CHÚA CHẾT CHO CON SỐNG

 

Có bốn hạng người hiện diện trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, phải chăng đó cũng chính là những con người đại diện chung cho cả nhân loại. Cuộc đời mà, kẻ này người nọ, không phải ai ai cũng đều là người xấu và cũng chả phải đâu đâu cũng là người tốt. Kẻ xấu, người tốt phải chăng do bản chất hay do giáo dục, hay tại cuộc đời?

          Có thể nói, Philatô là nhân vật đầu tiên đại diện cho những nhà lãnh đạo hèn nhát. Chỉ vì lợi ích cá nhân mà ông không dám cầm cân nảy mực, xét xử công minh cho người vô tội. Bởi vậy mới nói, xã hội loài người, có được nhà lãnh đạo tài ba, nhân đức là một đại phúc cho nhân loại: “Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mc 15, 15)

          Đám đông, những con người đại diện cho kẻ ác, những kẻ ganh ghét, tỵ hiềm và độc ác đã nhẫn tâm đóng đinh người vô tội, một con người mà có thể nói chả làm thiệt hại gì đến họ cả. Có chăng là giáo lý của Người mới mẻ, khác biệt với tập tục tiền nhân mà thôi. Chả hiểu vì sao, một con người vô tội như vậy mà lại khiến cho họ đối xử tàn nhẫn như thế. Họ cam lòng đóng đinh người vô tội để mà phóng thích một kẻ sát nhân sao: “Các thượng tế sách động đám đông đòi ông Philatô phóng thích tên Baraba thì hơn.” (Mc 15, 11)  Điều này đã khiến cho Philatô ngạc nhiên: “Nhưng ông ấy đã làm điều  gì gian ác?” (Mc 15, 14) Trả lời ông, đó chỉ là sự phấn kích: “Đóng đinh nó vào thập giá.” (Mc 15, 15)

          Có lẽ không cần phải cầm bút viết lại, những bất công mà đám người kia đối xử với Đức Giêsu, cách họ đối đãi với một người vô tội thật là tàn khốc. Làm sao đây, làm sao có thể giải thích nổi những hành động điên cuồng như vậy. Loài người đáng sợ là như thế, một khi họ đã bước vào những cơn điên loạn không kìm chế được lý trí, họ có thể gây ra hành động thật đáng sợ, thật kinh khủng mà đôi khi ngay cả bản thân cũng không thể giải thích. Đó là những lúc con người mất hết kiểm soát, họ đã buông thả cho bản ngã hành động: “Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quì gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc lại áo của mình. Sau đó, chúng điệu Người ra để đi đóng đinh vào thập giá.” (Mc 15, 19)

          Có một người, chả hiểu vô tình hay cố ý, chả biết vì lý do gì, lại bị đám người lộng hành ấy bắt vác thánh giá đỡ Đức Giêsu. Và tất nhiên, ông lại trở thành người diễm phúc vì đã được lưu danh sử sách trong cuộc khổ nạn của Ngài, được thông phần trong cuộc khổ nạn của Chúa: “Có một người từ miền quê đi lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thánh giá đỡ Đức Giêsu.” (Mc 15, 21)

          Những người có mặt trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, trong số những người hiện diện trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, có người đã tin khi chứng kiến những cảnh tượng xảy ra: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15, 39)

          Mỗi người chúng ta, ai ai cũng mang trong mình dáng dấp của tất cả những hạng người nói trên. Có lúc ta thật nhu nhược và hèn nhát trước những bất công mà người khác hứng chịu, chỉ vì ta không muốn đánh mất chén cơm, manh áo của chính mình. Có lúc ta thật độc ác và tàn nhẫn, không chỉ đối với Thiên Chúa mà còn ngay cả với tha nhân và với chính bản thân. Có lúc ta thật giàu lòng nhân ái khi biết san sẻ, giúp đỡ, cảm thông với người. Có lúc ta nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong những biến cô thường nhật. Tuy nhiên, cho dù là hạng người nào, nếu như ta biết quay trở về với lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa để mà đón nhận ơn cứu độ của Ngài, đó mới là điều quan trọng nhất.

          Lạy Chúa, con là kẻ có tội. Chính con cũng có mặt trong cuộc khổ nạn của Chúa. Đó là những lần con vấp phạm, sa ngã và phạm tội. Chính vì vậy mà Ngài mới chết cho con được sống. Xin Chúa giúp con hiểu rằng, việc trân trọng đón nhận ơn cứu độ và thái độ sống chứng nhân cho niềm vui cứu độ, niềm vui Thiên Chúa toàn thắng sự chết quan trọng nhường nào giữa một thế giới nhiễu nhương tội ác hôm nay.

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.