CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

(Mát-thêu 3: 1-12)

 

          Trước khi nói cho chúng ta về sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su, các thánh sử đều đề cập tới sứ vụ rao giảng của ông Gio-an Tẩy giả.  Nhưng đối với thánh Mát-thêu, những lời mở đầu rao giảng của Gio-an có ý nghĩa đặc biệt vì nó giống hệt với lời mở đầu rao giảng của Chúa Giê-su:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2 và 4:17).  Thánh Mát-thêu viết như thế để hiểu ngầm rằng không thể so sánh Gioan với Chúa Giê-su được, vì Người là Đấng sẽ đến rửa nhân loại bằng lửa và Thánh Thần.  Gio-an đã tự nhận mình không đáng cởi dây giày cho Người.  Gio-an là tiếng kêu, còn Chúa Giê-su mới là người rao giảng.  Gio-an răn đe, còn Chúa Giê-su dạy dỗ và hoàn tất.  Gio-an nói đến niềm hy vọng cuộc sống mới, còn Chúa Giê-su thể hiện niềm hy vọng ấy.  Gio-an là chiếc cầu nối liền Cựu Ước với Tân Ước.  Cựu Ước không bị hủy bỏ, nhưng sát nhập với Tân Ước như dòng sông nối vào biển cả.  Cuộc chuyển tiếp này được thực hiện như một chương trình:  chương trình sám hối canh tân.

 

a)  Tại sao phải canh tân?

 

          Thánh Gio-an Tẩy giả trả lời:  “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”  Câu trả lời của Gio-an trích lại lời của ngôn sứ I-sai-a (40:3) kêu gọi người Do-thái chuẩn bị cho cuộc hồi hương từ Ba-by-lon để trở về xây dựng lại Ít-ra-en.  Dân chúng sắp được trả lại tự do, được giải phóng khỏi ách nô lệ.  Họ chuẩn bị cho cuộc xuất hành lần thứ hai sau cuộc xuất hành khỏi Ai-cập.

          Lập lại lời sấm của ngôn sứ I-sai-a nói với người xưa, thánh Gio-an Tẩy giả muốn nói với người hôm nay về một cuộc xuất hành thiêng liêng mà tất cả những ai muốn đi vào Nước Trời đều phải thực hiện.  Không phải chỉ xuất hành khỏi Ai-cập để đi vào Đất Hứa chảy sữa và mật.  Không phải chỉ xuất hành khỏi vương quốc Ba-bi-lon để trở về xây dựng lại Đền Thờ đã bị phá hủy.  Nhưng là xuất hành khỏi con người tội lỗi của ta để lột xác thành con người mới và làm con đường cho Chúa đến với ta.  Như thế, muốn được trở thành con người mới và con đường cho Chúa đến, ta phải sám hối, phải quay đầu trở lại.  Quay mặt lại để hướng về Chúa và quay lưng về phía tội lỗi để dứt bỏ nó.  Đó là một hành động nhưng gồm hai động tác cùng một lúc.  Đã quay mặt thì phải quay lưng, ta không thể “cùng một lúc làm tôi hai chủ” được.

 

b)  Phương pháp canh tân của thánh Gio-an Tẩy giả

 

          Sinh trưởng trong một gia đình khá giả và có địa vị, Gio-an không muốn an phận trong cảnh sung sướng ấy, nhưng ông đã chọn một nếp sống khổ hạnh.  Cách ăn mặc của ông không những đã nói lên điều ấy, nhưng còn diễn tả một sứ mệnh ông đang thi hành là trở thành “tiếng người hô trong hoang địa.”  Ông hô lên cho mọi người biết:  Nước Trời đã đến gần, nên hết thảy mọi người hãy sám hối.  Có thể ông chưa cảm nghiệm được thế nào là Nước Trời, nên ông không thể diễn tả cho người nghe hiểu Nước Trời là gì.  Hoặc có thể ông muốn để cho những người nghe phải tự mình khám phá ra Nước Trời và ông chỉ xin họ:  nếu các bạn muốn hiểu Nước Trời, muốn để cho Nước Trời chiếm ngự tâm hồn mình, thì trước hết phải sám hối;  sám hối là điều kiện tiên quyết để chuẩn bị đón Nước Trời.

          Nếu chỉ nói suông, có lẽ chẳng ai lưu ý.  Cần phải có hành động nào đó để giúp người ta khởi đầu cuộc sám hối.  Ông Gio-an chọn một nghi thức thật ý nghĩa:  phép rửa.  Thanh tẩy là một nghi thức quen thuộc với người Do-thái.  Nhưng người ta đã quá quen nên thường rơi vào tình trạng không để ý tới ý nghĩa của việc thanh tẩy nữa.  Thay vì là một nghi thức đã được luật quy định, để người ta cứ thế mà làm, thì giờ đây chính ông Gio-an chủ động thực hiện nghi thức cho những người đến với ông.  Kèm theo nghi thức tẩy rửa, chắc chắn ông cũng có những lời nhắn nhủ, có khi thân tình như nói với người bạn, có khi dịu dàng như người mẹ nhắn nhủ đứa con.  Tuy Mát-thêu không ghi lại những lời nhắn nhủ của Gio-an với dân chúng, nhưng căn cứ vào những lời răn đe của ông dành cho đám Pha-ri-sêu và Xa-đốc, ta có thể chắc chắn ông cũng có những lời nói riêng với dân chúng nữa.

          Sám hối và canh tân trước hết đòi hỏi ta phải khiêm nhường nhìn thẳng vào con người mình để nhận ra những gì cần phải thay đổi.  Một thí dụ cho ta thấy:  ông Gio-an đi thẳng vào một thái độ gốc rễ cần phải thay đổi của nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc.  Họ lúc nào cũng tự phụ là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham mà khinh người và sống câu nệ vào Lề Luật đến nỗi hoàn toàn mất đi động lực đích thực là giữ luật vì lòng yêu mến.  Cho nên ông Gio-an nói thẳng nói thật:  “Tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.”

          Tiếp đến, sám hối phải được thực hiện một cách hữu hiệu.  Nói khác đi sám hối phải nảy sinh hoa trái.  Hoa trái ấy là những thay đổi trong lối sống, là sắp đặt lại cuộc sống cho đúng với những giá trị ưu tiên, là thay đổi não trạng, là sẵn sàng và mở lòng để Chúa Giê-su đến và Ki-tô hóa cuộc sống của ta.

          Sám hối còn là một tiến trình.  Trong tiến trình ấy, vai trò của ông Gio-an chỉ là chuẩn bị.  Ông khẳng định:  “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối.”  Còn giai đoạn chính là công việc của Chúa Giê-su, “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.”  Do đó, nếu ta cứ tiếp tục để cho Chúa Giê-su là  Nước Trời đi vào tâm hồn ta, thì Nước Trời đã thể hiện trong ta ngay khi ta đang sống trên đời này rồi.

 

c) Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là kiểu nói của người Do-thái để ám chỉ chính Thiên Chúa.  Hiểu như thế, tôi có thực sự ý thức Nước Trời đang ở trong tôi không?  Ý thức ấy giúp tôi sống thế nào cho đúng nghĩa?

          Tôi tưởng tượng mình đến với ông Gio-an trong mùa Vọng này.  Vậy ông Gio-an sẽ nhắn nhủ tôi điều gì?  Tôi có một vài cách nào thực tế để sống theo lời khuyên của ông Gio-an?

          Tôi có rơi vào tình trạng tự mãn của người Pha-ri-sêu không?  Nếu có thì trong những lãnh vực nào?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          sám hối không phải là điều dễ dàng,

          bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

          để nhận mình lầm lỗi.

          Chúng con ngỡ ngàng

          khi thấy Chúa là Đấng vô tội

          mà lại đứng chung với các tội nhân,

          chờ Gio-an ban phép rửa.

          Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

          với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

          Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

          lối nghĩ và lối sống của mình,

          tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

          thành thật để khỏi tự dối mình.

          Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

          dám đi đến những hành động cụ thể,

          và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

          Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

          niềm vui của Gia-kêu,

          hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 89)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà