Thứ bảy tuần 1 Mùa Vọng

Sứ mệnh truyền giáo

(Mt 9,35 – 10,1.6-8)

 

          1. Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an cho thân xác và tâm hồn con người. Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để  đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin Mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ :”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về”.

 

          2. Trong năm thứ nhất đời công khai, Đức Giêsu đã đi rao giảng nhiều nơi. Đi đến đâu Người cũng thấy dân chúng ở vào trường hợp đáng thương, vì họ bị những người lãnh đạo bắt giữ những luật khắt khe, và không dẫn họ đến hạnh phúc đích thực. Vì thế Đức Giêsu động lòng thương họ và gọi thêm các cộng sự viên để cùng với Người chăm sóc dân chúng trong công việc truyền giáo.

 

          3. Đức Giêsu  thi hành sứ vụ cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người thi hành sứ vụ cứu thế như  vậy là để trung thành với thánh ý của Chúa Cha và đồng thời trở nên gương mẫu cho các Tông đồ, và cho những người làm việc tông đồ sau này trong công tác truyền giáo. Đức Giêsu đi rao giảng nhiều nơi : có ý dạy những ai làm tông đồ truyền giáo phải biết di chuyển hết nơi này đến nơi khác chứ không được cắm chốt một nơi nào như một độc quyền.

 

          4. Theo Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực : Ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

          Đức Giêsu nhắc cho các môn đệ, trong khi đi đến với những người khác, phải luôn có tinh thần xả kỷ quên mình  vì Chúa  đã nói :”Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.  Vì thế, Giáo hội luôn ý thức sứ vụ mục tử “chạnh lòng thương” và việc loan báo Tin Mừng (x. Ad Gentes).

 

          5. Ra đi loan báo Tin Mừng còn có nghĩa là ra đi khỏi con người của mình. Ra khỏi con người thiển cận, ích kỷ của mình để mặc lấy cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

          Đây là bức thư của một bạn trẻ bị bệnh sida : “Trước đây tôi không phải là một Kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại”.

          Hãy xin Chúa cho chúng ta một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata).

 

          6. Giáo hội không ngừng nhắc nhở con cài mình tập trung góp phần vào việc truyền giáo, đồng thời phải nỗ lực thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại mới. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi mọi thành phần trong Hội thánh hãy “ra khơi truyền giáo” (x. Novo Millennio Ieunte).

          Người Kitô hữu ra khơi truyền giáo bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, bằng gương sáng việc thiện giữa thế giới hôm nay. Đây là bằng chứng :

          Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng. Họ nói về sự truyên truyền, về tài liệu và tất cả những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ 20 này.

          Một cô gái Phi châu nói :”Khi muốn truyền đạo cho một làng chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu”.

 

          7. Truyện : Đức tin sống động.

          Felix Frankfurter là một quan tòa nổi tiếng của tòa án tối cao của Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy.

          Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông đã bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau : Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.

          Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này.  Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể thành Đấng an ủi như Người muốn làm.

 

          Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người , cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giêsu một cách rõ ràng cởi mở (Flor McCarthy).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

         

         

         

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường