GIÀU - NGHÈO

 

Sự phân biệt giàu nghèo trên thế giới, thời đại nào cũng có. Đó phải chăng là phần phước của cuộc đời mỗi người. Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người trở nên rất giàu có, và cũng có không ít những nguyên nhân khiến người ta cả đời sống trong nghèo khó. Một trong số những nguyên nhân đó rất chính đáng. Nếu nói vậy, thì nghèo không là cái tội, mà giàu cũng không phải là cái tội.

          Đức Giêsu hoàn toàn không phỉ bác người giàu, Ngài chỉ răn bảo cách ăn nết ở của họ sao cho đừng khiến bản thân rơi vào bất hạnh trong cuộc sống đời sau. Dụ ngôn hôm nay cũng là một trong những trường hợp đó.

          Hai hình ảnh giàu nghèo trái ngược trong Tin mừng hôm nay cho thấy họ là hình tượng của hai tầng lớp, một sự phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt. Thế nhưng dù giàu dù nghèo thì nhân phẩm họ đều phải được tôn trọng như nhau, không gì được phép khác biệt.

          Thói đời làm gì có chuyện đó. Người giàu đi đâu, đến đâu, về đâu cũng được trọng vọng, còn kẻ nghèo suốt một đời lam lũ chỉ quanh quẩn bên vại nước, bếp rau mà thôi. Cái vấn nạn ở đây chính là “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Giả như tôi may mắn là người giàu có, nhưng biết san sẻ cho kẻ nghèo, ít gì thì cũng là phần thừa của mình thì phải phúc lắm không. Nhưng đằng này, dù chỉ là mẩu bánh vụn rơi vãi cũng không được: “Có một ông nhà giàu kia mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.” (Lc 16, 19-21)

          Hai hình tượng nhân vật hoàn toàn đối nghịch nhau, người lụa là gấm vóc - kẻ ghẻ chốc đầy mình; người yến tiệc linh đình - kẻ ngày ngày đói khát thèm ăn; người nhà cao cửa rộng - kẻ vô gia đình, vô gia cư. Bao nhiêu phần phúc người giàu hưởng tất cả, kẻ nghèo thì gánh chịu toàn bộ bất hạnh. Đời còn gì đáng buồn hơn thế nữa. Vực thẳm ngăn cách giữa hai cuộc đời này sao mà lớn quá, khập khiễng quá, khó mà có thể san bằng được.

          Vậy mà đến kết cục, người nghèo chết và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết và bị đày xuống âm phủ. Lúc này mọi sự đã khác, đã thay đổi, một sự hoán đổi không ai ngờ được, sự hoán đổi ấy thú thực chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể can thiệp và khiến chúng xảy ra.

Giữa hai cuộc đời, hai con người này vẫn được ngăn cách bởi một vực thẳm lớn, nhưng cũng may là họ vẫn còn có thể nhìn thấy nhau, không hoàn toàn đoạn tuyệt. Và vì càng nhìn thấy nhau thì nỗi đau càng lớn. Nhìn thấy người nghèo khó Ladarô kia ngày nào còn lê lết trước cổng nhà mình đói khát, ăn xin, vậy mà giờ đây anh đang được ngự trong lòng tổ phụ Ápraham mà hưởng hoan lạc. Còn mình đây, thân phận một kẻ giàu có khét tiếng mà lại chịu cảnh đau đớn nhường này, đời có phải quá bất công hay không.

Kẻ trước đây từng thèm khát, ăn xin miếng cơm, giọt nước của mình bây giờ chính mình lại cầu xin giọt nước từ anh ta. Kẻ nghèo khó vô cùng lại trở nên giàu có, kẻ giàu có tột bậc lại trở nên nghèo khó vô cùng: “Lạy tổ phụ Áp ra ham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị đửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16, 24-25)

          Lời cầu xin và hối hận muộn màng của ông nhà giàu đã không còn kịp nữa, vì thời gian dành cho ông đã hết. Mỗi người chúng ta sống ở trên đời cũng là thời gian để cho mình sau này trả lời cho tất cả mọi hành động sống của mình. Thế nên đừng để thời gian qua đi cách vô ích hoặc lạm dụng nó để trở thành án phạt. Hơn nữa, cái khoảng cách, cái vực thẳm giữa con người với con người tại thế - cái vực thẳm mà họ tự tạo ra cho nhau, cho dù to lớn thế nào cũng có thể lấp đầy được bằng tình yêu thương, sự hy sinh, bác ái và tha thứ. Ngược lại, vực thẳm của thiên đàng, hoảng ngục trong cuộc sống đời sau không ai có thể lấp đầy: “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16, 26)

          Cái lạ là câu chuyện đời sau của hai số phận, hai con người kia tưởng chừng sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhân loại. Thế nhưng, sự thật phũ phàng là họ chẳng chịu tin, hoặc cho là chuyện của ai đó, không phải bản thân tôi. Thế nên, ngày nay nhân loại vẫn luôn sống trong tình trạng giàu nghèo phân biệt rõ rệt. Và người giàu vẫn vậy, thật khó bước vào nước trời biết bao, như Đức Giêsu đã cảnh cáo: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 19, 24).  

Đây chính là tội lớn nhất của nhân loại, tội phạm đến Thánh Thần, tội cố tình, tội chối bỏ Thiên Chúa: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, thì họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16, 31)

          Lạy Chúa, con không là người giàu, cũng chẳng phải kẻ nghèo, vì ngày ngày vẫn có đủ cơm ba bữa để ăn, áo đủ ấm để mặc, nhưng thực sự con lại chính là kẻ giàu lòng tham và ích kỉ, chứ không phải là một người nghèo giàu lòng tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh Ladarô hẳn nghèo hơn con rất nhiều, nhưng anh đã sống một đời đẹp lòng Thiên Chúa. Cả đời anh so với con mắt nhân loại xem như vất đi rồi vậy mà anh lại làm Thiên Chúa vui thỏa. Vậy giàu mà làm gì, nghèo cũng có là chi. Xin giúp con đừng bao giờ lăn tăn đến chuyện giàu – nghèo. Có phải con nghèo mà Chúa không thương hay vì giàu mà Ngài để tâm tới? Thay vì vậy hãy biết sống một đời nghèo khó như Ladarô, nghèo khó trong vâng phục và tín thác vào lòng Chúa xót thương.

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.