GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 12

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Bản tin số 12 này chuyển đến quý vị và các bạn 9 truyện cuối cùng đã được qua vòng sơ khảo. Cuộc thi lần thứ ba có 95 tác giả từ 19 giáo phận tham gia, với 144 tác phẩm. Chấm sơ khảo lần này có các vị: Piô X Lê Hồng Bảo (Chủ nhiệm chuyên san Vườn Ôliu), Maria Têrêxa Nguyễn Thị Thắm (Giảng viên Đại học Qui Nhơn) và Tađêô Nguyễn Thanh Xuân (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn). Chấm chung khảo gồm các vị: Phanxicô Lê Đình Bảng (Tổng Giáo phận Sài Gòn, tác giả thơ và văn), Micae Bùi Công Thuấn (Giáo phận Xuân Lộc, Hội Nhà Văn Việt Nam), Maria Trần Thị Trung Thu – Amai H’Blan (Tổng giáo phận Sài Gòn, tác giả bút ký Jrai “Nước mắt của rừng”), Trần Như Luận (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, tác giả “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử”), Lm Giuse Võ Tá Hoàng (Giáo phận Qui Nhơn, phụ trách trang web Giáo hạt Phú Yên).

Đang khi chờ đợi kết quả cuộc thi lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 6 bài dự thi cho năm 2016 của 4 tác giả, một từ Đà Lạt, một từ Hải Phòng và hai từ Xuân Lộc. Giải Viết Văn Đường Trường sẽ kéo dài tới 22 tháng 9 năm 2018 (ngày trao giải cuộc thi lần thứ sáu). Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu cuộc thi đến bạn trẻ khắp nơi để có thêm nhiều người biết và hưởng ứng.

Theo thể lệ, các tác giả đạt giải sẽ được Tủ Sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn hỗ trợ để xuất bản một tuyển tập truyện ngắn Kitô giáo. Tuyển tập đầu tiên thuộc diện này là tác phẩm ĐƯỜNG VỀ của tác giả Nguyễn Hoàng Hải (Giải Viết Văn Đường Trường 2013), gồm 17 truyện ngắn, sẽ được phát hành trong lễ trao giải sắp tới, tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn tối Thứ Bảy 19-9-2015.

Tất cả các tác giả có bài vào chung khảo đều được mời tham dự ngày họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo lần thứ IV, từ chiều 18-9 đến tối 19-9-2015. Chúng tôi sẽ gửi thư mời riêng đến từng người.

Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn ở bản tin số 13 về kết quả cuộc thi và lễ trao giải.

 Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Chúc tất cả luôn đầy ơn phước Chúa trong cuộc sống.

 

Qui Nhơn, ngày 20-07-2015

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

 

BÀI DỰ THI

                                            

Mã số: 15-132

 

ƠN GỌI CỦA MỘC

 

Tôi tên là Mộc, cái tên đúng như bản chất của tổ tiên tôi. Mẹ tôi, loài cây can đảm và tuyệt vời nhất mang tên Bạch Đàn.

Mẹ tôi kể ngày thơ ấu mẹ là đứa trẻ mồ côi, mẹ phải thui thủi một mình sống giữa những loài cây dại. Nơi mẹ lớn lên là một gò đất khô cằn sỏi đá, cứ tháng bẩy về là những cơn mưa vô tình bào mòn cạn kiệt chút màu mỡ của đất. Mẹ phải cố gắng gồng mình với thiên nhiên khắc nghiệt. Mẹ èo ọt nhất trong đám bạn nhưng ngày ngày mẹ vẫn phải vươn bàn tay yếu ớt của mình cắm sâu vào lòng đất để tìm nguồn mưu sinh. Dù phải tự kiếm sống và thiếu sự chăm sóc, nhưng mẹ không bao giờ có ý nghĩ chùn bước, bỏ cuộc hay buông lơi. Bởi mẹ thấy rất nhiều số phận khác giống mẹ : một cây xoan thấp lè tè vì thiếu nước đang kiên nhẫn chờ mùa xuân về, một gốc sến già đang bị lũ côn trùng gặm nhấm mà vẫn vui sống lạc quan. Rồi cả những khóm sim bị nắng hè thiêu đốt nhưng vẫn nở rộ tím ngát triền đồi… Mẹ thấy rất nhiều số phận khác nhau và mẹ tự nhủ mình vẫn thật may mắn vì ông trời đã cho mẹ một thân thể rắn chắc và khỏe khoắn để sống và vươn lên.

Quãng đời đẹp nhất của mẹ là khi mẹ 20 tuổi. Một ngày đẹp trời có hương xoan nhè nhẹ, có màu vàng nhạt của hoa tràm và những bông lau thướt tha trong gió. Sau bao tháng ngày mong chờ, hôm đó, tất cả những nụ hoa li ti trên cánh tay mẹ nở bung trong nắng. Mẹ không tin rằng mẹ lại có thể làm được như vậy. Muôn cây dại ngỡ ngàng, những chú ong tìm đến mẹ để kiếm mật. Con người thì trầm trồ bảo : Mật hoa bạch đàn vừa thơm vừa đậm và tốt cho sức khỏe. Họ lấy thứ mật tinh túy ấy làm quà tặng nhau trong những dịp lễ tết. Từ đó cứ đến mùa hè là mẹ lại nở hoa để làm mật cho đời.

Mùa bão đến, những cơn gió cấp 8 cấp 9 xối xả đập vào mẹ làm cho toàn thân mẹ đau đớn, hoa rơi rụng, lá tả tơi. Có lần, mẹ còn gãy cả tay. Mẹ phải dựa vào các loài cây dại khác để cùng nhau chống đỡ những khắc nghiệt của thiên nhiên và cản gió bão bảo vệ những mái nhà cho con người. Cứ thế, mẹ Bạch Đàn kiên cường đi qua tháng năm như một minh chứng về sức mạnh và lòng kiên trì.

Ngày kia, một vài người đàn ông tìm đến khu rừng và mẹ thấy người ta cứ nhìn mẹ từ gốc đến ngọn rồi chỉ trỏ trước sau. Không lâu sau đó, người ta mang cưa, dao, rìu đến. Cả khu rừng sợ hãi nằm im thin thít. Mẹ vẫn thản nhiên xem người ta định làm gì. Một hồi sau, có người đàn ông khỏe mạnh dùng lưỡi cưa đặt sát thân mẹ. Cả khu rừng lo lắng cho số phận mẹ Bạch Đàn, tiếng máy nổ lên và mẹ bắt đầu thấy đau đớn… Họ đang cưa đứt mẹ… Họ đang giết chết mẹ… Mẹ không thể làm gì, vì mẹ biết đã đến lúc mẹ phải ra đi, mẹ phải chết đi… Biết đâu cái chết của mẹ lại có thể mang lại cho đời nhiều việc hữu ích. Mẹ mỉm cười mãn nguyện với suy nghĩ ấy và ra đi trong chốc lát.

Tôi – Mộc, một chiếc ghế nhỏ cũ mèm, có thể nói là hơi xấu xí và lỗi thời. Tôi chính là con ruột của mẹ Bạch Đàn. Tôi không có gì đáng để kể về mình nhưng có một người tôi luôn tự hào đó là mẹ. Ngày đó, tôi được bác thợ mộc bào gọt nhẵn bóng. Bác bán tôi cho một nhà Dòng kia và đặt tôi nằm cuối cùng trong ngôi nhà nguyện khang trang. Bên cạnh tôi là những bạn ghế lim, nghiến, xà cừ… Tôi chẳng có gì đặc biệt hơn những anh chị kia nhưng may mắn hơn cho tôi là khi nào tôi cũng được những bàn tay, những bàn chân âu yếm. Họ dựa vào tôi, họ quỳ lên tôi, họ đặt tay lên vai tôi, Và tôi còn thấy họ làm rất nhiều những cử chỉ tôn kính Thiên Chúa của họ nữa.

Nhưng từ ngày ở đây, tôi cũng không ít lần chứng kiến bao bàn tay rã rời buông xuống, và cả những đôi chân nặng trĩu, có khi là những giọt nước mắt làm ướt đẫm thân mình tôi. Có một lần tôi nằm im và lắng nghe tâm sự của một Sơ nhí, cô hướng mắt nhìn Thánh Giá Chúa Giêsu trong tâm trạng mệt mỏi, chán chường : “Lạy Chúa, sự khô khan của con nhiều lúc làm con nghẹt thở, đã bao lần con chỉ coi Ngài như một vị thần vô hồn, tâm hồn con thiếu vắng bóng hình Ngài vì sự đời, sự tình kéo con đi, lôi con lại, giằng co và xâu xé giữa những chọn lựa thiệt hơn…Con mệt nhoài rồi, Chúa ơi ! Xin cho con dựa vào Ngài lần nữa”.

Cô khóc trong sự thinh lặng đáng sợ, Chúa vẫn đó, tôi vẫn kề đó, nhưng chỉ một lát sau cô lẩm nhẩm hứa với Chúa điều gì đó tôi không nghe rõ, nhưng tôi thấy đôi mắt cô sáng lên, cô nhoẻn cười và bước ra khỏi nhà nguyện.

Cứ như vậy, ngày qua tháng tới, tôi đã chứng kiến biết bao thế hệ trong tu viện này. Có người ở, người về, có những tâm sự vui, tâm sự buồn, nụ cười và cả nước mắt…Và tôi, chiếc ghế nhỏ, cũng được lớn lên cùng những con người nhỏ bé dễ thương như thế.

Tháng 4 về, tôi nghe thấy vẫn những dòng xe cộ trên đường giờ đi làm nhưng dường như thong thả hơn, hoa bọ cạp nở vàng rực rỡ giữa nền trời xanh thẳm. Tôi chợt nhận ra những khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động với vài cánh chim vụt bay từ mái vòm nhà nguyện. Tôi tỉnh giấc giật mình, nhìn lại vị trí bấy lâu nay của mình trong ngôi Thánh đường này, chợt thấy lớp sơn đã phai màu tự bao giờ? “Nhưng không sao!”, tôi tự nhủ, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà. Thân tôi hiện ra lớp vân trên từng thớ gỗ, tôi lại nhớ mẹ – mẹ Bạch Đàn, nhớ da diết miền trung du đầy nắng và rộn ràng tiếng ong gọi nhau trong sớm mai tìm mật…

Mẹ Bạch Đàn đã chết để tôi được sống, mẹ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa để dạy tôi cũng biết sống hết mình cho cuộc đời này. Tôi hạnh phúc mỗi khi được ai đó kề tay, tựa lưng, được làm làm một chiếc ghế hữu ích cho những con người Chúa chọn. Họ vẫn như những nhân chứng về niềm tin và tình yêu cuộc sống … Tôi nhìn lên Thánh giá có Chúa Giêsu gục đầu hiền từ, và những chiếc đinh ghim chặt tay chân Ngài trên thân gỗ sần sùi… Trong thinh lặng, đâu đây tôi nghe vọng xuống lời nói ấm áp của mẹ Bạch Đàn: “Con ơi, hãy nở hoa ngay nơi con được gieo xuống…”.

                                            

Mã số: 15-133

 

GIỌT MƯA

 

“Có dịp lễ lớn gì sao mà hôm nay người ta đi xưng tội đông vậy trời? Hay do lâu lắm rồi mình không bước đến nhà thờ nên không biết gì cả?”. Y thầm nghĩ trong bụng như vậy, rồi Y thở dài một tiếng.

Trời hôm nay có vẻ u ám, mây đen ở đâu mà kéo đến phủ đầy bầu trời, có lẽ trời sẽ mưa một trận xối xả cho mà xem. Y cố đang tìm một chỗ mà ít ai để ý đến, Y nép sau một cây cột trong nhà thờ, quỳ xuống và xét mình. Y xót xa cho cái số phận của mình, những dòng kí ức kéo nhau ùa về trong tâm trí của Y. Y nhớ lại cái thời ngày xưa, hoàng kim lắm nhưng cũng đầy ắp nỗi u ám và tội lỗi dằn vặt con người Y suốt bao năm nay, và rồi hai dòng nước mắt ứa ra và lăn dài trên gò má Y lúc nào không hay.

Trước đây...

Y cũng quỳ trong nhà thờ, xét mình kiểm điểm lại bản thân trước khi xưng tội như bây giờ, nhưng tại một chốn thư thái bình an hơn, giữa những người anh em của Y trong gia đình được gọi là Chủng Viện Lâm Bích. Khoảng thời gian ấy đối với Y sao mà an bình, hạnh phúc biết dường nào.

Xuất thân từ một gia đình đạo gốc, ba là chủ tịch hội đồng giáo xứ, mẹ là hội trưởng hội các bà mẹ Công giáo. Y có một chị lớn hơn Y năm tuổi đang dạy mầm non. Nhà Y ở gần khu Đề-bô xe lửa nên an ninh không được đảm bảo cho lắm. Thanh niên trong xóm không lo học hành mà cứ tụm ba tụm bảy nhậu nhẹt, đánh bài, đập lộn, hút chích… Ba Y phải kiêm luôn việc trị an cho giáo xứ. Ba Y rất giỏi võ, ông là một võ sư của võ Bình Định. Ba Y đã ‘xử’ rất nhiều vụ tụi thanh niên trong xóm quấy rối nhà thờ, quấy rối Cha sở và bà con giáo dân. Y được gia đình giáo dục khỏi những cái không tốt của những thanh niên trong xóm. Không lạ gì khi Y được giáo dục nhiều mặt, đạo đức, học vấn, nghệ thuật. Đặc biệt, Y được ba truyền thụ những món võ gia truyền để phòng thân. Y tham gia dự tu. Y đi tu. Ngày Y nhập chủng viện, gia đình Y hãnh diện lắm vì gia đình Y là một trong những gia đình đạo đức, đàng hoàng trong xóm, với lại ba mẹ Y là một người rất sĩ diện. Đi đến đâu ba mẹ Y đều khoe con mình đi tu, họ tự hào lắm vì trong gia đình có một người đi tu, vì mình sắp được gọi là ông bà cố. Với lại xóm của Y rất trọng người đi tu.

Thời gian Y đi tu, Y hiền lắm, ít nói ít rằng, sống vui vẻ với anh em trong gia đình Chủng Viện Lâm Bích. Nhưng tới một ngày, cái ngày mà làm thay đổi cuộc đời Y, khiến Y phải rẽ sang một ngõ khác. Đời sống chung mà, chọc giỡn nhau là chuyện bình thường, nhưng tức nước thì vỡ bờ, cái gì thì cũng có giới hạn của nó. Y bị một người cùng lớp chọc đến điên máu. Trong một khoảng khắc không kiềm chế được, Y đã đấm anh kia. Y đấm chỉ có một cái thôi, nhưng với cú đấm của con nhà võ thì mặt anh kia sưng húp lên và bầm đen trong vòng gần một tháng. Sau cái ngày đó, cái ngày mà Y sẽ không bao giờ quên. Y được Cha Đặc Trách gọi xuống gặp riêng, và rồi sau một hồi nói chuyện, Cha Đặc Trách sợ rằng cái tính nóng nảy của Y sẽ làm hại các chủng sinh khác, nên cho Y về giáo xứ một thời gian để rèn luyện. Y buồn lắm, đau lắm, đang vui vẻ với mọi người nhưng chỉ vì một phút nóng giận mà Y có thể sẽ phải đi một con đường khác, con đường không thể làm cho ba mẹ Y được làm bà cố, sẽ làm cho gia đình Y thất vọng, xấu hổ với làng xóm. Đau đớn đến tột cùng, nhưng biết trách than ai bây giờ, Y trở về nhà, lòng xót xa, chẳng biết mình phải đối mặt như thế nào với gia đình và mọi người chung quanh.

Ngày Y trở về, mẹ Y suy sụp, rồi phát bệnh, ba thì chẳng nói gì cả, cả nhà chẳng dám đi đâu. Ba Y thì ít lên nhà thờ hẳn, mẹ Y cũng không dám đi chợ trong xóm phải đi chợ xa, còn Y thì ở trong nhà không bước ra đường dù là nửa bước. Y sợ mọi người dị nghị. Tiếng tốt thì khó biết nhưng tiếng xấu thì đồn nhanh lắm. Có lẽ mọi người cũng có thể hiểu được cái cảm giác đó, đau đớn lắm, nó như một cú sốc nặng ập đến gia đình Y làm tê tái mọi thành viên trong gia đình. Vì cái gì càng hy vọng càng tự hào thì khi nó sụp đỗ, thất vọng lắm, đau lắm, buồn lắm, nhục lắm.

Nhưng sao trốn mãi được, Y cũng phải đi lễ chứ, Y có đạo mà.Y cũng đến nhà thờ tham dự Thánh lễ như bao người. Y cố gắng tỏ ra bình thường, bình thường như trước đây, bỏ qua bao ánh mắt dòm ngó, những cái chỉ trỏ, dù rằng Y rất đau, rất buồn. Một người phụ nữ bước ngang qua mặt, ánh mắt liếc dài, nói to lên như muốn mọi người cùng nghe:

- Lạy Chúa tôi! Con của ông chủ tịch đấy ư? Đi tu cái kiểu gì mà đấm vỡ mặt người ta trời!

Tiếng cười nhấc môi, có vẻ đểu lắm của mọi người chung quanh đồng thanh cất lên, tiếng dèm pha ồ ạt đỗ vào tai y. Như một con dao đâm xuyên lòng ngực, y đau lắm, nhục nhả lắm…Y chạy vội về nhà. Y không tức, Y không hận nhưng Y chỉ buồn, chỉ khóc. Y lần chuỗi. Y vẫn giữ thói quen trong thời gian còn trong chủng viện là lần chuỗi mỗi khi gặp chuyện gì, để cầu xin Đức Mẹ trợ giúp, chở che. Lúc còn trong chủng viện Y hay cắm bông cho Đức Mẹ lắm vì Y có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặt biệt. Y hy vọng Đức Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa giúp cho gia đình Y và Y vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này.

Vài ngày sau, gia đình Y phải nhận một tin dữ thực sự, ba Y bị tai nạn giao thông, chắc không thể qua khỏi. Mẹ Y nghe xong không giữ được bình tĩnh, bà ngất đi, và nằm viện. Đi từ bệnh viện về Y đau khổ, Y lại lần chuỗi, Y xin với Đức Mẹ cho gia đình Y qua được cái ‘ách’ này, Y hứa với Mẹ sẽ lần mỗi ngày bốn chuỗi, sẽ tham sự Thánh lễ hàng ngày nếu như ba mẹ Y khỏe lại. Vài ngày sau ba Y mất, Y đau đớn. Chưa hết, mẹ Y vì quá đau buồn dẫn đến đau yếu và rồi cũng từ giã Y mà ra đi. Chị Y trong một hôm làm về khuya bị tụi thanh niên trong xóm ‘làm nhục’, quá uất ức và đau buồn, chị Y phát điên. Còn Y, Y suy sụp hoàn toàn. Y tự hỏi tại sao? Tại sao chỉ chưa đầy nửa tháng từ khi Y rời chủng viện gia đình Y lại bị như vậy? Tại sao Chúa lại để gia đình Y phải chịu như vậy? Tại sao Đức Mẹ không giúp Y, Y lần chuỗi thường xuyên vậy mà. Y đau khổ. Y hận. Y hận Chúa, hận Mẹ, hận Đấng mà Y đã tin tưởng, cậy trông, phó thác…

Y bỏ đạo…

Một cuộc đời mới được vẻ nên, một con người mới tồn tại trong Y, Y bỏ xứ ra đi, Y không thể sống, không thể tồn tại tại một nơi như thế được, một nơi chứa quá nhiều ký ức đau buồn.

Y gia nhập chốn giang hồ, Y lao vào đâm chém, Y muốn trả thù. Nhưng Y trả thù ai bây giờ? Ba Y chết, mẹ Y chết, chị Y điên là do ai? Do Y, do người ta hay do Chúa? Y trả thù ai đây? Y không có được câu trả lời, Y chỉ biết chém, chém và chém mà thôi. Bước vào giới giang hồ không lâu, y nổi danh với cái tên Năm Sẹo ở Chợ Lớn. Con người Y trở nên bê bết, hung dữ, không sót lại được một vết nhỏ của bóng hình chủng sinh năm xưa nữa.Và có lẽ cũng chẳng ai có thể biết được Năm Sẹo bây giờ và trước kia khác nhau như thế này.

Và rồi, trong một vụ tranh chấp địa bàn giữa nhóm giang hồ của Y và nhóm giang hồ xóm bên,Y bị đánh. Y chạy trốn mà không có chút sức lực nào, Y nằm ngất xỉu trước cổng một nhà thờ. Từ trong nhà thờ bước ra, một người con gái dìu Y vào phía trong để lau vết thương và săn sóc. Y mơ màng, mở hé mắt, thấy mình đang ở trong nhà thờ.

Y thét lên: Trời…!

Không biết sức lực đâu, Y bật dậy ngay, chạy ào ra ngoài, kéo theo cô gái đang nhìn Y ngơ ngác. Có lẽ, cái nỗi ám ảnh đó cứ tồn tại trong người Y, Y trở nên khiếp sợ và khinh thường cái chốn này. Và Y cũng đã xác định được kẻ thù của mình là ai rồi, là ai làm Y ra nông nỗi này, là Chúa, là Đức Mẹ. Y hận!

Sự đời lại khéo đưa đẩy,chẳng biết sợi chỉ hồng nào lại khéo xe duyên như vậy, giữa Y và cô gái đã cứu Y đã nảy sinh tình cảm, Y thương cô gái này nhiều lắm và cô gái cũng vậy. Có lẽ mọi việc nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa? Họ sống để gặp nhau, để cho nhau và biến đổi nhau. Hoàn cảnh éo le của gia đình cô gái, nghị lực phi thường của cô và những lời khuyên chân tình dành cho Y lại một lần nữa lật cuộc đời Y sang một trang mới.

Trong chuyến đi công tác, ba cô gái đã chết trong một tai nạn ngoài ý muốn, quả thật là đau đớn và xót xa vô cùng, có nỗi buồn nào bằng người thân của ta ra đi mà không một lời từ biệt chứ! Dồn dập nỗi buồn này đến nỗi buồn khác, đứa em trai của cô gái đang là một Chủng sinh ưu tú của một nhà dòng nọ, sau cái chết của ba, nó suy sụp, sốt liên miên. Quái lạ thay, sau những trận sốt, nó bị liệt nửa người, không cử động được nữa và rồi nó cũng trở về nhà. Căn nhà cô gái giờ đây trở nên hiu quạnh, và đầy ắp nỗi buồn vô cùng.

Không thể nào tránh được, cũng là lời dèm pha, nói ra nói vào… “Chắc là nhà này ăn ở thất đức lắm mới gặp oái ăm, tai họa đầy như vậy”. Đúng là miệng lưỡi thế gian, đường nào cũng nói được, không có cũng vẽ nên chuyện này chuyện khác để nói. Những lời nói tưởng như vô hại nhưng lại là những mũi dao đâm thấu vào những trái tim đang đau khổ.

Y tưởng rằng cô gái cũng sẽ đau khổ, cũng sẽ thay đổi như Y. Nhưng không, cô gái vẫn bình tĩnh như ‘không’. Cô tỏ ra như chẳng có chuyện gì. Sự hờ hững của cô gái làm Y khó hiểu lắm, Y suy nghĩ nhiều mà chẳng hiểu vì sao bạn gái mình lại có thể hành xử như vậy được.

Trong một lần tình cờ, Y dõi theo cô gái, xem thử cô hay đi đâu trong cái khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần này. Cô gái bước vào nhà thờ… Chân Y chợt đơ cứng lại như một quán tính tự nhiên, Y không thể bước tiếp nữa để theo bước chân cô gái vào trong. Sự đấu tranh tư tưởng xuất hiện nhiều trong đầu Y: Phải làm sao? Làm sao đây? Và rồi Y bước vào trong, chính Y cũng không hiểu tại sao mình lại bước vào trong nhà thờ lúc đó nữa, vì tình yêu chăng? Y nép mình vào hàng cột, cố gắng nghe những lời thủ thỉ thành lời của cô gái.

“Lạy Chúa, sao Thánh Giá Chúa trao cho con nặng vậy? Con sợ con không vác nổi, con sợ con không chịu đựng nổi Chúa ơi! Nhưng lạy Chúa, con tín thác vào Chúa, cuộc sống con là do Chúa ban cho. Con xin phó thác hồn xác con ở trong tay Chúa. Xin sử dụng con như khí cụ của Ngài. Xin Chúa hướng dẫn con đi theo Thánh Ý Chúa. Xin cho con biết chấp nhận vác lấy thập giá mà Chúa trao cho con.Và lạy Chúa, xin cho người con yêu được ơn trở lại với Chúa, đừng để anh ấy phải mất linh hồn. Dù anh ấy có lỗi gì có tội gì thì cũng xin Chúa thương hướng dẫn anh ấy. Con biết Chúa vẫn luôn hằng dõi theo anh ấy, dang rộng vòng tay đón anh ấy trở về. Xin Chúa ở cùng chúng con mọi ngày trong suốt cuộc đời”.

Y lặng người, Trời! Y không nghĩ một cô gái yếu đuối lại có một lòng tin mạnh mẽ đến vậy. Ký ức ùa về trong tâm trí Y. Y khóc. Có lẽ lời cầu xin của cô gái đã đánh động Y chăng? Hay một Đấng nào đó mà Y hận đánh động Y?

Y Chạy. Y vừa chạy vừa khóc, hình như Y nhận ra được điều gì đó.

Trở về căn phòng của Y, Y ủ rũ, nép mình trong bóng đêm.

Cóc…Cóc…Cóc

Cô gái bước vào, Y ôm chầm lấy cô, khóc nức nỡ như một đưa trẻ. Khóc như chưa hề được khóc bao giờ…Thằng Năm Sẹo khét tiếng trong giới giang hồ giờ đây như một đứa trẻ nép bên lòng Mẹ, Y khóc khóc cho trôi đi hết những hận thù, những ký ức đau buồn trong Y. Rồi Y kể cho cô gái nghe đầu đuôi cuộc đời của Y, những cái xót xa mà Y gặp phải và biến cuộc đời Y thành nhiều mảnh ghép như vậy.

Cô gái dịu dàng, khẽ nói với Y: “Anh à! Cuộc đời anh và em hai người như hai câu chuyện dài vậy, dù em không là nhân vật chính như anh, nhưng em cũng có thể hiểu được nỗi lòng của anh. Chúa không lấy đi của ai cái gì vô cớ đâu, Ngài đang mở ra cho anh một cánh cửa mới, có thể là rộng mở hơn, và bằng phẳng hơn cánh cửa trước chăng. Chúa thường vẽ những đường thẳng bằng những nét cong anh à. Anh phải cố gắng để bước đi và hãy thay đổi con người mình để sống xứng đáng với cái tình mà Chúa giành cho anh. Em yêu anh. Em biết anh sẽ làm được”.

Y không nói lời nào…cứ im lặng.

Cô gái nói tiếp:

- Anh hãy đi xưng tội hòa giải với Chúa. Em muốn đám cưới của hai đứa được Chúa chúc phúc và được cử hành trọng thể trong nhà thờ anh à. Đi xưng tội đi anh. Em yêu anh.

Ầm… Ầm…

Tiếng sấm, rền vang cả một khoảng trời làm Y giật mình, Y chợt bừng tĩnh. Đến lượt xưng tội của Y.

Bước vào tòa giải tội mà đầu y nặng trĩu, sợ lắm, Y cảm thấy xa lạ lắm. Con chiên lạc bao năm giờ mới trở về với Chúa mà.

Sau khi xưng tội, làm việc đền tội xong, Y đi rảo quanh một vòng nhà thờ, dừng lại cái nơi Y gặp được sự giúp đỡ của cô gái, cái nơi thay đổi con người Y sau cuộc trò chuyện thân mật của cô gái với Chúa. Và rồi, Y dừng lại, dưới chân tượng đài Đức Mẹ, Y sửa lại những những cành hoa cho ngay ngắn. Y nhớ về những lần Y cắm hoa cho Đức Mẹ, những lần Y lần hạt Mân Côi.

Ào…Ào…Ào

Trời mưa, cơn mưa đỗ xuống đầu Y, làm Y nhận ra điều gì đó. Y quỳ sụp xuống dưới chân Đức Mẹ, Y cảm ơn Đức Mẹ. Có lẽ, Mẹ đã dẫn bước Y quay về. Dù những vết sẹo gắn liền với cái tên Năm Sẹo vẫn cứ in hằn trên da thịt củaY, nhưng những vết sẹo quan trọng hơn, vết sẹo trong tim Y, vết sẹo hận thù của Y, đau đớn lắm nhưng đã được Mẹ xóa đi. Quỳ dưới trời mưa tầm tả, chắc hẳn mọi vết nhơ về tinh thần và thể xác của Y đều được tẩy xóa sạch và làm Y trở nên con người mới của Chúa. Một con người được sàng lọc và biến đổi qua bao thăng trầm của cuộc đời. Và không muộn cho Y để bắt đầu viết lại cuộc đời mình bằng nét bút của Chúa.

 

 

Mã số: 15-135

 

NGOẢNH ĐẦU LẠI DÙ CÓ MUỘN MÀNG

 

Ông Minh ngồi đó, dáng vẻ lặng thầm, mặc cho nhưng bông tuyết rơi trên mái đầu bạc. Mùa đông ở Ontario thật khắc nghiệt, nhưng khí lạnh đó lại làm ông phần nào vơi cảm giác đau đớn trong lòng. Bao nhiêu năm qua đi, ông vẫn nhớ như in những chuyện buồn, những vết thương cứ hoen gỉ theo thời gian chứ không thể lành. Tiếng chuông đồng hồ giật liên hồi, kéo ông trở về thực tại, ngoái nhìn giờ, ông thở dài ngao ngán, đã quá khuya rồi, mà con gái ông vẫn chưa về. Mà nếu có về giờ này thì cũng chỉ là tiện đừơng ghé qua để lấy thêm chiếc áo khoác cho buổi chơi thâu đêm. Với con gái, có lẽ ông là người vô hình, đôi lúc ông thầm nghĩ, giá như ông chết đi rồi, thì có lẽ thỉnh thoảng nó sẽ ngoái nhìn bàn thờ, thấy di ảnh sẽ nhớ tới ông, vậy có lẽ ông sẽ hài lòng hơn, nhưng rồi ông chợt nghĩ với sự giận dữ trong lòng, con gái ông có khi cũng chẳng buồn đặt tấm ảnh để nhớ.

- Daddy, chưa ngủ sao?

Câu hỏi của cô con gái làm ông giật mình. Ông miễn cưỡng “ừ” một tiếng rồi lập cập quay vào nhà. Ông thừa biết câu nói đó không phải để hỏi thăm, quan tâm ông mà chỉ là một câu chào xã giao, tiện miệng hỏi của Mai Lan mà thôi. Sau câu nói đó thì nó cũng đi thẳng vào phòng, mở nhạc ầm ầm, ông cũng sẽ về lại với “thế giới” của ông, yên lặng, lạnh lẽo, để gặm nhấm từng nỗi đau. Bản nhạc thời gian tua chầm chậm, quá khứ hiện rõ trong tâm trí người đàn ông đang lặng thầm đếm nhịp bước của đêm.

Một cậu bé mười bốn tuổi chạy khỏi nhà giữa đêm Giáng sinh, cũng chẳng sao, thời tiết ở Việt Nam chẳng đủ làm ai lạnh lẽo trong đêm Giáng sinh, nhưng trái tim cậu bé đang thổn thức theo từng tiếng nấc, ba mẹ cậu lại cãi nhau, chỉ vì một vấn đề muôn thuở, ba cậu không muốn mẹ dẫn cậu đi lễ ở nhà thờ, mặc dù biết ba không thích nhưng mẹ vẫn đưa cậu đến nhà thờ để xem canh thức Giáng sinh. Mẹ cậu đã kể cho cậu rất nhiều câu chuyện về Đạo, kết thúc mỗi câu chuyện luôn là câu nói: “Một ngày nào đó cả nhà chúng ta sẽ cùng đến nhà thờ dự lễ”. Đó là lời hứa của mẹ cậu, và cậu mang một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng một ngày nào đó cậu sẽ có một gia đình hạnh phúc bên ba mẹ. Thực tại trớ trêu thay chỉ một tia hy vọng cũng bị dập tắt. –“ A!”,“rầm”, “ầm”,tiếng thắng xe, tiếng còi, tiếng kim loại vỡ, tất cả tạo thành một âm thanh chói tai kinh khủng mà mỗi giấc mơ giờ đây cũng làm cậu choàng tỉnh hét lên. Xoay người lại nhìn đống đổ nát phía sau, hãi hùng, cậu quay đầu toan chạy, nhưng bị một bàn tay nắm chặt lấy.

- Cậu bé, sao vậy? Hình như người bị tai nạn có quen em đó.- Người thanh niên nắm chặt tay cậu như thể sợ nới lỏng một tí cậu sẽ chạy biến như một kẻ cắp.

- Em không quen ai cả.- Cậu sợ hãi đáp.

- Minh…Minh…- Giọng nói yếu ớt, quen thuộc gọi tên cậu.

- Mẹ, mẹ, mẹ sao vậy? Sao mẹ lại ở đây?- Minh ôm chầm lấy người mẹ đang đau đớn với nhưng vết thương đầy máu.

Tiếng nấc nghẹn, khô khốc nơi cổ họng, bàn tay mẹ vuốt cánh tay cậu, khó nhọc từng lời: “Con, con phải tin ở Người, con …con…phải sống tốt…”, giọt nước mắt lăn dài hòa theo máu, bàn tay buông lơi, hơi ấm tắt lịm.

Mẹ Minh qua đời, để lại cho cậu vết thương lòng sâu sắc, cậu ôm mối hận người cha ruột nhẫn tâm, cậu hận chính bản thân mình gián tiếp gây ra cái chết cho mẹ, cậu hận cả Đức Tin của mẹ, như thế đó là nguồn gốc sâu xa của tất cả mọi sự. Cậu từ chối ở với cha ruột, về chung sống với mái nhà của dì, dù bao lần nặng nhẹ dì khuyên răn Minh nhận lấy bí tích Rửa Tội để thỏa tâm nguyện của mẹ, cũng là tìm hướng đi mới cho cuộc đời nhưng Minh vẫn hằn học từ chối.

Lần đầu tiên Minh đặt chân đến Ontario này là lúc cậu đang phơi phới với tuổi 20, xuất sắc vượt qua những bạn học khác giành xuất học bổng du học Canada. Với nhiều người đó là sự tự hào, sự khởi đầu đầy thành công cho tương lai, nhưng với Minh đó còn là lối thoát. Minh quyết tâm bỏ lại quá khứ, bỏ lại hy vọng hàn gắn với ba, hay sự ràng buộc với gia đình dì để bắt đầu tự xây con đường cho mình. Người ta bảo “chạy trời sao cho khỏi nắng”, mối tình đầu ngọt ngào của Minh cũng là ở Ontario này, người đầu tiên cho cậu cảm giác ấm áp là Nhã Anh, một cô gái đặt niềm tin cùng nơi với mẹ cậu. Nhã Anh hay rủ cậu cùng đi nhà thờ, mới đầu cũng chỉ để ngắm cảnh, hoặc Nhã Anh đi lễ còn cậu sẽ dạo chơi ngoài khuôn viên.

- Mình chia tay đi em. Anh nghĩ chúng ta không hợp nhau, có cố gắng sau này cũng không hạnh phúc được. Anh không muốn đi trên vết xe đổ của ba.- Minh nói những lời đã chuẩn bị bao lâu nay một cách trơn tru đến bất ngờ. Anh dù có yêu thương Nhã Anh bao nhiêu thì cũng không thể chấp nhận rập khuôn cái gia đình của mình ngày xưa. Mặc cho những lời Nhã Anh khuyên lơn, anh cũng không thể quên đi quá khứ để đi theo con đường mà trong lòng anh hiểu rõ nó đã được dọn sẵn cho anh tự bao giờ.

- Anh là đồ hèn, uổng công cho mẹ anh đến lúc chết vẫn muốn giữ cho anh đức tin mà anh lại chẳng bao giờ dám đối mặt với nó, anh có nghĩ anh phí hoài bao nhiêu thứ quý giá mẹ anh giành cho anh không, anh có biết anh cố chấp như vậy cuối cùng chính bản thân anh sẽ là kẻ phải hối hận không? So stupit!

Bao nhiêu lời nói trong tức giận của nhã Anh chẳng bằng 2 từ tiếng Anh khô khốc cuối cùng, Minh nhếch mép nhìn theo dáng Nhã Anh, có lẽ cô vẫn còn muốn giữ chút lịch sự nên chẳng thèm mắng thẳng bằng tiếng việt chăng.Trong thâm tâm Minh hiểu cậu không nên làm như vậy, nhưng có gì đó trong cậu không cho phép cậu gật đầu đồng ý, có lẽ đúng như lời cô nói, điều cậu cầm buộc không phải là lỗi lầm của ba hay bản thân mà chính là mẹ cậu, niềm tin của bà, thứ tới lúc chết bà vẫn muốn giữ cho cậu lại là thứ cậu hận, ghét nhất trong cuộc đời.

Có lẽ tất cả là bàn tay Người sắp đặt, Nhã Anh mang thai đứa con của Minh, sau thỏa hiệp, Minh và Nhã Anh vẫn hạnh phúc với đám cưới. Minh né tránh ánh mắt của dì, người thân duy nhất của cậu trong lễ cưới, gần hai mươi năm trước dì của Minh cũng từng dự lễ cưới với phép giao như thế này, lễ cưới vẫn vui vẻ, nhưng lòng nhiều người lo âu, thấp thỏm cho một niềm tin đang chao đảo, không biết tương lai sẽ ra sao. Cái kết buồn làm dì Minh đau lòng, và giờ đây bà lại hoang mang, đau lòng hơn cho đứa cháu đáng thương, khi hạnh phúc của cháu bà quá mong manh. Nhìn nụ cười gượng gạo của Nhã Anh, Minh cũng cảm giác được điều cô lo lắng. Chính Minh cũng sợ hãi với quyết định của mình, đã bao lần anh tự hỏi điều gì cản trở anh quay về?

Đứa con gái đầu chào đời những tưởng sẽ là một viên gạch mới góp phần cho mái ấm nhỏ bé kia được vững chãi, nhưng có lường trước được Minh cũng không nghĩ đó là khởi sự cho những rạn vỡ không mong đợi. Minh nhớ, buổi sáng hôm đó, Nhã Anh tay bồng tay bế đứa bé còn yếu ớt đến nhà thờ, trong khi anh vẫn đang nằm cố gắng “nướng” thêm một chút vì hôm đó là chủ nhật. Nội ngoại hai bên đều ở Việt Nam, nơi đất khách quê người này chỉ có anh là chỗ dựa cho cô, vậy mà quyết định quan trọng vậy cô chẳng hề bàn với anh. Minh giận điên người khi nhìn những bức ảnh trên ipad, những bức ảnh chụp trong buổi lễ Rửa Tội của Mai Lan. Minh hằn học, thả từng lời, từng câu mắng nhiếc với vợ, như thể cô vừa làm một việc gì tội lỗi. Không có tranh cãi, không có bao lực, Nhã Anh chỉ quay đi, lặng thầm làm những công việc hằng ngày của mình.

- Em nói gì đi chứ, không lẽ em muốn im lặng mãi thế này?- Minh bức xúc gào thét như người điên, nhưng Nhã Anh chẳng bận quay đầu nhìn anh.

- Em muốn ép tôi, hay em muốn phá vỡ cái gia đình này, sớm biết có ngày này, tôi thà bị mắng là sở khanh còn hơn.- Những lời Minh nói là sự thỏa thuê cho cơn giận của anh, nhưng là con dao sắt cứa sâu, sâu thêm vào vết thương lòng của Nhã Anh.

Lúc Mai Lan vừa tròn bảy tuổi cũng là lúc nó chia tay mẹ Nhã Anh để đến trường nội trú, Nhã Anh phải vào viện vì chứng trầm cảm kéo dài nhiều năm. Trước khi chấp nhận điều trị, cô cũng đã sắp xếp chu toàn cho bảo bối quý nhất của mình, Mai Lan học ở trường nội trú của một dòng tu. Ở thời khắc gia đình phân li đó, người ta thấy nơi khóe mắt u buồn của người vợ, người mẹ trầm cảm giọt nước mắt chực tràn, nhưng vẫn cứ giữ lưng chừng. Mai Lan ngoảnh mặt nhìn mẹ, rồi quay đi, cô nhìn thẳng vào cha mình bằng sự lãnh đạm, không một biểu cảm. Minh giật mình, nhói đau nơi ngực trái, con anh còn quá nhỏ.

Mỗi buổi tối quay về trong căn nhà vắng lặng, anh cứ giữ khư khư chiếc máy, nhìn bức ảnh Nhã Anh bế Mai Lan, anh cứ ngắm mãi gương mặt bầu bĩnh của con thơ, mà lòng thêm thắt lại. Giờ đây khi bình lặng để nhìn bằng sự nhớ thương, cảm nhận bằng tình yêu anh mới nhận thấy ánh mắt buồn của Nhã Anh, khóe miệng cười chỉ nhếch miễn cưỡng, nó như cái gì đó lỡ cỡ, chẳng vẹn toàn. Để rồi nhận ra là anh không nghe chứ không phải là vợ anh không hỏi. Đã lâu rồi trong anh chỉ có sự giận dữ, tính toán, lời anh nói không là tâm tình mà chỉ là âm thanh gào thét của bực tức. Hối hận giờ có muộn màng quá chăng?

Tiếng mở cửa làm ông giật mình trở về hiện tại, ánh sáng hoàng hôn mờ nhạt phía chân trời, giờ này vẫn còn rất sớm, hôm nay là chủ nhật, Mai Lan chẳng đi làm, thường ngày có làm nó cũng chẳng buồn dậy sớm. Ông Minh rón rén hé cánh cửa xem con gái ông định làm gì. Ông bất ngờ khi nhìn con gái ông trong tà áo dài, lạ lẫm nhưng rất đỗi quen thuộc. Mai Lan đang cố gắng gói những cành ly trắng thành bó. Khi ông còn đang tự hỏi con gái ông đang vui vì điều gì, chuông báo thức điện thoại kêu, tiếng chuông nhắc nhở vang bài hát quen thuộc “xa xăm trong kiếp người, muộn màng ai nhớ chăng ai…”. Hôm nay là sinh nhật vợ ông, hoa ly trắng là thứ bà rất thích. Kể từ khi nhập viện, đôi ba lần ông đến thăm đều bị từ chối, rồi ông dặn thư ký hằng tháng gửi hoa và quà, những lần tự thân tới, ông cũng chỉ đứng từ xa rồi quay về. Rồi từ khi biết bà từ bệnh viện chuyển về nhà dòng để phục vụ bệnh nhân thì ông cũng thôi không gửi hoa. Nhìn con gái cười tươi, vừa gói hoa vừa lẩm nhẩm bài hát như con chim non ríu rít mà lòng ông se thắt.

Dõi theo qua ô cửa sổ, đợi đến khi bóng chiếc ô tô khuất xa dần, ông Minh mới mở cửa phòng để rót cho mình ly rượu, thứ ông hy vọng sẽ giúp ông đẩy lùi mớ cảm xúc đang hỗn loạn trong lòng. Lướt qua bàn khách, ông vô tình nhìn thấy chiếc hộp giấy bạc, bên trên còn có thiệp. “Mẹ, chúc mẹ sinh nhật vui vẻ! Love mommy so much!”. Đọc lời trong thiệp, ông buồn cười vì câu chúc nửa này nửa nọ của Mai Lan, lòng lại buồn vì ước ao một lần được nghe con gái thể hiện tình cảm với mình. Cô đơn trong lòng bao năm dồn nén giờ đây gào thét trong ông. Run rẩy cất lại thiệp, ông vội vã đuổi theo con gái. Suốt chặng đường đi, lòng ông chỉ nghĩ, để quên món quà, buổi sinh nhật của vợ ông sẽ không trọn vẹn, con gái ông sẽ không vui. Nhưng đến khi bước chân vào sân nhà thờ rồi, ông mới nhận ra, ông mang gói quà vào sẽ phá hỏng không khí vui vẻ của hai mẹ con, xét cho cùng thì đi đến tình cảnh này, tất cả là do ông, hai người phụ nữ đáng lẽ phải được ông yêu thương chăm sóc, lại vì sự cố chấp, ngang ngược, ích kỉ của ông mà đau khổ bao năm. Nghĩ vậy, ông khựng lại, chẳng dám bước nữa.

Nụ cười ông Minh hy vọng có thể nhìn thấy không hiện diện trên gương mặt hai mẹ con, Mai Lan nước mắt giàn giụa chạy đi, Nhã Anh gọi với theo đến khản giọng. Trong giây phút bất ngờ, ông nghe cái giọng quen thuộc: “Anh Minh, giữ con lại đi.” Giật mình khi nghe Nhã Anh gọi tên. Ông chạy theo giữ chặt cánh tay con, Mai Lan ôm chầm lấy ông, như thể nó gặp một người đã lâu năm chẳng gặp. Mai Lan òa lên như một đứa trẻ, cả gia đình ôm nhau, không một lời phân bua, nước mắt như rửa trôi bao nhiêu tức tưởi của mỗi người.

– Mai Lan, sao con khóc? Chẳng phải sáng nay con rất vui. Hôm nay, sinh nhật mẹ, sao hai mẹ con lại khóc như vậy? À, con bỏ quên món quà, daddy mang tới đây.- Ông Minh nói những lời hỏi han bằng giọng trầm ấm.

- Daddy, daddy đón mẹ về đi. Daddy, cũng hãy về đi, con không muốn sống như thế này nữa, bao nhiêu năm qua con vẫn luôn cầu nguyện với Người, nhất định sẽ có ngày gia đình chúng ta cùng nhau đến nhà thờ để dự lễ, nhất định sẽ có ngày gia đình chúng ta hạnh phúc, nhưng con sợ, con sợ con không đợi lâu như vậy được nữa.- Mai Lan cố gắng nói trong thổn thức. Nghe những lời con gái nói, lòng ông tê tái nhận ra điều bất ổn đang ập đến.

Về? Chẳng phải mấy năm gần đây ông vẫn sống bên cạnh con ông sao, nhưng mấy năm qua ông đã ở nơi đâu trong ngay chính ngôi nhà của mình, chỉ có cô đơn và dằn vặt. Ông cứ trách tại sao Thiên Chúa không nhậm lời cầu nguyện năm xưa của ông để gia đình ông tan vỡ, mà quên mất rằng chính ông đang phá hoại chính hạnh phúc của mình, và đập tan cả hy vọng của con ông. Để đến lúc này đây, khi con ông mang trong mình bệnh tật, khi sự sống bên bờ vực, con ông vẫn giữ niềm tin, vẫn nỗ lực gàn hắn hạnh phúc nó mong chờ, ông mới nhận ra rằng không phải ông không được hồng ân Thiên Chúa, không phải người không cho ông cơ hội, mà chính ông, đã bao lần từ chối mở những “cánh cửa” để về. Ông nhớ dụ ngôn ngày bé ông hỏi mẹ: “Tại sao đứa con hoang đàng không trở về ngay khi nó tiêu hết của cải, mà phải khổ sở như vậy nó mới biết quay về bên cha?”. Và giờ lời mẹ ông lại vang lên bên tai: “Vì đứa con hoang đàng đã không ngoảnh đầu nhìn lại”.

Có lẽ là đó lời gọi cuối cùng Thiên Chúa gửi cho ông, để ông một lần ngoảnh đầu nhìn những sai lầm của mình, để “đứa con hoang đàng” là ông có thể dũng cảm trở về đón nhận Đức Tin, để tìm nơi Người nguồn bình an cho mái ấm, dù là muộn màng nhưng gia đình ông sẽ cậy trông vào lòng nhân từ của Người.

                                            

Mã số: 15-136

TẤM BÀI VỊ

 

Mưa rả rích rơi. Từng đợt gió lạnh buốt lèn qua khe cửa mà ùa cả vào. Căn nhà xiêu xiêu ôm trọn mưa, ôm trọn gió và ôm trọn một thân già đang ho húng hắng. Bác Năm, thực ra là bà cụ Năm, gọi bác để cho thấy bác trẻ. Chậc, nói đến đấy chợt thấy khó: Khi nào thì tui cảm được cái tê tay nhức chân của tuổi bác nhỉ? Bác ngoài 80 rồi, tóc bạc như mây trời vậy nhưng vẫn mạnh khỏe lắm. Bác ăn nói có duyên, miệng nhai trầu thì nhất, sang không ai bằng. Chỉ tội cái là không chồng con gì cả. Từ hồi mới về sống ở đây, tui đã thấy bác ở vậy. Hỏi ra mới biết bác trai mất lâu rồi. Uhm, cuộc đời! Những mất mát không ai muốn lại cứ xảy ra như cơm bữa. Ngẫm vậy tui buồn. Mà khi buồn thì tôi nhả một hơi thuốc. Mà khi tôi nhả thuốc, một làn khói nhẹ bay lên. Khói nhìn rõ lắm nhưng đến vài giây sau thì tan mất. Mặc kệ! Giờ tôi lặng nghe tiếng mưa. Trời không sáng nổi vì mưa. Tôi lặng nghe cả tiếng ho của bà Năm húng hắng trong mưa. Giờ  mưa mới xong, bác đang lụi cụi gì đó trong bếp vậy? Chắc cơn mưa giông làm ướt mớ thóc chưa kịp gom vào chiều qua. Khổ, thân già, cái gì cũng loay hoay một mình cả.

- Bà ơi, bà ơi!- Có tiếng một đứa nhỏ nào đó. À, là thằng cu Mão, con ông Hai cách nhà tui mấy mái ngói.

- Cái thằng này, làm tau giật mình, chuyện gì vậy?- Nhưng thằng nhỏ không trả lời. Nó vừa kéo bà chạy ra vừa la toáng chỉ một câu: “Mau mau cả hết”. Tui ngoái cổ nhìn ra. Bà Năm còn gõ đầu hắn: “Tau có già quá đâu, kêu tau bác thôi!”. Rồi hai cái bóng tiến ra dần phía xóm trên, xóm đạo.

Thằng nhỏ đưa bà đi nhận gạo ấy mà. Sắp đến lễ Giáng Sinh bên đạo rồi. 

- Theo đạo có gạo mà ăn- Tui thì thào một mình- Phải, không  biết tại sao cứ mỗi lần nhìn về phía tháp chuông nhà thờ ấy tui lại nhớ câu nói đó... Chẳng biết từ hồi nào nữa...

Tui xách giỏ ra chợ. Mấy người đi đường thấy đàn ông đi chợ thì xì xào. Kệ, bữa ni họ cười chi cũng mặc. Ông Hai, ông Sáu cũng bán buôn ngoài chợ đó thôi. Chà, chợ đò hôm nay đông đúc.

- A, chú chủ tịch xã, chú đi chợ há? Mua cho em con cá!- Một cô hàng cá gọi to khi tôi mới vào.

- Tui về hưu lâu rồi mà chị cứ gọi!

- Thì kệ! Một ngày ăn lương nhà nước thì mãi là thuộc về nhà nước mà!

- Chú mua cá đi chú!

- Cái chị này! Dẻo miệng quá!- Tui cười.-  Thôi, chọn cho tui mấy con!

Cá nhảy đành đạch.

- Cám ơn chú chủ tịch, chú đi thong thả nhá!

Chợ búa vẫn vang vang đủ thứ âm thanh: nào là chào mời, nào tiếng nói chuyện rôm rả, tiếng quạt máy  ù ù và cả tiếng dao chặt thịt phạn xuống thớt bình bịch… Tất cả hòa trong hương vị của mắm, của cá, của những bó rau tươi và của cả những trái bắp non mới luộc nên vừa tanh tanh vừa thơm thơm. Đang mải mê mẫn thì có tiếng gọi khiến tôi giật mình.

- Chú, chú mua gạo kẻo vài bữa nữa gạo thua!- Đó là tiếng cô Loan. Thường thì tui không mua cô.

- Cô đừng nói tui thẳng thừng chứ tui nói cô biết: Cô bán đắt dễ sợ! Cô bên ni đi đâu rồi cô?-  Tui chỉ sang sạp hàng bên cạnh. Bà chủ liền gắt gỏng.

- Bả đi gì đó bên giáo xứ rồi. Chú thiệt là… Không mua thì thôi…đi đi cho!

- A ha, tui vừa bị đuổi. Khách hàng vừa bị đuổi khỏi quầy bởi chính bà bán hàng. Lần đầu tiên trong đời… Hahaha… Già đầu rồi lại bị đuổi khi đi mua gạo.

Tui về nhà. Đang hí hoáy rửa bó rau thì có tiếng chân lép bép sau lưng. “Chú há?”- Giọng bà Năm khe khẽ. Chuyện gì mà bà Năm nghiêm túc vậy ta?

- Dạ tui đây bác.- Tui rửa tay bước ra.

- Đi nhanh! Đi với tui!- Bà đáp.

- Đi đâu?

- Đi lên nhận gạo. Mau!Mau!- Giọng bà vẫn dồn dập.

- Ở đâu? Ai cho? Vì sao cho?

- Nhà thờ! Nhanh!- Tức thì bà kéo tui đi phăng phăng. Cái tiếng “ai theo đạo có gạo” tự nhiên lại trào lên trong đầu tui.

- Bác này…- Tui níu lại.- Tui dù sao cũng từng ăn cơm nhà nước, tui không theo đạo đâu.

- Chú nói gì vậy?”- Bà Năm ngạc nhiên.

- Ai bắt chú theo? Tầm bậy!!!

Tui trố mắt: “Theo đạo có gạo, suy ra có gạo phải theo đạo còn gì!”

 Bà Năm cười ha hả: “Chú này thật là! Người ta cho không, không cần mình theo gì hết”.

 - Mà tui không cần đâu.- Tức thì tui hất tay bà cụ ra.

 Một giây, hai giây, ba giây trôi qua. Bà cụ nhìn tui trân trân.

Tui tránh đi: “Tui không thích bên đạo. Nói thiệt bác, mấy mươi năm làm bên xã, tui biết đạo đối xử với bà con ra sao, nhà nước đối xử với bà con thế nào nhưng tui...”.

 - Không phải chú nói chú thầm thích một thế giới mà người ta nói thật sao?

- Phải...

 - Thế thì chú đã biết rồi, tại sao lại không nghe theo sự thật? Chính miệng chú kể tui chuyện mấy bà bán gạo bên đạo bán giá phải chăng, đúng cân, đủ ký, không ăn gian, không nói thách còn gì?! Chú đã biết thì chú phải theo chứ!

 - Không! Không!- Tui bối rối.- Tui là chủ tịch xã, con tui cũng đang làm trên huyện... Tui không đi đâu.

 - Cái chú này! Nếu cái chức phó huyện của thằng con chú khiến hắn nhớ mà thương chú thì tui cũng cam. Đằng này thì...

- Phải! Phải! Thằng con tui quên tui lâu rồi. Tui biết! Tui biết, nhưng tui chưa bao giờ muốn chấp nhận điều đó. Đó không phải sự thật! Không phải!

 - Chú thôi đi!- Bà cụ nói tha thiết.- Bên đạo, người ta tốt lắm.

- Tốt mà bỏ cha mẹ bỏ ông bà à?- Tôi vớ ngay câu đó.

- Ai nói? Người ta không bỏ ông bà đâu chú à. Mình hiểu lầm người ta thôi.

 - Bác nói láo!- Tôi quát lên. Sao tôi lại xấc xược như thế nhỉ?! Bà ấy đáng tuổi chị tôi mà. Thấy bà Năm không cau mày, tôi tiếp:

 - Chẳng phải sách Kinh Thánh của họ có câu: “Người nam phải bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt” đó sao? Vậy là họ bỏ cha mẹ, bất hiếu còn gì!

 Thế là tui cắt ngang, quay lưng đi. Một cảm giác gì kỳ lạ dâng lên trong sâu thẳm tâm can. Phải! Phải! Đó là thứ cảm giác lúc nghe biết sự thật về chuyện hiểu lầm quan trọng đó, giữa đạo với đời, đời với đạo. Ui, tui vừa nói gì vậy kìa? Tui biết không phải vậy mà. Tui vừa nói gì với bà lão luôn thân thiện với tui vậy kìa? Tui nói láo người bạn già của tui? Tui gạt bà Năm như đã từng làm với nhiều lắm những con người đơn sơ từng gặp khi còn là chủ tịch xã, mặc dù tui biết điều bà Năm nói mới đúng. Cái chức chủ tịch xã nó đã... Tui không nói thật được dù chỉ một lời sao? Và cái cảm giác đó khiến tôi nhức nhối…

Thuở các linh mục Tây phương qua truyền đạo trên đất nước tui, họ đã hiểu lầm với cách dùng từ của dân. Đối với họ, từ “thờ” chỉ dành cho Thiên Chúa. Con người phải tôn thờ Thiên Chúa và chỉ thờ một mình Người thôi. Nhưng với người Việt thì chữ “thờ” có nhiều nghĩa. “Thờ” ngoài nghĩa “tôn thờ thượng đế” thì còn có nghĩa phụng sự, vâng lệnh cấp trên cao hơn mình như thờ vua trong thời phong kiến, do đó mới có cái gọi là “đạo vua-tôi”; chữ “thờ” còn có nghĩa là hiếu thảo nên người ta hay nói “thờ cha kính mẹ”; hoặc như nghĩa chung thủy trong chữ “thờ chồng”.

Chính nhiều cách hiểu khác nhau của chỉ một chữ “thờ” đã khiến cho văn hóa phương Tây và phương Đông hiểu lầm nhau. Đối với các linh mục Tây phương thì đạo là tôn giáo, là hướng lên Thiên Chúa duy nhất. Đối với những người phương Đông thì đạo còn là những quy tắc ứng xử. Vì thế mới có đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng. Cộng thêm sự ngăn trở về ngôn ngữ và sự nhạy cảm ban đầu nữa nên... Đó là những cái mà tui nghiệm được trong quá trình còn tại vị chức chủ tịch xã. Phải, tui đã gặp nhiều người lắm, tui được biết nhiều lắm. Nhưng, tại sao tui vẫn cố tình nói câu Kinh Thánh khi nãy để đánh lừa bà? Câu đó rõ ràng nói lên sự kết hợp giữa hai người khi họ cưới nhau.

Đã 9h tối... Ếch nhái bắt đầu kêu. Chiếc ti vi đen trắng vẫn đều đều cái âm thanh gì đó tui chẳng quan tâm. Đầu óc vẫn còn nặng cái cảm giác khi chiều. Còn nhớ đôi con mắt nhăn nhúm đang căng ra vì vui mừng của bà cụ lập tức tiu nghỉu lại khi nghe tôi nói láo. Tui chặc lưỡi cảm thấy phải làm một điều gì đó, tui mở cửa qua nhà bà.

 - Chú đó hả?- Bà chào mà giọng buồn buồn. Tui mở lời:

- Bác còn giận tui chuyện lúc sáng  sao?

 - Không!- Bà Năm gắt.- Chỉ thấy tiếc thôi!

 Tiếc?? Bà ấy tiếc chuyện gì?!  Không phải giờ không theo đạo nên tiếc chứ, mà bà lão này muốn theo đạo vì được nhận gạo.

- Chú biết không…- Bà kéo tui ra khỏi vẫn vơ. Mắt bà Năm nhìn lên trần nhà rồi dừng lại nơi chỗ bàn thờ.- Ông bà cụ tui... thuở còn sống cũng không thích đạo, như chú vậy đó.- Giọng bà vẫn tha thiết.- Rồi tới một hôm trời mưa to, bão quất đổ cây đa trước nhà. Cây đổ ngay lên nhà làm toàn bộ mái ngói nhà ông tui bể hết. Vậy là cả mấy bà con phải tèm nhem quấn áo mưa ngồi run run ở góc bếp…

 À tui nhớ rồi. Bà đang kể lại chuyện xảy ra năm tui mới về xã. Đợt đó có hơn 200 nhà sập mái.

- Chú biết sao không?- Giọng bà đột nhiên nghẹn lại...- Lúc đó, cán bộ xã đi giúp từng nhà nhưng chừa nhà tui ra. Họ nói nhà ông tui mái ngói, rứa là giàu, rứa là có của ăn của để nên họ bỏ mặc. Họ đâu có biết là lúa gạo nhà tui bị nước cuốn hết rồi đâu.

Nghe vậy tui xót xa. Chính tui đã ra quyết định đó, không phải để dành mà giúp nhà khác nhưng là...

- Thế là ông bà với tui và hai em nữa, giờ ở trong Sài Gòn rồi, đành ăn lương khô…- Bà Năm tiếp.- Lúc đó cũng có mấy người bên đạo tới giúp. Họ cho mì tôm, mì khô gói nhưng ông nhất quyết không cho bà cụ tui lấy. Tới khi nước lớn quá, cả nhà phải lên đồn đôn tránh nước lũ mà vẫn không thấy bên xã tới cứu, chỉ có mấy người bên đạo thôi.

 Lúc này thì bà khóc. Hai hốc mắt đầy nước. Bà Năm nấc từng hồi mà tiếp: “Ông tui sợ quá rồi mới cho bà cụ tui và chị em tui qua bên thuyền cứu hộ của mấy người đạo. Đoạn ông trở lui để lấy bộ ảnh thờ ông cố…”.

- Nhưng mà lúc đó nước lên ngập mái hết rồi mà. Ông cụ không sợ sao? Để khi khác nước rút rồi về dựng lại bàn thờ cũng được mà.

- Có chứ! Ông sợ lắm nhưng ông tui không nghe ai khuyên hết. Tay ông run run lập cập luôn. .. Nhưng đoạn cụ lấy được mấy tấm hình cụ cố rồi thì trời trở gió mạnh. Đang loay hoay thì không biết sao cụ để rơi cả mấy tấm bài vị. Còn nhớ lúc nớ cụ chưa kịp định thần thì thấy có người nhảy tùm xuống. Đó là một người bên đạo chú à, giờ chắc cũng bảy tám mươi tuổi rồi. Ông nớ lặn một hồi rồi trồi lên. Mặt đầy nước. Mà nước lũ thì chảy riết quá. Chú biết lụt ở chỗ mình rồi.- Bà quay sang tui: Ai cũng hết hồn tưởng ông đó bị nước cuốn luôn. May thay, lúc ổng nhô đầu lên thì hai tay đưa tấm bài vị lên. Tui chỉ nhớ lúc nớ ông tui cám ơn rối rít như con nít vậy... Mà ông nớ là người bên đạo đó chú! Mà hay hơn nữa là câu ông bên đạo đó nói kia, tui cứ nhớ mãi: “Nếu là bàn thờ nhà cháu, cháu cũng đưa đi trú bão với cả nhà luôn!”. Vậy đó chú, họ có bỏ ông bà đâu?- Tới đây thì bà mỉm cười. Nước mắt giờ lăn xuống len lỏi cả hàm răng giả.- Ông bà cụ tui hết hiểu lầm và bắt đầu thương đạo từ đó. Thậm chí, có lần ông còn muốn cho tui cưới chồng đạo để theo đạo nữa. Ông nói: “Đạo nớ cái chi cũng tốt hết, cả chuyện thờ ba mẹ cũng tốt hơn mình”.

- Là sao?- Tui nhăn mặt.- Sao lại tốt hơn?

- Thì họ không chỉ nhớ cha mẹ vào ngày giỗ hay vu lan như mình thôi nhưng còn nhớ cầu nguyện hằng ngày và nhờ cả Hội thánh cầu nguyện nữa đó. Mà cả Hội thánh là chú biết nhiều người cỡ nào rồi...

 - Bà chắc không?

 - Chính tai tui nghe mà không chắc được à? Tui đi lễ, đi học đạo được vài bữa thì gia đình có chuyện, phải vô ĐakLak một thời gian... Nhưng tui vẫn nhớ rõ lắm. Họ cầu nguyện cho ba mẹ họ hằng ngày trong Thánh Lễ đó. Tui vẫn nhớ có lời nguyện thế này này...

 - Bà Năm nhớ kỹ hí...

- Chứ sao!

...

Tối hôm đó lên giường mà tui cứ trăn trờ mãi.

 Rõ ràng bà Năm bảo bà muốn vào đạo không phải vì được nhận gạo nhưng là vì bà thương đạo lâu rồi. Làm sao có thể vậy được nhỉ? Bà ở với những người Phật tử, tiếp xúc với người Phật tử nhiều hơn với người Công giáo mà? Làm sao mà chỉ với những kỷ niệm ít ỏi như thế, bà đã bị đánh động rồi? Lúc nãy, tui cũng có hỏi bà từng đi chùa chưa. Bà bảo đi nhiều lắm, nhưng khi biết đạo thì không đi nữa. Tui thắc mắc thì  bà chỉ trích dẫn  câu của Đức Phật: “Ta là ngón tay chỉ lên mặt trăng ta không phải là mặt trăng”. Như vậy thì mặt trăng đó là chính Chúa Giêsu của đạo Công giáo?

 Tui chợt thấy ngợp. Cảm giác này tui chưa từng thấy bao giờ. Sự thật về các cố Tây khi mới tới Việt Nam, sự thật về việc thờ cha kính mẹ của người bên Đạo giờ đang lần nữa sống dậy trong cái tâm thức khao khát một ngày sống chân thành. Và cả sự thật về bản thân tui nữa. Tất cả, tất cả...

 Thế là sáng sớm hôm sau, tui áo quần sạch sẽ, cùng với bà Năm đi đến nhà thờ, thằng bé hôm trước chạy dẫn đường.

 - Người ta xếp hàng đông thế làm gì vậy bác?- Tui nói nhỏ khi bước vào sân nhà thờ.

 - À, họ tới nhận gạo đó.

- Giống như bà hôm qua. A, tui biết họ. Họ ở xóm lá sau lưng xóm mình.

 - Ừ đúng rồi, mấy người bên đạo đứng sau, mấy người xóm lá đứng trước kìa.

- Họ nhường đấy.

 

                                            

Mã số: 15-137

 

VƯƠNG QUỐC NƯỚC TRỜI

 

Buổi tối thứ tư…

“Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua nhân hậu trị vì một vương quốc xinh đẹp, phồn vinh. Ông có hai người con, một trai một gái, ông đem lòng yêu thương hai con rất mực. Ông dặn các con mình rằng: “Các con hãy sống hạnh phúc với cha trong vương quốc này. Các con có thể đi khắpmọi nơi trong vương quốc,nhưng ngoại trừ một chỗ, đó là ngọn đồi phía sau vương quốc, nơi đó đã bị phù phép”. Hoàng tử và công chúa đều xin vâng lời vua cha. Cuộc sống hoàng tử và công chúa trôi qua thật hạnh phúc, bình yên.Cho đến một ngày kia, công chúa quyết định ra phía sau vương quốc sau khi thăm thú nhiều nơi. Công chúa thấy một ngọn đồi xanh xinh đẹp với nhiều bông hoa và cây trái,công chúa không nghe lời vua cha mà chạy lên ngọn đồi. Khi thấy nhiều quả chín trông thật ngon, công chúa hái một trái ăn thử. Tức thì cái cây biến mất, thay vào đó là một mụ phù thủy xấu xí. Mụ phù thủy chẳng nói gì bay tới bắt lấy công chúa và mang nàng đến một khu rừng cách xa vương quốc.Vì công chúa cứ buồn mà khóc suốt,nên mụ phù thủy liền đọc thần chú khiến cho công chúa quên luôn người thân cũng như quên đi thân phận công chúa của mình.Từ đó công chúa không còn khóc nữa và mụ phù thủy bắt công chúa làm những công việc vất vả…”.

Anh dừng đọc và nói với đứa con gái nhỏ tuổi đáng yêu của mình từ nãy giờ chăm chú nghe anh kể truyện:

- Con thấy công chúa tội nghiệp chưa? Vì công chúa không chịu nghe lời Vua cha đó. Nên con phải nghe lời ba nghen.

- Dạ.

Anh thấy con mình đã buồn ngủ.

- Thôi, con nằm xuống ngủ đi, đêm mai ba sẽ cùng con đọc tiếp.

Anh sửa lại chăn cho con và hôn nhẹ lên trán con cách âu yếm. Anh khép cửa và đi về phòng ngủ của mình. Lúc đi ngang qua phòng khách. Anh nhìn lên tấm hình thờ của cha mình, anh nhủ thầm: Bây giờ con mới hiểu câu nói của ba: “Sau này con có con, con mới hiểu hết tình thương của ba dành cho con”.

Anh lại đảo mắt nhìn qua bàn thờ bên cạnh, trên đó có cây Thánh Giá và tượng Thánh Gia Thất. Bất chợt anh có cảm giác là lạ,anh tiến lại gần hơn: Thì ra có một Lộc Thánh mới. Anh nhẩm nhanh dòng chữ viết trên Lộc Thánh: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Tuân giữ lời Chúa ư… được phúc ư…. Anh suy nghĩ kỹ hơn. “Phúc, chắc là hạnh phúc rồi”. Đối với anh, anh chỉ biết có nghe lời ba mẹ, thầy cô, kinh nghiệm với những gì cuộc sống mang lại để sống, tất nhiên là để sống tốt, sống hạnh phúc, anh tóm lại: “Mình như bây giờ là được”. Rồi theo lối suy tình của nhà kinh doanh, anh nghĩ: “Nhưng...liệu ta không nghe lời của Chúa, thì bị thiệt thòi gì không, mất được phúc lợi, hạnh phúc chăng?”.

Khi anh vào phòng ngủ, anh thấy vợ mình đang ngồi đọc kinh, sau đó cô cầm cuốn sách Tân Ước lên mà đọc. Đó là thói quen của cô trước khi ngủ, anh cũng quen với điều đó. Nhưng lần này anh dõi theo cô và suy nghĩ : “Đọc Lời Chúa à! Sống theo lời Chúa là được phúc. Còn mình đang có nhà cửa, có cơm ăn áo mặc, cố gắng làm việc, kiếm thật nhiều tiền… Vậy là đủ, dường như hạnh phúc rồi. Ngủ thôi, ai nghe lời ai, mặc kệ…”. Anh muốn dứt dòng suy nghĩ để ngủ, nhưng không được,  có vài ý tưởng cứ lẩn quẩn trong trí anh với nhiều thắc mắc… Phải mất khoảng thời gian lâu sau anh mới ngủ được.

 

Buổi tối thứ năm…

“Để tránh việc công chúa bỏ trốn, mụ phù thủy cột vào chân công chúa một sợi dây phép thuật. Sợi dây làm bằng thứ ánh sáng kỳ lạ màu xanh lơ và có thể xuyên qua mọi thứ nên không bị vướng vật gì, nhưng độ dài của nó thì không quá một dặm.

Còn về vua cha, khi biết tin công chúa bị mất tích,ông rất đau buồn.Ông sai người đi tìm ngày đêm, nhưng không có một ai tìm thấy. Cuối cùng, hoàng tử xin Vua cha cho chàng được đi tìm công chúa, vua cha rất hài lòng và cho phép, ôngcho hoàng tử một thanh kiếm và tấm khiên thần để lên đường.

Một hôm, khi đi nhặt củi ở bìa rừng, cô nghe tiếng khóc gần đó. Lại gần, cô thấy có một chú nhím nhỏ đang tựa vào một gốc cây mà khóc, cái cây trông thật kỳ lạ, thân nó dẻo như cao su. Công chúa nhẹ nhàng hỏi: “Này chú nhím nhỏ, sao chú lại khóc?”. Chú nhím nói: “Em là chú nhím sống ở khu rừng bên kia, em rất thích lăn tròn trên mặt đất. Vì quá ham chơi nên em lăn đến tận đây và trúng phải cái cây Dẻo Dẹo này. Sợi lông của em dính chặt vào thân cây, nên em không tài nào rút ra được”.

Công chúa hỏi ngay: “Chẳng phải những chú nhím biết bắn những sợi lông của mình hay sao? Em có thể nhả những sợi lông bị dính ra là em sẽ thoát được”.Chú nhím nghe vậy liền co mình lại, chú đã nhả được những sợi lông cách dễ dàng. Chú vui mừng lắm vì đã thoát ra được cũng như biết thêm được một khả năng mới. Chú chím cảm ơn công chúa và hứa sẽ giúp công chúa khi nàng cần.

Từ đó trở đi, chú nhím chơi thân với công chúa, chú còn rủ thêm nhiều bạn thú rừng cùng chơi. Công chúa rất vui khi quen được nhiều bạn nhỏ dễ thương như bạn Thỏ, Chim, Bướm,... Buổi tối, Công chúa lấy những quả Pháo của cây Dẻo Dẹo, những quả này khi bứt cái cuống đi, khoảng vài giây sau thì phát nổ ra những tia sáng rất đẹp. Công chúa lấy những quả ấy cắm vào lông của chú nhím để chú bắn lên trời mỗi buổi tối, chú nhím bắn mỗi lúc một cao hơn, làm những quả Pháo nổ cao trên bầu trời rất đẹp mắt như bắn pháo bông.

Còn về hoàng tử khi vâng lệnh vua cha, chàng băng rừng vượt suối, chiến đấu với thú dữ và cố gắng tìm cho được cô em gái. Mỗi tối, chàng thấy có những pháo bông nổ trên bầu trời ở ngoài xa, chàng lấy làm lạ vì nơi rừng sâu này rất ít người sinh sống, chàng hy vọng có thể em mình bị nhốt nơi ấy hoặc ít ra có thể được chút tin tức gì. Hoàng tử cứ nhắm hướng đó mà đi, cuối cùng chàng cũng thấy được em gái mình…”

Sau khi con gái mình đã ngủ, anh lên mạng xem tin tức. Anh đọc thấy những bản tin thế giới - xã hội, anh thấy thế giới nhiều biến động xấu: đang xảy ra những cuộc chiến, cuộc tàn sát, bắt bớ, giết người, khủng bố.... Anh nghĩ: “Do họ tin vào những lý tưởng để rồi đi làm những chuyện khiến nhiều người bị đau khổ, bị giết. Họ làm vậy vì họ nghĩ mình sẽ được hạnh phúc ư…”- Anh chợt nhớ lại - “Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa… Có nhiều niềm tin trên thế giới này… cần nghe lời ai mới sống tốt, thế giới này tốt hơn… Như mình đây là sống tốt rồi, xem như ổn định rồi... thật vậy ư?”- Anh cảm thấy hơi lan man - “Không chắc chắn lắm, những gì mình xem là ổn định đây liệu có gì là chắc chắn chứ...”

Anh tắt máy và thấy vợ mình đang đọc Lời Chúa.

- Em có thể đọc lớn cho anh nghe với. - Anh nói

Vợ anh lấy làm ngạc nhiên nhìn anh hồi lâu.

- Ờ, anh chỉ muốn nghe thử xem có gì hay không thôi mà. - Anh phân bua.

- Anh làm em bất ngờ đấy.- Vợ anh đáp - Nhiều năm qua, anh không hề nói gì tới những chuyện gì như thế này mà.

Anh không biết trả lời làm sao, chị mới mĩm cười nói tiếp: Em đang đọc đoạn lời Chúa này nè! Cô nhìn vào sách và bắt đầu đọc: “Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!". Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!". Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?". Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó".” ( Lc 12, 16 – 21).

“Ồ”. Anh nhủ thầm. “Mình lo kiếm tiền…đồ ngốc… lo cho cuộc sống, có của ăn của mặc, tính đến việc dư dả, vậy là đủ… Ngốc thật, nếu đêm nay ta chết…ta được những gì, có những gì là chắc chắn… còn làm giàu trước mặt Chúa là sao… nghe lời Chúa… được phúc gì…cần nghe theo ai là tốt đây. Những gì ta có thể làm ra mà chắc chắn đây... Làm giàu trước mặt Chúa là sao? Khi ta chết thì còn có gì ư? Ta khao khát một gì thật lớn lao và bền vững... Cần tin vào lời Chúa không?...  Thôi, ngủ thôi”.

Đêm nay vẫn như đêm qua, có những suy nghĩ cứ chập chờn làm anh khó mà ngủ ngay được.

 

Buổi tối thứ sáu…

“Hoàng tử lấy làm vui lắm vì cuối cùng cũng gặp được em gái mình. Hoàng tử chờ mụ phù thủy đi vắng lẻn vào gặp công chúa. Nhưng khi gặp được anh trai mình công chúa không nhớ được gì cả, khiến cho hoàng tử rất buồn. Hoàng tử cố gắng làm công chúa nhớ lại: Nàng là một công chúa của một vương quốc bị bắt cóc bởi mụ phù thủy, có một người cha nhân từ cùng với anh trai chính là chàng. Tuy công chúa không nhớ, nhưng thấy chàng trai xưng mình là Hoàng tử này rất chân thành, và có vẻ tốt bụng. Hoàng tử quyết định sẽ ra tay diệt trừ mụ phù thủy kia để giải cứu công chúa khỏi những phù phép.

Khi mụ phù thủy quay về phát hiện có kẻ lạ mặt là hoàng tử, mụ liền lao tới tấn công chàng. Mụ phù thủy sử dụng phép thuật phóng tới nhưng không làm Hoàng tử sợ hãi vì chàng có tấm khiên thần kỳ chống lại các những phù phép của mụ phù thủy. Mụ phù thủy thấy không hiệu quả liền nảy ra một ý, mụ phóng hai tia sét tới công chúa và hoàng tử cùng lúc. Hoàng tử không do dự quăng tấm khiên để cản tia sét đang phóng tới công chúa, còn chàng thì lãnh trọn cú sét còn lại vào người, khiến chàng bị thương không gượng dậy nổi. Mụ phù thủy tiến lại gần hoàng tử, giơ gậy chĩa xuống hoàng tử và đọc thần chú..”.

“Hoàng tử dám hy sinh vì người em gái mà mình yêu quý” - Anh dừng vài giây suy nghĩ,

- Ba có biết Hoàng tử hòa bình không Ba?- Con gái anh bất ngờ hỏi.

Anh lắc đầu: “Ba không biết!”.

Con gái anh mới nhảy xuống giường, lấy ra trong quyển sách giáo lý Đồng cỏ non một tấm hình: “Đây là hình của Hoàng Tử Hòa Bình nè ba!”

Anh đóng cửa thật khẽ sợ làm con gái mất ngủ. Anh nhìn lại tấm hình lúc nãy, anh biết đây là ai...

Anh ngồi tại phòng khách và nhìn lên cây thánh giá. Có một thúc đẩy bồi hồi trong tâm hồn anh, anh thấy mình cần hồi tâm lại: “Lúc trước mình có học giáo lý... gọi là giáo lý Tân tòng, sau đó học giáo lý hôn nhân. Mình chỉ có ý là nghe theo phía nhà vợ, làm xong “thủ tục cưới hỏi” của nhà vợ yêu cầu. Chứ mình chẳng để tâm trí vào học những giáo lý ấy, những nghi thức ấy, học như học vẹt... Mình vô tâm với nhiệt huyết của cha xứ quá. Giờ mình cần suy nghĩ thấu đáo hơn mới được.” Anh cố nhớ lại những bài giáo lý xưa kia anh đã từng nghe vị linh mục dạy. Anh nhớ rằng: “Chúa đến cứu nhân loại do con người đầy tội lỗi. Cứu cả mình, mình cũng có tội. Đúng. Và Chúa cứu bằng cách nào?.. Mình chỉ nhớ là Người chịu đánh đập, bị treo trên thập giá… còn chịu sĩ nhục nữa, nhưng Chúa tha thứ hết trước khi chết…vì Chúa quá yêu loài người... Chúa yêu mình nữa… rồi Chúa được sống lại, chiến thắng sự chết, mọi người sẽ không phải chết. Ôi! Làm sao mình lại không tin những lời dạy của người đã rất chân thành và hy sinh mạng sống vì mình chứ. Mình cần đọc lại Tin mừng mới được, tìm hiểu thêm mới được.”

Anh nói với vợ: “Tối nay, em cho anh mượn cuốn sách...ơ...sách  Lời Chúa được không?”

“Thật sao! anh muốn đọc thật sao” - Cô vui thấy rõ, nhưng rồi lại sợ có chuyện không ổn,vì không ít nhiều cô và chồng từng cãi nhau về những chuyện Đạo hạnh, cô hơi cau mày nghi ngại.

Lần này anh thú thật: “Anh thật sự muốn biết về cuộc đời của Chúa…ờ, Chúa Giêsu cách kỹ càng hơn, biết đâu anh thay đổi cách nghĩ… trước kia.”

Cô không thể tin những gì mình nghe được, cô thấy lòng mình vui rộn ràng. Cô lấy ngay quyển sách Tân Ước, làm điệu bộ đứng nghiêm trang và cầm hai tay giơ quyển sách ra: “Đây, ông xã”.

Anh mĩm cười cầm lấy và bắt đầu đọc… và suy gẫm.

Buổi tối thứ bảy…

“Mụ phù thủy chưa đọc hết câu, thì từ trên cao có những chú chim thả những quả Pháo rơi xuống chỗ mụ nổ đôm đốp khiến mụ bất ngờ. Không chỉ thế, chú nhím nhắm bắn những cọng lông cứng về phía mụ phù thủy. Hoàng tử nhanh tay lúc mụ phù thủy còn bối rối, liền dùng thanh kiếm đâm ngay mụ. Mụ thét lên và tan thành khói.

Sợi dây trói công chúa biến mất nhưng công chúa vẫn chưa phục hồi trí nhớ. Công chúa cùng các bạn thú rừng cố hết sức cứu chữa vết thương cho hoàng tử, nên chỉ vài ngày sau chàng đã bình phục.

 Hoàng tử mới nói: “Chúng ta cùng nhau về gặp vua cha, hẳn là vua cha sẽ có cách giúp cho em nhớ lại tất cả”. Công chúa bắt đầu tin tưởng Hoàng tử, khi chàng vì mình dám hy sinh tính mạng. Vì thế công chúa theo hoàng tử lên đường. Họ đi mất ba ngày ba đêm cuối cùng cũng đến nơi. Vừa mới tới cổng thành, họ đã thấy Vua cha đang đứng sẳn ở đó. Vừa trông thấy họ, vua cha chạy ngay đến và ôm lấy công chúa và mừng rỡ: “Con gái yêu quý của ta đã trở về”. Ngay lúc ấy, công chúa nhớ lại tất cả. Mọi thần dân đều cảm thấy vui mừng, họ mở một buổi tiệc lớn nhất từ trước đến ngay chưa bao giờ có trong vương quốc. Từ đó trở về sau công chúađược sống những ngày hạnh phúc bên cạnh vua cha và anh trai mình”.

“Con thích làm công chúa” - Con gái anh reo lên.

Anh cười nói với con gái: “Con chính là cô công chúa đáng yêu của ba”.

Khi anh ôm con mình vào lòng, anh có một suy nghĩ mới tuyệt vời mà trước nay anh chưa từng có: “Ta đã được Rửa tội, chính ta được là con cái Thiên Chúa… đúng rồi, ta có một Cha trên trời. Ôi, ta còn ước mong gì hơn thế nữa, ước mong được là hoàng tử, công chúa ở trần gian này sao sánh bằng làm con Thiên Chúa được chứ”- Rồi bổng anh nhớ đến kinh Lạy Cha.

Anh hỏi vợ mình khi về lại phòng: “Ngày mai là chủ nhật rồi phải không em?”

“Dạ”- Cô trả lời khi đang chải tóc. Cô phải dừng lại và bay vào ôm chồng mình ngay,  xoay một vòng và reo lên: “Ông xã em là tuyệt vời nhất!”, sau khi nghe anh nói xong câu: “Mai em đi lễ, nhớ…rủ anh đi với.”

Những bữa tối sau đó… Anh và gia đình cùng đọc Lời Chúa, đọc kinh và cầu nguyện.

 

Mã số: 15-138

 

ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

 

Nam và Lan là một đôi tình nhân. Họ đã yêu nhau từ 7 năm về trước. Từ cái thời còn cấp 3 áo trắng. Họ thân thiết với nhau và hầu như không có điều gì ngăn cản tình yêu của họ được. Và cuối cùng, đôi tình nhân này quyết định đi đến hôn nhân.

Bên cái tiết trời se lạnh của Sài Gòn trong những ngày cuối năm, họ ngồi bên nhau trong khuôn viên của một nhà thờ, nhẹ nhàng trao cho nhau những lời tình cảm.

- Mình yêu nhau bao lâu rồi anh nhỉ ?- Cô gái hỏi.

- Hơn bảy năm rồi đó em.

- Vậy anh có yêu em không?

- Có. Anh yêu em. Nhiều lắm.- Nam chắc chắn trả lời.

- Vậy anh có cưới em không?

- Có chứ. Sao em hỏi vậy?

- Nhưng anh có theo đạo của em không ? Anh có đồng ý cho đám cưới của tụi mình diễn ra trong nhà thờ không ? Và con cái của chúng ta được theo đạo không ?

- Anh đồng ý. Anh thích đạo của em. Vì tình yêu anh dành cho em. Anh sẽ làm được tất cả em à.

- Nhưng còn gia đình anh, ba mẹ anh thì sao, họ có đồng ý không ?- Lan tỏ vẻ lo lắng.

- Anh đã lớn anh có quyền quyết định tình yêu của anh.- Nam cương quyết.

Từng đợt gió về chiều có vẻ mạnh hơn, nhưng trong Lan bừng cháy một niềm hy vọng, một sự vui mừng không thể nào tả được. Cô nghĩ rằng đây là lần đầu tiên cô hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Cô lại hỏi tiếp:

- Vậy khi nào anh đưa em về gặp ba má anh ?

- Sáng mai em nhé.

Cô cười hạnh phúc, cả hai lao đi ra khỏi khuôn viên nhà thờ trong tiếng chuông dồn dập của ngôi thánh đường lớn... Cô hồi hộp đợi đến ngày mai.

Sáng 01.01.2015...

Ngày đầu tiên của năm mới, cô thức dậy hớn hở diện cho mình một trang phục đẹp nhất... Lên thành phố từ  khi còn là một sinh viên, cô đã biết cách sống tự lập mọi thứ và từ khi học đến lúc đi làm hầu như mọi chuyện đều đến rất suông sẻ. Cô tự cho mình là một con người may mắn nhất.

Nam- người yêu cô đã có mặt trước cửa phòng trọ từ rất sớm. Bỗng nhiên điện thoại của cô reo lên. Cô càu nhàu nghe máy.

- Mẹ gọi con có chuyện gì không ?

- Năm mới, mẹ gọi con hỏi thăm sức khỏe. Sẵn tiện mẹ con mình nói chuyện cho vui.

- Không được mẹ ơi con đang bận rồi.

- Vậy thì mẹ sẽ chúc con gái của mẹ ...

- Thôi mẹ ơi. Con bận lắm. Trưa con gọi sau.- Cô gái ngắt lời mẹ với giọng khó chịu. Nói xong, cô giục Nam chạy xe thật nhanh. Trong lòng cô lo lắng, vì ít phút nữa thôi, cô sẽ ra mắt gia đình người yêu của mình... Cô âu yếm hỏi :

- Nếu gia đình anh không chấp nhận em thì sao hả anh ?

- Em yên tâm, anh sẽ thuyết phục, và sẽ không bỏ rơi em đâu.

Anh ta chở cô đến trước một ngôi nhà to lớn, không khí của mùa xuân đang tràn về, một không gian thoáng mát làm cho cô có vẻ thích thú hắn lên. Bước vào nhà người yêu, cô bị choáng ngợp với trang trí hạng khá giả bên trong. Cái cảm giác sung sướng mà nhà cô chưa bao giờ có được. Ở bên trong có rất nhiều người và tất nhiên đó là người nhà của anh ấy. Cô lễ phép chào từng người một rồi rụt rè ngồi bên cạnh người yêu mình.

- Cháu chào cả nhà ạ!- Hai ông bà quay lại gật gù rồi quay lưng đi xuống bếp chuẩn bị bữa trưa. Cô cũng vội vã chạy theo phụ giúp. Đến trưa, mọi thứ cho bữa ăn đã xong. Cả nhà của Nam đang quây quần trong phòng khách, thì ba của Nam hỏi:

- Bác đã nghe Nam nói nhiều về cháu. Gia đình cháu theo đạo Thiên Chúa đúng không ?

- Dạ đúng ạ.

- Không được đâu cháu ạ. Gia đình bác trông mong ở thằng Nam nhiều lắm, nó còn sự nghiệp nữa. Nếu cháu muốn lấy nó. Cháu phải bỏ đạo theo chồng.

Khuôn mặt của ông bố bây giờ căng thẳng hơn. Ngôi nhà trở nên ngột ngạt. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía cô. Cô cúi đầu, tay bắt đầu run lên.

- Dạ không ạ. Anh ấy theo đạo nhưng vẫn có thể lo cho sự nghiệp được mà hai bác.- Cô gái van xin.

- Không được. Nếu cháu không đồng ý thì cháu đi tìm một người khác đi. Hai đứa coi như chấm dứt tại đây.

Cô không cầm được nước mắt vì giờ đây cô phải chọn một giữa đạo và người yêu. Cô gục đầu xuống bàn, tiếng khóc cô nghe rõ hơn. Nhưng cả gia đình không ai một chút động lòng thương. Nam muốn chạy lại nhưng vì ba mẹ nên anh ta chẳng dám làm gì. Ngôi nhà trở nên xao động hơn khi hai ông bà nói lớn:

- Nam, vào phòng ngay. Đời cả khối con gái.

- Anh có yêu em không? Sao anh không lên tiếng cùng em?

- Anh xin lỗi!- Chàng trai cúi mặt bước vào trong, trong tiếng gọi giục của ba mẹ, để mặc người yêu mình ngồi khóc trước mặt mọi người.

Bàn ăn đã dọn sẵn, thức ăn cũng đang chờ, thế nhưng nó lại không đón chào cô nữa. Chính giờ phút này đây, cô lại mất đi tình yêu bao nhiêu năm của mình, tình yêu mà cô luôn gắn bó, đặt hết niềm tin vào nó. Cô hụt hẫng đứng dậy, cô như người mất hồn bước ra khỏi ngôi nhà. Không ai nói với cô điều gì, như thể đó là chuyện bình thường. Cô thất vọng muốn chết đi được, ngay người thề hẹn với cô nay cũng không còn nữa. Cô bước đi trong cái nắng gắt của buổi trưa, cô khóc nhiều hơn, vì giờ đây không còn ai ở bên cô nữa.

Bước lên cầu, cô lại muốn gieo mình xuống sông. Nhưng lại thương ba mẹ mình và đàn em nheo nhóc. Cô chợt nghĩ lại xuân năm trước. Đàn em cô ngóng từng ngày đợi chị hai mua quà về tặng chúng, nó thao thức không làm được gì. Nó nhớ cô, nhưng cô lại muốn cái tết qua mau để được lên với người yêu mình. Cô vẫn còn nhớ đó, cứ mỗi lần cô về, ba mẹ vui không sao tả được, biết bao nhiêu món ăn cho cô. Cô sống như một nàng công chúa giữa ba mẹ. Thế mà cô lại khước từ cái tình cảm thiêng liêng đó, để hôm nay cô phải đi xin xỏ một người khác. Nhưng lại bị từ chối. Cô thấy có lỗi với gia đình, với lũ em thương mình thật nhiều. Tinh cảm không cần phải đi tìm kiếm ở đâu mà nó nằm ở ngay bên cạnh cô. Cô khóc nhiều hơn, cô khóc thay cho lời xin lỗi.

Trời về chiều, cô cứ đi lang thang như người vô thức, mắt cô sưng húp, nước mắt không thể rơi hơn được nữa, nỗi thất vọng của cô cứ dâng cao. Tiếng chuông chiều của ngôi nhà thờ gần đó ngân vang. Tiếng chuông đưa cô vào trong nhà thờ lúc nào không hay. Cô đứng trước Tượng Đức Mẹ than trách. Rồi đến Thánh Giuse, sau cùng là trước Thánh Giá Chúa. Thấy cô gái đang buồn rầu, từ đằng xa một Sơ bước đến.

- Sao con lại đứng đây khóc, con có chuyện gì sáo ?

Thế rồi, cô kể chuyện của mình cho Sơ nghe, cô trút hết nỗi buồn phiền thất vọng cùng Sơ. Sơ hiểu chuyện và nói cùng cô gái:

- Thôi con đừng buồn nữa, con không biết đó thôi, vẫn có người đang yêu con, đang quan tâm con đến con đó. Và người đó sẵn sàng ở  bên con khi con cần.

- Vậy người đó là ai vậy Sơ?

- Con cứ về lo cho sức khỏe đi. Và đoán thử đi. Mai đến đây Sơ và con cùng nói chuyện tiếp nhé.

Cô gái không còn khóc nữa, một mạch bước ra khỏi nhà thờ. Nhưng trong đầu cô vẫn luôn suy tư một câu hỏi: " Yêu mình ư, Vậy người đó là ai"... Đêm đó, đêm đầu tiên cô đơn của cô, cô thấy trong người như trống vắng. Dường như nỗi đau đã làm cho cô không còn biết đau đớn nữa. Nước mắt cô vẫn rơi. Tiếc cho một cuộc tình phải kết thúc.

Sáng hôm sau, cô vội vã đến ngôi nhà thờ để tìm gặp Sơ hôm qua. Không gian tĩnh mịch làm cho cô an lòng và thoải mái. Cái cảm giác mà lâu lắm rồi cô mới được thưởng thức nó. Sơ nhẹ nhàng bước tới:

- Con đã tìm ra câu trả lời chưa ?

- Dạ chưa ạ.

Rồi sơ dẫn cô gái đến trước Tượng Chuộc Tội và nói:

- Đây, đây là người đã yêu con. Đây là Người đã luôn ở bên con. Cho dù con đã lãng quên Ngài. Cho dù con có thờ ơ với Ngài. Nhưng Ngài vẫn thương con.

- Nhưng Sơ ơi. Ngài ai cũng yêu mà, cò vì riêng con đâu.

- Không đâu con. Ngài biết rõ con, biết từng sợi tóc trên đầu con. Từ khi con ở trong bụng mẹ, Ngài đã biết con rồi.

- Nhưng con đang cần là một người yêu con và lo cho con.

- Vậy người yêu con đã biết hy sinh cho tình yêu của con chưa. Còn Ngài, Ngài đã chết để cho con được sống đến bây giờ. Nên con cứ an tâm trong Chúa, cứ tìm đến Ngài trước đã, còn thiếu gì, Ngài sẽ ban thêm sau.

Cô gái im lặng. Cô cứ đứng nhìn Chúa mãi. Nhìn Chúa gục đầu trên thập tự. Nhắm mắt giữa trời đất mênh mông. Cô chợt nhận ra một điều, cô đã lãng quên Ngài lâu lắm rồi. Đã không còn cái thời đi xem lễ hằng ngày, không còn ca hát. Nhưng thay vào đó là sự có lệ chủ nhật hàng tuần, và sự so bì về thời gian. Cô hỏi:

- Sơ sống tu có khó khăn không ạ ?

- Đường Sơ đi là đường Thánh Giá. Mục đích là vì tình yêu. Bến đỗ là Thiên Đàng. Sơ đi cùng Chúa. Chúa cũng đi cùng Sơ. Ngài sẽ lo cho Sơ tất cả.

Rồi Sơ bước đi. Đám trẻ con chạy lại cùng Sơ. Chúng nó hát vang bài hát mà Sơ đang hát. Nét mặt Sơ vui vẻ hẳn lên. Cô gái rơi cả nước mắt rồi chạy vội vào trong nhà thờ. Cô chắp tay thì thầm.

- Sao Ngài cứ mãi lặng im vậy. Sao Ngài không nói gì cùng con đi. Thế gian đã quay mặt với con. Nơi con chỉ còn gia đình cùng Chúa. Lạy Ngài, con đã hiểu. Xin Ngài tha thứ lỗi phạm cho con. Xin cho con được trở về. Vì về với Ngài, con sẽ có tất cả. Dù có theo Ngài là Đường Thánh Giá.

Cô bước ra ngoài, cô không còn khóc nữa. không còn tuyệt vọng, cũng không còn than trách. Lòng cô nhẹ nhàng hơn. Sơ hỏi cô:

- Giờ con đi đâu.

- Con sẽ đi với Ngài.

- Quê con ở đâu ?- Sơ mỉm cười hỏi cô

- Con và Sơ cùng quê đấy ạ.

- Thật vậy sao ?- Sơ ngạc nhiên.

- Dạ đúng. Quê thật của của chúng ta là trên Thiên Đàng đúng không Sơ ? Con sẽ đi Đường Thánh Giá với Ngài với Sơ và với tất cả mọi người.

Cô cúi chào Sơ rồi bước đi. Trong lòng cô hạnh phúc, nét mặt cô vui tươi.

 

                                            

Mã số: 15-139

 

 

Tiếng Vọng Ngày Hôm Ấy

 

Tôi sải những bước dài trên phố, mắt hướng về phía xa xa. Trong tai tôi vẳng lại giọng nói đầy ấm áp. Tôi cảm thấy chênh chao. Tiếng còi xe chen lẫn tiếng người như xoáy vặn vào tôi. Một cảm giác mà tôi đã từng gặp ở đâu đó trước đây. Những khớp gối như đang rão ra. Nắng cũng kém phần chói gắt giữa tiết trời hanh hao.

Đẩy cửa vào, tôi đổ bềnh xuống giường và suy nghĩ.  Một buổi học không chán phèo như mấy buổi trước, tôi cho là vậy. Mọi suy nghĩ trong tôi hay hướng về một ý niệm mang tên là Chúa. Tôi được mẹ dạy cho thói quen cầu nguyện từ nhỏ. Nếp sống ấy cả chị và các em tôi cũng được thừa hưởng. Mỗi lần xa nhà, mẹ lại dặn đi, rồi lại dặn lại, mẹ mong tôi không sa vào cạm bẫy thế gian. Mẹ liệt kê đủ thứ muốn tôi tránh xa, nào là gái hư, nào là rượu, rồi thuốc lá, rồi lô đề, rồi đa cấp… rất nhiều thứ lộn xộn mà đôi khi tôi phát cáu. Có đến cả chục năm rồi, mẹ không còn ôm hôn tôi như hồi nhỏ nữa. Thoạt nhiên, tôi không để tâm tới điều đó. Nhưng nhiều lần như lúc nãy, tôi thường gặp những bà mẹ trẻ ôm con, dắt con đi dạo ở công viên phía sau nhà. Tôi bồi hồi nhớ lại, chứ để nói đến một tình cảm mẹ con đúng nghĩa, tôi nhớ là tôi chưa nói lời nào yêu mẹ kể từ lúc học Đại học đến giờ. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ thường hỏi đủ điều mỗi lần tôi về nhà, nhưng  nói mẹ thương con, yêu con trước mắt tôi, thì chưa.

-Các em thân mến! Con người là một loài động vật cao cấp, có phát xuất ban đầu tiến hóa từ loài vượn người mà ra.

Câu giảng lại vẳng lên. Thời điểm ấy, nghe xong tôi cảm thấy bản thân cần phải nói điều gì đó. Giữa hàng trăm bạn bè, chỉ riêng tôi là người theo đạo. Nhưng tôi hiểu rằng tôi không được mất bình tĩnh.

-Thưa các em! Con người là một loài động vật xã hội, một thực thể của tự nhiên.

Hai câu nói kia tuy cách xa nhau trong bài giảng, nhưng nó có sức ám với tôi. Vị giáo sư già vẫn đĩnh đạc giảng những điều, mà tôi cho là hết sức tâm huyết đối với ông. Tôi đoan chắc là ông đã chắt lọc cả đời. Không một ai thắc mắc, hay hỏi lại gì cả.

Vẫn như bình thường, môn học này tôi thích ngồi cuối, đơn giản là vì tôi cảm thấy thoải mái. Mấy lời giảng kia ông có giải thích là trích dẫn ở các nhà khoa học kinh điển. Tôi biết điều đó.

Hình ảnh mẹ lại ùa đến. Mẹ thường dặn tôi phải giữ thói quen đi lễ chủ nhật hàng tuần. Mẹ sợ tôi yêu phải một cô gái không cùng tôn giáo. Mẹ sợ tôi không đủ sức khỏe để theo học.  Điều gì mẹ cũng sợ, cũng lo, dù chỉ là những thay đổi nhỏ nơi tôi.

Rướn người thở dài một hơi rõ lớn. Tôi cảm thấy nặng nề. Dường như tôi cũng cảm thấy trong người nao nao. Cuộc cãi cự hôm nay trên giảng đường chẳng biết  có đi tới đâu không. Tôi vẫn băn khoăn tự vấn.

Sau khi giảng những điều gan ruột của mình, thầy hướng ánh nhìn xuống phía cuối lớp, và chờ những câu phản biện và câu hỏi. Sau khi xin phép, tôi đứng lên nói:

-Thưa thầy, em không đồng ý với quan điểm con người là động vật bậc cao, động vật xã hội như các nhà khoa học kia đã nói.

- Em có thể chứng minh cho tôi được không?

- Thưa thầy, em là một tín đồ Công Giáo. Kinh Thánh có chép, Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Em luôn tự hào em là con cái của Thiên Chúa. Sự súc vật hóa trong nguồn gốc con người là sự hạ nhục với mỗi người. Thầy có thể cho em làm một bài test xã hội học ngay tại đây không?

- Em cứ chứng minh điều em nói, tôi vẫn lắng nghe đây.

-Thưa thầy, thưa các bạn, có luận thuyết cho rằng con người là động vật bậc cao, cho rằng con người tiến hóa từ con vượn người, lại có thuyết cho rằng con người là động vật xã hội. Trong số các bạn ở đây, bạn nào đồng ý cho rằng mình là động vật bậc cao, động vật xã hội, được tiến hóa từ vượn người thì giơ tay lên được không ạ?

Tiếng xầm xì vang cả khắp khán phòng rộng. Vị giáo sư già vẫn rất bình tĩnh. Thầy khiến tôi bối rối. Tuy nhiên, sự ngập ngừng ở các cánh tay của các bạn khiến tôi vững tin hơn vào bài test của mình. Chỉ có khoảng một phần ba số cánh tay được giơ lên. Tôi vui sướng bởi ít ra thì ở câu hỏi này, không đến một nửa lớp phản đối tôi.

Tôi bảo:

- Thưa thầy!  Chỉ có chừng một phần ba lớp tán thành ạ. Em muốn được hỏi câu hỏi thứ hai ạ!

- Em cứ tiếp tục diễn giải quan điểm của em.

- Thưa các bạn, có những luận thuyết đã sỉ nhục con người, hạ thấp con người, mà vô hình chung chúng ta lại mặc nhiên chấp nhận nó như một chân lí bất di dịch. Luận thuyết con người là động vật bậc cao, có nguồn gốc từ vượn người đã sỉ nhục chính bố mẹ và tổ tiên chúng ta. Bây giờ các bạn hãy nghĩ đến bố mẹ của mình, trong số các bạn, ai  đồng ý bố mình, mẹ mình là động vật bậc cao, động vật xã hội thì xin giơ một cánh tay ạ?

Cả căn phòng nhốn nháo. Tôi nghe có tiếng gào lên:

-Bạn không được hỏi như thế.

Tôi không còn thấy cánh tay nào của các bạn giơ lên nữa.

Tôi hướng lòng bàn tay xuống, bảo thầy:

-Thưa thầy, em đã chứng minh xong.

Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống. Trái tim tôi lúc ấy có đập loạn lên. Thầy vẫn hết sức chậm rãi:

- Các em, vấn đề nguồn gốc con người cho đến nay còn tranh cãi. Tôi, và các em phải hết sức tôn trọng những người bạn có đức tin khác mình. Đức tin là một điều rất lớn, các em chưa tưởng tượng hết được đâu.

Có tiếng vỗ tay ràn rạt. Tôi ngồi im lặng ngóng tiếp.

- Các em ạ, Kinh Thánh là một cuốn sách hay, các em nên tìm đọc xem sao. Tuy nhiên, tôn giáo và khoa học không cùng chung điểm nhìn. Kinh Thánh do nhiều người viết, và Kinh Thánh không thuyết phục tôi. Cũng vậy, thần học không có tiếng nói trong khoa học, và khoa học không xâm phạm vào thần học.

Cả một tràng pháo tay của các bạn vô thần vang lên. Tôi vẫn ngồi im.

Thầy nói tiếp:

-Nếu em tin là có Thiên Chúa, em hãy bảo Thiên Chúa của em hiện ra trước mặt cả lớp, tôi sẽ tin ngay.

Cả lớp lại rộ lên, chăm chắm nhìn tôi.

Tôi  bảo:

-Thưa thầy! Nếu một Thiên Chúa mà hiện ngay ra trước mắt em lúc này, đó không phải là vị Thiên Chúa đáng để em tôn thờ, vì đã xâm phạm  quyền tự do tối thiểu của em.

Lúc ấy tôi nghĩ về mẹ. Tôi cảm thấy chỉ có Chúa và mẹ đang ở trong tâm trí để nâng đỡ tôi.

Nằm oặn oẹo trên giường nghĩ lại buổi học ấy, tôi nhắm mắt lại, cảm giác của giờ học ấy lại xô về.

-Thưa các em, Chúa Giê Su cũng chỉ như các ông Thích Ca, Mô- Ha- Mét, cũng không khác gì những nhà bác học khác như Anhxtanh, Đác- Uyn, Niu- Tơn. Họ có điểm chung là đều mong muốn xây dựng một thế giới đại đồng, tràn đầy tình yêu thương. Đó là điều tương đối.

- Thưa thầy! Chỉ có Chúa là duy nhất, Ngài chính đường, là sự thật, và là sự sống muôn đời, Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất. Như Kinh Thánh đã chép lời của Chúa: Còn anh em, anh em gọi thầy là ai? Người thì bảo là Gio-an Tẩy Giả, người lại bảo là Elia. Cũng vậy, đức tin em xác tín rằng, Chúa chính là con đường cứu độ duy nhất mà thôi. Em không thể coi nhà khoa học này cũng như Chúa, hay nhà bác học kia cũng như Chúa. Thờ ông này thấy thiêng thì thờ, không thiêng lại bỏ đi thờ ông khác. Không thờ tôi hai chủ, đó là nền tảng của Đức tin Công giáo thưa thầy. Có thể mọi thứ là tương đối, nhưng Chúa thì tuyệt đối.

Có một bạn phía sau tôi hỏi:

- Vậy Kinh Thánh các bạn gọi các bạn là các con chiên, bạn giải thích xem?

- Mối tương quan của Chúa với dân Người được thể hiện thông qua hình ảnh người mục tử và đàn chiên yêu dấu của mình. Người mục tử, tức là người chăn chiên luôn bảo vệ, yêu mến và coi sóc chiên của mình khỏi những kẻ xấu rình để bắt chiên đi. Kẻ xấu đó chính là hình ảnh của quỷ Satan muốn dẫn dắt linh hồn người ta vào cạm bẫy tội lỗi, khiến con người xa rời Thiên Chúa. Người mục tử là Chúa,và chiên là tín hữu. Điều này nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Chúa và con người trong tình yêu vô bờ. Trong ngữ cảnh khoa học cho rằng con người có nguồn gốc từ loài vượn người, hay là động vật bậc cao, đó là sự  quy chụp chứ không phải là một hình ảnh biểu trưng như con chiên trong Kinh Thánh nữa.

-Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian để hiểu về nhau hơn. Đa số các bạn trong lớp đây chưa được đọc Kinh Thánh, các em nên tìm đọc, rồi chúng ta sẽ có những trao đổi thêm.

Ngày hôm ấy, buổi học kết thúc bằng những lời chúc tốt đẹp. Tôi vẫn ngạc nhiên về sự điềm tĩnh của thầy, thoáng đơn độc bởi chỉ có một mình theo Chúa trong một lớp học đông đúc. Nhưng tôi tin Ngài luôn ở bên tôi, nên lòng trí tôi hoan hỉ, có lẽ những phút trao đổi ấy vẫn còn đi theo tôi mãi sau này. Chúng tôi vẫn dành những sự tôn trọng khi gặp cũng như khi nghĩ về nhau. Cuộc chiến tinh thần giữa đức tin và khoa học vẫn cứ dai dẳng bám theo tôi hàng ngày. Tôi sẵn lòng đón đợi tất cả, với một niềm tin vững vàng là Chúa luôn ở trong tôi.

 

 

 

Mã số: 15-143

 

VIA DOLOROSA - ĐƯỜNG CÒN XA

 

Đường thập giá một chiều rất thảm sầu, đất Giê-ru-sa-lem hôm ấy... (trích bài hát “Via Dolorosa_ Đường thập tự”)

Ông vẫn thường mơ thấy con đường đó. Con đường nhỏ xinh xắn với mặt đường và hai bên bờ tường được lát bằng đá trắng, trải mưa gió ngàn năm đã hoá thành thâm u, trầm mặc. Ông vẫn ước ao được một lần bước trên con đường ấy. Ông sẽ đứng đó vào lúc ba giờ chiều, giữa nắng loá như thiêu đốt ông thành tro bụi ngay lập tức. Ông sẽ cởi giầy, sẽ nghe hơi nóng ngày chớm hè của miền Trung Đông dội ngược từ lòng bàn chân trần lên tới đỉnh đầu, sẽ run rẩy tìm trong mịt mờ cát bụi, trong khô rộc cỏ cây chút mùi mồ hôi cháy khét và hương tơ máu ngây ngái thầy Giê-su bỏ lại dọc đường lên đồi Can-vê. Ông sẽ đổ gục, sẽ đấm ngực, sẽ gào khóc, sẽ lăn ra đất mà rên xiết:

- Lạy chúa, con là kẻ bất xứng! Con đã hất đổ giá máu cứu chuộc của Người bằng sự cao ngạo ngu xuẩn của mình!

Im lặng! Cát bụi chỉ bẩy tung một chốc vì sự quẫy đạp của ông rồi thôi. Cỏ cây chỉ xao xác một chút vì sự vật vã của ông rồi thôi. Không ai đáp lại lời ông. Chúa cũng không đáp lời ông. Chỉ có nắng gió miền Trung Đông vẫn chảy tràn như từ mấy ngàn năm nay!

Rồi ông lại mơ thấy một con đường khác. Với tre trúc xanh um che kín hai bên bờ bụi, con đường trải thoang thoải như tấm cói thô mộc rồi chợt co mình, uốn cong dịu dàng khi tiếng gà gáy uể oải, tiếng trâu bò ò ụm thủng thểnh, tiếng giun dẽ riu rích đâu đó trong kẽ đất, vòm cây... cất lên. Con đường quê đó, ông không sao quên những bước chân vừa háo hức, dấn dỏi vừa ngập ngượng, lạ lẫm của chính mình ngày vừa về nhận nhiệm sở.

- Chào cha!

- Con chào cha!

- Chúng con chào cha ạ!

Còn trẻ lắm! Lúc ấy ông còn trẻ lắm! Mới chỉ là anh thanh niên ngoài ba mươi thôi! Thế mà vừa ra khỏi cửa, từ bé choắt thò lò mũi xanh, từ các chị áo hồng xúng xiếng, từ các anh tóc cháy râu ngô, từ các mẹ, các cô túm khăn mỏ quạ, từ các bố các bác gậy chống lưng còng... thảy một điều “chào cha”, một điều “kính cha ạ!”

Ngại thật! Ban đầu ông ông lấy làm ngại thật! Vậy nên hễ có thể giúp gì cho họ, dù chỉ là việc bé như cái kim, con kiến ông cũng chẳng từ.

- Thưa Cha, bên nhà ông Bá bày chiếu tổ tôm, ầm ĩ cả xóm!

- Ừ để Cha qua bắt họ thôi đi! Cờ bạc có gì mà tốt!

- Thưa Cha, anh Khiêm say rượu đụng bể lu mắm ngoài hàng bà Cảnh. Hai bên đang cãi nhau to lắm!

- Ừ, để Cha ra đó khuyên họ! Láng giềng to tiếng không nên!

- Thưa Cha! Hai chị em cô Quế giành giựt cái nhà tổ, đang rượt nhau chạy vòng vòng trong sân nhà thờ đấy ạ!

- Cái gì? Càn rỡ! Nhà Chúa là chỗ để chúng nó quấy phá thế sao?

- Thưa Cha! Ông Bảo có vợ bé. Nghe đâu là vì muốn kiếm thằng con trai nối dõi tông đường. Bây giờ cô kia bế con đến cửa đòi nhận cha rồi. Còn bà vợ thì khóc ngất, xỉu lên xỉu xuống!

Giận! Không, nói là giận thì vẫn còn nhẹ quá! Phải là phẫn nộ, phẫn nộ vô cùng! Làm sao người ta có thể phạm tội trắng trợn đến như vậy! Làm sao người ta có thể ngang nhiên chà đạp lên đời hôn nhân, bí tích được chính Chúa dựng lên như vậy! Làm sao người ta lại dám biến chính thân thể mình, là đền thờ thiêng liêng Chúa ngự thành ra ô uế như vậy! Đến đó, ông phải mau đến đó, phải mau tẩy rửa sự nhơ nhớp này! Không chần chừ thêm một phút giây nào được nữa! Lạy Chúa, lòng nhiệt thành với việc nhà Chúa thúc bách tôi, dẫu có phải thiệt thân (Ga: 2,17)!

Những năm sau này, ông thường nghĩ về một con đường vắng. Hết rồi! Lúa đã gặt xong! Rạ cũng bị bứng gốc đem cho trâu bò gặm! Người ta đã về, đã tản đi sạch sau khi tò mò nán lại xem ông linh mục chỉ đáng tuổi con dạy dỗ kẻ có tội đáng tuổi cha mình. Hệt như một lớp kịch, có cao trào, xung đột dữ dội, diễn xuất rất nhập tâm và chân thật. Đỉnh điểm là sau màn rao giảng đạo đức, ông linh mục đã vả cho tội nhân một cú bạt tai trời giáng. Kẻ có tội lảo đảo khuỵ xuống. Bên mép hắn một vệt máu kéo dài. Những tưởng hắn phải nằm luôn dưới đất. Những tưởng hắn phải ôm mặt xấu hổ, cun cút lủi đi như con vật ăn vụng bị phạt đòn. Nhưng không, hắn đứng dậy, đứng thẳng dậy, dạng chân ra, chỉ thẳng tay vào mặt ông linh mục, ông linh mục chỉ đáng tuổi con hắn. Hắn lại chỉ tay thẳng lên trời, nơi ông linh mục bảo rằng có một vị Chúa nào đó đang ngự trị mà nhìn xem tội lỗi hắn phạm. Rồi hắn gầm lên:

- Tao không tin! Tao...

Ông bịt tai. Mỗi lần nhớ đến đoạn này thì ông bịt tai. Cái đoạn văng tục báng bổ ấy, làm sao hắn lại dám nói ra! Chưa hết, những lời phía sau của hắn càng khiến ông sửng sốt:

- Bỏ đạo! Bỏ đạo! Tao tuyên bố kể từ bây giờ, tao bỏ đạo! Mà không chỉ mình tao đâu, kể từ nay già trẻ lớn bé nhà tao không còn ai theo đạo nữa!

Sửng sốt! Vâng, ban đầu ông cũng có sửng sốt một chút. Ông nghĩ quá lắm thì kẻ càn rỡ ấy cũng chỉ nói quấy nói bừa chốc lát rồi thôi! Chẳng ngờ hắn xăm xắn về nhà, tháo bỏ bàn thờ, ảnh tượng, đem ra trước nhà đập nát, châm đuốc đốt sạch. Người hiếu kỳ tụm lại xem rất đông. Một chú giúp lễ hớt hơ hớt hải chạy về báo với ông. Khi ông đến thì đám cháy đang bốc cao. Đám đông lao xao như xem hội vội dạt sang hai bên, nhường chỗ cho ông. Hắn và ông cách nhau một ngọn lửa. Ngọn lửa tung tẩy những lưỡi hái ngồm ngoàm, thập thè như lưỡi rắn. Ông và hắn đối diện nhau qua tấm màn đỏ lòm nhập nhùng ấy. Ông điếng người, kinh hoảng thấy khuôn mặt hắn biến dạng ghê sợ!

Có một khoảng thời gian ông rất sợ bóng tối! Thậm chí ông đã nghĩ rằng hễ mà để mình chìm trong bóng tối một giây phút thôi, thì thân thể ông sẽ ngay tắp lự biến thành một cái bóng đen mỏng lét, dài ngoẵng, trườn trợt trên mặt đất như một con hắc xà. Thế là ông để đèn sáng cả khi ngủ. Nhưng thi thoảng, giữa giấc mơ ông vẫn nghe thấy những tràng cười ngạo nghễ hay man dại từ đâu vọng đến. Ông bị trầm cảm nặng, phải xin từ nhiệm sở, trở về nhà dòng.

Ông thường quỳ cả ngày trong nhà nguyện. Nếu không ông sẽ lại nhìn thấy đám lửa ấy, thấy khuôn mặt biến dạng ghê sợ ấy. Đôi khi ông cũng thắc mắc, không biết hắn, từ phía bên kia đám lửa nhìn qua, sẽ thấy ông như thế nào, có phải cũng là một gương mặt biến dạng đáng sợ hay không?

Ông bỗng muốn đi hành hương! Ông muốn đến thăm Thành thánh Giê-ru-sa-lem, muốn tận tay chạm đến từng viên đá lát đường Via Dolorosa, muốn leo chân trần lên đồi Can-vê. Nhưng cha linh hướng mà nhà dòng đặc biệt chọn cho ông, đã nói với ông rằng:

- Trước khi đi xa, hãy bước gần trước đã!

Ông trở lại nhiệm sở cũ, tìm tên báng bổ tuyên bố bỏ đạo. Hàng xóm bảo cả nhà hắn đã chuyển đi đâu không rõ. Ông ngồi yên hàng giờ bên vệ đường, nghĩ miên man. Không biết từ bao giờ ông đã biến thành gã lý hình khi ra tay lo việc nhà Chúa. Ông nhớ lúc mình mắng hai chị em cô Quế trước cổng nhà thờ. Họ, hai người đàn bà thẹn thùa, cụp đầu, người run lên cầm cập như chỉ cần thêm một tiếng thét nữa của ông là sẽ ngã lăn ra mà bất tỉnh. Ông nhớ mình nhìn người đàn ông lỗi đạo gia đình bằng ánh mắt xênh ngược như ông chủ tính sổ con nợ! Ông vục đầu vào lòng bàn tay. Chúa ơi! Ai cho con cái quyền kết án anh em? Ai cho con cái quyền làm quan toà xử tội chúng dân như thế?

Ông thưa với cha linh hướng, rằng con xin được trả lại chức thánh. Cha nghiêm nghị đặt tay lên vai ông.

- Con đã làm mất của Chúa một con chiên! Cũng có thể còn nhiều con chiên trong ràn ấy còn tiếp tục bị mất đi nữa! Con không đi tìm chúng trở về, lại muốn quay đầu chạy trốn hay sao?

Ông nhớ mãi lời cha linh hướng: cuộc đời mỗi người là một chặng Via Dolorosa, con đường khổ giá, con đường vác thập tự theo chân thầy Giê-su lên đỉnh Can-vê. Cây thập tự ấy được thiết kế cho mỗi người, riêng mỗi phận người, và chẳng ai vác đỡ cho ai được!

Những năm sau này ông có dò hỏi tông tích người đàn ông tuyên bố bỏ đạo kia. Được biết cả nhà họ đã đổi sang theo một tôn giáo khác, trở thành những tín đồ tận tâm, thậm chí không tiếc công sức và của cải đổ ra đóng góp xây dựng cho tôn giáo ấy nữa.

Ông muốn đến gặp họ! Tuy nhiên, nỗi sợ xấu hổ đã làm ông chần chừ! Thật đấy! Ai mà chẳng sợ xấu hổ! Ai lại muốn mình bị mất mặt trước thiên hạ? Chút ít thể diện, đó là thứ mà khi người ta dù bị mất đi tất cả tài sản, dù không còn giữ được chút lợi lộc nào, chỉ cần còn có nó thì cũng như còn giá trị cả đời! Ôi, danh dự, nó như tấm áo đẹp và êm ái, liệu có ai dám như thầy Giê-su, xé toang, ném bỏ, bêu mình trên đỉnh điểm nhục hình thập tự vì kẻ khác hay không? 

Lâu lắm! Ông đã chần chừ lâu lắm! Mãi cho đến một ngày mùa chay, khi ông soi gương chải đầu trong phòng áo, thấy tóc mình đã chớm bạc. Bao nhiêu lâu rồi, liệu một lời xin lỗi muộn có làm tất cả quay trở về như ngày trước?

Đã lâu rồi ông quen với bóng tối! Không phải vì ông không còn sợ bóng tối, mà là không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Mắt ông đã loà. Tuổi già đến như một lần bất chợt mở cửa hóng gió khuya, rồi cánh cửa gãy và không đóng trở lại được nữa. Những cơn gió lạnh, những trận rùng mình, ông cứ liêu xiêu chỉ chực nằm xuống và không bao giờ trở dậy. Nhà dòng sắp xếp cho ông một cậu chủng sinh làm con đỡ đầu. Và ông trở thành cha linh hướng. Thật lạ, một kẻ chẳng còn thấy đường như ông lại còn linh hướng cho ai được nữa! Ông im lặng. Nhưng có vẻ cậu chủng sinh này chẳng hề bận tâm. Cậu ấy liến thoắng khiếp! Buồn cười thật! Giờ thì ông và cậu ấy đã đổi chỗ cho nhau: kẻ linh hướng chỉ biết nằm nghe và kẻ cần linh hướng thì luyên thuyên cả ngày. Cậu ấy hát, cậu ấy xướng thánh vịnh, cậu ấy đọc kinh, và khi chán nghiêm túc thì cậu ấy kể chuyện cười. Ông im lặng. Ông vẫn là cánh cửa đóng kín. Nhưng những ồn ào của cậu ấy, như vô số những vết xước dăm bền bỉ, dai lì, đã bắt đầu làm lung lay bóng tối trong ông.

Đêm nay, ông nằm đây, giữa khoảng không tĩnh lặng và trong suốt, tối sẫm đến độ nếu mắt không loà, ông sẽ nhìn rõ được làn hơi thở xám đục của chính mình vởn vơ bay lên. Đêm nay ông chỉ có một mình! Và ông biết mình sắp đi xa! Ông sẽ vác thập tự của chính mình, băng qua Via Dolorosa, lên Can-vê lần cuối cùng. Lẽ thường trong giờ phút như thế này ông sẽ không phải ở một mình! Mọi người sẽ không để ông phải một mình! Nhưng vì một lý do nào đó, một sự sắp đặt bí ẩn nào đó, những người xung quanh ông, thảy đều có lý do để vắng mặt, kể cả người thân cận với ông nhất, cậu chủng sinh của ông... mà, bây giờ phải gọi là vị tân linh mục mới đúng chứ, anh đã được trao chức thánh và nhận nhiệm sở rồi.

- Cha ơi! Con muốn cha đi cùng! Con vẫn cần được linh hướng!

Ông im lặng. Đi cùng anh đến nhiệm sở mới. Anh vẫn cần ông linh hướng hay ông sẽ chỉ là gánh nặng thêm vào những bận bịu của anh giữa đời chăn dắt con chiên? Ông im lặng. Còn anh cứ mang ông đi cùng. Giữa họ là mối dây vô hình mà chính thầy Giê-su đã liên kết. Họ biết là như vậy.

Hằng ngày, giữa trách nhiệm phụng vụ, giữa những xoay vòng với rắc rối của đời sống con chiên, anh vẫn dành hàng đêm ngồi bên giường ông, như thiên thần bảo hộ ông giữa bóng tối. Những đoạn thánh ca, những khúc thánh thi, những câu kinh nguyện anh cất lên, ông tựa hồ nhìn thấy những ngọn đèn thắp sáng. Nhưng sao bóng tối vẫn rất nhanh bủa vây và nhấn chìm ông. Như đêm nay đây, khi anh vừa hát câu đầu tiên của bài “Via Dolorosa”, khi ông vừa thấy một đốm sáng loé lên, thì anh lại phải đi vội vì có một chị khẩn khoản đến xin anh khuyên chồng bỏ tình nhân mà về với gia đình. Ông lại chỉ còn một mình. Và đột ngột, ông thấy mình đang đứng trên đường Via Dolorosa. Không có bóng tối! Đường Via Dolorosa không có bóng tối, nhưng lại đỏ ngòm một màu lửa! Những lưỡi lửa bung toé như lưỡi rắn, thấp thoáng phía sau là những khuôn mặt biến dạng ghê sợ. Ông kinh hoảng, không thể thốt nên tiếng, chỉ loé lên một ý nghĩ:

- Lạy Chúa! Lẽ nào đã đến lúc! Lẽ nào đây là chặng cuối cùng!

Giây phút này, ông biết, vô số nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi sẽ lũ lượt tề tựu về cả đây, chật cứng trên đường Via Dolorosa, y như những khuôn mặt hả hê, những giọng cười man rợ, những hòn đá liệng, những ngọn roi vút vào người thầy Giê-su năm ấy, chỉ có khác hôm nay người chịu đựng sẽ là ông. Ông sẽ vác thập tự của mình lên được đỉnh Can-vê, hay nhục nhã nằm lại trên đường Via Dolorosa! Toàn thân ông buốt lạnh, tê cứng. Những khuôn mặt quái đản sau làn lửa đỏ nhập nhùng bỗng trở nên to lớn dị thường, lao vun vút về ông như muốn đè nghiến. Ngay giây phút đó, một quầng sáng hiện lên. Quầng sáng ấy lớn mãi, thắp rực cả quãng đường dài Via Dolorosa. Và ông thấy, rõ ràng như trước mắt mình, người con linh hướng của ông, vị tân linh mục trẻ của ông, vị thiên thần hộ mệnh ông giữa bóng tối, cũng đang đương đầu với chặng đường Via Dolorosa của riêng mình. Anh đứng đó, trước cửa một quán hàng ăn chơi ầm ĩ, xung quanh khách ăn chơi cười cợt lẫn những cô gái làm tiền tấp nập tò mò. Họ thách thức anh: có dám như thầy Giê-su, cúi xuống rửa rồi hôn và lau khô chân cho cô nhân tình kia không? Nếu được, cô ta sẽ buông tha cho người chồng trở về với gia đình.

Giờ thì ông đã biết mối dây liên kết thầy Giê-su nối ông với người con đỡ đầu này là gì rồi. Ông nhắm mắt, khẽ nhủ thầm:

- Con ơi đường Via Colorosa còn xa quá! Chúng ta liệu có được như thầy Giê-su, chịu nhục nhằn mà bước qua hay không?

Ông nhắm mắt, nhập nhoè giữa những vùng sáng tối mơ hồ. Đường Via Dolorosa, đường thập giá của cha con ta, đường riêng cho mỗi người, không ai đi giúp cho ai được, đường còn xa, hay sẽ gần, chỉ khi ta dám giơ bước chân lên.

 

                                            

Mã số: 15-144

BỨC TƯỢNG TRONG BỆNH VIỆN

 

Đã mười giờ đêm.

Trên con đường vắng dẫn đến khu căn tin bệnh viện, người đàn ông cầm bịch nylon đựng lốc sữa vừa mua đứng lặng ngước nhìn bức tượng trắng bên đường, vẻ mặt khắc khổ. Người đàn ông như không hề hay biết trời đang bắt đầu mưa. Những sợi mưa bay giăng giăng óng ả ánh đèn đường vàng võ từ xa hắt tới, làm ướt sũng gương mặt tượng và gương mặt người đàn ông. Bức tượng người phụ nữ nhỏ nhắn, cao chưa tới một mét, chân trần đứng trên bệ tượng mang hình quả địa cầu, gương mặt hiền dịu thanh khiết, nở nụ cười an lành cúi nhìn trìu mến người đàn ông và khẽ giang hai tay như muốn mời gọi người đàn ông bước tới.

Đã hai đêm nay người đàn ông đứng lặng nhìn bức tượng như vậy. Ông không hiểu gì về người phụ nữ được tạc tượng, và vì sao bức tượng lại có mặt trong bệnh viện này. Ông cũng không hiểu vì sao từ sáng đến tối lúc nào cũng nườm nượp người đến đứng trước tượng khoanh tay hàng giờ thầm thì trong miệng. Ông cũng thấy hoa tươi được dâng cắm quanh ngày, hết đợt hoa này đến đợt hoa khác… Rất nhiều điều lạ lẫm ông không hiểu không biết.

Điều duy nhất ông biết về bức tượng, qua sách vở, qua nghe ngóng loáng thoáng vô tình, đó là tên của người phụ nữ, Bà Maria.

Ông cứ đứng lặng ngước nhìn hồi lâu, định nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Một lát sau có hai người phụ nữ đi đến đứng khoanh tay nghiêm trang trước mặt bức tượng, khiến ông hơi ngài ngại, nên quay đầu lầm lũi bước về phòng bệnh của con trai ông. Sau lưng ông văng vẳng tiếng cầu kinh: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”.

 

***

 

Con trai ông đang nằm trên giường bệnh xem ti vi. Mẹ cậu bé nhận bịch sữa từ tay ông, lấy ra một hộp cho con uống. Cậu bé gần ba tuổi, gương mặt khôi ngô toát lên vẻ rất thông minh nhanh nhẹn. Cách đây năm ngày, khi vợ chồng ông đang làm việc tại công ty nơi ông làm giám đốc, ông nhận được điện thoại ở nhà gọi báo con trai bỗng đi tiểu ra máu. Hoảng hốt, hai vợ chồng bỏ hết công việc phóng xe về và chở con lên bệnh viện khám. Bệnh viện giữ lại, thông ống tiểu ngay cho con trai. Chứng kiến giây phút cô y tá chọc sâu ống thông tiểu vào bàng quang trong tiếng khóc thét hãi hùng của con trai, ông đau đớn như có thể chết được. Bệnh viện cũng đã làm gần hết các xét nghiệm, từ siêu âm ổ bụng, kiểm tra các chỉ tiêu sinh hóa của máu và nước tiểu, đến CT cản quang ổ bụng, và trưa nay ông vừa đưa con lên xe cấp cứu của bệnh viện để sang một bệnh viện lớn khác, nơi duy nhất có thiết bị ở thành phố này để làm xét nghiệm chụp xạ hình. Nhưng đến giờ, sau năm ngày nhập viện, ông vẫn chưa biết kết quả chẩn đoán từ bác sĩ điều trị, ngoại trừ việc mỗi sáng nghe bác sĩ yêu cầu phải tiếp tục các xét nghiệm cao hơn.

Năm ngày bỏ hết công việc làm ăn, vợ chồng ông ở luôn trong bệnh việc cùng con trai, vừa chăm sóc con cho con vui, vừa theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm để sớm có câu trả lời chính xác cho bệnh của con ông. Ông không tiếc tiền chi bồi dưỡng cho bác sĩ, y tá để làm sao mọi việc được nhanh chóng, chu đáo. Ông có đủ điều kiện để lo cho con, để làm bất cứ điều gì cần thiết miễn con ông khỏe mạnh. Nhưng thời gian chờ đợi xét nghiệm luôn là khoảng thời gian căng thẳng nhất với ông. Căng thẳng kinh khủng. Buổi sáng có chỉ định của bác sĩ, đến trưa đưa con đi xét nghiệm, mãi sáng hôm sau bác sĩ mới vào khám và thông báo kết quả xét nghiệm ngày hôm trước. Hai mươi tư giờ của tột cùng thử thách thần kinh. Hai mươi tư giờ của ăn không ra ăn ngủ không ra ngủ. Hai mươi tư giờ của ác mộng. Cứ nhắm mắt là bao nhiêu điều dữ hiện ra, khiến ông không dám cả nhắm mắt, cứ mở thao láo cho đến khi mệt rã rượi tự động thiếp đi trong bải hoải nặng nề. Không căng thẳng sao được, vì ông vốn là người hay tìm hiểu, và ngay trong ngày đầu tiên vào bệnh viện ông đã lên mạng internet tìm hiểu triệu chứng bệnh của con ông. Đủ nguyên nhân gây ra, lành có dữ có. Lành thì nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng bàng quang, hay hẹp ống niệu đạo. Còn dữ nhất và ám ảnh đeo đẳng ông nhất suốt năm ngày nay là có thể trong quả thận con trai ông đang có một khối u. Mà u trong trường hợp này luôn là u ác tính. Một loại ung thư.

Căng thẳng tột cùng là vậy, nhưng cứ mỗi lần nhận một kết quả xét nghiệm lại là một lần thất vọng não nề, và tiếp tục mở ra một căng thẳng tột cùng khác. Mỗi sáng nhìn chăm chú vị bác sĩ khám cho con, ông chỉ mong từ miệng vị bác sĩ kia thốt ra câu con trai ông đã được kiểm tra kỹ càng rồi, khỏe mạnh không bị sao cả. Hay ít nhất bác sĩ đã chẩn đoán được con ông bị nhiễm trùng nước tiểu, giờ thông tiểu sạch sẽ rồi, có thể xuất viện được rồi. Ông sẽ sung sướng vô cùng, hạnh phúc vô cùng. Nhưng quái lạ không hiểu sao các lần xét nghiệm đều không soi chiếu được bên trong quả thận trái của con trai ông. Một khối echo không nhìn thấy rõ, các bác sĩ xét nghiệm nói vậy. Nỗi sợ hãi của ông càng tăng thêm.

Xét nghiệm chụp xạ hình vừa làm cho con ông lúc trưa nay gần như đã là xét nghiệm hiện đại nhất và tốn kém nhất. Nếu xét nghiệm này vẫn không có kết quả rõ ràng, ông không biết bác sĩ sẽ chỉ định thêm gì nữa. Bình thường sáng sớm mai bác sĩ sẽ khám và thông báo kết quả xét nghiệm này. Nhưng ngặt nỗi ngày mai là thứ bảy, bác sĩ sẽ nghỉ đến thứ hai tuần sau mới khám lại. Nỗi căng thẳng thường trực vốn đã quá sức kinh khủng giờ lại kéo dài thêm hai ngày, tăng thêm cả ngàn lần căng thẳng.

Sau khi uống hết hộp sữa, con trai ông cười đùa một lát rồi chúc ông ngủ ngon và hồn nhiên đi vào giấc ngủ. Ngồi bên con, ngắm nhìn gương mặt sáng ngời của cậu bé, ông thấy những mệt nhọc trong ngày vơi đi phần nào. Khẽ hôn trán và xoa nắn hai chân con, tay ông bỗng chạm vào ống dây thông nước tiểu, giờ vẫn còn lợn cợn những sợi máu mỏng manh di chuyển dọc theo đường ống. Những sợi máu mỏng manh nhẹ tênh đó kéo ông trở lại nỗi bất an nặng nề thực tại.

Biết không thể chợp mắt được, ông xuống tản bộ trong khuôn viên bệnh viện. Con đường vắng với hai hàng cây cổ thụ thẳng tắp, và không khí trong lành sau cơn mưa đầu mùa khiến ông dễ chịu. Những bước chân vô định lang thang, một lát lại dẫn ông đến đứng trước bức tượng trắng nhỏ nhắn bên đường gần khu căn tin.

Có một anh thanh niên dáng vẻ tỉnh lẻ quê mùa đang ngồi lặng im trên ghế đá giữa bãi cỏ kê xéo bên bức tượng. Trời đã thật khuya. Ông đứng chần chừ một lát, rồi gạt bỏ ngần ngại e dè và  bước vào ngồi bên cạnh anh thanh niên. Anh thanh niên mỉm cười thân mật bắt chuyện:

- Con anh đang nằm ở khoa nào anh?

- Khoa thận niệu em à.

- Cháu bị sao anh?

- Cháu đi tiểu ra máu, mấy ngày nay làm nhiều xét nghiệm rồi nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nữa. Lo quá em!

- Anh đừng lo, anh phó thác và cầu xin với Đức Mẹ đi, mọi việc sẽ tốt hết anh.

Người đàn ông ngạc nhiên quay qua nhìn anh thanh niên. Nghĩa là sao? Con bệnh chưa tìm ra bệnh, người đang chằng chịt dây thông tiểu, dây ven lấy máu, sao lại không lo cho được? Sao lại phó thác và cầu xin? Con mình mình phải lo chứ phó thác cho ai?

Anh thanh niên dường như không để ý đến sự ngạc nhiên của ông. Tiếp tục vui vẻ trò chuyện:

- Con em bị nặng lắm anh à. Cháu bốn tháng tuổi, bị sặc sữa lúc nửa đêm. Lúc cấp cứu vào đây cả người tím tái, ngưng thở ngưng tim, hai ngày nay hôn mê vẫn chưa tỉnh lại.

- Trời ơi! Giờ cháu ra sao?

- Dạ con em nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, em chỉ được vào nhìn con từ xa. Nhưng em yên tâm lắm.

Ông lại quay qua ngạc nhiên trước câu nói yên tâm của anh thanh niên, và ngỡ ngàng khi nhìn thấy nụ cười nở trên môi anh thanh niên sau câu nói cuối. Ông chẳng hiểu nổi anh thanh niên đang nghĩ gì mà có thể cười tươi lúc con đang bệnh thế này nữa.

- Em yên tâm vì có Đức Mẹ ở cùng với con em. Mỗi lần em xuống đây đọc kinh cầu nguyện với Mẹ về, em lại nghe được một tin vui từ bác sĩ điều trị, tình trạng con em lại tốt hơn một chút. Vui lắm anh!

Ông nhíu mày nhìn anh thanh niên, rồi quay lại bức tượng, nghi ngờ. Một bức tượng nhỏ bé khiêm cung giản dị thế này lại có sức mạnh to lớn đến thế sao, có thể ban cho anh thanh niên những phép màu mà giờ đây chính ông cũng đang muốn cầu xin sao. Ông có đủ điều kiện để chữa bệnh tốt nhất cho con trai, lại có thể tin vào được điều vô lý này sao.

- Anh ở giáo xứ nào?

- À… anh không có đạo em ạ. Anh thấy nhiều người vào đây, nên cũng tò mò vào xem.

- Dạ không sao đâu anh. Đức Mẹ không từ chối nhận lời ai đến cầu xin đâu. Ở đây cũng có rất nhiều người bên lương đến cầu xin. Anh có lo lắng gì trong lòng, anh cứ nói chuyện với Đức Mẹ, anh sẽ được nhẹ lòng.

- Cảm ơn em.

Người đàn ông lịch sự đáp lại lời khuyên của anh thanh niên, nhưng mối nghi ngờ vẫn ở yên trong lòng, không một chút vơi đi.

- Thôi chào anh, em về với con em. – Anh thanh niên đứng dậy – Thế nào sáng mai Đức Mẹ cũng sẽ cầu bầu đến Chúa ban cho con em được hồi tỉnh và khỏe lại.

Một lần nữa ông lại ngạc nhiên trước sự lạc quan tin cậy của anh thanh niên vào bức tượng, nhưng vẫn đứng dậy lịch sự đáp lại:

- Chào em. Chúc cháu ngày mai được như em cầu xin.

Còn lại một mình, ông ngồi lặng ngắm bức tượng với bao nỗi nghi ngờ xen lẫn ngạc nhiên trong lòng. Mẹ Maria cũng trìu mến nhìn ông, như muốn nói với ông điều gì đó ân cần tha thiết lắm. Thôi vậy, ông chợt nghĩ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ông đứng dậy bước tới gần bức tượng hơn, thở một hơi dài rồi khẽ cất giọng run run:

- Thưa Bà Maria, tôi là người ngoại đạo. Nhưng vì tôi thấy rất đông người cầu xin với Bà, và phía dưới chân Bà có dòng chữ “Hãy đến cùng Maria”, nên tôi cũng đến đây, và chỉ xin Bà một điều duy nhất. Xin hãy cho con trai tôi hoàn toàn khỏe mạnh, bình an. Tôi xin tạ ơn Bà.

Nói xong, ông chắp tay cúi đầu xá vài cái, rồi quay về phòng bệnh. Ông chợt thấy hình như trong lòng ông đang nhẹ nhõm ít nhiều.

 

***

Sáng thứ hai, ông nín thở chăm chú theo dõi từng động tác của vị bác sĩ đang thăm khám cho con. Từng giây phút trôi qua mà ông cứ ngỡ như hàng giờ đồng hồ nặng nề chậm chạp. Một lát, tháo tai nghe ra khỏi tai, vị bác sĩ quay sang ông:

- Kết quả chụp xạ hình đã có, quả thận bên trái của cậu bé được thấy rõ ràng hơn, nhưng chức năng thận không được tốt. Chúng tôi chẩn đoán có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất trong quả thận trái có thể có một khối u. Thứ hai, do bị hẹp ống niệu đạo làm nhiễm trùng tiểu lâu ngày, khiến thận chảy máu, và hình thành một khối máu đông bên trong.

- Giờ phải tiếp tục làm gì để biết chính xác hả bác sĩ?

- Chỉ có một cách duy nhất, là phải mổ. Mổ sớm.

Ông sững người, nhìn qua vợ ông cũng đang lộ rõ nỗi lo sợ trên gương mặt. Chỉ có cậu con trai vẫn nguyên vẹn hồn nhiên mỉm cười vẫy tay chào vị bác sĩ ra khỏi phòng.  

 

***

Thêm hai ngày trống trải nặng nề trôi qua theo lịch chờ mổ, những lúc căng thẳng quá sức vì lo lắng, ông lại xuống bên bức tượng, nói vài lời chia sẻ bất an cùng Đức Mẹ, và quay về chăm sóc con. Với ông lúc này, dường như mọi sự đã vượt quá tầm kiểm soát của con người. Ông chỉ còn biết mong, rất mong vào phép màu nào đó, từ ơn trên nào đó, ban cho con ông được an lành mọi sự. Và dù còn lợn cợn đầy những nghi hoặc, ông vẫn trông cậy ít nhiều vào bức tượng Đức Mẹ trắng nhỏ thanh thản đứng cuối khuôn viên bệnh viện. Hai ngày nay thường xuyên đến đấy, ông lại chứng kiến thêm những câu chuyện lạ lùng khác từ những người đến cầu nguyện. Những câu chuyện chỉ lạ lùng với ông, vì những người chia sẻ câu chuyện với ông đều có một sự bình thản và tin cậy trọn vẹn như anh thanh niên ngồi bên ông đêm hôm ấy. Nhưng chính ông, cũng không thể chối bỏ được sự lạ lùng ấy xảy ra với mình, khi mỗi lần ông tìm đến Đức Mẹ, dù chỉ nói một câu ngắn ngủn: “Thưa Bà Maria, xin hãy cất bớt căng thẳng giúp tôi với”, rồi quay về, ông đều cảm thấy thư thái vô cùng, như lòng ông vừa được gội sạch bởi một dòng nước mát trong thanh khiết.

Tối nay ông lại đến đứng trước bức tượng Đức Mẹ. Ông không biết nói gì thêm ngoài vài câu xin cho con ông được bình an trong ca mổ sáng mai. Rồi ông ngồi ngắm nhìn Đức Mẹ. Ông nhận ra, và không hiểu sao càng ngắm ông lại càng thấy vững bụng, yên lòng. Chừng thật lâu, ông đứng dậy nghiêm trang cúi chào Đức Mẹ và về với con trai. Vừa quay ra, ông lại gặp anh thanh niên tối hôm nọ đang ẵm một cháu bé, cùng đi với một cô gái. Anh thanh niên thấy ông liền cười vui:

- Dạ chào anh! Cháu sao rồi anh?

- Sáng mai cháu được phẫu thuật sớm em à.

- Em chúc cháu bình an. Em cũng sẽ cầu nguyện với Đức Mẹ xin Chúa ban ơn lành cho con anh.

- Anh cảm ơn em. Còn con em sao rồi?

- Dạ cháu đây anh. Cháu đã bình phục hoàn toàn rồi. Tối nay hai vợ chồng em bế cháu xuống đây đọc kinh tạ ơn Đức Mẹ. Ngày mai cháu được xuất viện rồi anh.

- Ui mừng quá! Mừng cho cháu và gia đình em.

- Dạ cảm ơn anh. Tất cả nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ đó anh ạ.

Nói xong hai vợ chồng anh thanh niên cười tươi chào ông rồi bước vào quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ. Ông định bước về, nhưng chợt trong lòng ông không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm thư thái như mọi lần, mà bỗng dậy lên một niềm hân hoan kỳ lạ. Ông liền quay lại, rồi quỳ sụp dưới chân Đức Mẹ, ngước mắt chắp tay cất tiếng run run xúc động:

- Mẹ Maria ơi, con tạ ơn Đức Mẹ đã cho con nhận ra Mẹ, nhận ra Thiên Chúa. Con xin Đức Mẹ hãy ở bên con trai con trong ca mổ sáng mai, và ban ơn lành cho con trai con… Con xin phó thác và trông cậy vào Mẹ…