Thứ sáu tuần 12 thường niên

Chúa chữa người phong cùi

(Mt 8,1-4)

 

          1. Trước lời cầu xin của anh phong cùi, Chúa Giêsu không thể làm ngơ vì nỗi khao khát được sạch của anh. Người đã đụng chạm đến anh và chữa lành mà không sợ mình bị nhiễm uế theo quan niệm người Do thái thời bấy giờ. Điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu có quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi. “Sạch” ở đây không chỉ có nghĩa là  khỏe về phần xác, mà còn được hiểu là  sự đổi mới trong tâm hồn nữa.

 

          2. Trong  những chuyến đi diễn thuyết để kêu gọi giúp đỡ những người phong cùi trên khắp thế giới, vị đại ân nhân của họ là Raoul Folereau thường kể câu truyện như sau : Tại một thị trấn nọ, có một người đàn ông được mọi người yêu mến bỗng ngã bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh phong cùi. Từ đó, người ta không còn thấy ông ra đường nữa, và ngay cả trong nhà,  ông cũng không còn được đi lại tự do nữa. Gia đình ông đã giam ông trên giường, khung trời còn lại của ông chính là tấm mùng.  Một ngày nọ, người đàn ông trốn ra khỏi nhà, nhưng đã bị bắt lại. Và rồi một lần nữa, ông đã trốn thoát được, không phải để được sống tự do, mà là để tự vẫn. Người ta đưa xác ông đến giảo nghiệm, và kết quả cho thấy ông không hề mắc bệnh phong cùi.

          Kể lại câu truyện trên đây, Raoul Folereau muốn nêu bật nỗi khổ tâm của những người mắc bệnh phong cùi. Nỗi đau đớn trong thể xác có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với sự ruồng bỏ, mà xã hội ở bất cứ thời đại nào  cũng dành cho người phong cùi .

 

          3. Hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị bệnh phong cùi vì anh có lòng tin. Anh tiến lại bái lạy Người và nói :”Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

          Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết. Vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giêsu “giơ tay đụng vào anh ta và bảo :”Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống. Không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay Adong. Thiên Chua ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa, Thiên Chúa trả lại sự sống (Đc Ngô Quang Kiệt).

 

          4. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt  trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thể xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người (Mỗi ngày một tin vui).

 

          5. “Người giơ tay đụng vào anh” (Mt 8,3).

          Hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh của Chúa Giêsu hôm nay đã làm cho người phong cùi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Chúa Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiến anh ta được sạch.

          Hành động này của Chúa Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phung cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta  hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị...

 

          6. Truyện : Tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

          Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa Calcutta  đến khu nhà của những ngưới hấp hối do chính Mẹ thiết lập để tạo điều kiện cho những người nghèo khổ tìm được cái chết  xứng với nhân phẩm con người. Buổi tối hôm đó, người ta đưa đến một người đàn bà đói khát và bệnh tật. Mẹ đã đến thăm và săn sóc người đàn bà này với tất cả sự ưu ái, dịu hiền. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào nói với Mẹ :

          - Thưa bà, tại sao bà săn sóc tôi như thế ?

          Mẹ Têrêsa trả lời :

- Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Trên khuôn mặt mà bóng tử thần đang chập chờn cướp lấy sự sống, đôi mắt người thiếu phụ bỗng sáng lên niềm vui. Người thiếu phụ cố gắng thì thào :

          - Bà hãy lặp lại lần nữa đi.

          Với tất cả âu yếm, Mẹ Têrêsa mỉm cười trả lời :

- Vâng, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người thiếu phụ tiếp tục nói :

- Một lần nữa, xin bà hãy lặp lại điều đó một lần nữa.

Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay Mẹ Têrêsa đặt trên ngực mình như muốn níu kéo  một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của niềm hạnh phúc mà chỉ có một tâm hồn quảng đại mới có thể ban phát.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường