CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

(Gio-an 10: 1-10)

 

          Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, hình ảnh Chúa Giê-su là vị Mục Tử Nhân lành là hình ảnh nổi bật nhất.  Ta có thể gặp thấy hình ảnh này ngay cả trong hang Toại đạo khi cuộc bách hại khốc liệt xảy ra tại Rô-ma.  Còn gì an ủi và khích lệ cho bằng khi trông lên hình vẽ Chúa Giê-su đang vác một con chiên trên vai hoặc Người đang đi giữa một đàn chiên nhởn nhơ trong đồng cỏ.  Hình ảnh ấy thật là ý nghĩa: với những ai đang giữ vững đức tin thì vị Mục Tử ấy khích lệ và tìm cách làm cho đức tin họ được vững vàng hơn nữa;  với những ai vì yếu đuối nên đang lạc đàn thì vị Mục Tử sẽ đi tìm rồi vác họ lên vai đem về;  với những ai đang đau khổ thì vị Mục Tử sẽ vỗ về...  Như thế ta hiểu được tại sao Giáo Hội sơ khai lại thích hình ảnh Đấng Chăn chiên lành hơn tất cả những hình ảnh khác.  Giáo Hội giữ chủ đề Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân lành cho tất cả chu kỳ năm A, B và C là muốn nói lên vai trò quan trọng nhất của Chúa Giê-su Phục Sinh:  là Mục Tử Nhân lành, Chúa Giê-su đưa đoàn chiên là nhân loại mới mà Người cứu chuộc tiến về quê hương vĩnh cửu.

 

a)  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”

 

          Để diễn tả khao khát muốn tỏ lòng thương cảm và chăm sóc đối với nhân loại, Chúa Giê-su đã dùng tỉ dụ người chăn chiên, mặc dù hình ảnh này không được dân chúng cho là tốt đẹp.  Đối với xã hội thời ấy, những người chăn chiên không được tôn trọng, vì họ thường để mặc cho đoàn vật của mình gặm cỏ trên đất người khác, và nhất là vì họ quanh năm sống ngoài đồng nên thường nhơ bẩn, không giữ luật thanh tẩy của Do-thái.  Vậy mà Chúa Giê-su lại áp dụng hình ảnh ấy cho mình:  Người kể ra những việc làm của người chăn chiên chăm sóc cho đàn chiên mình:  vào chuồng chiên, gọi tên từng con chiên và chiên nhận biết anh, đi trước đàn chiên.

          Qua những việc làm chăm sóc ấy, Chúa Giê-su muốn diễn tả tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa được thể hiện nơi Người là Mục Tử Nhân lành.  Quan hệ sống động giữa chiên và vị Mục Tử được nói lên qua việc nhận biết tiếng của nhau.  Như ta đã nhiều lần gặp, từ “biết” trong Kinh Thánh không chỉ là hành động của tri thức, nhưng của tình cảm và trái tim.  Quan hệ sống động là phương thức truyền thông tình yêu giữa hai cuộc sống.  Mà tình yêu thì nảy sinh sự sống, như thánh Gio-an Tông đồ đã nhiều lần nói đến trong thư của ngài.  Cho nên “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra...”  Ta có được hiện diện trên vũ trụ và được sự sống, đó là do tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa.  Tiếp đến, tổ tông loài người làm mất đi sự sống thì Thiên Chúa vì yêu thương lại tìm cách phục hồi sự sống cho họ.  Hễ nói đến sự sống là phải nói tới tình yêu.  Sự sống mà không có tình yêu thì đúng là “người chết đang bước đi.”  Thiên Chúa chỉ muốn ta được sống.  Cho nên qua miệng Chúa Giê-su, Thiên Chúa nói với ta:  “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

          Mặc dù Chúa Giê-su đã dùng tỉ dụ mục tử để nói lên tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa, “nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.”  Do đó Chúa Giê-su dùng một tỉ dụ khác để giải thích tỉ dụ thứ nhất.  Người ví mình là cửa chuồng chiên.  Cửa nhà của ta cũng quan trọng cho sự sinh tồn của ta, thì cửa chồng chiên lại càng quan trọng đối với bầy chiên.  Chuồng chiên chỉ có một lối mở để chiên ra vào.  Ban ngày chiên ra và theo mục tử tới đồng cỏ.  Ban đêm chiên theo mục tử về và qua cửa mà vào chuồng để tránh thú dữ rình rập.  Qua hình ảnh này, ta nhận ra tầm quan trọng của cái cửa chuồng chiên và đồng thời cũng nhận ra vai trò của Chúa Giê-su.  Thiên Chúa Cha thường được Thánh Vịnh và ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả như vị Mục tử (Tv 23).  Dân mới của Thiên  Chúa phải qua Chúa Ki-tô để đến với vị Mục tử của họ.  Vậy Chúa Giê-su là con đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha, để ta tiếp tục được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời.

 

b)  “Chúng sẽ không theo người lạ, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”

 

          Khẳng định như trên, Chúa Giê-su ám chỉ những người không muốn gia nhập đoàn chiên của Người.  Để hiểu hoàn cảnh đáng buồn này, có lẽ ta cần trở lại với điều thánh Gio-an viết:  “Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.”  Có thể là họ hiểu, nhưng họ không muốn hiểu.  Thánh Gio-an chứng minh là họ không muốn hiểu bằng câu truyện Chúa chữa anh mù từ lúc mới sinh.  Với phép lạ này, ta thấy một điều mỉa mai là người mù lại sáng con mắt thiêng liêng để nhận ra Chúa Giê-su là ai, trong khi những người sáng mắt như những người Pha-ri-sêu và kinh sư thì lại cứ muốn ở trong sự mù lòa thiêng liêng của mình mà chối từ Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người.  Họ đúng là những “kẻ trộm” muốn ăn cắp chiên trong đàn chiên của Chúa Giê-su.  Hoặc họ là những kẻ lạ đối với đàn chiên của Chúa.  Họ đưa đàn chiên của họ đi theo lề luật và trăm ngàn điều cấm đoán.  Họ đâu muốn sẵn sàng chết cho đàn chiên, trái lại là những kẻ làm ra vẻ đạo đức đấy, nhưng lại “nuốt cả gia tài bà góa.”  Lối chăn chiên của họ là làm sao củng cố địa vị.

          Chúa Giê-su đã can đảm chống lại những rình rập của họ để bảo vệ cho đàn chiên của Người.  Người cảnh giác con chiên của Người trước những tiếng người lạ.  Những tiếng ấy là tiền bạc, quyền lực, thù oán, những giá trị được thế gian đề cao.  Có rất nhiều kẻ chăn chiên giả hiệu đang hô hào chống lại những giáo lý của Chúa và của Giáo Hội. 

          Nói lên đặc tính của đàn chiên Người là không theo người lạ, rõ ràng là cách Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự quyến luyến giữa đàn chiên với Người.  Nhưng có thể nghe được tiếng Chúa ở đâu?  Tiếng của Chúa Giê-su được nói qua Giáo Hội, trong Phụng vụ, mục vụ, các bí tích và trong kinh nguyện.  Tiếng của Chúa Giê-su ở trong lương tâm ta, trong những nhu cầu của anh chị em, trong những ai nói cho ta biết chân lý.  Tiếng của Chúa Giê-su gặp được trong tình yêu biết cho đi và biết lãnh nhận...  Hễ theo Chúa là thế nào ta cũng nhận ra được tiếng của Người, khác hẳn với tiếng của người lạ hoặc những kẻ thù của Chúa Giê-su.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có nhận ra tình yêu và ý tốt của vị Mục Tử Nhân lành là luôn luôn lo lắng cho sự sống của tôi không?  Hay tôi vẫn chưa nhận ra tại sao vị Mục Tử Nhân lành đã chết trên thập giá cho tôi?  Làm sao tôi có thể nhận ra được lòng yêu thương ấy?

          Cũng như chiên ra vào qua cửa để được sống và được bình an.  Tôi đã đến với Chúa Giê-su để được sống và bình an bằng những cách nào?

          Tôi có nhìn thấy tương lai của tôi là sự sống và sống đời đời trong Chúa Giê-su Phục Sinh không?  Tôi có để cho Người dẫn tôi trong sự sống ấy hay tôi đang đi tới sự chết?  Nếu lạc đàn, tôi làm sao quay về hoặc kêu cứu vị Mục Tử Nhân lành?

 

Câu nguyện:

 

          “Chúa là mục tử chăn dắt tôi,

          tôi chẳng thiếu thốn gì.

          Trong đồng cỏ xanh tươi,

          Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

          và bổ sức cho tôi.

          Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính

          vì danh dự của Người.

          Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

          con sợ gì nguy khốn,

vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ,

con vững dạ an tâm.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc

ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên.”

                             - Thánh Vịnh 23

  

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà