HỌP MẶT TRAO GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN IV - 2016

 

Kể từ dịp họp mặt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), lễ trao giải Viết Văn Đường Trường IV là cuộc họp mặt lần thứ năm của các tác giả văn thơ Công giáo. Cuộc họp mặt lần này diễn ra tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn từ chiều 21 và trọn ngày 22-9-2016. Đây là giải thưởng dành cho thể loại  truyện ngắn, nằm trong chương trình tìm kiếm và phát huy tài năng văn chương trẻ cho Giáo hội Việt Nam, do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn tổ chức thực hiện.

Số người tham dự họp mặt lần này không nhiều, chỉ gần 40 tác giả, nhưng vẫn có thể đại diện khá tiêu biểu cho cả ba giáo tỉnh của Giáo hội Việt Nam. Giáo tỉnh Hà Nội có 9 đại biểu đến từ giáo phận Vinh và Tổng giáo phận Hà Nội. Giáo tỉnh Huế có 22 đại biểu đến từ các giáo phận Nha Trang, Kontum và Qui Nhơn. Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 đại biểu đến từ giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, Phan Thiết, Long Xuyên và Tổng giáo phận Sài Gòn.

Chiều 21, đoàn chào Đức Giám mục chủ nhà, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, mừng lễ bổn mạng ngài, gặp gỡ giao lưu và nghe cha Giuse Cao Gia An giới thiệu về kinh nghiệm Linh Thao dành cho giới cầm bút. Sau cơm tối là phần tọa đàm về thực trạng và việc trau dồi tiếng Việt ngày nay, rồi xem video Dấu chân Hàn Mạc Tử. Sáng 22 đoàn đến thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính và đền Á Thánh Anrê Phú Yên, nơi có lưu giữ một quyển “Phép giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc Lộ, bản in lần đầu trong thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ. Dưới sự hướng dẫn của cha Trăng Thập Tự và cha Cao Gia An, mọi người tha thiết cầu nguyện cho cuộc vận động chăm sóc tiếng Việt cho người trẻ được tiến triển tốt đẹp. Sau khi dùng cơm trưa tại cộng đoàn các chị Phan Sinh tại Qui Hòa, các tác giả theo từng giáo tỉnh cùng nhau trao đổi thảo luận tìm cách phát triển văn học Công giáo. Tiếp đó, mọi người thăm nhà lưu niệm Hàn Mạc Tử và viếng mộ nhà thơ trước khi về Chủng viện cử hành thánh lễ cầu nguyện cho giới cầm bút, do cha Tổng đại diện Gp Qui Nhơn, nhà thơ nhạc sĩ Sơn Ca Linh, chủ tế.

Tối đến, mở đầu lễ trao giải, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, đại diện Ban Tổ chức đọc thư chúc mừng của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tiếp đó cha nhắc lại mối quan tâm từ bốn cuộc họp mặt trước là sự suy thoái trầm trọng về tiếng Việt của giới trẻ và công bố bản văn vận động việc trau dồi tiếng Việt, đã được khởi thảo từ sau cuộc họp mặt năm ngoái, và được các vị phụ trách về văn hóa của hầu hết các giáo phận đồng thuận.

Ông Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, thay mặt Ban tổ chức và Ban giám khảo tổng kết cuộc thi.

Cuộc thi năm nay có 143 tác phẩm với 81 tác giả đến từ 19 giáo phận, trong đó 4 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (15), Qui Nhơn (12), Vinh (12) và Sài Gòn (7).

Chương trình này nhắm đến việc tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ cho nên chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi. Trong 81 tác giả, có 17 người sinh năm 1976-1985, 62 người sinh năm 1986-1995 và 02 người sinh năm  1996-1998. Thật đáng vui mừng là các tác giả độ tuổi 20-30 chiếm số lượng áp đảo (3/4) và hầu hết các giải thưởng đều rơi vào tay các cây bút trẻ này. Cuộc thi năm nay không không có giải Nhất, chỉ có 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 17 giải Triển vọng. Tác giả Maria Mađalêna Đặng Hoàng Hương Giang, bút danh Tâm Ngọc, sinh năm 1990, thuộc Giáo phận Kontum, đạt giải Nhì với tác phẩm Hoa Nở Giữa Đêm.

Tất cả các tác phẩm đạt giải được giới thiệu trong tuyển tập cuộc thi mang tên “Điểm hẹn Giêsu”, Nhà xuất bản Phương Đông, đã được phát hành trong lễ trao giải.

Đặc biệt vào giữa cuộc thi năm nay, một nhóm bạn trẻ đã quen biết ít nhiều với Giải Viết Văn Đường Trường có sáng kiến thực hiện Facebook “Văn Thơ Công Giáo” để hỗ trợ. Facebook đã đăng tải các tác phẩm dự thi, thông tin về cuộc thi, tạo sự tương tác rộng rãi với độc giả ở khắp nơi. Mới qua chưa được nửa năm, trang này đã có hàng chục nghìn người nhập cuộc.

Phát biểu cuối lễ trao giải, Đức Giám mục chủ nhà Matthêô Nguyễn Văn Khôi cho biết: Chương trình sáu năm của Giải Viết Văn Đường trùng khít với chương trình những năm cuối của Giáo phận trên lộ trình hướng đến kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với miền đất Qui Nhơn, cũng là 400 năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, khởi từ giáo điểm Nước Mặn. Cuộc thi đã đi qua bốn năm, chỉ còn hai năm nữa. Tuy nhiên cùng với đại lễ kỷ niệm của Giáo phận, cuộc thi lần thứ sáu sẽ không là một điểm dừng, nhưng là một đà tiến để tạo nên điểm xuất phát mới, như hạt giống đã được gieo xuống là để nẩy nở và trổ sinh hoa trái, tạo nên mùa màng phong phú cho Giáo hội.

Tâm An

 

 

 

 

Previous
Next











Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả