nó vào thập giá!’ (Ga 19, 15). ‘Dân chúng càng kêu to hơn: đóng đinh nó vào thập giá. Và thế là Philatô để chiều lòng dân, sau khi truyền đánh đòn Ngài liền trao cho họ đem đi đóng đinh’ (Mt 15, 14-16).

          Chúa Giêsu, người vô tội bị án tử hình là do tội lỗi chúng ta gây nên. Thánh Phaolô nói trong thư gửi cho giáo đoàn Galates : ‘Chúa Kitôâ chịu chết cho mọi người chúng ta’ (Gal 2, 20).  Ngài bị thương tích vì sự bất công của chúng ta, bị bạc đãi vì tội lỗi chúng ta’ (Is 53, 5). ‘Ngài chịu nộp làm lễ vật hy sinh vì chính Ngài muốn như thế (Is 53). Chúa Cứu Thế cũng nói rõ: ‘Chẳng ai cất sự sống ta đi được, nhưng chính Ta tự ý bỏ sự sống mình, bởi Ta có quyền bỏ và cũng có quyền lấy lại (Jn 10, 18). ‘Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để mọi kẻ tin kính Ngài khỏi hư mất, nhưng được sống mãi mãi’ (Ga 3, 16).  Thánh Phaolô nói: ‘Ngài đã thương yêu tôi và đã nộp mình vì tôi’ (Gal 2, 20).

          Chúng ta có thể chịu đựng lời nói hành, vu oan, xét đoán và xử án bất công để đền tội mình không? Chúng ta có sẵn lòng chấp nhận đau khổ do Chúa gửi đến không? Thánh Anrê đã kêu lên: ‘Ôi thập giá, thập giá tốt lành, nguồn mạch mọi ơn phúc, thập giá mà ta hằng mơ ước từ lâu, hằng yêu mến tha thiết và luôn tìn kiếm không ngừng, cuối cùng đã tới thỏa lòng mong ước! Ôi thập giá phúc hậu, nhờ ngươi mà Chúa đã cứu chuộc và đón nhận Ta!

 

VÁC THẬP GIÁ

Và Chúa Giêsu vác thập giá đến một nơi kia gọi là núi Sọ, tiếng Do Thái là Golgotha’ (Jn 19, 17).

          Chính Chúa Giêsu đã vác thập giá của Ngài, nhưng vì đã quá kiệt sức mà thập giá lại nặng, nên người ta đã bắt ông Simon người Cyrê tiếp tay vác đỡ cho Ngài. Thật là hạnh phúc và vui mừng biết bao khi được đỡ gánh nặng cho Chúa Giêsu! Thánh Phêrô nói: ‘Các bạn hãy vui mừng, nếu các bạn được thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitôâ’ (I Pet 4, 13).

          Thánh sử ghi lại rằng quân lính cởi áo đỏ ra và mặc áo cũ lại cho Ngài, là để đám đông dễ nhận ra Ngài hơn và để Ngài phải nhục nhã hơn. Như vậy Thầy Chí Thánh của chúng ta không bỏ lỡ cơ hội nào để làm tăng thêm đau đớn và sỉ nhục.

          Còn chúng ta thì trái lại, chúng ta trốn né tất cả những đau khổ nào có thể tránh được. Chúng ta luôn liệu cách làm giảm bớt đến mức tối thiểu những khổ đau mà chúng ta bắt buộc phải chịu. Như thế phải chăng chúng ta đã theo gương Chúa Giêsu Kitôâ và vác thập giá cùng Ngài? Hãy tỏ lòng thẹn thùng và hối tiếc!

 

NÓI VỚI CÁC THIẾU PHỤ THÁNH THIỆN

Quay về phía các bà, Chúa Giêsu phán bảo: ‘Hỡi phụ nữ Giêrusalem, chớ khóc thương Ta! Hãy khóc thương chính các con và con cháu các con! Vì đã đến ngày người ta phải than: Phúc thay cho những đàn bà son sẻ, cho lòng không cưu mang, và cho vú không con bú!’ (Lc 13, 28 – 29).

          Cứ như thế thì ngay trong giờ hấp hối Chúa Giêsu cũng lo lắng cho người khác hơn là cho bản thân. Ngài quên nỗi niềm riêng để nghĩ tới tai ương sắp giáng xuống quê hương Ngài, dù quê hương đó có giết Ngài, vì thành Giêrusalem sẽ bị phá hoang tàn.

          Còn chúng ta, khi phải đau khổ chúng ta chỉ luôn nghĩ tới mình và các đau đớn riêng, kể lể những lời bi ai thống thiết đến nỗi làm người nghe phải mệt tai. Cần phải có nhiều hy sinh và công trạng mới kềm chế được bản năng tự nhiên thích giảm nhiều khổ đau! Cần phải thật nhân từ, thực ra chính bác ái mới giúp nghĩ đến tha nhân nhiều hơn! Nếu chúng ta có được một tấm lòng vô vị lợi, sẽ dễ dàng đánh động lòng người và khuyên bảo được họ.

 

RƯỢU NHO VÀ MỘC DƯỢC

Thánh sử nói: ‘Ngài chỉ nếm chứ không uống’ (Mt 27, 34). Chúa từ chối không uống vì chất thuốc mê này làm mất đi cảm giác đau đớn và như thế giảm bớt công trạng của Ngài. Nhưng lát sau thì Ngài lại nếm giấm chua, vì chất này làm cho phải đau đớn hơn.

          Theo gương Ngài, chúng ta không tìm cách xoa dịu khổ đau, nhưng luôn hy sinh mỗi khi có dịp.

 

CHÚA GIÊSU BI LỘT QUẦN ÁO

Binh lính lột áo quần Ngài để chia nhau.’ Họ để Chúa trần truồng trên thập giá trước mắt mọi người! Có con người danh giá nào lại thích cái chết nhục nhã như thế trước công chúng không? Sự xấu hổ nhục nhã như vây bọc Ngài tứ phía!

          Còn chúng ta, chúng ta sợ phải xấu hổ trước mặt người đời, nhưng sao chúng ta lại không cảm thấy hổ thẹn trước mặt Thiên Chúa khi linh hồn chúng ta đầy nhơ nhớp xấu xa! Ôi giá như người đời mà nhìn thấy linh hồn nhơ nhớp ấy, họ sẽ nghĩ sao?

a. Chỉ có các thánh mới không có gì đáng xấu hổ trong linh hồn.

b. Tâm hồn các Kitôâ hữu tầm thường và cả một số người sống đạo hẳn hoi đều có vài điểm nào đó không được vẻ vang cho lắm. Nhiều yếu đuối thầm kín, nhiều giây phút xao lãng bổn phận.

          c. Các tâm hồn không sống đạo và thường được mệnh danh là những ‘người lương thiện’ thì trừ một số hoạ hiếm, còn đều là những người chẳng ra gì. Họ là những ‘mồ mả quét vôi trắng.’ Có lẽ họ không phạm tội sát nhân, không trộm cắp, nhưng nơi họ có ẩn chứa bao nhiêu điều xấu xa ô nhục.

Ôi, những hành động có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà họ thực hiện thật là vô giá trị. Thật quá nhiều mâu thuẫn giữa nếp sống bên trong và những gì họ tỏ lộ ra bên ngoài.

          Phần chúng ta, ước gì chúng ta đủ can đảm dùng ánh mắt siêu nhiên để nhìn thẳng vào những điều đáng tủi hổ che dấu bên trong tâm hồn chúng ta. Hãy tỏ lòng lo lắng và cầu xin lòng thương hải hà của Chúa đoái hoài đến chúng ta.

 

LĂNG MẠ VÀ SỈ NHỤC

Những người đi ngang qua lắc đầu chế diễu Ngài’ (Mt 27,39-41). Chúa Giêsu để mặc cho người ta sỉ nhục, không hề dùng quyền năng chống lại họ. Người ta đối xử với Ngài như xử đối với một tên bịp bợm vô tài.

Người ta chế nhạo quyền lực làm phép lạ của Ngài: ‘Này, hỡi kẻ phá đền thờ Thiên Chúa rồi sẽ dựng lại nội trong ba ngày kia ơi, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem. Nó cứu chữa người khác được mà không cứu chữa mình nổi! Nếu là vua Israel sao hắn không xuống khỏi thập giá bây giờ để chúng ta tin. Hắn đặt tin tưởng vào Thiên Chúa yêu thương hắn, sao Ngài không cứu hắn, vì hắn tự xưng mình là con Thiên Chúa’ (Mt 27,40-45).

          Trước những thái độ khinh miệt và những lời nhạo báng bất công như thế, Chúa Giêsu luôn trả lời bằng yên lặng.

          Ngày nay chúng ta cảm thấy phẫn nộ biết bao khi thấy Thiên Chúa bị lăng nhục ngoài phố xá, bị các người gian ác khinh khi, các người lạc đạo ngộ nhận, các người ngoại giáo xấu nết đối xử một cách bất xứng, thế mà chúng ta không thấy bàn tay uy quyền nào giơ lên để trả thù cho Ngài.

          Chúng ta cũng phẫn nộ khi thấy các Linh Mục, các nam nữ tu sĩ cũng như bao nhiêu công trình của tôi tớ Chúa bị chống đối, bị xua đuổi và có khi bị đả kích bừa bãi trên báo chí do những kẻ có đời sống không mấy tốt đẹp.

          Những lúc đó, chúng ta hãy đưa mắt nhìn Chúa Giêsu Kitôâ trên thập giá, dù có bị sỉ nhục vô lối, nhưng Ngài vẫn một mực yên lặng. Ngài không dùng quyền năng trong tay để đánh gục đối phương, phải chăng là đáng ngạc nhiên khi các môn đệ rồi đây cũng bị đối xử như Thầy Chí Thánh mình? Phải chăng là đáng ngạc nhiên khi xưa kia Thiên Chúa để con yêu dấu Ngài phải chịu thử thách trăm chiều và ngày nay Ngài còn để cho các phần tử trong nhiệm thể con Ngài cũng phải chịu đau khổ như thế để tiếp tục chương trình cứu rỗi?

          Chúng ta đừng sợ bách hại, trái lại hãy vui mừng vì đó là luật ngàn đời của công cuộc cứu chuộc, là luật của mọi hoạt động thần linh, là điều kiện đưa đến thành công và tiến bộ. Đồng thời là dấu chỉ rõ ràng chứng tỏ tính cách thần linh của Kitôâ giáo và hào quang vinh hiển nhất của đạo giáo.

          Tiếp đến chúng ta hãy so sánh những điều sỉ nhục khủng khiếp Chúa Giêsu trên thập giá với các va chạm nho nhỏ, những xúc phạm không đáng kể mà chúng ta chịu với lòng đầy giận hờn và thù hận. Chúa Kitôâ chịu đựng nhục nhã trong yên lặng và bình thản, còn chúng ta thì chua cay trong lòng cũng như ngoài môi miệng và còn nuôi ý hướng báo thù nữa.

          Chúng ta hãy hạ mình xuống và xác định để tìm lấy một vài điều dốc quyết cụ thể.

          Chúa đã chất tất cả tội lỗi ta lên mình Ngài’ (Is 53,6) ‘Con tưởng Thầy không thể xin Cha Thầy sai mười hai đạo binh thiên thần đến với Thầy sao? Nếu vậy thì lời Kinh Thánh đâu còn ứng nghiệm vì công việc phải xảy ra như thế!’ (Mt 26,53-54).-