CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Gio-an 20: 1-9)

         

          Phục Sinh là khởi đầu cho cuộc Tạo dựng mới.  Để giúp ta suy niệm ý nghĩa của biến cố vĩ đại này, Phụng vụ Lời Chúa thay đổi một chút về cách sắp xếp các bài đọc.  Thay vì trích dẫn Cựu Ước như thường lệ, bài đọc I đã được thay thế bằng một đoạn trích sách Công vụ Tông Đồ, kể lại việc làm chứng cho Chúa Phục Sinh hoặc những bài giảng của các Tông Đồ về sự Phục Sinh.  Bài đọc II trích các thánh thư và đặc biệt là thư I của thánh Phê-rô mời gọi ta sống trọn vẹn ơn gọi làm Ki-tô hữu.  Các bài Tin Mừng của thánh Gio-an muốn nói lên mối quan hệ mật thiết giữa ta với Chúa Ki-tô Phục Sinh, khi kể lại những lần Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ.  Nói tóm lại, các bài đọc giúp chúng ta hướng về một cuộc sống mới, khởi đầu bằng chính sự sống lại của Chúa Giê-su.  Với cái nhìn tổng quát như vậy, ta dễ dàng thấy được ý nghĩa của Phục Sinh, biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử cứu rỗi.

 

a)  “Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết”

 

          Được bà Ma-ri-a Mác-đa-la đưa tin về ngôi mộ trống, ông Phê-rô và người môn đệ được Chúa yêu mến vội vã đi đến nơi để coi thực hư thế nào.  Đứng trước ngôi mộ trống, mỗi người phản ứng một cách.  Bà Ma-ri-a  thì hoảng hốt lo lắng cho thi thể của Chúa Giê-su;  người môn đệ Chúa yêu mến thì quan sát và suy tư;  còn ông Phê-rô thì “đi vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải ở đó.”  Trong số những người ấy, người môn đệ Chúa yêu mến có lẽ là đặc biệt nhất.  Ông không chỉ “thấy” mà thôi, nhưng ông còn đi xa hơn nữa, tức là:  “Ông đã thấy và đã tin.”  Từ niềm tin ấy, ông khám phá ra một chân lý vô cùng quan trọng và là chìa khóa mở ra một chân trời mới hay một cuộc tạo dựng mới.  Chân lý đó là:  Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết.

          Khẳng định chân lý trên thật rõ ràng và chắc chắn.  Nó nói lên mức độ cần thiết tuyệt đối của sự Phục Sinh.  Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết.  Có nghĩa là sự sống lại của Chúa Giê-su bắt buộc phải xảy ra, không có không được!  Tại sao cần thiết như thế?  Bởi vì sự Phục Sinh kết thúc sứ mệnh của Chúa Giê-su trên trần gian, đồng thời là khởi đầu cho toàn thể nhân loại bước vào một thời đại mới, thời đại sống trong Thần Khí của Chúa Ki-tô.  Với cái nhìn của một thần học gia, thánh Phao-lô đã phát biểu về sự cần thiết tuyệt đối của Phục Sinh bằng những lời vô cùng mạnh mẽ:  “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói:  không có chuyện kẻ chết sống lại?  Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không chỗi dậy.  Mà nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng rống rỗng” (1 Cr 15:12-14).

          Kinh Thánh là mặc khải của Thiên Chúa Cha về kế hoạch cứu rỗi nhằm mục đích giúp con người đạt được sự sống đời đời.  Kế hoạch ấy chỉ được thực hiện hoàn toàn khi Chúa Ki-tô sống lại để làm nguyên lý cho sự sống lại của nhân loại.  Nói khác đi, Phục Sinh là đích tới duy nhất của kế hoạch cứu rỗi, không thể có một đáp số nào khác.  Khi còn sống ở trần gian, Chúa Giê-su đã “theo Kinh Thánh” mà thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chấp nhận cuộc Thương khó và cái chết.  Người không theo kế hoạch của loài người, nhưng luôn luôn làm theo ý Chúa Cha (Mt 26:39-42).  Thánh Phao-lô cho chúng ta một suy niệm rất cảm động về việc Chúa Giê-su đã sống “theo Kinh Thánh” qua đoạn thư gửi tín hữu Phi-líp-phê 2:6-9 mà Phụng vụ Lời Chúa lập đi lập lại trong ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh.  Giáo Hội lập đi lập lại như thế để khẳng định rằng:  chính vì đã hạ mình, vâng lời Thiên Chúa và vui lòng chết cho nhân loại, nên “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”  Thực vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Ki-tô bằng cách cho Ngài được sống lại từ kẻ chết và lên ngự bên hữu Thiên Chúa.

 

b)  Theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, tôi cũng phải chỗi dậy từ cõi chết

 

          Ở cuối đoạn thuật, thánh sử Gio-an viết:  “Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.”  Nghĩa là các ngài lại trở về với cuộc sống bình thường, nhưng không có nghĩa là vẫn sống với lối suy nghĩ và cư xử y như trước kia.  Các ngài “đã thấy và đã tin.”  Đức tin đã biến đổi cuộc sống của họ rồi.  Họ bắt đầu một cuộc sống mới, sống trong Thần Khí của Chúa Giê-su.

          Điều này giúp ta nhìn vào cuộc sống Ki-tô hữu của mình để dễ nhận ra sự sinh động của sự sống mới.  Trước đây ta sống trong thần khí của tội lỗi, tức là thần khí của sự chết.  Bây giờ được làm con cái Chúa qua Bí tích Rửa tội, ta sống trong Thần Khí của Chúa Ki-tô, tức là thần khí của sự sống.  Qua kinh nghiệm sự sống thể xác, có lẽ ta phần nào cảm nhận được thế nào là sống trong một sinh thái trong sạch và thế nào là sống trong một sinh thái ô nhiễm.  Sống bên cạnh những ống khói nhà máy ngày đêm nhả hơi độc, ta thấy nguy hiểm nên vội vàng dọn đi nơi khác ngay.  Dọn đi như thế, ta đang âm thầm làm một cuộc sống lại!  Cũng vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, ta được sống trong sự sống mới của Chúa Giê-su, một “sinh thái” sẽ đưa ta đến sự sống đời đời.  Nhưng “sinh thái tội lỗi” vẫn là một đe dọa không ngừng và có khi đã chặn đứng mối quan hệ giữa ta với Chúa.  Đó là lúc ta cần phải chỗi dậy từ cõi chết, phải trở về nhà Cha để được phục hồi quyền làm con.  Chết đi và sống lại cứ diễn đi diễn lại trong hành trình đức tin của ta.  Mỗi lần sống lại, sự sống thiêng liêng của ta phong phú hơn, chứa đựng nhiều sự sống của Chúa Giê-su hơn và biến đổi con người của ta nên giống với Người hơn.  Đến lúc nào đó, khi ta đạt tới tầm vóc sung mãn trong Chúa Ki-tô, đó là lúc ta được cứu rỗi và chỉ còn chờ ngày cả thân xác ta cũng được sống lại để được chia sẻ vinh phúc với Người.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Thánh Phao-lô khẳng định:  Nếu Chúa Ki-tô không sống lại thì đức tin của ta chẳng có nghĩa gì.  Hay nói khác đi, khi tôi thực sự sống đức tin là tôi làm cho sự Phục Sinh của Chúa càng có ý nghĩa hơn.  Vậy tôi đã làm cho sự Phục Sinh trở nên ý nghĩa hay trở nên vô nghĩa?

          Ngôi mộ trống và khăn liệm không phải là bằng chứng cho sự Phục Sinh, nhưng là dấu chỉ.  Vậy trong cuộc sống hằng ngày của tôi, đâu là những ngôi mộ trống và khăn liệm để nói cho người khác biết Chúa Ki-tô đã sống lại?

          Nói đến Phục Sinh là nói đến một sự sống mới, sống trong Thần Khí Chúa Ki-tô.  Tôi sẽ lắng nghe Lời Chúa trong mùa Phục Sinh như thế nào để tìm thấy được những điểm chính của đời sống trong Thánh Thần?  Tôi sẽ làm gì để thực hiện cuộc sống mới ấy?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,

          xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày

          để được sống dồi dào hơn.

          Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

          nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

          cũng như mọi đau khổ của thập giá,

          xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

          chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

          thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

          và trở nên giống Chúa hơn.

          Xin dạy chúng con biết rằng

          chúng con không thể nên hoàn thiện

          nếu như không biết từ bỏ chính mình

          và những ước muốn ích kỷ.

          Ước chi từ nay,

          không gì có thể làm cho chúng con

          khổ đau và khóc lóc

          chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

          Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,

          là hy vọng hạnh phúc bất diệt,

          là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;

          xin lấy niềm vui của Người

          mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

          và trở thành mối dây yêu thương,

          bình an và hiệp nhất giữa chúng con.  A-men.”

-          Mẹ Têrêxa Calcutta

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 84)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 25-3-2005

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà