Thứ năm tuần 23 thường niên

Hãy yêu thương kẻ thù

(Lc 6,27-38)

 

          1. Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương địch thù và cầu nguyện  cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Yêu người xa lạ đã là rất khó, nhưng yêu địch thù còn khó gấp bội.  Chúng ta yêu người yêu chúng ta, yêu người đem lại niềm vui cho chúng ta... tình yêu ấy vẫn còn vị kỷ.  Tình yêu trọn nghĩa phải là tình yêu vô vị lợi. Yêu như Chúa yêu ta khi ta còn là tội nhân. Chúa đã chịu chết để ta được cứu độ. Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, một tình yêu chân chính.

 

          2. Trong Cựu Ước, chúng ta chỉ thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù, bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán : mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật  xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x.Xh 21,23-25; Lv 24,17-21).

          Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức Bác ái : hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chỉ cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.

 

          3. Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giêsu đơn cử ra hai việc phải thực hành :

          a) “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con” : Ở đây muốn nói : Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành  như giao tiếp, giúp đỡ, cầu nguyện...

          b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ” : Đây là thái độ  biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực : lấy điều lành  đền đáp lại điều dữ.

          Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu niên. Vì thế :

                   - Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ.

                   - Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại.

                   - Làm sự lành  để trả sự dữ là Thiên Chúa.

          Vậy người Kitô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.

 

          4. Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy :

          a) Học thuyết của Khổng Tử : Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Tử giống luật báo oán của Cựu Ước. Ngài dạy học thuyết :”Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu :”Dĩ đức báo oán”.

          b) Đức Phật Thích Ca : Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói :”Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.

          c) Ông Mahatma Gandhi nói :”Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.

          d) Mục sư Luther King : Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói :”Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói  đó là tình yêu Thiên Chúa  được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như  vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải  vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.

 

          5. Truyện :  Tha thứ cho kẻ thù.

          Một ông bố giầu có, cảm thấy già yếu gần đất xa trời, bèn gọi ba đứa con trai lại chia gia tài đồng đều cho chúng, duy còn lại một viên kim cương gia bảo quý giá không thể chia cắt được.

          Ông ta giải quyết bằng cách nói với các con rằng :”Ta sẽ trao viên kim cương cho đứa nào thực hiện  một việc lành tốt đẹp nhất. Vậy các con hãy ra đi và thực hiện cho được điều kiện đó”.

          Ba đứa con lên đường và ba tháng sau trở về. Người con cả nói với bố :

          - Một người ngoại quốc  đã giao toàn bộ tài sản cho con và con đã thủ tín trả lại đầy đủ.

          Người cha tuyên bố :

          - Con đã làm phận sự của con rất tốt đẹp.

          Đến lượt đứa con thứ trình :

          - Thưa cha, con đã xả thân cứu được một em bé chết đuối.

          Người cha khen anh ta. Rồi quay sang nhìn đứa con út. Cậu ấp úng bẩm :

          - Thưa cha, trong một cuộc hành trình con thấy địch thù con đang ngủ say bên một bờ vực sâu. Con nghĩ con có thể xô nó xuống vực dễ dàng, nhưng con không làm. Trái lại con đánh thức nó dậy và cứu nó.

          Nghe xong, người cha ôm hôn cậu út và tuyên bố :

          - Viên kim cương gia bảo thuộc về con, vì con đã làm một việc lành vĩ đại  biểu lộ một tấm lòng nhân ái chân thực là yêu thương tha thứ cho kẻ thù mình.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt