CUỘC THI VIẾT

NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

 

BẢN TIN SƠ KHẢO SỐ 1

 

 

Cùng quí tác giả và quí độc giả,

Sau hơn một tháng phát động cuộc thi viết “Nhánh Huệ Nước Trời”,  Ngươi Phụ Trách Thơ đã nhận gần 200 bài thơ dự thi gồm có các bài Họa thơ đường, và những bài thuộc các thể thơ khác. Về văn xuôi, tốc độ còn chậm, Người Phụ Trách Văn chỉ mới nhận được hơn 10 bài.

Về thơ, chúng tôi đã chuyển cho 6 vị Ban Giám Khảo vòng Sơ Khảo Thơ từng đợt 50 bài. BGK đã nhận xét, đánh giá và cho điểm 50 bài đợt 1. Kết quả là: có một số bài lạc đề, hoặc phạm những lỗi thơ, lỗi họa  như không vần điệu, thất niêm, thất luật, thất đối, khắc lục, khổ độc, điệp nghĩa, điệp ngữ…đã được BKG đề nghị BTC lưu giữ, không giới thiệu, và BGK đề nghị với BTC giới thiệu những bài dưới đây.

Các bài giới thiệu chỉ kèm theo mã số, không có tên tác giả.

Chúng tôi mong sẽ có thể sớm giới thiệu các loạt bài tiếp theo, cả thơ và văn. Mong quí vị theo dõi và tiếp tục tham gia dự thi.

Chúng tôi cũng xin giới thiệu bài tham luận Về Xướng Họa Thơ Đường của Nhà Thơ Mặc Trầm Cung kèm cuối loạt bài nầy, để quí vị tiện tham khảo.

Chân thành cảm ơn quí vị, và kính giới thiệu loạt bài Sơ Khảo đợt 1.

Ngày 01-11-2010

Kính

 

Phụ Trách Tổ Thơ

PM. Cao Huy Hoàng

 

Ban Tổ Chức

Lm. Trăng Thập Tự

 

 

BÀI XƯỚNG:

 

HUỆ TRẮNG

 

Giuse gương sáng bậc làm cha,

Huệ trắng thơm hương khắp mọi nhà.

Nghèo khó thanh bần, nơi cõi thế,

Trinh trong khiết tịnh, chốn phong ba.

Dưỡng nuôi Con Thảo, tròn Thiên ý,

Chăm sóc Bạn Hiền, đẹp Thánh gia.

Luôn giữ tinh tuyền, con nguyện hứa

Dâng về Cha Thánh, khúc hoan ca.

 

Dzuy Sơn Tuyền

 

 

T-001. GƯƠNG THÁNH GIA

 

Hãy nêu gương hỡi những người cha !

Giữ hạnh phúc yên vui mọi nhà.

Bình thản; thanh cao dù bão táp,

Hồn nhiên; trong sáng mặc phong ba.    

Tâm hồn thanh bạch như hoa huệ,  

Ý tưởng ngay lành tựa Thánh gia.

Vâng phục; sống nghèo theo ý Chúa,

*Mẫu gương* muôn thế hệ hoan ca.

 

 

T-002. BỔN PHẬN NGƯỜI CHA

 

Chúa trao bổn phận cho người cha,

Lao khổ làm ăn nuôi cả nhà.

Không trách không than khi chạy vạy,

Chẳng buồn chẳng tủi lúc bôn ba.

Quyết tâm ngày nọ nên người Thánh,

Vững chí mai kia thành lão gia.

Khiết tịnh, thơm lừng hơn nhánh Huệ,

Áo ôm, khố rách chẳng kêu ca.

 

 

 

T-003. GIU-SE  THÁNH CẢ .

 

Cha đứng đấy tay cầm cành huệ trắng

Miệng mỉm cười nhìn xuống đám con thơ

Xưa Thánh Gia Cha bảo bọc an bình

Rày quyền thế nguồn cậy trông, an ủi .

 

Bao vĩ nhân, bao anh hùng trần thế

Bao quan quyền, vua chúa chốn dương gian

Chỉ mỗi Cha, Chúa chọn giữa muôn ngàn

Làm hiền phụ, hiền phu Gia Thất Thánh .

 

Cha công chính chở che người công chính

Cha  khiết trinh bảo bọc kẻ khiết trinh

Cơn gian nan cậy núp cánh tay người

Quỷ hoả ngục phải tránh danh kiềng mặt .

 

Hỡi những kẻ đồng trinh lòng thanh sạch

Hỡi những người trong trắng trí thanh cao

Hỡi những ai tay trót đã nhúng chàm

Hỡi những người đắm chìm trong lầm lạc .

 

Người nghèo túng , kẻ gian nan vất vả

Phận làm con , kẻ làm mẹ , làm cha

Đời hôn nhân , bậc thanh khiết tu trì

Hết thay thảy , Cha cầu thay , nguyện giúp .

 

Xưa dưới thế Chúa Con hằng vâng phục

MA-RI-A hằng kính mến , nể nang

Nay hiển vinh phước cả chốn thiên đàng

Xin bảo bọc , chở che người nhân thế .

 

 

 

T-006. MẪU GƯƠNG THÁNH CẢ .

 

Trắng trong như Huệ , xứng danh Cha

Công chính ngời soi chiếu mọi nhà

Nhân đức chống chèo qua sóng gió

Thánh ân lèo lái vượt phong ba

Con Trời giáo dưỡng , đường Thiên Quốc

Mẹ Chúa chở che , đạo Thánh Gia

Vườn Huệ Nước Trời Cha bón tưới

Sắc hương toả ngát mãi hoan ca .

 

 

 

 

T-007. VƯỜN HUỆ NƯỚC TRỜI .

 

Vườn Huệ hăng say học nết Cha (*)

Hương thơm bát ngát mãi trong nhà

Tiền hôn tôi giữ trinh trong bố

Đính ước anh gìn khiết tịnh ba

Muối ướp thanh niên vinh Hội Thánh

Đèn soi tuổi trẻ rạng tư gia

Cô dì chú bác đều yêu mến

Ngưỡng mộ người người tán tụng ca

 

 (*) Thánh Cả Giu-se .

 

 

 

T-008. CÓ MỘT NGƯỜI CHA NHƯ THẾ .

 

Cũng buồn cũng khổ lúc làm cha

Vất vả hy sinh dưới mái nhà

Bạn Thánh lắm khi gầy sóng gió (*)

Con Trời nhiều lúc tạo phong ba (**)

Bê-lem khốn khổ , ôi nhà trọ

Ai-cập gian nan , hỡi Thánh Gia

Nghèo khó mưu sinh , Ông Thợ Mộc

Khiết trinh, công chính vẫn vui ca .

 

 (*) Đức Mẹ mang thai bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần nhưng Người thinh lặng không giải thích khiến Thánh Giu-se phải bối rối .

(**) Đức Chúa Giê-su ở lại trong đền thờ mà cũng không cho

Thánh Cả biết khiến Ngài quá lo lắng tìm kiếm mất 3 ngày .

 

 

T-009. LINH MỤC ĐOÀN .

 

Không con chẳng vợ cũng làm cha

Thay Chúa quản cai khắp mọi nhà

Rao giảng Phúc Âm xua sóng gió

Ban ơn Thánh Tẩy xoá phong ba

Vâng lời cửa hẹp men trong xứ (*)

Trong trắng đường gai muối khắp gia (*)

Vườn Huệ thơm lừng hương Thánh Cả

Giáo, Lương kính ngưỡng vịnh thi ca .

 

 (*) Giáo Xứ

(**) Gia đình

 

 

T-010. THÁNH GIU-SE GƯƠNG MẪU .    

 

Mẫu gương hoàn hảo bậc làm cha

Đức sáng Giu-se chiếu mọi nhà

Tin cậy mến yêu dù sóng gió

Khôn ngoan dũng cảm dẫu phong ba

Thanh bần công chính men trong xóm

Trong trắng khiêm cung muối tại gia

Giáo dưỡng chở che gia thất thánh

Trọn đời là khúc khải hoàn ca .

 

 

 

T-014. VINH DANH THÁNH GIUSE

Huệ trắng mỗi tuần dâng  kính  cha,

Mẫu gương khiết tịnh của muôn nhà.

Thánh gia hạnh phúc thờ Con Một,

Dương thế vang lừng kính tháng ba.

Công chính hiền hoà người gia trưởng,

Thanh bần trong sạch bậc vương gia .

Trước  nhan Cha Thánh nguyền đoan hứa:

Thanh sạch xác hồn, vẹn tiếng ca.

 

 

 

T-015.  GƯƠNG THÁNH GIA

Giuse công chính! Khấn xin cha,

Cầu giúp nguyện thay để mọi nhà.

Con cái thuận hoà ngăn bão tố,

Vợ chồng hiệp nhất chống phong ba.

Đoan trang vâng phục người hiền mẫu,

Trung tín mẫn cần vị quản gia.

Trong trắng giữa giòng đời bẩn đục! 

Muôn lòng tha thiết cất lời ca!

 

 

T-017. THÁNH GIUSE

 

Giuse – Con Chúa chọn làm Cha

Trinh nữ Hiền thê – đẹp một nhà

Mái ấm bao yên vui, hạnh phúc

Cuộc trần dẫu khổ lụy, phong ba

Rạng danh Tổ phụ – dòng Vương đế

Gương sáng hậu sinh – bậc Thánh gia

Huệ Trắng nức hương – Người Công Chính

Muôn ngàn thế hệ mãi hoan ca.

 

 

 

T-018. TÂM NGUYỆN

 

Con về tâm sự trước nhan Cha

Chuyện ái tình, công việc, cửa nhà…

Danh, lợi – cuốn theo nhiều hệ lụy

Tình, tiền – kéo tới lắm phong ba

Yêu thanh khiết – hiện thân con Chúa

Sống tín trung – gương mẫu Thánh gia

Xin giúp con khôn ngoan chọn lựa

Giữ tim hồng đẹp khúc thăng ca.

 

 

 

 

T-019. BÔNG HUỆ TRẮNG

 

Ngày nay trách nhiệm những người cha

Giáo dục con em trọng nếp nhà

Chớ để buông theo vòng tục lụy

Đừng nên cuốn hút chốn bôn ba

Yêu thương, tha thứ nơi Lời Chúa

Khiết tịnh, thanh bần gương Thánh Gia

Cuộc sống trinh trong bông Huệ trắng

Trẻ trai vui hát khúc đồng ca.

 

 

T-020. NHÁNH HUỆ NADA

 

Yêu con, thương vợ, chính là Cha

Dìu dắt ấu thơ, Mẹ tại nhà.

Gìn giữ Bạn hiền trinh trắng vẹn

Chở che Con mọn vượt phong ba.

Thanh cao, cần mẫn tươi thôn dã

Trong sạch mưu sinh đẹp thất gia.

Công chính Giu-se, khiết tịnh lạ !

Lừng hương Huệ trắng, nhiệm tình ca !

 

 

 

T-022. THEO GƯƠNG THÁNH CẢ              

Trần gian khó nhọc, phận làm cha,

Gìn giữ cho yên ấm cửa nhà.

Gương sáng gia đình, trong xử thế,

Rạng ngời thôn xóm, lúc phong ba.

Sớm hôm khuyên dạy, lời Thiên Đức

Năm tháng tôn sùng, ý Thánh Gia.

Huệ trắng ngát hương Cha dẫn bước

Xum vầy Thiên Quốc, khúc hoan ca.

 

T-023. NGƯỠNG VỌNG                 

Ngôi nhà nhỏ - Những con người thánh thiện

Cha GiuSe - Bác thợ mộc cần cù,

Ma Ri A - Người hiền mẫu khiêm nhu

Con dấu ái - Trẻ GiêSu trìu mến.

 

Mặc sóng gió, vững tay chèo về bến

Vầng trán cao nhễ nhại quyện mồ hôi.

Nhìn vợ hiền, con thảo...thắm làn môi,

Đời lao động, tháng ngày trôi...hạnh phúc!

 

Ôi GiuSe, nhọc nhằn công dưỡng dục

Suốt cuộc đời như lòai trúc xanh tươi,

Tỏa hương thơm ngàn đóa huệ rạng ngời

Cha công chính, gương cho người gia trưởng.

 

Đôi tay nhỏ miệt mài xây lý tưởng

Sức cần lao nuôi dưỡng cả gia đình,

Tháng năm dài yêu quí Mẹ Đồng Trinh

Cùng chăm sóc tận tình GiêSu nhỏ.

 

Nơi dương thế, biển trầm luân sóng gió,

Đã nhiều phen khốn khó, tưởng buông chèo!

Nhờ Cha dẫn đưa, qua lúc hiểm nghèo

Thuyền tới bến, tiếng mừng reo, cảm tạ.

 

Lạy Cha Thánh! Với tình thương cao cả

Nâng đỡ đời con vất vả, lo âu 

Trái tim mênh mông luôn đỏ thắm màu

Nơi Thiên Quốc xin cầu bầu, che chở!

 

 

 

T-035. ĐỜI TẬN HIẾN

(Kính dâng các Bậc Chân tu của Chúa)

 

Người đời tôn kính gọi là cha,

Giáo xứ thân yêu đây mái nhà.

Tận hiến vì Thầy, lìa bỏ mẹ

Hy sinh cho Chúa, giã từ ba.

Vâng lời, khiết tịnh vinh Danh Chúa

Nghèo khó, hy sinh rạng rỡ gia.

Trong trắng một đời gương Thánh Cả

Dắt dìu con bước, khúc hoan ca.

 

  

T-036. MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN

(Mến tặng Anna Thảo Vân – Ma Soeur của ba,

 để nhớ những ngày đầu nhập Đệ tử viện)

 

Ngay buổi thiếu thời đã chọn Cha,

Vì đời dâng hiến phải xa nhà.

Nụ cười gượng gạo vì thương mẹ,

Nước mắt đầm đìa bởi nhớ ba.

Quyết chí tu thân tròn Thánh Ý,

Bền tâm tích đức đẹp phong-gia.

Cầu xin Thánh Cả luôn bầu chữa,

Dâng hiến đời con, mãi hát ca !

 

 

 

T-037. ÂM THẦM PHỤC VỤ

 

Ngày ngày con nguyện gẫm Lời Cha,

Lần dở những trang Kinh Thánh nhà :

Chỉ thấy Người làm, dù bảo táp

Chẳng nghe Thánh nói, mặc phong ba.

Đưa đưa đón đón : toàn Thiên Ý

Dắt dắt dìu dìu : vẹn Thánh gia.

Trinh tiết đơn sơ đời lặng lẽ,

Âm thầm phục vụ, đẹp tình ca !

 

 

 

T-038. CHA THÁNH

 

Thế trần Con Chúa gọi là Cha,

Nhánh Huệ GIUSE soi sáng nhà.

Trong trắng, đơn sơ qua bão tố

Trinh nguyên, khiêm nhượng vượt phong ba.

Một đời thầm lặng, toàn Thiên Ý,

Trọn kiếp im nghe, vẹn Thánh gia.

Dìu dắt Mẹ - Con tròn sứ mệnh,

Nước Trời hoan lạc, khải hoàn ca !

 

 

 

T-041. NHÁNH HUỆ TRINH NGUYÊN

 

Chàng trai trinh tiết phải lòng Cha,

Chúa chọn GIUSE cai quản nhà.

Chân thật đơn sơ, yêu ẩn dật

Hiền lành khiết tịnh, ghét bôn ba.

Một đời cần mẫn nuôi Con Chúa,

Suốt kiếp siêng năng dưỡng Thánh gia.

Cám dỗ đời người bao tội lụy,

HUỆ TRINH vượt thoát, khải hoàn ca !

 

 

 

 

T-049. QUYẾT CHÍ NOI GƯƠNG

 

Khiết tịnh, khiêm nhu: tâm nguyện Cha

Trọn đời tỏa ngát khắp cùng nhà

Xứng danh Dưỡng Phụ Con Thiên Chúa

Đáng được Ngôi Lời gọi tiếng Ba

Chăm sóc Nữ Trinh như ngọc qúy

Dưỡng nuôi Thánh Tử, đức tăng gia

Cầu thay nguyện giúp lời con hứa

Quyết chí kiên khem, đáng tụng ca.

 

 

T-050. TẤU NHẠC ÂN TÌNH

 

Thanh khiết nào ai sánh với Cha

Vẹn toàn son sắt, dẫu chung nhà

Trinh trong Thánh Mẫu ngời ngời sáng

Khiết tịnh Phu Vương rạng tiếng Ba

Huệ trắng lừng hương vang Thánh Thất

Sen thơm ngào ngạt tỏa cang gia

Mến yêu chung hưởng bao ân sũng

Tấu nhạc ân tình khúc nguyện ca.

 

 

%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

 

LÀM QUEN VỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT

THẤT NGÔN BÁT CÚ

 

Kính thưa Quí Độc Giả các Bạn Trẻ.

 

Cuộc chơi xướng họa, sáng tác thơ văn với chủ đề NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI nhằm mục đích cổ võ đức khiết tịnh và tôn vinh Thánh Cả Giuse đã được Quí Độc Giả các Bạn Trẻ khắp nơi tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình. Đến nay BTC đã nhận được gần 200 bài thơ họa Đường luật của Quí Độc Giả các Bạn Trẻ gởi về, đó là một tín hiệu vui rất tốt đẹp cho cuộc chơi này. Nhưng khi đọc đến các  bài thơ đó BGK cũng thật bối rối không biết chấm ra sao vì có nhiều bài nội dung thì rất hay nhưng còn lỗi những qui tắc cơ bản của thơ Đường Luật, làm cho bài thơ mất đi nét đẹp, nét hay và giá trị của nó. BGK rất thông cảm vì biết thể loại thơ Đường luật còn nhiều mới mẻ với các bạn trẻ và luôn tìm cách nâng đỡ và khích lệ tinh thần của các bạn trẻ trong việc sáng tác thơ văn Công Giáo nhằm tạo nên một sân chơi thú vị cho các bạn.

Để Quí Độc Giả các Bạn Trẻ nắm bắt được một số các nguyên tắc cơ bản về thơ Đường Luật và Nguyên tắc Xướng Họa thơ Đường Luật. MTC xin chia sẻ đến Quí Độc Giả các Bạn Trẻ những nét căn bản về sáng tác thơ Đường và cách Xướng họa. Thơ Đường Luật gồm thể loại “thất ngôn bát cú” (tám câu, mỗi câu 7 chữ) và các dạng biến thể như: "thất ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), "ngũ ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu năm chữ), "ngũ ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu năm chữ) cũng như các dạng ít phổ biến khác.

Trong phần chia sẻ này để Quí Độc Giả các Bạn Trẻ không bị rối trí vì mới làm quen với thể loại thơ Đường Luật. MTC chỉ tập trung chia sẻ về thể loại thơ “thất ngôn bát cú” mà chúng ta đang tham gia cuộc chơi. Và phần xướng họa chỉ tập trung vào các loại căn bản để Quí Độc Giả các Bạn Trẻ dễ làm quen và dễ hiểu. Khi đã hiểu và quen rồi lúc đó Quí Độc Giả các Bạn Trẻ có thể tự mình tìm hiểu và đào sâu thêm về thể loại thơ tao nhã và trang trọng này.

Kính chúc Quí Độc Giả các Bạn Trẻ thành công trong sáng tác và xướng họa để Vườn Thơ Công Giáo của chúng ta mỗi ngày càng thêm khởi sắc.

MTC cũng chân thành cám ơn GS Đỗ Quang Vinh, BS Đoàn Xuân Dũng đã biên soạn những tài liệu quí giá mà MTC đã tham khảo, trích lọc để gởi đến Quí Độc Giả các Bạn Trẻ.

Kính mến

AP. Mặc Trầm Cung.

***************

Luật bố cục:

Bố cục một bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật gồm 4 phần: Đề, thực, Luận, Kết.

·        Hai cầu Đề:

ð    Câu 1, gọi là câu phá đề: nêu lên vấn đề

ð    Câu 2, gọi là câu thừa đề: đưa vấn đề vào bài, tức là chuyển tiếp ý để đi vào phần sau.

·        Hai câu Thực:  câu 3 & câu 4, giải thích ró ý đầu bài cho thiết thực, rõ ràng.

·        Hai câu Luận: câu 5 & câu 6, bàn luận, diễn ý, phát triển vấn đề cho rộng thêm.

·        Hai câu Kết: câu 7 & câu 8, kết thúc, tóm tắt ý nghĩa toàn bài.

Luật thơ Đường căn cứ trên thanh bằngthanh trắc, và dùng các chữ thứ 2-4-6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng.

Thơ Đường luật nghiêm khắc ở 3 chỗ: Luật, Niêm và Vần. Về hình thức, thơ Đường luật có các dạng "thất ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu bảy chữ) được xem là dạng chuẩn.

Để viết một bài thơ Đường Luật, có thể theo các nguyên-tắc lần-lượt sau đây:

 

 Luật gieo vần:

 

Bài thơ vần bằng/ vần trắc

ð    tiếng cuối câu 1 là bằng thì gọi là bài vần bằng.

ð    tiếng cuối câu 1 là trắc thì gọi là bài vần trắc.

ð    Tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối các câu chẵn.

Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vận".

Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông". Hầu hết thơ Đường dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.

Ví dụ: hai câu 1, 2 trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang, bóng xế

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

hai chữ "tà""hoa" được xem là vần với nhau, nhưng ở đây là "vần thông" vì chỉ phát âm gần giống nhau.

Bài thơ luật bằng/ luật trắc

§        Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có "luật bằng".

§        Nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có "luật trắc".

Về luật bằng/trắc, ta phân biệt:

 

Đối với thơ thất ngôn:

§        Trong câu thứ nhất, tiếng thứ 3 luôn luôn trái ngược với tiếng thứ hai.

§        Trong mọi câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Ví dụ, nếu chữ thứ 2 và 6 là thanh bằng thì chữ thứ 4 phải dùng thanh trắc, hay ngược lại. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi "thất luật".   (2 = 6 ≠ 4)

§        Riêng về các tiếng thứ 5: 

ð    Nếu là bài thơ vần bằng, thì tiếng thứ 5 hai câu đầu đều là trắc, kế đó từ câu 3 trở đi, tiếng thứ 5 của mỗi câu sẽ bằng, trắc luân phiên thay đổi.

ð    Trái lại, nếu là bài thơ vần trắc, thì tiếng thứ 5 hai câu đầu đều là bằng, kế đó kể từ câu 3 trở đi, tiếng thứ 5 của mỗi câu sẽ luân phiên thay đổi trắc, bằng.

Luật đối

Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là:

 

§        Hai câu thực: câu 3 và câu 4 phải "đối" nhau.

§        Hai câu luận:  câu 5 và câu 6 phải “đối”  với nhau.

Đối chữ và đối ý:

 

§        Đối chữ gồm đối thanhđối loại (tức tự-loại như danh-từ, động-từ, v.v…). Dĩ-nhiên, đối thanh, do luật niêm đã bó buộc, thì câu trên câu dưới bằng trắc khác nhau.

§        Còn đối loại thì trên dưới cùng môt tự-loại như nhau.

§        Đối ý thì ý trên ý dưới tương-ứng, cân xứng với nhau.

Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì được gọi "thất đối".

Ví dụ: hai câu 3, 4 trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

Lom khom  dưới núi  tiều vài chú

Lác đác  bên sông  chợ mấy nhà,

"Lom khom" đối với "lác đác" (hình thể và số lượng - thực ra hai câu này chưa phải đối hoàn chỉnh), "dưới núi" đối với "bên sông" (vị trí địa hình), song nếu nối hình ảnh hai câu trên "lom khom dưới núi" và "lác đác bên sông" thì vì một câu diễn tả về cảnh động, còn một câu diễn tả về cảnh tĩnh, nên sự đối lập có thể chấp nhận được. Một điểm nên chú ý là cách dùng từ láy âm "lom khom" chỉ dáng người của câu trên, và "lác đác" chỉ số lượng của câu dưới. Hai vế tiếp: "tiều vài chú" đối với "chợ mấy nhà" (đối lập về số lượng và tĩnh/động). Sự đối lập của hai vế cuối có thể coi là hoàn chỉnh

Luật Niêm

Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là "những câu niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ xuất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là "thất niêm".

Hai câu khớp với nhau thành một cặp giống nhau về bằng trắc theo luật niêm. Có bốn cặp niêm lần-lượt trái ngược nhau từng cặp một: Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:

·         câu 1 niêm với câu 8

·         câu 2 niêm với câu 3

·         câu 4 niêm với câu 5

·         câu 6 niêm với câu 7

Luật niêm không áp-dụng cho tiếng cuối câu (vì đã tuân theo luật gieo vần) và cho các tiếng thứ 5 trong bài thất ngôn.

 Luật bất luận và khổ-độc.

 

Các nguyên-tắc về bằng trắc nói trên tóm-tắt cho tiện-lợi, dựa theo luật “nhất, tam, ngũ bất luận” đối với thơ thất ngôn (các tiếng 1, 3, 5, không cần theo đúng luật). Tuy nhiên, tiếng thứ 3 các câu chẵn và tiếng thứ 5 các câu lẻ trong bài thất ngôn nếu không theo đúng luật, đáng bằng mà đổi là trắc, hay đáng trắc mà đổi là bằng, thì đọc không êm tai gọi là khổ-độc

 

ð    Dưới đây là 2 bảng minh-hoạ hai bài thất ngôn bát cú luật trắc vần bằngluật bằng vần bằng. Dựa theo các tóm-lược trên.

 

 

Minh-hoạ 1: bài thơ thất ngôn bát cú luật trắc, vần bằng

 

Ví dụ: QUA ĐÈO NGANG

Của Bà huyện Thanh-Quan

 

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ, cây chen đá, lá chen hoa.

Lom-khom dưới núi tiều vài chú,

Lác-đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc- quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái đa-đa.

Dừng chân đúng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta.

 

Minh-hoạ 2: bài thơ thất ngôn bát cú luật bằng, vần bằng

Ví dụ: Thương vợ

của Trần Tế Xương

 

Quanh năm buôn bánmom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn bạc!

chồng hờ hững cũng như không!

 

************************************

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

 

Họa thơ Đường luật là sáng tác một bài thơ gọi là bài họa dựa trên hệ thống vần và ý của một bài thơ có trước được gọi là bài xướng.

Xướng họa thơ Đường luật là có hàm ý đối họa ở trong đó. Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài họa thì bài họa bắt buộc phải đối luật với bài xướng. Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế họa đồng luật, nhưng bài họa đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng họa đúng cách.

Họa thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần. Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề. Họa sai ý bài xướng là không đạt. Họa sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý cũng không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng. Họa sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận, cũng không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.

Khi xướng họa thơ Đường luật chính thể, chúng ta nên rèn kỹ năng sáng tác chính luật, chính vận, chính đối và chính họa.

Một bài chính họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng là họa vần, họa ý và đối luật:

1. Họa vần: Trong bài thất ngôn bát cú năm vần tức là 5 chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng như 5 vần đó, không được thay đổi. Chỉ cần sai một trong năm vần kể trên thì bài họa không đạt, bị xuất vận nghĩa là đi ra khỏi vần đã hạn định cho mình.

2. Họa ý: Bài xướng nói lên ý nghĩa gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm. Tuy nhiên, bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen một vấn đề nào đó thì bài họa có thể chê lại vấn đề đó, gọi là phản đề.

3. Đối luật: Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó vì trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp. Ví dụ bài xướng luật trắc vần bằng thì bài họa phải là luật bằng vần bằng và ngược lại. Tuy nhiên, cũng có thể họa đồng luật, nhưng bài họa đồng luật không được coi là chính họa.

Bài họa thơ Đường luật có các thể thức sau: họa Hạn vận, họa Phóng vận, họa Phá vận và họa Phản đề.

Trong bài này MTC xin trích hai phần họa Hạn vận và họa Phản đề để Quí Độc Giả các Bạn Trẻ dễ hiểu, đỡ bị rối trí khi tham gia xướng họa.

Ngoài ra khi xướng họa thơ Đường luật cũng cần phải lưu ý đến nguyên tắc tử vận và nguyên tắc khắc lục.

I.     HỌA HẠN VẬN

Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người xướng ra đề và cho vần nào thì người họa phải dùng vần ấy. Thể họa Hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa.

Tiêu chí của một bài họa Hạn vận như sau:

-         Cùng nội dung tương hợp với đề xướng.

-         Cùng vần theo đề xướng.

-         Đúng thứ tự vần theo đề xướng.

-         Có thể dùng luật bằng hay luật trắc.

Ví dụ cuộc thi thơ do Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự tổ chức như sau:

SEN GIỮA LẦY

 

Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen (1)

Thanh thoát ô kìa một đóa sen. (2)

Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi

Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen. (3)

Gọi mời ai giữ gìn cao quý

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn. (4)

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen. (5)

                 

                                  (Lm Trăng Thập Tự)

 

(a) Nội dung: Tôn vinh Mẹ Maria và cổ võ Đức Khiết Tịnh

(b) Năm vần hạn định theo thứ tự: đen - sen - khen - hèn – chen.

1.     Họa Hạn vận luật bằng vần bằng

 

ƠN KHIẾT TỊNH

 

Mịt mùng từ dưới chân trời đen, (1)

Lấp lánh vươn lên một đóa sen. (2)

Chúc tụng trinh trong réo rắt hát,

Kính mừng thanh khiết du dương khen. (3)

Ung dung phó thác đời vâng phục,

Thanh thản trao dâng phận mọn hèn. (4)

Xin Mẹ giữ gìn ơn khiết tịnh,

Cho Người tô điểm sắc hương chen. (5)

                            

(Xuân Dũng)

 

-         Nhận xét: bài họa “Ơn khiết tịnh” có các đặc điểm:

o       Cùng nội dung với đề xướng.

o       Cùng vần theo đề xướng.

o       Đúng thứ tự vần theo theo đề xướng.

o       Dùng luật bằng vần bằng.

 

2.     Họa hạn vận luật trắc vần bằng

 

LỜI ĐOAN HỨA KHIẾT TỊNH

 

Mẹ sáng hơn sao giữa tối đen, (1)

Tinh tuyền thanh khiết tựa hoa sen. (2)

Trần gian đẹp ngát lời vinh chúc,

Thượng giới xinh thầm tiếng ngợi khen. (3)

Khiết tịnh tình yêu luôn đáng quý,

Đơn sơ hạnh phúc chẳng hư hèn. (4)

Xin dâng Mẹ Thánh lời đoan hứa,

Tuổi trẻ tình son đua nở chen. (5)

 

(Mic.Cao Danh Viện)

 

-         Nhận xét: bài họa “Lời đoan hứa khiết tịnh” có các đặc điểm:

o       Cùng nội dung với đề xướng.

o       Cùng vần theo đề xướng.

o       Đúng thứ tự vần theo theo đề xướng.

o       Dùng luật trắc vần bằng.

 

1.     Họa nguyên vận:

Họa Nguyên vận là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý hoặc đối ý và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa cùng luật nhưng bài họa phải cùng chủ đề và nội dung giống như bài Xướng. Đây là thể họa thường dùng nhất trong xướng họa thơ Đường luật.

Tiêu chí của một bài họa nguyên vận như sau:

-         Cùng nội dung với bài xướng.

-         Cùng vần với bài xướng.

-         Đúng thứ tự vần như bài xướng

-         Đối luật hoặc cùng luật với bài xướng.

 

Ví dụ 1: hai bài xướng họa đối luật về Đạo Công giáo

v    Bài xướng luật bằng vần bằng

theo thứ tự: trời - nơi - đời - rơi - thời.

Bài xướng của Thánh Philipphê Phan Văn Minh

Gia Tô Cơ Đốc Đấng Con Trời, (1)
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi. (2)
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời. (3)
Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi, (4)
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời. (5)

v    Bài họa luật trắc vần bằng

      cũng theo thứ tự: trời - nơi - đời - rơi - thời.

Bài họa của Andreas Phong

Khôn giỏi làm sao khỏi lẽ Trời, (1)
Cái vòng luẩn quẩn diễn đòi nơi. (2)
Lớp xây lớp phá, xây xây mãi,
Sự nhục sự vinh, để để đời. (3)
Dục vọng dễ gì người dứt bỏ,
Kiêu căng khó thể kẻ buông rơi. (4)
Từ trời sức sống Gia-tô xuống,
Trợ lực nhân sinh thoát họa thời. (5)

-         Nhận xét: bài họa của Andreas Phong có các đặc điểm:

o       Cùng nội dung với bài xướng.

o       Cùng vần với bài xướng.

o       Đúng thứ tự vần với bài xướng

o       Đối luật với bài xướng.

 

Ví dụ 2: hai bài xướng họa nguyên vận đồng luật về Mẹ Maria và đức khiết tịnh.

v    Bài xướng luật bằng vần bằng

theo thứ tự: đen - sen - khen - hèn - chen.

                            

ĐÃ CÓ MẸ

 

Dù cho thế sự trắng thay đen, (1)

Vẫn giữ thanh tâm tựa đoá sen. (2)

Trung tín không vì e kẻ trách,

Thuỷ chung chẳng bởi được người khen. (3)

Vâng lời Mẹ dạy gìn thanh khiết,

Nối gót Người đi sống mọn hèn. (4)

Có Mẹ trong lòng ta mãi mãi,

Chẳng lo sập bẫy cuộc đua chen. (5)

 

(Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh)

 

DÕI LỐI MẸ HIỀN

 

Một bông hoa nở giữa bùn đen, (1)

Tỏa ngát hương thầm ấy đóa sen. (2)

Dáng ngọc thanh cao trời chúc phúc,

Nét duyên tinh khiết đất mừng khen. (3)

Nhủ lòng theo đuổi đời trinh bạch,

Quyết ý tránh xa chuyện thấp hèn. (4)

Dõi lối Mẹ hiền con tiến bước,

Sống đời khiết tịnh chẳng bon chen. (5)

 

(Khôi Nguyên)

 

-         Nhận xét: bài họa “Dõi lối mẹ hiền” có các đặc điểm:

o       Cùng nội dung với bài xướng.

o       Cùng vần với bài xướng.

o       Đúng thứ tự vần như bài xướng

o       Cùng luật với bài xướng.

 

2.     Họa đảo vận:

Họa đảo vận là cách họa ngược với họa nguyên vận nghĩa là bài họa ngược thứ tự với 5 vần từ dưới lên trên so với bài xướng. Bài họa đảo vận có thể đối luật hoặc cùng luật với bài xướng nhưng phải có nội dung tương hợp với bài xướng. 

Tiêu chí của một bài họa đảo vận như sau:

-         Cùng nội dung với bài xướng.

-         Cùng vần với bài xướng.

-         Ngược thứ tự vần với bài xướng

-         Đối luật hoặc cùng luật với bài xướng.

Ví dụ 1: bài xướng “Chúc tụng Mẹ” luật bằng vần bằng

theo thứ tự: đensenkhenhènchen.

 

CHÚC TỤNG MẸ

Một mình chúc tụng giữa đêm đen, (1)

Thoang thoảng xa đưa hương ngát sen. (2)

Cất tiếng tung hô, cất tiếng chúc,

Dâng lời tán tụng, dâng lời khen. (3)

Chúc Bà Trong Trắng phù cao quý,

Khen Mẹ Khiết Trinh độ mọn hèn. (4)

Con cái vâng lời theo gót mẹ,

Khiết trinh , trong trắng quyết đua chen. (5)

 

(Giu-se Nguyễn văn Sướng)

 

v    Bài họa “Hồn tôi chúc tụng Chúa” đảo vận luật trắc vần bằng

ngược thứ tự vần với bài xướng: chen - hèn - khen - sen - đen.

HỒN TÔI CHÚC TỤNG CHÚA

 

Thanh khiết giữa muôn sắc thắm chen, (5)

Trinh trong một Đóa thật khiêm hèn. (4)

Hân hoan đón Chúa, con mừng hát,

Hớn hở chào Bà, mẹ ngợi khen. (3)

Muôn thuở tạ ơn gìn giữ huệ,

Ngàn đời chúc tụng chở che sen. (2)

Tin yêu một niềm xin dâng hiến,

Dù thế trần thay trắng đổi đen. (1)

 

(Xuân Dũng)

 

-         Nhận xét: bài họa “Hồn tôi chúc tụng Chúa” có các đặc điểm:

o      Cùng nội dung với bài xướng.

o      Cùng vần với bài xướng.

o      Ngược thứ tự vần với bài xướng.

o      Đối luật với bài xướng.

 

II. HỌA PHẢN ĐỀ

Họa phản đề là bài họa sử dụng các thể họa nguyên vận, đảo vận, hoán vận nhưng có nội dung trái ngược hẳn với bài xướng. Họa phản đề khác với họa Tá vận vì bài họa tá vận có nội dung khác ý của bài xướng chứ không phải ngược lại ý của bài xướng. Họa phản đề có các thể như Nguyên vận phản đề, Đảo vận phản đề và Hoán vận phản đề.

1.     Nguyên vận phản đề :

Họa Nguyên vận phản đề là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng, có thể đối luật hoặc cùng luật với bài xướng nhưng phải có nội dung ngược với ý của bài xướng.

Tiêu chí của một bài họa nguyên vận phản đề như sau:

-         Ngược nội dung với bài xướng.

-         Cùng vần với bài xướng.

-         Đúng thứ tự vần như bài xướng.

-         Đối luật với bài xướng.

 

Ví dụ: bài xướng “Sen đơn thanh” ca tụng hoa sen

 

SEN ĐƠN THANH

 

Ô kìa hoa trắng giữa bùn đen, (1)

Thoang thoảng thơm đưa một búp sen. (2)

E ấp trong lầy e ấp nở,

Rộn ràng trên sóng rộn ràng khen. (3)

Nhụy vàng trân trọng dù nghèo đói,

Hoa trắng ân cần dẫu thấp hèn. (4)

Khấn nguyện Mẹ ơi xin cứu giúp

Giữa bùn bông trắng vẫn đua chen. (5)

 

(Dzuy Sơn Tuyền)

 

v    Bài họa “Huệ khiết trinh” nguyên vận phản đề chê bai loài sen

 

HUỆ KHIẾT TRINH

 

Huệ trắng chẳng hề nhiễm vết đen. (1)

Xinh tươi hơn cả những bông sen. (2)

Huệ vươn đất cứng, đâu cần tiếng.

Sen mọc bùn lầy, lại phải khen. (3)

Sen dại, sen kiêu, sen ngạo mạn.

Huệ khôn, huệ thiện, huệ khiêm hèn. (4)

Hỏi xem đóa huệ là Ai đó?

Mông triệu, Trinh, Nguyên, phúc đổ chen. (5)

 

(Trinh Nguyên)

 

-         Nhận xét: bài họa “Huệ khiết trinh” có các đặc điểm:

o       Ngược nội dung với bài xướng.

o       Cùng vần với bài xướng.

o       Đúng thứ tự vần như bài xướng

o       Đối luật với bài xướng.

 

2.     Đảo vận phản đề :

Họa đảo vận phản đề là cách họa ngược với họa nguyên vận nghĩa là bài họa ngược thứ tự với 5 vần từ dưới lên trên so với bài xướng. Bài họa đảo vận có thể đối luật hoặc cùng luật với bài xướng nhưng phải có nội dung ngược với bài xướng. 

Tiêu chí của một bài họa đảo vận như sau:

-         Ngược nội dung với bài xướng.

-         Cùng vần với bài xướng.

-         Ngược thứ tự vần với bài xướng

-         Đối luật hoặc cùng luật với bài xướng.

 

Ví dụ: bài xướng thơ trào phúng “Bất công” luật trắc vần bằng

theo thứ tự: công – không – thòng – bong – ngông.

 

BẤT CÔNG

 

Thượng Đế sao ông quá bất công, (1)

Người thì quá đủ kẻ thì không. (2)

Trên hai bầu sữa căng căng cứng,

Dưới một túi bi nhão nhão thòng. (3)

Hẹn mãi sữa chua rờ chậm chảy,

Chờ hoài bi sét đụng mau bong. (4)

Thèm thuồng ông để thèm thuồng đã,

Tức quá coi chừng tụi nó ngông. (5)

 

(Xuân Dũng)

 

v    Bài họa “Ghi công” đảo vận phản đề luật bằng vần bằng, ngược thứ tự vần với bài xướng: ngông – bong – thòng – không – công.

 

GHI CÔNG

 

Rủ rê một lũ khéo chơi ngông, (5)

Hì hục như trâu đếch sợ bong. (4)

Dấm dúi ô trên đu lủng lẳng,

Tòm tèm lũng dưới bám lòng thòng. (3)

Cò cưa đủ kiểu cho bằng được,

Lắt léo nhiều bài chẳng bỏ không. (2)

Đàng điếm sao ông đàng điếm mãi,

Lèm nhèm như thế được ghi công. (1)

 

(Xuân Dũng)

 

-         Nhận xét bài họa:

o       Ngược nội dung với bài xướng.

o       Cùng vần “ong” với bài xướng.

o       Ngược thứ tự vần với bài xướng.

o       Đối luật với bài xướng.

 

III.    NGUYÊN TẮC KHẮC LỤC

Nguyên tắc khắc lục là nguyên tắc bài họa không được dùng chữ kế trước của những câu vần giống như chữ của bài xướng. Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.

Trong thể thức xướng họa thơ Đường luật cần lưu ý nguyên tắc khắc lục như sau:

§        Thể thất ngôn bát cú: bài họa không được dùng trùng chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng.

 

Đồng thời phải càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.

 

IV.    NGUYÊN TẮC TỬ VẬN

Tử vận nghĩa đenvần chết, nghĩa là vần không thể đối lại được.

Trong xướng họa thơ Đường luật, người xướng thơ nên tránh kết vần bằng các danh từ riêng hoặc các từ láy, vì các loại từ này khó có thể tìm ra từ cùng vần mà khác nghĩa, nên chúng được xếp vào loại tử vận.

Khi bạn bè chung vui xướng họa với nhau, có thể dùng thể thức Họa Tá Vận, tức là mượn vần để họa những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề, tức nội dung của bài xướng.

Chẳng hạn tử vận “xót xa” là không thể nào họa nguyên vận theo chính họa được. Chúng ta có thể họa tá vận (mượn vần) theo bàng họa là xa xa, từ xa, đàng xa... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi, bởi vậy mới bị xuất ý nên không đạt, nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.

Cụ thể trong cuộc thi xướng họa Sen Giữa Lầy bài xướng có một tử vận là “E-đen” vì đây là một tên riêng. Vì thế, những bài họa nào lập lại chữ E-đen là phạm nguyên tắc "khắc lục", còn các chữ đen khác đều không đúng nghĩa chữ E-đen là họa tá vận theo bàng họa, chỉ duy có bài họa “Mẹ Măng Đen” dùng tên riêng “Măng-đen” là chính vận nhất. Tuy nhiên, nội dung bài này lại khác hẳn nội dung của bài xướng, cho nên vẫn xếp loại bài “Mẹ Măng Đen” là Họa Tá Vận.

Ví dụ: bài xướng luật bằng vần bằng

SEN GIỮA LẦY

Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen, (1)

Thanh thoát ô kìa một đóa sen. (2)

Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi,

Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen. (3)

Gọi mời ai giữ gìn cao quý,

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn. (4)

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt,

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen. (5)

 

(Lm. Trăng Thập Tự)

 

Xướng họa thơ là nghệ thuật cao nhất trong thơ Đường luật. Sáng tác thơ Ðường đã khó, họa thơ Ðường đúng cách lại còn khó hơn. Vì người xướng có toàn quyền chọn chữ để gieo vần trong khi đó người họa buộc phải dùng những chữ đó của người xướng trong bài thơ của mình.

 

Khi xưa, xướng họa thơ Ðường luật là một thú chơi tao nhã của tầng lớp trí thức và quý tộc, nhưng nay nó là một phương cách vừa thư giãn giải trí, vừa rèn luyện kỹ năng sáng tác và bồi dưỡng tinh thần vì thi sĩ phải vận dụng trí óc để tìm chữ, tìm vần và tìm ý cho phù hợp với bài xướng.

 

Mong sao trong vườn thơ Công giáo, ngày càng có nhiều nhân tài biết sử dụng những khả năng mà Chúa ban cho mình, để sinh lợi ích cho tất cả cho mọi người, không phân biệt đạo hay đời.

 

Mặc Trầm Cung Sưu tầm & Trích lọc.

****************************