CÓ YÊU KHÔNG?

Trong các bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, có lẽ bài Tin mừng hôm nay dễ thương nhất. Có rất nhiều hình ảnh dễ thương, trước tiên là hình ảnh Chúa Giêsu lặng lẽ đến bên các môn đệ khi trời vừa sáng. Lúc mà cả đêm các ông đã thức chong chong đánh cá mà chả được gì, thì Ngài đã xuất hiện và hướng dẫn cho các ông chỗ thả lưới sao cho bắt được nhiều cá. Phép lạ đã diễn ra, khi các ông thực hiện theo như lời Ngài nói: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21, 6)

Kết quả của việc vâng phục Thiên Chúa là phép lạ diễn ra. Thế nên, người khôn ngoan nhất là người biết vâng phục Thiên Chúa. Chỉ cần cố gắng biết lắng nghe, biết nhận ra bạn sẽ có vô vàn phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Phép lạ không phải là có được điều mình muốn, nhưng phép lạ chính là dám sống, dám thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Và tất nhiên, Ngài chả bao giờ khiến cho bạn phải thiệt thòi bao giờ. Thiên Chúa không bao giờ kém lòng quảng đại với chúng ta, nhưng ngược lại, Ngài luôn chăm sóc, quan tâm và hướng dẫn chúng ta từng giây phút trong cuộc đời. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra, có dám để cho Ngài hành động trên cuộc đời ta hay không mà thôi.

        Điều dễ thương thứ hai là việc người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến đã nhận ra Ngài: “Chúa đó!” (Ga 21, 7) Phải, những ai thực sự có tình yêu với Thiên Chúa, họ sẽ rất dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ngài khắp nơi trong cuộc đời mình. Những ai luôn sống dưới con mắt của Thiên Chúa, họ sẽ rất dễ dàng nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa can thiệp trong cuộc đời họ. Và tất nhiên, họ chả bao giờ cô đơn, bơ vơ cả, bởi có Ngài luôn chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ.

        Bên cạnh người môn đệ được yêu thương, thì người môn đệ thân cận với Ngài cũng rất dễ thương. Khi vừa nghe biết là Chúa, ông đã vội khoác áo vào vì đang ở trần và nhảy xuống biển. Có lẽ ông đã xấu hổ vì nhớ lại hành động chối Thầy của mình trong đêm tử nạn. Ông mặc áo vào để che lấp tấm thân trần truồng, tội lỗi của mình chăng? Ông khoác áo vào để biểu lộ sự tôn kính với Đấng mà ông đã hèn nhát từ khước chăng? Ông nhảy xuống biển để gió biển tắm gội tâm hồn vẩn đục của mình hay để chạy trốn khỏi ánh nhìn yêu thương của Chúa? Cho dù là gì đi nữa, thì đó cũng là một hành động rất dễ thương của người khi diện kiến Thiên Chúa. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có kiên cường đến trước nhan Ngài hay ta cũng vội vã bỏ trốn khi Ngài đến? Tuy nhiên, cho dù bạn có vùi mình dưới biển sâu, thì chả phải Thiên Chúa Ngài vẫn ở ngay bên, trong tâm hồn bạn, trong chính trái tim bạn, trong chính linh hồn bạn đó sao.

        Khi đã lên bờ, các tông đồ lại được Thầy mình dọn sẵn than hồng và cá nướng để trao tận tay cho các ông. Được phục vụ như vậy, nhưng chẳng ai dám mở miệng hỏi: “Ông là ai?” (Ga 21, 12) vì các ông đã biết rất rõ ràng rằng đó là Chúa. Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, có những lúc, có những việc xảy ra mà chúng ta không thể nào phủ nhận đó chính là do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa can thiệp. Nói gì đâu xa, nhớ lại thời gian kinh hoàng vì dịch covid 19 vừa qua, nhớ lại những tháng ngày ta bị đóng cửa không thể ra ngoài, không thể sinh hoạt, không thể làm việc, không thể tiếp xúc… những lúc ấy ta chỉ biết cầu xin mong mỏi cho đại dịch kết thúc và kết quả là: hiện tại chúng đã đang dần kết thúc. Nếu như những ai còn thở đến ngày hôm nay, chắc chắn đó là một phép lạ có bàn tay Thiên Chúa can thiệp. Vì chỉ có Ngài mới làm được những điều mà thế gian không ai có thể.

        Điều dễ thương cuối cùng là việc Chúa Giêsu chất vấn ông Phêrô. Ngài đã hỏi ông đến ba lần về việc có yêu mến Ngài không? Thú thật, khi ai đó được hỏi: “Có yêu không?” chính là lúc người hỏi đã yêu họ đến tận cùng. Nếu người hỏi không yêu, chắc chắn họ đã chẳng hỏi. Câu hỏi này không phải để muốn được nghe trả lời nhưng chính là câu trả lời của người đang hỏi với kẻ được hỏi. Chỉ vì người hỏi quá yêu người được hỏi, nên mới hỏi nhiều đến vậy. Và hỏi không phải để hỏi mà là để trả lời. Chúa Giêsu thực sự đã rất yêu mến Phêrô. Có lẽ Ngài yêu trái tim ông ấy. Yêu sự nhiệt thành, chất phác trong con người ông ấy. Ngài đã trao cho ông ấy tất cả: chìa khóa Nước trời! Ngài đã trao cả trái tim cho ông ấy. Trao sự mong mỏi, khát khao cho ông ấy. Chỉ những ai quá hiểu mình, quá yêu mình, quá tri kỉ với mình mới thấu hiểu được nỗi lòng của mình. Phêrô đã là người kế vị, hoàn thành khát mong của Thiên Chúa. Ngài đã trao cả Giáo hội này vào tay ông, mong mỏi ông chăm sóc: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21, 17)

        Lời mời gọi đầu tiên và cuối cùng của Chúa Giêsu luôn luôn là: “Hãy theo Thầy.” (Ga 21, 19) Vì sao vậy? Vì tình yêu. Khi yêu ai, người ta luôn mong người yêu của mình đồng hiện diện. Chúa Giêsu luôn mong mỏi được đồng bàn với các môn đệ mà Ngài yêu mến. Ngài cũng mong mỏi được đồng bàn với tất cả chúng ta. Ngài không muốn sự chia ly. Ngài đến thế gian để xóa tan đi sự chia lìa, đau xót. Thế nên, để không phải chia ly vĩnh viễn, để không phải vĩnh biệt nhau trong cuộc sống ngày sau, chúng ta không còn cách nào khác là: Hãy cùng theo Thầy!

        Lạy Chúa, các tông đồ hôm nay chắc có lẽ đã rất vui. Vui vì gặp lại được Thầy của mình. Niềm vui còn vĩ đại hơn khi Thầy đã từ cõi chết, cõi chia lìa sống lại. Sự sống lại của Chúa có nghĩa là từ nay sẽ không có sự chia lìa. Nếu như con nói con rất sợ sự chia ly vì nó làm con tim con đau đớn, nhức nhối, thì con hãy học các tông đồ hôm nay, biết vui mừng khi nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Một khi đã nhận ra rồi, xin giúp con biết lắng nghe và thực thi ý muốn của Ngài, chắc chắn phép lạ sẽ xảy đến trong cuộc đời con. Những phép lạ xem chừng rất nhỏ nhoi, vụn vắn nhưng sẽ khiến con hạnh phúc hơn trăm ngàn phép lạ cơm áo gạo tiền mà thế gian ban tặng. Nếu như ngay hôm nay Ngài hỏi con: “Có yêu Ngài không?” Thì xin giúp con can đảm trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Mặc dù con tội lỗi và bất xứng, nhưng Thầy biết rất rõ mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy mà, phải không?”

M. Hoàng Thị Thùy Trang.