Thứ năm tuần 15 thường niên

Hãy đến với Chúa

(Mt 11,28-30)

 

          1. Chúa Giêsu kêu gọi những kẻ khổ cực lầm than đến với Ngài để được nâng đỡ giúp sức. Chúa Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người. Ngài cảm thông với tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa là mạch tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.

 

          2. “Đang vất vả mang gánh nặng nề (Mt 11,28).

          Gánh nặng nào đây ? Đó là lề luật thời Chúa Giêsu. Do thái giáo có lề luật phải giữ chi li hơn 600 điều  mà Biệt phái  đè nặng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng”chất lên vai.  Chính vì thế, mà Chúa Giêsu kêu gọi dân theo Ngài vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabat” đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.

 

          3. “Tất cả những ai đang vất vả... hãy đến” (Mt 11,28).

          Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

          Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người Kitô hữu chúng ta một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách, buồn phiền để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa :”Hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

          - Đến với Chúa để học cách sống của Ngài.

          - Đến với Chúa để sống như Ngài giảng dạy.

          - Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa : vì Chúa là nguồn an ủi.

 

          4. “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 114,29).

          Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Rap-bi xưa quen dùng , hàm ý nhìn nhận ai là thầy.

          Trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo gương mẫu của Ngài : hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và đàn áp.

          Khi biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội (Trần Hữu Thành).

 

          5. “Vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

          Thực ra, trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương :”Nhu nhược thắng cương cường” : lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mới hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy  lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong “Tám mối phúc thật” :”Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

 

 

          6. Truyện : Lạn Tương Như và Liêm Pha.

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lình tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :

- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi, không ở nữa.

Tương Như nói :

          - Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không ?

          Bọn xá nhân đáp :

          - Không.

          Tương Như nói :

          - Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ, Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục  tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

          Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng :

          - Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

          Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng :”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau (Nguyễn Duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163)

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường