CHÚA NHẬT 2 QUANH NĂM

(Gio-an 1: 29-34)

 

          Chúa Giê-su đến lãnh nhận phép rửa của Gio-an và đó là cơ hội để Thiên Chúa Cha chính thức giới thiệu Con Một Người với nhân loại.  Mặc dù mùa Thường niên Phụng vụ năm A sử dụng Tin Mừng Mát-thêu, nhưng Chúa Nhật này Giáo Hội lại mượn đoạn Tin Mừng Gio-an để bổ túc thêm cho việc giới thiệu Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế, tức lời giới thiệu của Gio-an Tẩy giả.  Trong biến cố Chúa Giê-su nhận phép rửa của Gio-an, lời giới thiệu của Chúa Cha là:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17).  Còn ông Gio-an thì giới thiệu Người:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).  Mỗi lời giới thiệu mang một tâm tình đặc biệt và nhìn sứ vụ của Chúa Giê-su theo một góc độ riêng:  như người Cha đầy tin tưởng Con mình sẽ hoàn tất sứ vụ được trao phó trong sự vâng phục tuyệt đối, hoặc như con người vui mừng nhận ra Đấng Cứu Độ đến với họ sau bao nhiêu mong chờ.  Tâm tình của Gio-an cũng là tâm tình Giáo Hội hôm nay mời gọi ta phải có để ta tiếp nhận Chúa Giê-su và lắng nghe Tin Mừng của Người.

 

a)  “Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình”

 

          Mỗi ngày có hằng trăm người tới gặp ông Gio-an tại dòng sông Gio-đan.  Họ đến với ông như những người cần đến ông và lời khuyến dụ của ông.  Nhưng ông không “thấy” ai cả, nói khác đi, ông chưa gặp được Đấng là đối tượng của sứ vụ ông đã thi hành từ bấy lâu nay.  Ông vẫn mong đợi Người đến để có cơ hội giới thiệu Người với dân chúng đến với ông và cùng ông sống niềm mong chờ.

          Thánh sử Gio-an đã khéo léo cho ta những mốc thời gian để ta dễ dàng hiểu được ý nghĩa của biến cố. Ngài viết:  “Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình”.  Vậy hôm trước ông đã làm gì hoặc truyện gì đã xảy ra?  Truyện xảy ra hôm trước là khi trả lời những người được giáo quyền ở Giê-ru-sa-lem cử xuống để hỏi cho rõ lý lịch của mình, ông Gio-an đã thẳng thắn trả lời họ:  ông không phải là Đấng Ki-tô, ông Ê-li-a, hay một vị ngôn sứ, nhưng ông chỉ là tiếng hô trong hoang địa.  Hoang địa thanh vắng nên ai ai cũng có thể nghe thấy tiếng hô.  Lời hô độc nhất của ông là:  hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.  Ông biết Đức Chúa đang đi, đang tiến về phía ông và mọi người.  Cao điểm sứ vụ của ông chính là lúc này, lúc Chúa Giê-su từ xa tiến về phía ông.  Ông đã hô hào người ta hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, thì quả thực hôm nay Đức Chúa tới và Người muốn đi vào tâm hồn mỗi người.  Ông Gio-an lợi dụng những giây phút cuối cùng này để giúp người ta chuẩn bị tiếp nhận Đức Chúa bằng cách giới thiệu cho người ta biết Đức Chúa là Đấng nào.  Ông giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng cho dân chúng biết về Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian.”  Nhưng làm sao ông biết được Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian?

 

b)  “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu tự trời xuống và ngự trên Người”

 

          Chính Thiên Chúa Cha đã ban cho ông Gio-an một dấu chỉ để ông nhận ra Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.  Dấu chỉ ấy là Thần Khí ngự trên Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su là Đấng “làm phép rửa trong Thánh Thần.”  Phép rửa của ông Gio-an không xóa bỏ được tội lỗi, mà chỉ giúp cho tội nhân ý thức mình cần được cứu thoát khỏi tội lỗi.  Chỉ có “phép rửa trong Thánh Thần” mới có khả năng xóa bỏ tội lỗi ta, vì phép rửa ấy tuôn đổ xuống trên ta Thánh Thần là dòng nước đem lại sự sống, nhờ đó ta được tái sinh và sống đời sống mới với Chúa Giê-su.  Sau này, thánh sử Gio-an ghi lại lời khẳng định Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô:  “Thật, tôi bảo thật ông:  không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3:5).

          Lời chứng Gio-an nhìn thấy Thánh Thần ngự trên Chúa Giê-su cũng nói lên một khía cạnh khác về sứ mệnh của Người.  Đó là phong cách Chúa Giê-su sẽ thi hành sứ vụ.  Để làm Chúa Cha hài lòng, Người sẽ sống và hành động hoàn toàn dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, tức là lúc nào cũng sống và hành động theo tinh thần của Thiên Chúa.  Trong sự hướng dẫn của Thánh Thần, Chúa Giê-su sẽ làm đẹp lòng Chúa Cha trong mọi sự, cho dù phải đóng vai trò Chiên Thiên Chúa, chịu sát tế để xóa bỏ tội lỗi nhân loại.

 

c)  “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”

 

          “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20:8).  Những điều ta thấy phải đưa ta đi xa hơn, nghĩa là tới niềm tin.  Nhìn thấy băng vải và khăn che mặt Chúa trong mộ, người môn đệ yêu dấu của Chúa Giê-su đã tin Người sống lại.  Cũng thế, nhìn thấy Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giê-su, ông Gio-an Tẩy giả đã tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ.  Trong Tin Mừng Gio-an, đức tin luôn luôn là điều Chúa Giê-su đòi hỏi người ta phải có.  Tiếp đến, đức tin đưa người ta tới việc làm chứng cho Người.  Đó chính là điều ông Gio-an Tẩy giả đã làm.  Hôm nay, ông hăng say chỉ cho người ta biết Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.  Rồi ông vẫn tiếp tục rao giảng về sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện nơi con người Chúa Giê-su và kêu gọi người ta sám hối, thay lòng đổi dạ để tiếp nhận Tin Mừng.  Lời giảng ngay thẳng của ông khiến nhiều người mất lòng nên họ tìm cách bắt bớ và bách hại ông.  Ông đã hùng hồn làm chứng cho sự công chính, bằng cái chết thảm khốc của ông dưới tay vua Hê-rô-đê.

          Như thế, ông Gio-an Tẩy giả quả thực đã cho chúng ta một mẫu sống:  Ki-tô hữu phải là người thấy, tin và làm chứng rằng Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Trong cuộc sống Ki-tô hữu, tôi phải luôn sử dụng con mắt đức tin để nhận ra Chúa Giê-su đang tiến về phía tôi để gặp gỡ tôi.  Vậy Chúa đến với tôi qua những ai và những gì?  Tôi đã làm gì để tiếp đón Người?

          Chúa Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế dưới sự hướng dẫn và ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần.  Có phải đó cũng là lối sống Ki-tô tôi phải noi theo không?  Tôi đã sống theo tinh thần con cái Chúa như thế nào?  Hay tôi vẫn để cho tinh thần thế gian lèo lái?

          Có khi nào tôi chỉ cho người khác biết Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian không?  Tôi chỉ bằng cách nào?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha,

          Cha muốn cho mọi người được cứu độ

          và nhận biết chân lý,

          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.

          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

          chưa nhận biết Đức Giê-su,

          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

          khát vọng truyền giáo,

          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.

          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

          để loan báo Tin Mừng.

          Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên,

          giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngai,

          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

          Chúng con cũng cầu nguyện

          cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

          Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái.  A-men.”

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà