GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013

BẢN TIN 09

Chúng tôi xin gửi đến quý Ban Biên Tập và độc giả bốn phương bản tin số 9 kèm với một vài ghi nhận về nội dung các tác phẩm dự thi.

Về phần nội dung, 45 tác phẩm dự thi đã giúp độc giả suy tư về rất nhiều mặt khác biệt trong cuộc sống đức tin, luân lý và làm chứng của người Kitô hữu. Trước hết là tình thương xót của Thiên Chúa (4), mầu nhiệm Giáng sinh và mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa Kitô (2), tinh thần Hội Thánh (3), vấn nạn về sự đau khổ (3); một số truyện nói đến sứ vụ linh mục (2), ơn gọi linh mục (4), ơn gọi nữ tu (4), ơn gọi tận hiến vượt thắng tình yêu nam nữ (3). Đặc biệt là những truyện đề cao ơn gọi dấn thân giữa đời của người cựu chủng sinh (2), ơn gọi hôn nhân và bí tích hôn phối (2), đấu tranh bảo vệ sự sống (3), bầu khí gia đình Công giáo (2), tình anh chị em (2), bí tích giải tội (2) và ơn hoán cải (1), ơn đức tin (1), việc đào tạo đức tin (2), thử thách đức tin (3), tình cảnh tục hóa nơi những gia đình trung lưu (1), sống và làm chứng Tin mừng (5), niềm vui trong cảnh nghèo (1), bí tích Rửa tội (1), bí tích Thánh Thể (1), và cả một truyện đề cập tới nỗi khó khăn của người đồng tính…

Sự đa dạng về đề tài là một sự hứa hẹn. Các cây bút trẻ đang tìm tòi sáng tạo chứ không chịu rập khuôn vào những chuyện cũ mòn…

Có biết bao đề tài, phải có hằng trăm hằng ngàn người tham gia suy tư và diễn tả. Chính vì thế mà cần phải có những nỗ lực như Giải Viết Văn Đường Trường để phát hiện tài năng và tạo điều kiện cho tài năng phát triển…

*

Giải Viết Văn Đường Trường vẫn tiếp tục tổng kết trao giải hằng năm tới năm 2018. Những ai chưa rõ thể lệ, xin mời xem:

- Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường

- Chương trình tìm kiếm và xây dựng tài năng văn xuôi cho văn học công giáo

tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Chúng tôi ước mong quý vị giúp giới thiệu chương trình này rộng rãi để có thêm nhiều bạn trẻ dự thi.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ của quý Ban Biên Tập và các ân nhân.

Quy Nhơn, 13-6-2013

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

Tòa Giám Mục Qui Nhơn

116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn

ĐTDĐ: 0935-424-449; gopnhattho@yahoo.com

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số 13-041


CHỊ!

 

Mười đứa em là sản nghiệp mà Ba Mẹ tôi sau khi ra đi ký thác lại cho Chị. Ngày đó khủng khiếp lắm, nó như một trận giông ập xuống đầu chúng tôi và Chị như một cây cổ thụ già đứng thẳng lên che chắn cho anh em tôi.

Mảnh vườn cỏn con và mấy sào ruộng không đủ cho cái ăn, cái mặc của các em chị nên chị phải vất vả bươn chải, chèo ngược, chèo xuôi với nghề “hàng xáo”. Ấy vậy mà mười đứa nhóc em chị dù có bữa cơm không đủ no, áo không đủ ấm, thì tình thương và sự hy sinh của chị vẫn đủ sưởi ấm những trái tim côi cút của bọn tôi. Chị vất vả là thế, nhưng tất cả các em đều được cắp sách đến trường để đeo đuổi cái chữ. Chị không biết chữ, nhưng chị có biệt tài tính tiền không lõi một xu, chị có cách cư xử tốt với mọi người, chị có tấm lòng quảng đại hy sinh vì những đứa em chị.

Chúng tôi không còn Cha Mẹ bên cạnh để uốn nắn, dạy bảo, nhưng bù lại chúng tôi có chị vừa đóng vai Cha vừa đóng vai Mẹ và tôi biết chắc một điều ý Chúa rất nhiệm mầu, tình thương của Chúa bao la không bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Dù cho có như thế nào chúng tôi vẫn được chị dạy dỗ bám víu vào tình thương Thiên Chúa bằng cách mỗi ngày tham dự thánh lễ Mi-sa và năng chạy đến cầu xin Đức Mẹ qua giờ kinh tối.

Chòm xóm nhìn vào cảnh côi cút của chị em tôi ai cũng cảm thương, nhưng cái xóm nghèo này, có thương thì cũng chỉ đứng nhìn, mà chua xót, cay cay đôi mắt, chứ làm được gì vì ai cũng chạy vạy từng bữa. Tôi đã theo chị trên từng đoạn đường nước xuôi ngược, uống cạn những giọt mưa, hứng hết cái nắng đến cháy bỏng da thịt xuyên qua manh áo rách và tôi đã sớm ý thức được cái nghèo, cái đói, cái khổ và thậm chí tim nhức nhối khi nhìn thấy chị tôi gạt bỏ tuổi xuân để lao vào tìm kế nuôi sống chúng tôi. Tôi đã quyết định đeo đuổi con đường trơn trợt đến trường, tôi hằng liên lỉ cầu xin Chúa cho tôi học thật giỏi để sau này tôi kiếm được thật nhiều tiền, để trả lại cho chị một cuộc đời sung sướng và hạnh phúc. Tư tưởng ấy nó đâm chồi nảy lộc trong ngóc ngách sâu thẳm lòng tôi. Nó là động lực mạnh nhất thúc đẩy tôi rời bỏ gia đình để theo một người bạn của Mẹ tôi ra thị trấn ở phụ việc nhà để được đi học sau một năm nghỉ học lăn lóc theo chị buôn bán.

Cuộc đời tôi được sang một trang mới khắc nghiệt hơn vì tạm cắt đứt mối dây yêu thương tung tăng mỗi ngày với anh chị em. Tôi phải tự biết lo cho thân phận khi đau ốm bệnh tật, và gục đầu vào gối gậm nhấm nỗi buồn cô độc khi đêm về. Tôi sống rất đau khổ. Nhưng bù lại tôi được ăn no, mặc lành, được tiếp tục đi học ở thị trấn, và được nắm chắc tia hy vọng mỏng manh học đại học, thành đạt và mang lại cho mọi người cuộc sống no đủ hơn và nhất là tôi sẽ đưa chị ra khỏi cuộc sống lam lũ bùn sình. Chỉ bấy nhiêu thôi đã là nung nấu ý chí quật cường đứng lên, như cây xương rồng khô giữa sa mạc vẫn khẳng khiu vươn lên đòi quyền được sống. Nhưng tự sức tôi không làm được, biết thế nên tôi luôn bám vào Chúa Thánh Thể, hàng ngày cho dù có bận đến đâu tôi vẫn tranh thủ đến với Thánh Thể Chúa trong thánh lễ và vẫn trung kiên với một lời van xin.

Phần chị tôi, cuộc sống ngày càng khốn khó, đồng tiền không dễ kiếm, chị đã chuyển sang nghề mua chuối, làm kẹo dừa, rồi đi rừng đốn củi… Dù khốn khó như thế nào chị vẫn một mình gánh hết, các em chị vẫn được ngày đói ngày no đến trường, hầu như ai cũng được học hết lớp 9 trường làng. Riêng tôi vì thoát ly khỏi nhà từ lúc 11 tuổi và một người chị đi tu là phải xa nhà, còn tất cả đều được chị bao phủ bằng tình thương và sự sinh hy của chị mà an vui sống.

Tôi tin chắc Chúa không lấy hết tất cả của ai, khi đóng cánh cửa lớn lại thì Ngài luôn mở sẵn cánh cửa nhỏ chờ đợi tôi. Trải qua bao nhiêu vất vả rồi tôi cũng tạm được gọi là thành đạt. Tốt nghiệp đại học ra trường tôi xin về một trường cấp ba nằm trên quốc lộ gần giáo xứ Đại Hải. Và tôi cũng đã cất được căn chòi nhỏ đưa chị mình về sống cùng, những tưởng đã mang lại cho chị một cuộc sống an nhàn hạnh phúc hơn.  Hết em, đến cháu chị lại tiếp tục cưu mang chúng, hàng ngày chị miệt mài lần chuỗi mân côi, sống vui vẻ. Khoảng thời gian hạnh phúc ấy không được bao lâu, thánh giá lại ập xuống trên chị và đau khổ lại tiếp tục giày xéo con tim tôi. Chị ngã bệnh. Tôi buồn bã khi nghe bác sĩ tư vấn. Chị bị viêm đa khớp. Bệnh phát gần mười năm nay nhưng do cố chịu đựng, bây giờ nó phát triển nặng. Dùng thuốc đặc trị thì ảnh hưởng bao tử, một tháng trời nằm bệnh viện y học dân tộc, tình hình vẫn thế không cải tiến, chuyển sang bệnh viện trung ương. Tôi nhiều lúc muốn cầu xin Chúa cất chị đi để chị đừng bị đau nhức. Tôi tuyệt vọng khi vét hết những đồng tiền cuối cùng, rồi những món nợ chồng lên nợ từng ngày. Tôi cầu xin lòng thương xót Chúa, tất cả anh chị em tôi van nài lòng thương xót Chúa cứu chị, nhìn chị nằm sát lẻm dưới chiếu - vì có ăn được gì đâu - tôi buồn lắm.

Sau gần một tháng điều trị bao tử chị bắt đầu ăn được chút ít. Bác sĩ tư vấn thay khớp gối, nếu sức khỏe chị tạm ổn. Cả nhà ai cũng muốn làm tất cả để cứu chị. Riêng tôi, tôi thấy tâm hồn vẫn bình an, tôi thấy lòng thương xót Chúa vẫn ở bên tôi, không biết tại sao tôi vẫn bình an khi nghĩ rằng chị có chết vẫn là ý Chúa. Tôi không đồng ý thay khớp và kết cuộc bác sĩ cũng trả về với một lời tiên đoán không qua sáu tháng. Anh chị em tôi đau buồn, khóc lóc, tôi vẫn như không. Vẫn tin tưởng vào một điều kỳ diệu nào đó và tôi luôn cầu xin Chúa. Lạy Chúa người đã đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại, xin hãy nhểu hai giọt máu vào hai chân chị con là chị con được khỏe mạnh. Trong lúc mọi người tuyệt vọng tôi đã vững lòng mà nắm chặt tia hy vọng mong manh Chúa sẽ ra tay. Và tôi đã nhắn tin nhờ Cha Long cùng cộng đoàn Chúa thương xót cầu xin cho chị được ơn cứu sống.

Lúc bấy giờ chị Bảy tôi, là nữ tu dòng La-san, có quen biết một Thầy Thuốc đông y chuyên trị bằng cách xoa bóp, bấm nguyệt. Chị muốn tôi đưa chị đến, với tôi tất cả thầy thuốc không còn ý nghĩa, chỉ còn một người duy nhất có thể cứu chị tôi là Thầy Giê-su. Tôi tin chắc như thế và vì chỉ muốn làm đẹp lòng người chị nữ tu, tôi đã gọi điện cho Thầy Thuốc để kể tình trạng bác sĩ chê. Nhưng khi nói chuyện với Thầy tôi mới biết rằng chính Đức Ki-tô đã đến. Vì Thầy không hỏi nhiều đến tình trạng bệnh nhưng lại bảo đêm nay Thầy sẽ cầu nguyện cho trường hợp của chị tôi và mời gia đình cùng hiệp thông cầu nguyện. Rồi đợi vài ngày cho chị khỏe đưa chị lên.

Trong lúc chờ đợi tôi lại nhận được một bức email của một người bạn từ nửa vòng trái đất. Anh gửi cho tôi một video clip về một thánh lễ lòng Chúa thương xót và câu chuyện của một người nọ bị viêm khớp cũng được bác sĩ tư vấn thay khớp nhưng nhà nghèo không khả năng, rồi nhờ vào niềm tin của người vợ van xin lòng thương xót Chúa mà đã được chữa khỏi. Chúa đã gửi mọi người đến để củng cố niềm tin cho tôi, để tôi xác tín một điều: chị tôi sẽ được cứu. Tôi đã tức tốc đưa Chị đến nhà thờ Chí Hòa vào thứ năm để xin ơn trước khi đưa qua Thầy xem bệnh. Tại nhà thờ Chí Hòa, niềm tin của tôi được trọn vẹn hơn, khi chính mắt tôi đã nhìn thấy những sự lạ lùng mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân trần.

Mọi sự đã được Chúa an bài ngoài sự suy nghĩ lo lắng và sức tưởng tượng của tôi. Tôi và chị tôi đã được Chị Bảy tôi  gửi vào dòng  Mến Thánh Giá Tân Lập. Khi thấy tôi cõng chị, các Dì đã cho chiếc xe lăn và tôi đã đưa chị đến gặp Thầy cách khoảng  cây số. Vừa bước vào, tôi thấy ngay hình thánh giá dựng trang nghiêm giữa phòng bệnh và hình Đức Mẹ sầu bi đứng trên bàn thờ. Tôi tin rằng mình đã được đến với Người và sẽ được ơn cứu chữa. Sau khi bắt mạch cho chị, vị Thầy thuốc hỏi tôi sao lại để chị nặng đến thế, chị không còn sức, không qua khỏi sáu tháng. Thầy bảo chỉ còn trông chờ vào Đức Ki-tô thôi, hãy cầu xin. Rồi Thầy bảo tôi bế chị lên giường. Thầy bấm vào chân chị tôi một lúc và bẻ cóp lại. Chị tôi kêu lên đau đớn, rồi lã người khoảng mười phút. Chị tôi bắt đầu tự ngồi dậy và đứng lên đi một vòng, sau gần nữa năm không đi đứng gì được. Tôi sửng người còn Thầy thì luôn miệng nói: Không phải tôi làm đâu nhé, đó là do chúng ta cầu xin và Đức Ki-tô đã chữa. Chính mắt tôi chứng kiến và lòng tôi biết rằng Thiên Chúa đã nghe thấu tiếng kêu cầu tha thiết của mọi người van xin cho chị tôi.

Khi tôi báo tin về cả gia đình không ai tin tôi. Nhưng vì xa quá không ai đến thăm được. Chúng tôi được trú lại nhà dòng trong ba tuần trọn, các Dì đã hiệp thông cầu nguyện cho chị em tôi, chăm sóc chúng tôi bằng lòng bác ái. Nơi đây tôi đã suy niệm và thấy rằng chính vì tôi nài xin Chúa hai giọt máu cho vào chân chị tôi, chính vì những chuỗi lòng thương xót của anh chị em tôi, những tràng hạt mân côi kết hiệp với lời cầu xin của mọi người là của lễ đẹp lòng Chúa nhất và Ngài đã dùng tay Thầy thuốc cứu chữa chị tôi. Cứ mỗi ngày chị tôi đi được xa hơn một chút, rồi tự đi lễ, rồi dần dần bình phục.

Sau ba tuần, gia đình tôi lên đón chị về. Ai cũng sửng người vì một hồng ân to lớn mà Chúa thương ban. Tôi đã đưa chị tôi ghé lại nhà Thờ Chí Hòa tạ ơn lòng Chúa thương xót. Tôi đã cầu xin Chúa nếu Chúa muốn thì Hai Chị em con sẽ lên làm nhân chứng, còn nếu Chúa muốn con sẽ làm nhân chứng bằng cách viết lại thì tùy theo quyền năng của Ngài sẽ cho con cơ hội.

Cho tới bây giờ gần 10 tháng, chị tôi vẫn khỏe mạnh, đi lại trong nhà, lại sống những ngày trọn lòng tín thác vào Chúa. Hôm qua, tôi vô tình đọc được thông báo số 5 của giải Viết Văn Đường Trường và tôi đã cầu xin Chúa Thánh Thần để viết đến mọi người như một thông điệp về lòng thương xót Chúa. Một câu chuyện rất thật từ cuộc sống, và hồng ân Chúa vẫn còn đó dành cho những ai đặt trọn lòng tín thác.

 

 

Mã số 13-042

 

MỘT LẦN VẤP NGÃ

 

Chị ngã xuống một con đường gập ghềnh lở lói. Trước khi mọi thứ xung quanh nhòe dần và biến vào bóng tối, chị còn thấy khuôn mặt con mình. Khuôn mặt con u ám đầy nỗi đau nhưng đôi mắt vẫn sáng, và hình như con đang mỉm cười.

Chị sinh ra trong một gia đình ngoan đạo. Ba chị làm ông biện ngày hai buổi đến nhà thờ. Mẹ chị là một cô giáo hết sức nghiêm khắc. Hằng ngày chị mặc áo dài trắng chấp chới đi trên đường làng đến nhà thờ, làm bao chàng thanh niên ngơ ngẩn nhìn theo. Rồi chị lên thị xã học, con tim mở cửa. Chị không ngờ tình yêu, thứ mà ba mẹ chị vẫn cấm đoán lại đẹp mê hồn đến thế. Mười tám tuổi chị bỏ trường bỏ nhà đi theo tiếng gọi của con tim. Bữa chị bị tình phụ quay về, ba chị cầm kéo rượt theo. Bắt được chị trên một đám ruộng bì bõm nước, ông sởn đi mái tóc dài của chị. Mất mái tóc chị không đến nhà thờ. Ba mẹ chị cũng không ép, bởi ra khỏi nhà, người ta sẽ nhìn mái tóc kì dị của chị, và những ánh mắt đó như những lời buộc tội tàn nhẫn, cay độc. Tóc ngắn rồi cũng dài, nhưng chị vẫn không đi lễ, vì cái bụng dưới lớp áo đã trồi lên. Chị không đủ can đảm bước trên con đường dẫn đến nhà thờ. Con chị là dấu hiệu của sự sống, của tình yêu, nhưng đồng thời cũng là một nỗi cay đắng mà chị phải nuốt lấy. Không ai biết vào những buổi trưa, khi xóm làng ngủ mệt trong cái nắng oi ả của mùa hè, chị lủi thủi tới nhà thờ. Chị ngồi đó và khóc.

Chị làm mẹ năm mười chín tuổi. Người đời chê trách mãi cũng chán, người ta lại bồng ẵm nựng nịu con chị. Hôm chị bồng đứa bé đỏ hỏn tới nhà thờ cha xứ bị sổ mũi. Cha vô ý nhỏ một giọt nước mũi lên cái má trắng hồng của thằng bé. Cha cười, nói chắc sau này nó đi tu. Chị đặt con tên Tâm.

Mười tám tuổi Tâm bị người ta tông gãy chân. Đang lò mò ra khỏi cơn mê, Tâm nghe ông ngoại chép miệng, nói tiếc quá chừng, tưởng đâu thằng bé đi tu. Tiếp theo là tiếng thở dài của chị.

Cũng may Tâm chỉ bị thương nhẹ. Chân hết đau nhưng vẫn để dấu tật nguyền. Mỗi lần đến nhà thờ tụi con nít xúm nhau chọc: “Tâm cà thọt, Tâm cà thọt”. Thấy Tâm không phản ứng, chúng chọc miết cũng chán bỏ đi chơi. Ở đó có một tâm hồn đang giãy giụa, đau đớn trong một thân xác bất động. Tâm vẫn đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng tình yêu Chúa trong Tâm đã hao hụt ít nhiều. Có bữa Tâm giáng một cái tát vào mặt thằng bé mới năm tuổi vì nó vống cổ lên kêu “Tâm cà thọt”. Chị đứng đó, chết lặng bởi con mình đang chảy máu. Vết thương trong lòng con chưa lành mà mấy đứa con nít vô tình cứ khơi ra.

Tâm thôi nhà thờ. Chị đau khổ nhìn những nỗi đau của mình ngày xưa nay lại viết lên cuộc đời con. Nhưng chị đã ra khỏi, đã bỏ lại dĩ vãng, còn con chị bao giờ mới hết đau? Làm sao bỏ được dáng đi tật nguyền ấy? Làm sao bịt hết miệng của mấy đứa con nít và những người vô tâm?

Chiều đó Tâm nhìn vào góc tường tối và nói với chị: “Con bỏ đạo, Chúa gì mà bất công”. Chị nghe từng lời như một vết cứa lên ruột gan. Trong bóng tối, con chị đang khóc, nhưng hình như nước mắt không chảy, chỉ có đôi vai run run. Nó úp mặt vào giữa hai đầu gối. Chị nhận ra lưng con mình đã cong từ bao giờ, cong để cúi mặt xuống đất, khỏi ngước mặt lên nhìn đời. Chị đặt nhẹ bàn tay lên lưng con, nghe từng đốt sống lưng gồ lên đâm vào những ngón tay của mình. Chị muốn nói với con rằng Chúa không bất công, rằng Chúa luôn yêu thương con, nhưng chị không biết nói từ đâu?

Có nên kể cho con nghe về một bệnh viện phụ sản nơi cha của Tâm đã từng dẫn chị đến. Bữa đó cha Tâm nắm chặt tay chị, nói em mà không bỏ cái thai thì tôi bỏ em. Bữa đó chị đã dợm chân bước vào, nhưng nhìn thấy cây thánh giá nhỏ trên chiếc áo thường phục của một nữ tu, chị đã vùng khỏi tay cha Tâm mà chạy. Có phải nên kể cho Tâm nghe, không có cây thánh giá đó, chắc Tâm sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng, được sống vui vẻ mười mấy năm qua. Có phải nên kể cho Tâm nghe, khi chị mang thai, mọi người đều xa lánh, chỉ có cha sở quan tâm. Ngài vẫn khép hờ cửa nhà thờ mỗi trưa, để chị có thể dễ dàng vào ngồi với Chúa. Chắc Tâm cũng không biết hồi nhỏ Tâm gầy yếu, đau ốm xanh xao. Có bữa sốt cao phải đem đi cấp cứu. Mọi người trong khu giáo đã góp tiền cho Tâm đi viện và đọc kinh cầu nguyện cho Tâm qua khỏi cơn nguy kịch… Nhiều lắm, nhiều lắm, Tâm cũng biết, nhưng bây giờ nỗi đau quá lớn. Nhưng chị không muốn Tâm mất Chúa trước khi nỗi đau trong lòng Tâm nguôi ngoai.

Chị sẽ kể hết, chỉ chừa lại chuyện ở bệnh viện phụ sản, chị không muốn chuyện đó làm nỗi đau trong lòng Tâm lớn hơn. Chị sẽ nói cho Tâm biết Chúa không bất công, bắt đầu từ bữa trưa chị đến nhà thờ khóc. Rồi ngày Tâm chào đời, cha sở đã tới thăm, nói Tâm mau lớn lên nhà thờ đánh chuông với ông ngoại. Chị nghe tiếng ba chị nghẹn ngào khóc, hạnh phúc không nói nên lời. Tâm có biết rằng hôm đó chị đã hồi sinh, đã thấy nhớ nhà thờ, nhớ Chúa đến rơi nước mắt…

Trong bóng tối chị nghe tiếng con thở rất khẽ. Chị đã rót vào tâm hồn con cuộc sống của mình, tình yêu đối với Chúa của mình, vì chị nghĩ điều đó là cần thiết cho một tâm hồn đang hoang mang, trống rỗng.

Tâm lao ra bóng tối và chị chới với đuổi theo. Chị cảm thấy như mình vừa sống lại một cuộc đời, đã mệt mỏi kiệt sức vì nhớ lại những quãng đời đầy hối tiếc, chị ngã xuống. Cũng may khi tỉnh lại, chị đã thấy con mình bên cạnh. Đúng là khuôn mặt con đang mỉm cười. Đến lượt Tâm kể cho chị nghe, rằng Tâm đã đi xưng tội và cảm thấy nhớ Chúa như thế nào…

 

 

Mã số 13-043

 

NẮNG LỬA THÁNG NĂM

 

Thời tiết vào tháng Năm nóng kinh khủng! Ông mặt trời chiếu từng tia nắng gay gắt, chói chang cứ như muốn trút hết lửa mà ông có được lên đầu dân miền đất võ Bình Định này.

Chợt có tiếng trống báo hiệu giờ giải lao vang lên:

“ Thùng, thùng, thùng… thùng”

Nhóm bạn thân của tôi nhanh chóng rủ nhau xuống căng tin trường để ăn quà vặt và nhất là để tránh nắng nóng. Tụi tôi hào hứng ngồi ôn lại những kỉ niệm thời mới bước vào lớp 10 thật vui vẻ, trong sáng. Bỗng kí ức chợt tràn về trong suy nghĩ của tôi, nhớ lại khoảng thời gian lúc ấy thật kinh khủng nhưng lại ý nghĩa vô cùng.

Có lẽ, chỉ vì lúc đó tôi quá im lặng, lầm lì, nhút nhát nên bạn bè không thích nói chuyện. nhưng cũng có thể là do bề ngoài của tôi không được ổn lắm, lại còn quê mùa, cục mịch, cộng thêm cái tính dể nổi khùng của tôi nên các bạn ở phường cứ nhìn tôi với cái nhìn khác lạ. Tôi cảm nhận được sự mỉa mai, giễu cợt trong nụ cười, trong ánh mắt của tụi nó mỗi khi tôi bước vô lớp. Nhất là con Nga và thằng Thế. Vậy mà xui khiến sao, cô giáo lại chỉ định tụi nó ngồi cạnh tôi mới chết chứ! Nhưng tôi không quan tâm, không thèm nói chuyện, cũng chẳng hỏi han. Đôi lúc, tôi còn mong cho tụi nó gặp điều xấu nữa. tôi vẫn cứ một mực giữ vững quan điểm “một mảnh trời riêng ta với ta”…

*

“Đừng bao giờ chơi với tụi nó” lí trí tôi mách bảo vậy.

Những ngày gần Đại Lễ Phục Sinh, ban ngày trời nóng như đổ lửa, không có một cơn gió nào thổi đủ mạnh để làm tôi cùng với người dân ở đây được mát dù chỉ một lần. Buổi trưa, ngoài trời nhiệt độ có thể từ 38 đến 39oC. Mọi người ai cũng phàn nàn, mệt mỏi về điều này…

Hoàng hồn đỏ thẫm bây giờ đã tối hẳn chìm dần vào màn đêm huyền ảo. Buổi tối Lễ vọng Chúa Phục Sinh, ánh nến lung linh rực rỡ sắc màu. Dường như tâm hồn tôi chìm vào giấc mơ, chìm vào một góc hạnh phúc nào đó trên Thiên Đường. Cảm giác hưng phấn, lâng lâng khó tả.

Để rồi, ngày thứ hai đi học lại… con Nga chợt hỏi:

- Này! Gà rù (nó vẫn hay gọi tôi như thế), Thế chủ nhật hôm qua là ngày ông Chúa mày sống lại à?

Tôi trả lời cộc lốc:

- Ừ! Sao? có chuyện gì?

- Vậy chắc là mấy người có đạo đức như mầy đều ăn mừng đúng không?

- Đúng!

- Hèn chi, tao thấy mấy quán thịt cầy đắt ơi là đắt! Đông khách quá trời luôn! Đạo của mầy ăn toàn thịt chó. Vậy mà gọi là đạo yêu thương sao? Gọi là đạo sát sinh mới đúng. Tao nói vậy có đúng không, Thế?

Thằng Thế lanh chanh xen vào:

- Ừ đúng rồi! Đạo như vậy mà bày đặt yêu với thương! Rõ là vẽ vời mà! Amen! Xách cà mèn đi mua thịt chó! Amen! Xách cà mèn đi mua thịt chó!

Tôi tức không thể nào chịu nổi nữa. Máu dồn lên mắt, dường như trong tôi chỉ còn nhìn thấy những tia thù hận từ trước đến giờ tụi nó đối xử với tôi. Phải cho tụi nó biết tay!” Cứ thế, tôi lao thẳng đến chỗ Nga.

“Bốp…” Bàn tay tôi chạm vào má Nga. Không! Nói đúng hơn là tôi đã tát nó một cái thật mạnh. Tôi không tin vào bản thân mình nữa. Tại sao tôi lại làm như vậy? Hình như tôi đã làm một việc không nên, không mấy tốt đẹp cho Nga và cho chính bản thân tôi.

Chúa đã dạy là phải “yêu thương người khác như chính bản thân mình”. Vậy mà tôi đã làm điều ngược lại.

Không để cho tôi kịp trấn tĩnh, thằng Thế đưa cánh tay lên định tát lại nhằm trả đũa. Lúc đó tôi đã nhắm mắt để chịu trận. Bởi vì tôi biết tôi đã sai. Nhưng hình như có ai đó đã chặn cánh tay Thế lại. Tôi mở mắt ra thì thấy người đó chính là Minh – một bí thư đoàn trường nổi tiếng gương mẫu lớp tôi. Minh từ từ bước ra giữa và nói:

– Này các bạn!  Làm như thế là không được đâu, cùng một lớp, cùng một nhà mà lại đi đá đấm với nhau sao?

Con Nga ấm ức, phân bua:

– Bí thư không thấy nó đánh tui sao? Tôi phải thưa với cô giáo và ba mẹ tui biết để xử lý nó!

– Ừ! Đúng đó Nga, thưa với cô cho nó biết tay! (Thằng Thế xen vào)

Minh chậm rãi lên tiếng:

– Này Nga! Phỉ báng đạo của người ta là bạn sai rồi đấy! Làm như thế không tốt đâu! Cả Thế nữa đã không giúp cho bạn hàn gắn, thuận hòa mà còn gây chia rẽ. Còn Trân, bạn nên nhịn đi! Bạn cũng đã sai khi tát Nga đó!

– Nhưng!!....

– Thôi không bàn cãi nữa!chúng ta kết thúc ở đây nha!

Mọi người im lặng, về chỗ ngồi riêng của mình, không một ai lên tiếng trả lời câu hỏi của Minh.

*

Suốt buổi học tôi thấy ray rứt và khó chịu lắm! Tôi hối hận vô cùng khi đã lỗi phạm đức yêu thương, lỗi phạm một đức tính cần có và bắt buộc phải có của người tín hữu. Thật là đáng trách khi một người Kitô hữu lại hành động như vậy. Nhưng từ đó trở về sau, Thế và Nga không còn khích báng tôi nữa. Bọn chúng bỗng dưng dễ thương vô cùng và đối xử tốt với tôi một cách lạ lùng. Về phần mình, tôi cũng trở nên thân thiện, hòa đồng hơn. Tôi không còn khép mình, thù dai như trước nữa. Chúng tôi đã quên đi ngày hôm ấy và dần trở nên thân thiết, chia sẻ mọi thứ dù chỉ là ổ bánh mì, một ly nước, một viên kẹo. Ai cũng đều nhận ra lỗi của mình và đã xin lỗi nhau một cách chân thành. Điều đó đã làm tôi bớt ân hận và cảm thấy tự tin hơn hẳn. Dù không nói ra nhưng tôi thực sự rất vui.

Và rồi buổi lễ tổng kết học kì 2 cũng đã tới, sau khi mọi người đi về hết, Minh kéo tay tôi lại và nói:

- Lần sau đừng nóng giận như thế nhé! Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc truyền giáo của đạo đấy!

Lúc này, mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Tôi lặng im rất lâu. Chợt Minh lên tiếng:

– Này! Không phải Kinh thánh đã nói sao: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” hay là “Các con hãy tha thứ cho nhau bảy mươi lần bảy”, “Hãy đưa má cho người muốn tát các con”…

Tôi tròn xoe mắt hỏi:

– Sao Minh biết những điều đó?

– À! Vì mình quan tâm, vì mình thích đạo Kitô, mình thích cách ứng xử giữa những người tín hữu với nhau nên mình tìm hiểu thôi. Với lại chị gái của mình đang học giáo lí hôn nhân để kết hôn với một anh chàng ở bên đạo của Trân đó!

– Vậy sao?

– Ừ! Tất nhiên rồi! Khi nào chị hiệp lễ trên nhà thờ, Trân tham dự cùng mình nhé! Mà có thật là Trân nghĩ rằng người lương không biết Chúa hả? Người lương như mình cũng là con của Chúa đấy thôi, chị mình bảo vậy.

– Ừ, cho Trân xin lỗi nha! Xin lỗi vì… tất cả.

– Hì… hì… hì… Minh không trả lời, chỉ đáp lại bằng một nụ cười khó hiểu.Hai đứa im lặng và cứ thế ra về. Thỉnh thoảng tôi có liếc trộm sang Minh thì lại bắt gặp nụ cười và ánh mắt khó hiểu ấy cũng đang nhìn tôi.

*

“Thùng… thùng… thùng… thùng… !”

Một hồi trống vang lên, báo hiệu lúc tan trường… và năm học cũng trôi qua, kết thúc nắng lửa mùa hè trong lòng chúng tôi.

Tôi và Minh, hai đứa bước đi ra về thanh thản, nhẹ nhàng giống như hai năm trước, dưới nền trời xanh ửng nắng tháng Năm, hoa bằng lăng tím ngắt, nở mộng mơ… Nhưng có điều bây giờ tôi đã khác.

Đóa hoa nào đưa khoảng trời kia ngan ngát? “Một mảnh trời riêng…” nay lại thêm nữa một người.

– Trân ơi! Chờ tụi tao với…!

Tôi ngoái lại, nhìn thấy Nga… cùng với Thế chạy ra từ căng-tin

Chợt hối hận… chợt thấy thương sao!

– Chúa ơi! Cho con mãi yêu người như chính Chúa!

 

 

Mã số 13-044

 

MÀU HỒNG CUỘC SỐNG

 

Mùa hè rộn rã, vui vẻ và hào hứng của năm lớp 11 đã trôi qua một cách nhanh chóng. Tôi lại chuẩn bị lên thêm một lớp nữa. Hôm đó, khi đã nhận lớp, sắp chỗ ngồi và phân công ban quản lý lớp xong xuôi, cô giáo thông báo chúng tôi chính thức là những học sinh lớp 12. Lớp chúng tôi mới học được bốn tuần đầu thì có một cô bạn từ Nha Trang chuyển ra. Thật tình mà nói thì tôi không thích cô bạn mới này cho lắm. Có lẽ vì cô ấy xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, dễ thương hơn tôi lại là con nhà giàu có, học giỏi nên tôi càng ganh tỵ thêm. Thành ra tôi không bao giờ nói chuyện với cô bạn mới mặc dù chúng tôi ngồi cùng một bàn với nhau. Thậm chí cả tháng sau tôi mới biết họ tên đầy đủ của cô ấy là Nguyễn Huyền Trang. Đôi lúc, Trang có bắt chuyện với tôi, nhưng lúc nào tôi cũng trả lời cộc lốc, thỉnh thoảng còn kèm theo cái trừng mắt nảy lửa.

*

Một bữa nọ, nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ 8/3, cả lớp chúng tôi quyết định tổ chức một bữa tiệc linh đình. Tôi và Trang có nhiệm vụ đi đặt chỗ ở quán ăn. Làm việc chung với người mình ghét quả là không vui và không hứng thú tí nào! Mặt mũi tôi lúc nào cũng tối sầm lại. Chắc có lẽ do mệt và đói, hai chúng tôi ghé vào một tiệm phở bình dân nằm ven đường. Lúc cô bán hàng bưng bát phở thơm lừng, nóng hổi nghi ngót khói đến trước mặt Trang thì tôi mới biết một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Mắt mở to, miệng há hốc, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Trang làm dấu Thánh Giá một cách kính cẩn trước khi ăn. Thì ra Trang là người Công Giáo. Vậy mà bấy lâu nay tôi không hề biết.

Có phải tôi vô tâm quá chăng? Đang mải mê suy nghĩ, chợt nghe giọng Trang dịu dàng lên tiếng:

– Này! Trân ăn đi chứ! Phở trương ra hết rồi kìa!

Tôi giật mình nhìn xuống bàn thì thấy bát phở đã được bưng ra từ hồi nào. Tôi đáp lại gọn hơn:

– Biết rồi!

Đang chuẩn bị ăn thì Trang lại lên tiếng:

– Trân không làm dấu cảm ơn và mời Chúa ăn cùng sao?

Mặt đỏ bừng lên vì cảm giác xấu hổ, tôi ậm ừ trả lời cho qua chuyện.

– “Tui quên!”, rồi cúi gầm mặt xuống không nói một tiếng nào.

Thật ra đằng sau câu trả lời ấy là một sự dối trá, một sự bao biện cho hành vi sai trái của mình. Sự thật là tôi đâu có quên, tôi vẫn nhớ như in những gì giáo lý dạy là phải tự hào mình là con Thiên Chúa. Nhưng tôi đã sợ ánh mắt của mọi người, sợ tiếng nói xì xào của dư luận. Tôi sợ người ta biết mình là người có đạo, tôi thấy xấu hổ khi để họ trông thấy mình làm dấu. Vậy mà Trang lại…

Nhưng tôi vẫn quyết định làm theo sự bao biện lừa bịp đó mặc dù tôi biết điều này là không tốt và đáng xấu hổ đối với một người đạo gốc như tôi. Tôi cảm thấy cay cú với Trang ngày một nhiều thêm. Bởi vì chính Trang – một người tôi ghét cay ghét đắng – lại thấy được lỗi sai của tôi mà không phải ai khác! Có khi nào chính Chúa sắp đặt việc này chăng? Tôi tự hỏi.

*

Bây giờ, cơn đói trong tôi không còn tồn tại. Tôi chỉ tập trung suy nghĩ về việc làm sai trái vừa rồi của mình. Và thỉnh thoảng tôi liếc mắt nhìn sang bàn ăn bên cạnh đang có một bà mẹ và bốn đứa con nhỏ ngồi ăn. Trông họ không được khá giả mấy, nói đúng hơn là có vẻ nghèo đói. Quần áo họ mặc trên người thật sự rất cũ, cũng có vài chỗ vá lại nhưng được cái tinh tươm, sạch sẽ. Họ ăn một cách ngon lành. Những đứa nhỏ luôn tíu tít miệng khen ngon. Đôi lúc, chúng còn nghịch ngợm trêu đùa với nhau và phá lên cười. Trông chúng thật hồn nhiên hệt như những thiên thần.

Lúc họ ăn xong cũng là lúc tôi đến quầy tính tiền. Sau khi đã trả phần mình, tôi toan vội đi trước để khỏi về cùng Trang. Đột nhiên tôi thấy mặt người phụ nữ tái xanh, có vẻ bối rối, lúng túng. Cô ấy loay hoay tìm cái gì đó mà tôi không biết. Lúc này, Trang cũng đang chăm chú nhìn cử chỉ kì lạ của người phụ nữ. Bất giác, người phụ nữ lững thững đi đến quầy rụt rè hỏi:

– Chị ơi phần em hết bao nhiều tiền?

– 100 ngàn – một phần người lớn và bốn đứa nhỏ!

– Chị ơi! Em lỡ làm mất tiền… chỉ còn ít thôi… em thật sự xin lỗi chị… em…

– Này! Ăn xong định quỵt tôi sao? Đúng là cái đồ…

– Chị ơi! Mong chị…

Nhìn lũ trẻ ngơ ngác thật tội nghiệp. Chợt tôi thấy Trang mở túi xách, rút ra tờ 100 ngàn vứt xuống đất rồi thản nhiên nhặt lên như không có chuyện gì, chạy thật nhanh tới chỗ người phụ nữ đáng thương ấy.

– Cô ơi! Cô đánh rơi tiền này!

Người phụ nữ nước mắt lưng tròng, chợt hiểu ra ý của Trang, lấy tay gạt nước mắt, nhận lấy tiền và đưa cho người bán hàng.

Khi đã thanh toán tiền xong, người phụ nữ quay lại nghẹn ngào nói:

– Cảm ơn, cảm ơn cháu vì tất cả việc làm này của cháu cô sẽ không quên. Nó thật sự ý nghĩa với cô và cả bốn đứa con cô nữa. Cảm ơn vì đã cho những đứa con cô thấy được màu hồng cuộc sống – một màu hồng chan chứa tình thương con người, thấy được cử chỉ ấm áp tình đồng loại mà trước giờ chúng chưa nhận được từ những người khác, kể cả ba của chúng. Để chúng tiếp tục hi vọng, tin tưởng vào cuộc sống và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Nói xong, người phụ nữ lặng lẽ cầm tay các con bước ra khỏi quán. Nhìn họ khuất dần, mất hụt vào dòng người bổ xô, tấp nập tôi đã khóc và Trang cũng vậy. Những giọt nước mắt đồng cảm cứ tuông rơi trên gò má.

*

Hai chúng tôi lặng lẽ dắt xe ra về. Chợt Trang lên tiếng:

– Trông họ thật đáng thương phải không Trân?

– Ừ! Mà Trang không thấy tiếc sao?

– Tiếc gì?

– 100 ngàn ấy…

– À! Không đâu! Giúp người gặp khó khăn là việc nên làm mà! Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con… có phải Chúa dạy như thế không Trân nhỉ?

Trang khúc khích cười thân thiện.

– Ừ! Trang nói đúng. Tôi đáp lại.

– Mình là người giúp việc nhà Chúa nên phải làm như thế thôi. Một người giúp việc có ích, một người giúp việc đúng nghĩa cho chủ mình.

“Một người giúp việc sao?” tôi thầm nghĩ và cười tủm tỉm.

Hình như đây là lần đầu tiên tôi cười với Trang, lần đầu tiên tôi thân thiết với Trang như thế.

Chợt thấy hối hận quá! Tôi muốn xin lỗi Trang vì tất cả nhưng không tài nào mở miệng được nên đành im lặng.

– Bầu trời lúc hoàng hôn đẹp phải không Trân? Trang hỏi.

– Ừ! Bởi vì nó có màu hồng đấy! Màu hồng của tình người… Này người giúp việc! Chúng ta về nhanh thôi! Tôi thúc giục.

Trên đường về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về ngày hôm nay, ngày đã cho tôi một bài học đắt giá…

Xin hãy tha thứ cho con, Chúa ơi! Xin hãy để con trở nên người giúp việc nhà Chúa, trở nên một tôi tớ trung thành rao giảng Tin mừng bằng cuộc sống đời thường. Cảm ơn Chúa, vì Ngài đã ban cho đời có những người như Trang để tô cho cuộc sống tươi đẹp những màu hồng…

Cảm ơn Chúa!

Cảm ơn Trang!

 

 

Mã số 13-045

 

NGÀI ĐÃ CHỌN GỌI CON

 

Đã lâu lắm rồi, ở cái xứ nghèo này người ta cứ chuyền tai nhau một câu chuyện li kì và có phần ma quái. Nhà ông Hai có đứa con bị ma nhập, ám ảnh. Vợ chồng ông Hai khổ sở vất vả trăm đường chạy chữa cho con, bữa ăn đắp đổi qua ngày thì tiền đâu lo thuốc men cho con.

Thuở ấy, xứ này lắm chùa nhiều am, nghe người ta bảo sao ông làm vậy, con ông có bệnh thì ông vái tứ phương, từ đi am coi thầy đến đi chùa hốt thuốc, ông đều làm cả nhưng không mấy hiệu nghiệm. Thấy thằng Hai và con Ba nghịch cát, trong khi thằng Tư thì vật vã, lòng ông bà Hai đau lắm, thầy am bảo thằng Tư nhà ông nó bị ma nhập rồi, con ma này cao cơ lắm rồi, không xuất ra được, vợ chồng ông cấn tuổi khó nuôi nổi đứa này. Rồi một hôm có ông câu trong xóm đạo lân la gợi chuyện, phần thì xóm láng giềng gần, phần thì xót cho hoàn cảnh vợ chồng ông Hai, ông hỏi thăm vợ chồng ông Hai, tình hình đau ốm của thằng con ông… đứa trẻ chỉ khóc, không ăn gì suốt mấy tháng ròng, chỉ uống được nước lã, nó bú vào cũng lại nôn ra. Ông câu bảo, vợ chồng ông ôm con vào vào nhờ cha xứ bắt ma xem sao, may ra cháu nó còn đường sống. Ngay chiều ấy, vợ chồng ông và ông câu tất tả bế bồng con vượt một quãng dài đường vào tìm cha xứ ở họ Mỹ Thành… cuối cùng ma quỷ cũng chịu buông tha cho con ông. Những người chứng kiến tận mắt thấy đứa bé không còn khóc ngặt như trước mà thay vào đó nét mặt nó vui hẳn lên. Thế nhưng người ta bảo đứa trẻ đã yếu lắm rồi, khó lòng giữ nổi nó, và rồi nó cũng rời bỏ vợ chồng ông về nước Chúa ngay trong chiều hôm ấy. Lòng ông quặn đau.

Từ hôm vô gặp cha xứ bắt quỷ trừ tà cho con ông, lòng ông Hai bỗng nhẹ nhõm hơn nhiều. Ông không còn đi chùa như trước nữa mà đi nhà thờ nhiều hơn. Chắc hẳn ở ông niềm tin thuở ban sơ chưa thật sự trọn vẹn nhưng mọi người chắc chắn một điều, ông Hai đang cố tìm lại bóng hình của đứa con bé bỏng vật vã trong thánh đường hôm nào. Nhìn lên Thánh giá Chúa, ông chợt thấy hai dòng lệ Chúa tuôn, hóa ra Chúa cũng khổ như mình, ông Hai thầm nghĩ. Dần dà qua sự hướng dẫn của ông câu và cha xứ, vợ chồng ông Hai và các con cũng học được giáo lý, thằng Hai đã biết cầm Kinh Thánh đọc bi bô nhưng niềm tin của vợ chồng ông Hai chưa được gửi gắm trọn vẹn nơi Chúa. Với riêng ông, Chúa là một Đấng nào đó dang tay cứu giúp ông trong cảnh cơ hàn, là chỗ dựa lúc mỏi gối chồn chân chứ thật sự ông chưa yêu mến Chúa và giữ đạo cho sốt sắng hẳn hoi. Đó cũng là nguồn gốc của mọi bi kịch lặp lại của gia đình ông sau này.

..........***.........

Ngồi lật từng trang kỉ niệm của gia đình qua lời kể của nội thứ, Hào bỗng thấy chạnh lòng cho niềm tin xứ đạo mình và niềm tin vào Thiên Chúa nơi bản thân. Mặc cảm đạo theo không tròn vẹn đạo đức đã ám ảnh và thôi thúc Hào mười mấy năm nay kể từ khi theo Chúa. Hào quyết tâm xin mẹ cho đi tu để tìm hiểu đời sống thánh hiến và để học đạo nữa. Mẹ nó kiên quyết không cho vì sợ nó khổ, và thế là hàng loạt lý do được mẹ nó đưa ra ngăn cản quyết liệt ý nghĩ đó của nó. Mẹ Hào cũng mặc cảm đạo theo, “con nhà đạo nòi kia mà tu chẳng ăn ai huống chi nhà chị đạo theo, đạo hạnh đã tròn đâu mà tu với hành”, mẹ Hào xót lắm. Hào còn nhớ rõ cách đây 13 năm khi mình còn bé xíu được mẹ chở đi nhà thờ. Một sáng Chúa nhật, cha xứ rửa tội, rảy nước thánh và đọc lời nguyện, đôi mắt ngây thơ ngày ấy chạm phải đôi mắt u sầu trên Thập tự. Suốt mười mấy năm sau ấy, chưa lúc nào đôi mắt u sầu trên Thánh giá ấy không khiến Hào quyết tâm cho được. Quyết tâm học hỏi giáo lý, quyết tâm hoàn thiện bản thân qua lời răn dạy của mẹ cha và quyết tâm tìm hiểu ngọn ngành đôi mắt u sầu là vì đâu…

Rồi một ngày nhận giấy báo đậu đại học, sống dưới môi trường mới nhiều thử thách mới, Hào càng quyết tâm hơn nữa, năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ, lúc thì trao đổi những khúc mắc với cha xứ. Nó cảm nhận rõ lắm chứ, tình yêu Thiên Chúa qua sự nhắn nhủ của các cha, nó càng thêm vững tin nơi Chúa. Hào thích lắm những giờ chia sẻ của các cha mỗi dịp tĩnh tâm nhóm sinh viên hay hội đoàn và những lúc như thế Hào cứ thích nghe mãi những lời răn dạy ấy… thấy tự hào vì mình được sinh ra làm con cái Chúa, tuy muộn nhưng cũng đủ để cho Hào cảm nhận sự ngọt ngào của tình Chúa qua mỗi người anh chị em chung quanh mình.

……….***………

Bi kịch mà gia đình ông Hai gặp phải một vài năm sau đó là bài học và sự nhắc nhở mọi người trong xóm đạo gia tăng thêm niềm tin nơi Đức Kitô. Sau khi đứa con chết, ông Hai có thêm con Năm, nó bình yên vô sự như mong ước của ông bà Hai. Thằng Sáu cũng nối tiếp nhau ra đời. Không lâu sau đó nó cũng lên cơn giật từng hồi, mắt trợn trắng và khóc thét dữ dội. Ông Hai đã hơn một lần chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ấy, ông chậc lưỡi, thôi chết rồi. Thằng Sáu bị quỷ ám, người trong xóm lại bàn ra tán vào, mỗi lúc làm đồng hay giã gạo, người ta mang câu chuyện nóng hổi nhà ông ra bàn tán. Kẻ thì cho là nhà ông phước mỏng đọa đày thân con trẻ, người thì bảo ông không chuyên tâm học hỏi đạo Chúa nên bị quở phạt, ma qủy cám dỗ bắt bớ… Căn nhà nhỏ của ông bà Hai thêm ngột ngạt, đã một lần mất con, ông bà hiểu lắm cái cảm giác ấy chứ. Và rồi giờ đây ông bà co rúm người bên con trẻ, vừa khóc vừa sợ nó sẽ về nước Chúa khi nào không hay… Và rồi sự gì đến cũng đã đến, ngần ấy nỗi đau đã quá sức chịu đựng của bà Hai.

Sau khi thằng Sáu mất thì thằng Bảy cũng kịp chào đời. Bà phó mặc mọi sự cho Chúa, bà mỏi mệt quá rồi.

Con mất, chồng mất, đời bà cơ cực thế là cùng, tần tảo nuôi con một mình vất vả, thằng Bảy mới mười sáu bà cũng rời bỏ nó mà về nước Chúa. Đàn con lạc mẹ, chỉ còn mình Chúa với đám con mồ côi.

……….***………

Mẹ Hào về làm dâu khi ông bà nội Hào đã khuất lâu, nhìn bàn thờ với vài ảnh tượng cũ kĩ, mẹ Hào cũng không khỏi chạnh lòng song không làm gì được. Ba Hào thường xuyên vắng nhà vì đi dạy ở xa, một mình mẹ Hào trong căn nhà cũ ông bà nội để lại, hằng ngày bà được nghe hàng xóm kể lại những câu chuyện xưa nhà nội Hào, cái chết của hai bác Hào ra sao và vì sao ông bà nội Hào theo đạo… Những giấc mơ về chập chờn trong đêm cứ ám ảnh mẹ Hào mãi khôn nguôi. Trở mình dậy thắp nén nhang mà lòng bồn chồn lo âu. Kể từ khi bà nội Hào mất năm ba Hào mới mười sáu tuổi thì căn nhà này đã không còn sốt sắng những giờ kinh, xóm đạo lạnh nhạt, ba Hào cũng dần xa Chúa. Bàn thờ ảnh tượng Chúa vẫn còn đó nhưng giỗ chạp lễ lạt mẹ Hào vẫn theo phép cúng giỗ lệ thường. Mãi mười một năm sau, tình cờ như sắp đặt, Chúa đã đến, hâm nóng lại niềm tin nơi ba Hào và gieo vào mấy mẹ con Hào vẫn một niềm tin ấy. Ngẫm lại giờ này mẹ Hào vẫn không tin nổi ở mắt mình, chính niềm tin đặt trọn vẹn nơi Chúa đã giúp mẹ Hào vượt qua nhiều thử thách trong cuộc đời. Mỗi lúc có điều phiền muộn, bà gửi gắm vào lời cầu nguyện cùng Mẹ Maria và thanh thản đón nhận ý Chúa. Bà cố gắng đón nhận ý Chúa cách sốt sắng trong các việc ích chung và là gương mẫu cho các con noi theo, bà lấy làm hạnh phúc lắm. Nhiều người trong xóm thường bảo nhau, phải chi mình được nửa bà ấy thì hay nhỉ…

Giờ đây, điều bà băn khoăn suy nghĩ nhiều nhất chính là Hào, hàng loạt suy nghĩ cứ xốn xang trong lòng người mẹ. Bà nhớ lắm, năm Hào học lớp Kinh thánh 1, Hào đã từng xin dự tu nhưng bà chỉ nghĩ đó là suy nghĩ bồng bột của con trẻ nên bà đã không cho đi. Bẵng đi ít lâu, nay Hào lại ngỏ ý cùng mẹ song bà vẫn không chấp nhận. Mọi sự trong nhà này từ trước khi bà về làm dâu và cho đến giờ, bà hằng ghi nhớ cả. Nhìn lại chặng đường hơn năm mươi năm từ khi nhà nội Hào theo đạo Chúa, đã có biết bao thăng trầm, nguy biến, xa nhạt đạo Chúa, nhưng giờ đây, với bà, thế là hạnh phúc lắm rồi. Bà an vị với những gì mình có được, sợ con nó khổ thì tội.

Với Hào, nó im lặng suy nghĩ. Ngần ấy tuổi đầu, Hào đủ lý trí để nhận ra tiếng Chúa gọi mình. Từ một con trẻ bình thường, Hào dần được ơn Chúa cho nhận biết Ngài, qua thời gian, Ngài gọi Hào trong những bế tắc riêng. Những buổi cầu nguyện riêng, Hào cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện quanh Hào, song chưa lần nào Hào cảm thấy buồn như thế này. Mỗi lần lắng nghe tiếng Chúa gọi mình Hào luôn mau mắn đáp trả nhưng lần này thì thật khó. Mau mắn đáp trả hay lưỡng lự đợi chờ còn là một câu hỏi không lời giải đáp trong Hào. Thôi đành dâng hết cho Chúa từ nhân và cầu nguyện không ngừng. Và Hào biết một điều rằng, Chúa sẽ không bỏ rơi Hào, vấn đề là thời gian thôi. Tạm gấp trang sách cuộc đời mình hôm nay, ngày mai thức dậy, bình minh vẫn đến bên khe cửa mỉm cười, trang sách cuộc đời lại mở ra cho Hào một trang mới, thế là đủ tự tin rồi đấy. Ước được như vậy. Amen.