GÓP MỘT CÁNH ÉN CHO MÙA XUÂN

Cùng với lời chúc Xuân, tôi xin được chia sẻ một sự kiện đáng suy nghĩ cho tương lai của cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam.

Ba năm qua tôi có dịp quen biết một số gia đình tại một xã còn vắng bóng Đạo Chúa. Ở đó có một người đàn ông mắc phải một căn bệnh khá nặng. Cách đây ba tuần, tôi mời một bác sĩ Công giáo đến thăm. Bác sĩ xem mạch, thấy rằng người ta đã cho thuốc đúng nhưng theo quy định của quỹ bảo hiểm, mỗi lần đến khám chỉ được cấp thuốc 5 ngày, không đủ liều lượng nên bệnh vẫn kéo dài, không khỏi. Vị bác sĩ thấy vậy hứa sẽ ủng hộ 20 ngày thuốc. Tôi nhờ một sinh viên là cháu của bệnh nhân đến lấy thuốc chuyển về cho dượng của em. Một tuần sau, bác sĩ cho biết vẫn chưa có ai đến lấy thuốc. Tôi hỏi lại em sinh viên thì được biết người dượng gọi lên bảo em không được nhận thuốc. Kinh ngạc, tôi gọi điện hỏi thì vợ ông trả lời như sau:

- Xin cha thông cảm. Chúng con rất muốn nhưng trong dòng họ người ta không cho. Họ nói nếu nhận mà không theo Đạo thì không được, mà theo thì lại càng không được hơn.

- Chị hiểu lầm rồi. Chúng tôi thấy anh bị bệnh hiểm nghèo thì giúp, không đòi hỏi anh chị phải theo Đạo.

- Chúng con biết vậy nhưng trong dòng họ người ta không cho, bảo vì ông bác sĩ không lấy tiền, chúng con sẽ phải mang ơn mang nghĩa.

Vị bác sĩ đã phải giải quyết bằng cách viết cho họ một toa thuốc 20 ngày liền và để họ tự đi mua.

Câu chuyện có vẻ lạ lùng và khá bất thường nhưng thực tế ẩn đàng sau đó lại khá thông thường. Người ta thà bị đau lâu ốm dài, cũng có nghĩa là thà chết, chứ không thà theo đạo Chúa! Một chọn lựa ngược với các thánh Tử vì đạo của ta! Vì đâu? Trong mắt những người bà con lương dân đã quen biết nhiều với người Công giáo, Đạo Chúa hết sức tốt. Ngược lại, với những người ở những vùng xa, không có dịp trực tiếp gặp gỡ những người Công giáo tốt, thì với họ Đạo Chúa hết sức xấu. Hơn nửa thế kỷ phổ biến quyển Tây Dương Gia Tô Bí Lục, rồi những sách vở phim ảnh xuyên tạc, bôi nhọ Đạo Chúa tràn lan đủ loại, và những bài học “nghiêm túc” trên ghế nhà trường ở các cấp học được nhồi nhét liên tục mãi cho đến nay, làm sao người ta không suy nghĩ như thế cho được?

Điều ấy quý vị và các bạn đã quá rõ. Cái chi tiết mới tôi muốn nhấn mạnh ở đây là áp lực của Dòng họ. Hiện nay đang rộ lên phong trào kết nối tình nghĩa dòng họ ở khắp nơi trong nước, nhiều dòng họ đã tiến tới đại hội cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đây là cơ hội bằng vàng cho người Công giáo gặp gỡ anh chị em đồng tộc lương dân và hóa giải những ngộ nhận đáng buồn kia. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quan tâm thì các dòng họ, khi siết chặt hàng ngũ như thế, sẽ là những thành trì kiên cố để đề kháng chống lại ảnh hưởng của Tin mừng. Theo tôi biết, sức đề kháng ấy rất lớn, bởi lẽ sự liên kết dòng họ này thường cũng đi đôi với việc phát triển niềm tin về phong thủy và nhiều sự mê tín khác…

Mùa Xuân đến và ơn cứu rỗi có nở hoa trên quê hương chúng ta chăng là còn tùy nơi sự đóng góp của từng con cái Chúa, vừa biết dấn thân đến với anh chị em lương dân vừa mở rộng cửa đón mời họ. Nếu quý vị và các bạn muốn góp một cánh én cho mùa Xuân ấy, xin mời xem một sáng kiến gặp gỡ lương dân, qua bài chia sẻ 05, “Dưới mái từ đường của trăm họ”, có thể truy cập dễ dàng tại:

- http://www.vietcatholic.net/News/Html/116246.htm

- http://gpquinhon.org/qn/news/truyen-giao/Loan-bao-Tin-Mung-cho-nguoi-cung-dong-ho-I-1524/#.UuRb-tJuots

- conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=66&ia=11712

Nguyện chúc quý vị và các bạn một cái Tết ý nghĩa, một Mùa Xuân an lành hạnh phúc và một Năm Mới thu hoạch nhiều kết quả cho mùa gặt Nước Trời.

Linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả