HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BÀI 9:
CON CHÁU CHÚNG TA CẦN BIẾT MÌNH CAO QUÝ

Tôi đã dự tính bài này sẽ bắt đầu nói về sách Khải Huyền, thế nhưng chưa kịp viết thì lại gặp được bài báo cũ của nữ tác giả Phan Hân, tựa đề “Người Việt Nam hèn hạ”, viết từ năm 2012, từng làm chấn động mạng xã hội những năm 2016-2017, nay được nhắc lại trên Vietcatholic[1] và rồi thời sự về cuộc khủng hoảng trong Giáo hội thật sôi động. Tôi thấy phải dừng lại chia sẻ đôi điều về việc giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Một tác dụng ngược

Tác giả Phan Hân liệt kê và minh họa những chuyện tồi tệ để cho thấy tại sao chị đặt tựa đề như thế. Từ sau bài báo ấy, ta có thể gặp một số bài khác mang nội dung tương tự, tuy dài ngắn và đậm nhạt khác nhau. Tôi không chú tâm tới phần liệt kê và mô tả, nhưng chú ý riêng tới bài này vì nó lý giải được khá xác đáng nguyên nhân của thực trạng:

“Chính sự vô thần vô thánh… đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ, …Vì những người này… tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,… thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm?”

“Còn những kẻ yếu mà không có niềm tin là có Phật, có Chúa, có Thánh Allah luôn soi sáng mình, giúp đỡ mình, ngự trị trong mình, thì biết dựa vào đâu để tìm lại niềm lạc quan mà sống? Mà tranh đấu để tự tìm lấy giá trị sống thiêng liêng mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho mỗi chúng ta?... Những kẻ hoang mang không biết tin ai, không hiểu nên làm gì cho đúng…”

Rõ là một kết quả không mong muốn, việc giáo dục bị tác dụng ngược, sau mấy chục năm tìm cách cài đặt não trạng vô thần cho công dân, nay thực tế trở thành như vậy.

Lý giải của tác giả Phan Hân đã nêu lên vấn đề khá chính xác nhưng chưa đề nghị giải pháp. Làm sao để phục hồi được cho người dân, ngay từ ấu thơ, có được lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, lương tâm, lòng nhân ái, quả cảm, biết quên mình vì ích chung?

Vươn tới tối đa để bảo đảm tối thiểu

Vào Google, gõ “thực trạng đạo đức hiện nay”, ta có thể tìm thấy hàng ngàn bài và hầu như chưa thấy ai nêu được giải pháp thỏa đáng. Trước bài toán hết sức nan giải về giáo dục đạo đức, các thư chung hằng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam và những thư riêng của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục vẫn đề cập nhiều tới vấn đề này. Bản thân chúng tôi cũng có đóng góp mươi trang ngắn ngủi trong quyển “Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo”[2], các trang 166-174 và 204-206, để giúp các phụ huynh Công giáo lo cho con em mình.

Phương hướng chúng tôi đề nghị là “Vươn tới tối đa để bảo đảm tối thiểu”. Để giúp các em quyết tâm rèn luyện mình thành người Việt cao quý, không gì bằng nhắc các em luôn nhớ mình đang mang hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, đã được Ngài cứu chuộc và nhận làm con. “Ta trở thành lớn hay nhỏ tùy theo ta say mê theo đuổi cái lớn lao hay điều nhỏ mọn.  Khi chân trời, mà cuộc sống tôi đang hướng đến, là Thiên Chúa, thì không gian sẽ thênh thang tha hồ cho tôi hít thở. Còn nếu nó là cái gì kém thua Thiên Chúa, thế giới sẽ trở thành ngột ngạt”.[3]

Xác tín về phẩm giá của người con Thiên Chúa sẽ giúp các em ý thức bảo vệ phẩm giá của người Việt cao quý. Ta cần giúp cho các em luôn sống như thấy Chúa đang âu yếm nhìn. Được như vậy, dù khi ở một mình, các em vẫn sống đúng phẩm giá người con cái Chúa.

Lội ngược dòng đời không dễ, nhưng các phụ huynh sẽ luôn nhớ lời Chúa đã nói với Thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Biết có Chúa đang nhìn, các em sẽ dám quên mình vì ích chung:

Em giữ sạch sân trường,

Sân nhà thờ, nhà xứ,

Em giữ sạch đường phố,

Em làm đẹp quê hương…

Và em tôn trọng luật giao thông, cả khi không ai nhìn thấy. Cứ thế,

Từ những điều rất nhỏ,

Lúc này ở ngay đây,

Chẳng ai biết ai hay,

Vẫn làm vì yêu mến.

Xin quý phụ huynh đừng sợ rằng dạy các cháu biết quên mình, biết tôn trọng ngươi khác và quan tâm lo cho họ, biết sẵn lòng chịu thiệt vì ích chung là đẩy các cháu vào chỗ chết. Không đâu, Thiên Chúa đang chờ chúng ta hiến dâng cho Ngài và cho đồng loại những hạt men, những giọt dầu tươi mới.

Chính lúc hào hiệp cống hiến những hy sinh nhỏ, các em làm đẹp quê nhà để đón chào Chúa Kitô đang ngự đến mỗi ngày trong cuộc sống.

Bắt đầu từ chính mình,

Rồi rủ từng bạn một,

Những nhúm men thật tốt,

Dậy khối bột Tin mừng.

Tác động của điện toán và truyền thông

Điều khiến nhiều phụ huynh âu lo là những ảnh hưởng từ truyền thông và mạng lưới điện toán có thể lấn át và vô hiệu hóa những nỗ lực giáo dục của gia đình.

Nhiều nghiên cứu báo động về những tác dụng của game và các ứng dụng của kỹ thuật số đang khiến trẻ em say mê bỏ bê việc học. Đáng sợ hơn nữa là phim ảnh bạo lực khiêu dâm. Thêm vào đó là những gương xấu được phơi bày nhan nhản.

Sâu xa hơn, qua truyền thông, trẻ em tiếp xúc với với những quan điểm đa chiều về luân lí, có khi là những quan điểm đi ngược với lương tâm nhân loại.

Đáng sợ nhất là khi vì mục đích đấu tranh chính trị, xã hội và ý thức hệ, người ta đi đến chỗ đạp đổ cả những giá trị luân lý, bất chấp những hậu quả tai hại về lâu về dài. Cụ thể nhất là những gì đang xảy ra cho Đức Hồng y George Pell. Các luật sư của ngài và những công chúng điềm tĩnh quả quyết rằng những điều tố cáo rất vô lý và chỉ là chuyện hoàn toàn vu cáo.

Đang khi đó, phía tòa án dường như đã tìm cách kích động dư luận để hỗ trợ cho việc kết án. Tuy nhiên, phân tích kỹ, người ta có thể nhận ra những âm mưu có tính toán, không chỉ nhắm kết án Đức Hồng y mà còn nhắm bôi nhọ, hạ nhục và triệt hạ uy tín của Giáo hội Công giáo. Diễn tiến vụ này có thể còn được tính toán để vô hiệu hóa lời kêu gọi của Giáo hội Công giáo về giáo dục trẻ em. Nỗ lực vô hiệu hóa này sẽ là vô cùng tệ hại cho tương lai nhân loại.

Thảm trạng của trẻ em trên toàn thế giới

Xin được trích một đoạn ngắn trong thư ngỏ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc viết vào tháng 4-2010, tựa đề “Lời trần tình với những người Công giáo” để quý độc giả có một cái nhìn nhanh và chính xác về cuộc khủng hoảng Giáo hội Công giáo phải đối đầu vài chục năm nay:

“Chính vì Giáo hội quyết chí canh tân, kẻ thù quan trọng hơn cả của Giáo hội là “thần dữ” nhất quyết chống lại Giáo hội và tìm cách phá Giáo hội. Thần dữ áp dụng “chiến lược gậy ông đập lưng ông” để đánh phá Giáo hội, làm cho Giáo hội nản chí, không còn quyết tâm bảo vệ các giá trị truyền thống của mình nữa. Thần dữ lợi dụng những lỗi lầm của các giáo sĩ trong Giáo hội về phương diện lạm dụng tình dục, có khi đã xảy ra cách đây 60 năm, để thúc đẩy các thế lực thù địch tấn công Giáo hội, làm mất uy tín của Giáo hội, đặc biệt của hàng Giáo phẩm,

Xét về việc lạm dụng tình dục, phải công nhận rằng so với ngoài xã hội, tỷ lệ phạm pháp trong Giáo hội rất thấp. Ấy vậy mà các thế lực trần gian, thù địch với Giáo hội, bao gồm nhiều báo chí và các phương tiện truyền thông, các tập đoàn luật sư… tập trung chĩa mũi dùi vào Giáo hội. Họ muốn làm gì đây? Phải chăng họ muốn làm sụp đổ uy tín tinh thần của Giáo hội, để Giáo hội không còn dám lên tiếng nói về những điều mà họ không ưa thích. Dĩ nhiên việc trừng trị những tội ác thực sự đã xảy ra là điều phải lẽ, các nạn nhân của lạm dụng tình dục thật đáng thương và phải được đền bù xứng đáng. Nhưng không phải vì thế mà bôi nhọ cả một Tập thể, và gán ghép trách nhiệm một cách bừa bãi”[4].

Năm 1987, Hội Đồng Giám Mục Canađa trở thành hội đồng đầu tiên trên thế giới ban hành các hướng dẫn liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em trong bối cảnh Giáo hội. Tiếp đó là Hoa Kỳ với “Hiến chương bảo vệ thiếu nhi và người trẻ”, gọi tắt là “Hiến chương Dallas”, năm 2002.

Cuối năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định triệu tập một Hội nghị chuyên đề tại Rôma, từ ngày 21-24 tháng 2 năm 2019 với chủ đề: “Bảo vệ trẻ em vị thành niên trong Giáo hội”. Hội nghị đã bế mạc với những kết quả quả đầy khích lệ. Trong lễ bế mạc, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ cô đọng, bao quát được vấn đề từ bên trong Giáo hội tới thực tế của xã hội hoàn vũ ngày nay.

Với diễn văn kết thúc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật vấn đề để mời gọi tinh thần trách nhiệm chung của Cộng đồng nhân loại. Chỉ cần trích một đoạn đủ thấy rõ điều ấy:

“Sự thật đầu tiên xuất hiện từ các dữ liệu có trong tay là những kẻ gây ra lạm dụng, nghĩa là gây ra các hành vi bạo lực thể xác, tình dục hoặc tình cảm, chủ yếu là những bậc cha mẹ, người thân, những người chồng của các cô dâu nhi đồng, các huấn luyện viên và các giáo viên. Hơn nữa, theo dữ liệu năm 2017 của UNICEF về 28 quốc gia trên toàn thế giới, cứ 10 cô gái bị ép buộc quan hệ tình dục thì có 9 cô tiết lộ rằng họ là nạn nhân của một người quen biết hoặc là người thân trong gia đình.

Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Mỹ, tại Hoa Kỳ, hơn 700,000 trẻ em mỗi năm là nạn nhân của các hành vi bạo lực và ngược đãi. Theo Trung tâm quốc tế về trẻ em mất tích và bị khai thác (ICMEC), cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ đã từng bị lạm dụng tình dục. Ở châu Âu, 18 triệu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục.

Tại Ý, chẳng hạn, Phúc trình Telefono Azzurro năm 2016 khẳng định rằng 68.9% các vụ lạm dụng diễn ra trong gia đình của trẻ vị thành niên.

Hành vi bạo lực không chỉ diễn ra trong gia đình, mà còn ở các khu phố, trường học, cơ sở thể dục thể thao và, đáng buồn thay, cũng trong các cơ sở giáo hội.”[5]

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh những thảm trạng từ kỹ thuật số và du lịch tình dục.

Ngài nêu rõ thái độ quyết liệt của Giáo hội về vấn đề lạm dụng xảy ra do người của Giáo hội.

Ngài đề cao những đóng góp của nhiều tổ chức quốc tế rất đáng ngưỡng mộ, khiến ta nghĩ tới một chương trình hợp tác toàn cầu và toàn diện để cứu giúp trẻ em trên tòa thế giới.

Chính Giáo hội Công giáo đã khiêm nhường gánh lấy trách nhiệm để từ đó, mời gọi mọi người cùng ý thức trách nhiệm và cùng chung tay cứu vớt trẻ em.

Âm mưu đánh lạc hướng và phán quyết của Kinh thánh

Tiếc thay, ngày 26-2, chỉ hai ngày sau khi Hội nghị nói trên kết thúc, Bồi Thẩm đoàn Melbourn tuyên bố kết án Đức Hồng y George Pell lạm dụng tình dục trẻ em.

Thế nhưng cũng lạ thay, chính trong ngày hôm ấy, Hội thánh Công giáo toàn cầu cùng đọc lên câu Kinh thánh trong sách Qohelet: “Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời: Có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử” (Gv 3,16). Ngày hôm đó, Hội thánh Công giáo khắp nơi cùng đọc câu ấy vì nó nằm giữa đoạn Kinh thánh nơi Kinh Sách trong Phụng vụ các Giờ kinh của ngày Thứ Ba tuần VII thường niên, năm nay nhằm đúng ngày 26-2.[6]

Cũng hôm ấy, “lệnh cấm tường trình”[7] được hủy bỏ, rất đúng lúc, để trong cùng một ngày truyền thông khắp nước Úc thực sự làm nổ tung một quả bom. Nhiều người thấy ngay đó là một âm mưu đầy tính toán, nhằm gây rùm beng để làm lu mờ thành quả của hội nghị nói trên. Những người thiện chí đang vui mừng vì thành quả ấy cảm thấy như khi đang tiến hành những việc nghiêm túc quan trọng thì bị bọn trẻ nghịch ngợm quấy nhiễu phá đám. Buồn thay, đây chẳng phải bọn trẻ mà là những người lớn đầy ác ý đang gián tiếp làm hại lâu dài cho trẻ con nhiều thế hệ.

Thật vậy, hội nghị Bảo vệ trẻ em của Giáo hội Công giáo là sự kiện đáng kính nể chưa từng có nơi bất cứ một chính phủ nào trên thế giới. Giáo hội đã can đảm bước đi trong sự thật, không hề nhằm trình diễn xoa dịu dư luận nhưng đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của các mục tử trước mặt Thiên Chúa. Giáo hội muốn quả cảm nhìn vào chuyện buồn xảy ra nơi mình để từ đó chuyên tâm tìm kiếm giải đáp khẩn cấp nhằm bảo vệ trẻ em trước thực trạng đau thương các cháu phải hứng chịu trong những hoàn cảnh khác nhau.

Cho tới nay nước Úc được coi là một nước có nền giáo dục thành công. Nhiều bạn trẻ Việt Nam ước mong được hưởng nền giáo dục ấy. Thế nhưng, với sự kiện Đức Hồng y George Pell, tôi thoáng thấy một âu lo rằng những dàn dựng tại Melbourn sẽ khiến việc giáo dục đạo đức của Úc bị sụp đổ cách oan uổng.

Tôi không có ý trao đổi với những người nào chủ trương làm điều bất công và gian ác. Tôi chỉ mong được chia sẻ với các bạn, là những người đang hào hứng hùa theo cuộc ném đá người vô tội, một cuộc ném đá vô liêm sỉ (x. Đn 13,1-64; Ga 8,1-11). Các bạn đã xử với vị Hồng y tốt lành ấy bất công tới mức nào thì hẳn chính các bạn quá biết. Các bạn quá biết mình đang hô hoán hệt như những kẻ vô đạo trong sách Khôn ngoan:

“12Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,

vì nó chỉ làm vướng chân ta,

nó chống lại các việc ta làm,

trách ta vi phạm lề luật,

và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.

(Kn 2,12; Mời xem tiếp cả đoạn: 2,12-20).

Ngày 13 tháng Ba, ngành tư pháp của các bạn chơi một trò mà tôi cho là đểu cáng: Trực tiếp truyền hình màn diễn để hạ nhục không chỉ một nhân viên cao cấp hàng đầu, mà cả bè lũ Giáo hội của hắn, và cả Thiên Chúa của bọn chúng. Các bạn muốn trút hết nỗi hận thù lên đức tin Kitô giáo, một đức tin dám mách bảo bạn rằng bạn là con cái Thiên Chúa, hãy sống xứng đáng với phẩm giá ấy. Các bạn đã dứt khoát không chấp nhận quan điểm ấy, vậy mà bè lũ ấy cứ sờ sờ ra đấy khiến các bạn không sao chịu nổi.

Với quyền lực và truyền thông trong tay, các bạn muốn bôi tro trát trấu lên khuôn mặt Giáo hội thì không không khó. Tôi chỉ sợ rằng khi dập tắt nỗ lực của Đức Thánh Cha, các bạn đang vấp phải một lỗi lầm lớn hơn tất cả những lỗi lầm khác cộng lại. Các bạn xây dựng trên bất công và gian ác, kết quả sẽ không bền.

Bạn có ngờ được chăng? Chính hôm 13-3 ấy, giờ Kinh Sách của Giáo hội Công giáo khắp thế giới đang đọc về việc vua Pharao xô đẩy toàn dân Ai Cập vào đại họa: Từ hoàng thái tử tới trưởng nam của kẻ cùng đinh sẽ mất mạng trong cùng một đêm (x. Xh 10,21-11,10). [8]

Các bạn muốn gì khi chạy theo những kẻ lạm quyền của thời nay đang tự bóp nghẹt lương tâm, xóa sạch dấu vết Thiên Chúa khỏi ký ức của con cháu? Chuyện không có gì mới. Ngay từ đầu lịch sử, thần dữ đã nói với nguyên tổ rằng: “Chẳng chết chóc gì đâu! Các bạn chỉ cần dám chống lại Thiên Chúa là sẽ mở mắt ra và sẽ bằng ông ấy” (Sáng thế 3,4-5). Rồi các vị ấy đã mở mắt ra thật để thấy những hậu quả thảm khốc mình gây ra cho con cháu. Phủ nhận Thiên Chúa là Cha thì đào đâu ra tình huynh đệ? Phủ nhận Đấng Cứu Chuộc thì tìm đâu ra tự do và bình đẳng?

Các bạn muốn chống phá Giáo hội Công giáo thì chẳng có gì khó. Các bạn có thể đạt được ý muốn thật dễ dàng, Giáo hội Công giáo chẳng làm gì để trả thù các bạn, ngược lại, vẫn chỉ cầu nguyện cho các bạn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, con cháu các bạn chưa chết ngay đêm nay về thể xác đâu nhưng cái chết tâm hồn các bạn gây ra cho chúng từ hôm ấy còn đáng sợ gấp bội. Chính con cháu các bạn, sẽ quật ngược lại các bạn, và chúng sẽ đảo ngược những ước vọng của các bạn đúng 180o.

Thật buồn nếu chẳng bao lâu nữa nước Úc mất bình an do chính lớp trẻ đang bị các bạn nhẫn tâm gây chấn thương trầm trọng bằng sự dối trá và tàn nhẫn tại Melbourne.

 Tôi mong rằng lời chia sẻ hèn mọn này của tôi có thể giúp các bạn cân nhắc xem có nên chạy theo vết xe đổ của người khác chăng. Vết xe đổ ư? Tôi muốn nhắc lại ghi nhận của tác giả Phan Hân đã trích đầu bài này: “Chính sự vô thần vô thánh… đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ.”

Thật tình, tôi rất thương bạn và trân trọng bạn. Nếu bạn có suy nghĩ chút gì về những điều tôi vừa chia sẻ, thì xin đọc nốt những dòng tiếp đây.

Lời kết

Nỗi bức xúc trước thời sự của Giáo hội đã khiến câu chuyện đi quá xa. Bây giờ, tôi xin được trở về với nhau, với những người ở ngay bên tôi, người Việt. Lâu nay tôi vẫn nhìn xem cả những người bên phải và những người bên trái. Các bạn đấu đá lẫn nhau, có vẻ khác nhau lắm đấy, nhưng hình như vẫn có một điểm chung rất nguy hiểm: Cả hai bên đều chẳng muốn đếm xỉa gì đến Thiên Chúa Tạo Hóa cả. Hình như các bạn muốn tự tay mình làm lấy hết mọi sự mà quên rằng cả đôi tay, khối óc và con tim của mình đều là quà tặng của Thiên Chúa Tạo Hóa. Chính sự lãng quên này khiến cho bao nhiêu cố gắng của chúng ta bao lâu nay đều trở thành công dã tràng xe cát:

“Ví như Chúa chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công.

(Tv 127,1-2).

Để có một triết lý giáo dục đích thật, trước hết phải biết mình là ai? từ đâu đến? sống để làm gì? chết rồi đi đâu? cuối cùng mình phải chịu trách nhiệm trước mặt ai? Các bạn đã đoán ra câu trả lời tôi muốn gợi lên.

Thiên Chúa đang ban những dấu lạ rất hào phóng, cả những dấu lạ về giáo dục. Hãy kiếm một thẻ nhớ 300 buổi chia sẻ tại “Giáo điểm Tin Mừng” năm 2018 chẳng hạn. Hãy nghe và hãy đếm xem có bao nhiêu bạn trẻ hoang đàng đã quay về hiếu thảo với cha mẹ? Có bao nhiêu bạn trẻ nghiện xì ke ma túy lâu năm đã thoát khỏi ách nô lệ của chính mình?

Mọi bế tắc của chúng ta, ở bình diện cá nhân, gia đình, xã hội và giáo hội, ở các lãnh vực giáo dục, y khoa, chính trị và văn hóa… đều tìm được lối thoát khi ta chân thành đến với Lòng Chúa Thương Xót. Câu chuyện từa tựa như thế này:

Bạn mua vé số và trúng thưởng độc đắc mà không ngờ. Nhiều người nhắc bạn nhưng bạn quá bận, không có giờ kiểm tra xem có thật không. Ban Tổ chức rất quý mến bạn và thương bạn lắm. Họ rao to trên loa phóng thanh, rồi còn gửi cả email và tin nhắn điện thoại, chỉ mong bạn đến lãnh thưởng kịp thời trước khi hạn chót qua mất.

 Vâng, tôi còn có thể nói thêm: Hãy đến với tình thương vô cùng vô hạn của Thiên Chúa rồi bạn sẽ nhận ra rằng, dù là người Việt, người Úc hay người bất cứ nước nào khác, ta vẫn là người con vô cùng giá trị của Thiên Chúa là Cha hằng hữu, đang được Ngài ban ân sủng mênh mông vô tận để ngày càng cao quý thêm hơn.

Mời xem tiếp bài 10a: Ơn được thử thách.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Bảng chữ tắt:

2Cr: Thư 2 Cô-rin-tô trong Tân ước.

Đn: Sách Đa-ni-en trong Cựu ước.

Ga: Sách Gioan trong Tân ước.

Gv: Sách Giảng Viên trong Cựu ước.

Kn: Sách Khôn Ngoan trong Cựu ước.

St: Sách Sáng Thế trong Cựu ước.

Tv: Sách Thánh Vịnh trong Cựu ước.

Xh: Sách Xuất Hành trong Cựu ước.

Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.

 



[1] Mời xem: http://vietcatholic.org/News/Html/249132.htm

[2] Có thể tải bản pdf tại: https://gpquinhon.org/q/download/Tai-lieu-khac/Kinh-Nguyen-Gia-Dinh.html - hoặc: http://giaophanthanhhoa.net/kinh-nguyen/kinh-nguyen-gia-dinh-va-gia-le-cong-giao-22688.html

[3] Iain Matthew, Khi Chúa chạm đến, Những dò tìm từ Thánh Gioan Thánh Giá, bản dịch Thái Văn Hiến, chương 7.

[4] Xem toàn bài tại http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/BaiGiangCacDC/20LoiTramTinhCG.htm

[5] Xem toàn bài tại: http://vietcatholic.org/News/Home/Article/249056

[6] Mời xem Office of Readings (in the Liturgy of Hours) - February 26 tại http://www.ibreviary.com/m2/breviario.php?s=ufficio_delle_letture

[7] Việc Đức Hồng Y Pell bị tòa án Melbourne kết án đã diễn ra cách nay 2 tháng. Lúc đó, Tòa Melbourne ra lệnh cấm tường trình bất cứ chi tiết nào quanh vụ án. Nay thì quan tòa Melbourne đã “nhanh chóng” hủy bỏ lệnh cấm, để báo chí và công luận tha hồ làm rùm beng vụ “tai tiếng” mà họ cho là làm rúng động Giáo Hội Công Giáo, kịp thời khiến mọi người một là coi thường ý nghĩa của Hội Nghị “Bảo Vệ Các Vị Thành Niên Trong Giáo Hội”, hai là áp lực để Giáo Hội làm mạnh hơn nữa với mục đích lũng đoạn hoàn toàn hàng ngũ lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Xem chi tiết tại: http://vietcatholic.org/News/Html/249088.htm - http://vietcatholic.org/News/Html/249341.htm

[8] Mời xem Office of Readings - March 13 tại http://www.ibreviary.com/m2/breviario.php?s=ufficio_delle_letture


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo