BÀI THỨ 360

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

+ Tiền nguyện: Dựa vào một vài chi tiết trong Thánh Kinh để hồi tưởng lại sự kiện trọng đại này: ‘Ngày lễ Ngũ tuần đến (năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua), các môn đệ tụ tập cùng nhau tại một nơi. Bỗng nhiên các ông nghe tiếng rào rào như trận cuồng phong từ trời thổi tới, và ùa vào nhà, nơi các ông đang tụ họp. Đồng thời các ông thấy những lưỡi lửa từ đâu xuất hiện và đậu trên từng người.

Lập tức tất cả các ông được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói được nhiều ngoại ngữ tùy theo Chúa Thánh Linh linh ứng cho. Lúc ấy tại Giêrusalem có nhiều người đạo đức từ miền Yuđê và từ khắp dân thiên hạ tụ tập đến.

Họ đều sửng sốt vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng nước mình. Họ vô cùng ngạc nhiên lòng đầy thán phục và nói với nhau rằng: những người đang nói với chúng ta đây lại chẳng phải là người Galilê hết sao? Vậy cớ sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói được cả ngơn ngữ riêng của chúng ta: Parthi, Mêđi, Elam, Mêsopotami, Yuđê, Capôđôxia, Pontô và Tiểu Á, Phrygia, Ai Cập, Lybia, vùng phụ cận Cyrên, và những người đến từ Rôma, Do Thái và Dự Tòng, Crêta và Ả Rập, tất cả chúng ta đều nghe họ nói ngôn ngữ riêng của chúng ta để diễn tả muôn việc kỳ diệu của Thiên Chúa. Trong thái độ sửng sốt và thán phục ấy, người này hỏùi người kia: thế nghĩa là gì? ‘ (Act 2, 1 – 12).

 

MẦU NHIỆM CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần (CTT) luôn hiện diện, và hiện diện thường xuyên nơi các tâm hồn công chính và Hội Thánh Chúa, đó là một tín điều được định tín trong kinh ‘Tơi Tin Kính.’

Chúng ta được dạy về CTT ngay trong dấu thánh gia,  trong lời đọc rửa tội, nơi cuối mỗi lời nguyện phụng vụ: cùng với CTT Thần, đầu các kinh nguyện đọc trong ngày, trong kinh Veni Creator mà Hội Thánh  hát để khởi đầu cho các việc thánh thiện.

          Chính Ngài là Đấng soi sáng chúng ta bằng lời Chúa, bằng sách tu đức, bằng những cảm thức về ơn thánh.

          Chính Ngài là Đấng linh ứng cho chúng ta qua những hành vi yêu mến và quảng đại.

Chính Ngài là Đấng an ủi chúng ta với an ủi trong những lúc khổ đau, bệnh hoạn.

          Chính Ngài là Đấng bổ sức cho chúng ta khi ban ơn sức mạnh và bền đỗ trong lúc ta bị cám dỗ.

          Chính Ngài là Đấng thánh hóa chúng ta trong các bí tích và khi tập luyện nhân đức.

          Ngài đến ngự nơi tâm hồn chúng ta với ơn thánh hóa. Ngài đã đến mang mọi hồng ân sung mãn trong tâm hồn các Tông Đồ, Mẹ Maria, khi họ tụ tập tại nhà Tiệc Ly vào ngày lễ Ngũ tuần, ngày kỷ niệm ban hành luật Chúa trên núi Sinai.

 

BIỂU HIỆN GIÓ

Những lý do sâu xa cho biểu hiện này là:

a. Chúa Thánh Thần được sánh ví như ngọn gió: gió khử diệt chướng khí để thanh lọc bầu Trời, gió thổi bay rơm trấu và để còn lại hạt gạo trắng thơm. Gió thổi phồng cánh buồm để đưa con thuyền tới bến ước mong, gió luôn luôn là hình ảnh quyền năng của Thiên Chúa như lời tác giả Thánh Vịnh nói: Thiên Chúa ‘Lướt đi trên cánh gió’ (Ps 103, 3)..

b. Chúa Thánh Thần được ví như cơn gió dữ dội, như trận cuồng phong: gió dâng sóng biển tạo nên những cảnh tượng ngoạn mục thế nào, thì cũng nâng tâm hồn chúng ta lên, rồi lay động để giũ bỏ thái độ hôn mê, ù lỳ, uể oải, và đưa lên cao tất cả những tâm hồn nhập cuộc với mình.

c. Được ví như cơn gió đến bất chợt: ngày giờ là thuộc về Thiên Chúa. Việc của chúng ta là phải chuẩn bị. Saulô bị té ngựa trên đường Damas một cách bất ngờ chưa kịp chuẩn bị gì, nhưng đó là một trường hợp đặc biệt, một phép lạ.

d. Gió thổi từ Trời xuống chứ không phải từ đất lên cũng không đo tưởng tượng của chúng ta. Ta phải tránh những ảo tưởng viễn vông.

e. Gió thổi ùa vào đầy nhà Tiệc Ly, cũng đưa sinh khí cho toàn thể Hội Thánh. Luật cũ không có một hình ảnh nào hùng vĩ như thế.  Đây là luật mới, luật của yêu thương, không còn sợ hãi, luật được ướp đượm sung mãn nguồn ánh sáng và ơn sủng của Chúa Thánh Thần.

Ngài đến với toàn thể Hội Thánh, không một nơi chốn nào dù hẻo lánh mà Ngài không xâm nhập.

Không một tâm hồn tín hữu nào bị bỏ rơi, để rồi thiếu vắng ơn thánh Ngài ban. Còn nơi lương dân, người thờ ngẫu tượng, nhưng với lòng thành vì không biết thì vẫn có thể được Ngài đến thăm viếng.

          Ngài muốn đổ tràn tâm hồn chúng ta bằng những tâm tư ý tưởng nước Trời và sự sống thần linh. Ngài muốn đổ tràn xuống trái đất những hồng ân đó: ‘Tiếng họ vang dội toàn cõi trái đất, và lời họ vươn tới tận cùng dương gian’ (Rm 10, 18).

 

BiỂU HIỆN LỬA

Thầy Chí Thánh đã ban Thần Khí cho các Tông Đồ dưới hình thức hơi thở: ‘Ngài thổi hơi trên các ông và phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, và các con cầm buộc ai thì người đó bị cầm buộc’ (Jn 20, 22). Nhưng khi muốn trao ban hồng ân sung mãn của Chúa Thánh Thần cho các ông, Ngài dùng hình thức khác sống động hơn, đó là hình luỡi lửa.

Những lý do của biểu hiện lửa là:

a.  Lửa thanh lọc như gió, nhưng thanh lọc một cách kỹ càng và trọn vẹn hơn.

b. Lửa soi sáng, và đó là yếu tố duy nhất trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hoả, thổ) có đặc tính tỏa sáng. Bốn hồng ân Chúa Thánh Thần ban tùy thuộc đặc tính soi sáng này là khôn ngoan, trí hiểu, thông minh và huấn dụ.

c. Lửa đốt cháy và thiêu rụi. Đây là biểu tượng của tình yêu mà Chúa chúng ta đã phán: ‘Thầy mang lửa xuống thế gian và Thầy mong sao cho lửa ấy bùng cháy lên’ (Lc 12, 49).

d. Lửa truyền giáo. Nó xâm chiếm tất cả. Đây là hình ảnh lòng nhiệt thành sắp đốt nóng tâm hồn các Tông Đồ khiến thánh Phaolô phải thốt lên rằng: ‘Tôi hăng say nhiệt thành với anh em đến ghen lên được, ghen lên vì Thiên Chúa’ (2 Cor 2, 2).

e. Sau cùng lửa biến đổi toàn diện sự vật. Cũng thế, Chúa Thánh Thần phải biến đổi bộ mặt trái đất bằng cách thiêu đốt các tâm hồn, chẳng khác gì thực hiện một cuộc sáng tạo mới: ‘Xin Chúa gửi Thánh Thần Chúa xuống! Và xin Chúa hãy canh tân bộ mặt trái đất’ (Ps 103, 30).

Lửa Trời mang hình luỡi lửa, hình ảnh của lời nói có tác dụng giáo huấn bằng giáo thuyết, thiêu đốt bằng lòng nhiệt thành nung nấu.

          Các lưỡi lửa này phân tán và ngự xuống trên các Tông Đồ, hông ân Thiên Chúa luôn được chia ra phân phối cho từng người tùy theo thánh ý Chúa và tùy nhu cầu của Hội Thánh như lời Thánh Phaolô đã nói:

Người này được ơn khôn ngoan. Người khác được ơn thông minh. Người kia được lòng tin yêu sống động. Người nọ được tài chữa khỏi các bệnh tật. Người thì được quyền làm phép lạ. Người thì được ơn nói tiên tri, ơn phân biệt các thần trí hay nghe biết các ngoại ngữ’ (1 Cor 12, 8 – 10).

          Những lưỡi lửa ấy đậu xuống trên mỗi vị Tông Đồ. Chúa Thánh Thần gắn bó với các ông. Ngài ngự trong các ông. Sự trường tồn của Hội Thánh là như thế và cần phải như vậy.

          Các ông được tràn đầy Chúa Thánh Thần sau khi đã dọn sạch tâm hồn nhưng nhận được một cách khác nhau tùy thái độ chuẩn bị cũng như tùy theo nhu cầu Hội Thánh và sứ mệnh khác nhau mà các ông sắp sửa thực hiện. Bấy giờ các ông bắt đầu nói các thứ tiếng lạ.

+ Biết nói thứ ngôn ngữ của Thiên Chúa.

+ Biết làm cho lời Chúa thích ứng với khả năng và nhu cầu từng người.

+ Biết nói những điều trần thế trong bầu khí thánh thiện của Trời cao.

+ Biết loan truyền chân lý đúng lúc đúng chỗ sau khi đã nghe tiếng Chúa nhắn nhủ bên trong và rung động những tâm tình do Ngài linh ứng.

+ Chỉ nói những điều Chúa Thánh Thần thúc giục phải nói.

+ Luôn nghe theo thánh ý Ngài hơn là do sở thích cá nhân.

Chúa Thánh Thần cũng là người hướng dẫn cầu nguyện như hướng dẫn lời nói

          Bày tỏ tâm tình và tìm điều dốc quyết tương xứng.

          Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến.’

----------o0o----------