BÀI THỨ 353

 

CHÚA THĂM 12 TÔNG ĐỒ ĐANG TỤ HỌP

+ Tiền nguyện:Tám hôm sau, các môn đệ lại cùng nhau họp tại nơi cũ đó (nhà Tiệc Ly), lần này có cả Thomas. Chúa Giêsu hiện đến giữa các ông và phán: Bình an cho các con! Rồi Ngài nói cùng Thoma: hãy xỏ ngón tay con vào thương tích trên tay Thầy đây. Và hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy, rồi đừng tỏ ra cứng lòng nữa mà hãy tin. Thomas liền thưa: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!

 

CHUẨN BỊ ĐỂ CHÚA ĐẾN THĂM

Chúa Giêsu cũng thường xuyên thăm viếng các tâm hồn.

          Ngài thăm viếng như thế nào? Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta, điều cần làm là chúng ta phải ý thức về sự hiện diện đó và vui hưởng thánh nhan Ngài. Nói cách khác, để được Ngài đến viếng thăm cần phải chuẩn bị ít điều như sau:

a. Vào lúc chiều tối: Tức là vào giây phút mà bóng đêm và thinh lặng của đêm khuya, giúp cho con người dễ dàng sống hồi tâm. Do đó hãy phủ màn đêm xuống mọi của cải và thú vui thế gian. Hãy vùi tắt muôn ngàn tiếng động của lo lắng cũng như những nổi dậy của đam mê. Hãy dẹp tan đi những xáo trộn của cuộc sống cũng như mọi bận tâm thể xác và tinh thần.

          b. Đóng kín các cửa lại: giữ gìn cẩn thận các giác quan. Tâm hồn khép lại trước mọi sự thế gian. Trí tưởng tượng đóng lại với các phù vân. Ý chí không vương vấn những quyến luyến bất hảo. Ước chi tâm hồn chúng ta bắt chước các tổ chim bói cá đóng kín tứ phía chỉ mở để đón ánh sáng mặt trời thôi.

          Có những tâm hồn mà Chúa Giêsu chẳng lộ diện ra bao giờ. Dù Ngài vẫn hiện diện nhưng luôn dấu mình vì không tìm thấy thái độ từ bỏ, thinh lặng, an tĩnh nơi đó, là các điều kiện cần thiết khơi dậy ước muốn lành thánh và lên tiếng mời Ngài xuất hiện.

          c. Việc sợ người Do Thái càng khiến cho các Tông Đồ mong ước gặp Chúa Giêsu. Cần đến Ngài, cần đến sự an ủi cũng như sự giúp đỡ quyền năng của Ngài. Điều này luôn sẽ là một động lực thúc đẩy các ước vọng của chúng ta, và đau khổ sẽ đưa chúng ta đến nhu cầu đó.

Đau khổ khiến chúng ta nghĩ tới mình và xúi giục chúng ta nao nức mong chờ Chúa Giêsu đến thăm viếng. Cơn đau khổ thiện hảo có tác dụng dẫn đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa, nói đúng hơn là để Chúa hiện diện rõ rệt trong chúng ta.

 

HIỆU QUẢ

Nhiều khi ta tự hỏi: ‘làm sao nhận biết được Chúa Giêsu hiện diện nơi chúng ta?’ Có lẽ là qua các tâm tình Ngài linh ứng cho chúng ta, nhưng đó là những tâm tình nào? Không hẳn luôn là  tâm tình hay tia sáng lớn lao, nhưng luôn là niềm an bình trong tâm hồn.

          Thực vậy, an bình là lời chúc nguyện đầu tiên của Chúa Kitôâ cho các Tông Đồ mỗi khi Ngài đến viếng thăm. Vừa hiện đến, Ngài phán ngay: ‘Bình an cho các con! Pax vobis!

          An bình vừa là lời nói của Chúa Giêsu vừa là hơi thở, là tâm hồn, là hoạt động của Ngài nơi tâm hồn chúng ta. Ngài phán và tạo nên an bình, vì lời Ngài có sức mạnh sáng tạo.

 Một vài an ủi xuất hiện nhưng không phải đến từ Thiên Chúa. Dấu hiệu để nhận biết và phân biệt đó chính là niềm an bình.  Nên một sự hoan lạc tạo rối loạn, hay ham muốn nồng nàn nào, và đến cách chóng vắn thì không phải là đến từ Thiên Chúa.

          Sự an bình của Thiên Chúa thì lâu bền. Tuy nhiên nơi các tâm hồn không hoàn hảo chỉ biết tìm kiếm bản thân thay vì tìm kiếm một mình Thiên Chúa, thì niềm an bình ấy chẳng được bao lâu. Gặp chống đối lâu dài đôi chút thì họ đổi ý. Thất bại sẽ khiến họ phải bối rối lo âu. Cực nhọc làm họ thất vọng. Công việc bận bịu dù có ích lợi chăng nữa cũng đưa đến tiêu tan ý chí phấn đấu.

          Như thế cần phải xa tránh những những người chỉ biết tìm kiếm bản thân hơn là Chúa Giêsu. Niềm an bình đối với lớp người này chẳng bao giờ được hoàn toàn, cũng chẳng đem lại cho họ chút an ủi nào. Chẳng mấy chốc họ trở lại với giận dữ, ghen tương, phàn nàn, tháo thứ và thế là niềm an bình vỗ cánh bay cao.

 

CHÚA GIÊSU ĐÀM THOẠI VỚI CHÚNG TA

a. Chúa Giêsu tỏ cho các Tông Đồ thấy các thương tích trên tay, chân, và cạnh sườn Ngài. Qua đó Ngài dạy các ông. Tại sao?

+ Để các Tông Đồ nhận ra Ngài rõ ràng hơn, Ngài đã đau khổ, đã chịu chết cho chúng ta, để cứu rỗi chúng ta. Còn với các nhà giải phóng giả hiệu, cứ mạnh dạn hỏi họ: ‘Dấu tích khổ nhục của các ông đâu?’ Chắc chắn họ không thể dẫn chứng được.

+ Ngài muốn khơi dậy tình yêu sống động nơi các Tông Đồ để minh chứng Ngài đã yêu thương chúng ta vô ngần.

+ Ngài dậy cho các Tông Đồ biết sự cần thiết của đau khổ ‘Chúa Kitô phải đau khổ như thế đó.’ Bài học quý giá chừng nào! Ngài đã đau khổ như vậy, sao chúng ta không noi theo?

+ Ngài cho các Tông Đồ thấy mầu nhiệm nếp sống phục sinh và siêu nhiên. Nếp sống ấy phải mang dấu tích khổ nhục của Chúa Giêsu như lời thánh Phaolô: ‘Tôi mang trong thân xác tôi các thương tích Chúa Giêsu, nên từ nay, đừng ai phiền lụy tôi nữa! Stigmata Domini Jesu  in corpore meo porto’ (Gal 6, 17).

Lời nói đó có ý chỉ gì? Ngài muốn nói tới một nếp sống từ    bỏ không màng tới của cải đời này, có chăng thì cũng chỉ nhìn chúng với con mắt dửng dưng. Ngài muốn đề cập đến thái độ chấp nhận cuộc sống thập tự hay đúng hơn tự ý tìm kiếm với tình yêu mến như nếp sống của các tâm hồn hoàn thiện.

b. Chúa Giêsu nhắc lại và muốn huấn dụ Thomas: ‘Hãy xỏ ngón tay vào thương tích ở tay Thầy đây! Và hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy, rồi đừng tỏ ra cứng lòng nữa, nhưng hãy vững lòng tin!

c. Chúng ta hãy đặt mình vào địa vị thánh Thomas! Hãy chiêm ngưỡng tình âu yếm và thái độ bình thản của Chúa Giêsu trong lời răn dạy dịu dàng ấy! Cảm nghiệm các thương tích thánh thiện của Ngài với tâm tình hồi hộp lo lắng. Đặt môi hôn lên từng thương tích và tự nhủ: cả tôi nữa, tôi cũng có bàn tay chịu đóng đinh, bàn tay tượng trưng cho hành động. Còn bàn chân thì sao? Tôi có hãm tự do riêng lại vì Chúa Giêsu không? Trái tim tôi nữa? Nó có thuộc về Thiên Chúa một cách hoàn toàn chăng?

c. Lời đáp lại của chúng ta dưới chân Chúa Cứu Thế cùng với Thomas trong tâm tình biết ơn cùng với lòng nhân hậu hải hà của Ngài, chúng ta hãy thốt lên: ‘Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi! Dominus meus et Deus meus!

Lạy Chúa Chí Thánh, con thờ lạy Chúa và yêu mến Chúa trong mọi sự. Con yêu mến Chúa trong mọi vẻ dịu dàng nơi bí tích Thánh Thể. Con yêu mến Chúa trong mọi nỗi cay đắng khổ đau và thử thách. Con thành tâm thờ lạy và yêu mến Chúa là Thầy Chí Thánh và là Thiên Chúa nhân từ của con!

          Chúng ta hãy tiếp tục cuộc đàm thoại trước Nhà Tạm dù khi phải chịu nỗi đau buồn và khổ nhục mà Chúa đoái thương gửi đến. Đừng tỏ ra cứng lòng nữa, nhưng hãy tin cho vững mạnh.

          Đức tin sống động sẽ là nguồn hạnh phúc cho trái tim cũng như là niềm an bình cho trí khôn, vì chúng ta thường hay có phán đoán sai lạc, thích hoài nghi và không tin vào lời nói thành thật, vô vị lợi của những người lương thiện như các Tông Đồ. Chúng ta hãy bắt chước Pascal mạnh dạn nói lên quan niệm chí lý rằng: ‘Tôi tin theo các chứng nhân sẵn sàng chịu cực hình.’

          Tin tưởng nơi Chúa Kitôâ và Hội Thánh Ngài thì rất là chắc chắn và đáng được thưởng công, vì Chúa đã hứa ban hạnh phúc đời này và đời sau: ‘Phúc cho ai không thấy mà tin! Beati qui non viderunt et crediderunt!

------------oOo------------