CHÚA NHẬT 24 QUANH NĂM

(Mát-thêu 18: 21-35)

           

          Đời sống cộng đoàn luôn có những vấn đề.  Những va chạm, đụng độ thường gây nên chia rẽ nhiều khi tới mức độ trầm trọng.  Giáo Hội tuy thánh thiện, nhưng vẫn là một tổ chức gồm những thành phần bất toàn cố gắng đáp lại lời gọi nên thánh.  Mọi phần tử nhìn lên Chúa Giê-su như gương mẫu để thay đổi cuộc sống mình.  Nếu việc sửa lỗi anh em là việc làm tích cực và cần thiết để xây dựng cộng đoàn Ki-tô cũng như đức ái là nền móng cho việc sửa lỗi, thì việc tha thứ cho nhau cũng quan trọng không kém.  Có lẽ nhận định tầm quan trọng của việc tha thứ cho nhau, thánh sử Mát-thêu đã đặt lời dạy của Chúa Giê-su về sự tha thứ vào một khung cảnh có bố cục chặt chẽ:  ông Phê-rô đặt vấn đề;  Chúa Giê-su trả lời với chỉ thị và một dụ ngôn để làm sáng tỏ vấn đề;  cuối cùng là kết luận thực hành.

 

a)  Giáo Hội và việc tha thứ

 

          Khi ông Phê-rô đến với Chúa và đặt câu hỏi về vấn đề tha thứ, thì không phải ông chỉ đến với tính cách cá nhân, nhưng là thay mặt cho anh em Tông đồ và cho toàn thể Giáo Hội.  Vấn đề được nêu lên cũng rất rõ ràng, đó là “nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?”  Nói khác đi, chúng ta là người bị người khác xúc phạm, vậy chúng ta phải tha thứ cho họ bao nhiêu lần.  Như thế, khi Chúa Giê-su trả lời cho ông Phê-rô về giới hạn của tha thứ là Người trả lời cho mọi thành phần thuộc Giáo Hội của Người, để theo cùng một mẫu mực mà thực hành trong cuộc sống.

          Đặt câu hỏi về tha thứ bao nhiêu lần, ông Phê-rô đã lấy lòng quảng đại của ông để làm thước đo, tức là bảy lần.  Các ráp-bi thời xưa đưa ra con số ba lần.  Như vậy là ông Phê-rô còn rộng rãi hơn cả các ráp-bi nữa.  Có lẽ sau một thời gian cùng đi với Chúa, ông Phê-rô đã được chứng kiến lòng quảng đại tha thứ của Chúa Giê-su và đã học được một phần nào nơi Chúa nên ông tiến xa hơn các ráp-bi quá gấp đôi.  Nhưng đó có phải là giới hạn tha thứ mà Chúa Giê-su chấp nhận không?  Câu trả lời của Chúa cho Phê-rô quả thực bất ngờ.  “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.  Dĩ nhiên, ta phải hiểu cách nói của Chúa.  Người không muốn lòng tha thứ bị giới hạn và lệ thuộc vào những con số.  Bảy mươi lần bảy chỉ có nghĩa là vô hạn.

          Giáo Hội của Chúa Giê-su phải vượt trên khuôn mẫu giáo hội Do-thái giáo trong Cựu Ước, phải thay thế những bất toàn để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.  Vậy nếu chỉ tha thứ ba lần, bảy lần hay hơn nữa thì vẫn còn là bị giới hạn.  Lòng tha thứ của ta phải giống như lòng tha thứ của Thiên Chúa, nghĩa là vô hạn.

 

b)  Lòng thương xót và rộng lòng thứ tha của Thiên Chúa

 

          Tại sao Chúa Giê-su nói thêm một dụ ngôn sau khi chỉ thị cho Phê-rô và mọi Ki-tô hữu phải tha thứ không giới hạn?  Dụ ngôn nói về một tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót.  Tuy nhiên ta cũng có thể hiểu dụ ngôn gián tiếp nói đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

          Có lẽ sau lúc Chúa Giê-su nói với ông Phê-rô:  “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, ông Phê-rô và các bạn đã vô cùng ngạc nhiên hỏi Chúa:  Tại sao lại nhiều lần như thế?  Tại sao lại phải tha thứ không giới hạn như vậy?  Để trả lời tại sao, Chúa đã dùng một câu truyện để cho họ thấy hai thái độ khác biệt giữa con người và Thiên Chúa:  Thiên Chúa nhân từ quảng đại và sẵn sàng tha thứ cho ta, còn ta thì chẳng sẵn sàng tha thứ cho anh chị em.  Món nợ tên đầy tớ không biết thương xót mắc nợ ông vua là một biểu tượng nói lên mức độ xúc phạm của ta đối với Thiên Chúa.  Cho dù ta có làm mọi sự với tất cả những gì ta có cũng không đủ để đền bù xúc phạm ấy.  Vậy mà Thiên Chúa sẵn sàng tha nợ cho ta.  Cho nên lòng thương xót bao la và rộng lòng thứ tha của Thiên Chúa đã trở nên lý do chính để ta phải tha thứ cho anh chị em không giới hạn.  Nếu ta chỉ tha thứ vì anh chị em xin lỗi ta, hoặc vì ta muốn tỏ ra cao thượng và nhân đức, thì đó chỉ là những lý do phụ thuộc mà thôi và sự tha thứ ấy sẽ bị giới hạn.  Nhưng Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy bắt chước Cha Người, lấy lòng nhân từ thương xót mà tha thứ cho anh chị em.

 

c)  Tha thứ trong đời sống Ki-tô hữu

 

          Chương 18 Tin Mừng Mát-thêu là cả một bài giảng về Giáo Hội, nêu lên những quy luật liên hệ tới đời sống cộng đoàn.  Giữa những quy luật ấy, việc tha thứ cho nhau được đặt sau hết.  Sau hết, nhưng lại khó hơn hết và quan trong không kém những điều khác.  Thực vậy, sự tha thứ là điều khó thực hiện nhất vì nó trái với bản chất của con người đã bị tội tổ tông làm suy đồi.  Lý lẽ “mắt đền mắt, răng thế răng” đã trở thành quy luật thường tình và sự công bằng được đặt làm nền móng cho quy luật ấy.  Giờ đây, Chúa Ki-tô đến để kiện toàn Lề Luật, thay đổi lý lẽ thường tình ấy bằng quy luật yêu thương.  Tha thứ không phải là hoa trái của công bằng, nhưng là hoa trái của yêu thương.  Lòng thương xót và tha thứ mà Chúa đối xử với ta đã trở nên lý do và nền tảng để ta phải sẵn sàng tha thứ cho anh chị em.  Tình yêu đích thực bao giờ cũng giữ vai trò tích cực, nghĩa là đi trước, đến với kẻ xúc phạm, chứ không ngồi chờ kẻ xúc phạm đến với ta.  Tình yêu đích thực cũng không đặt điều kiện này nọ để mà tha thứ.  Đó là lối đối xử của Thiên Chúa khi Người sai Con Một xuống trần gian để tỏ ra cho con người biết lòng thương xót và thứ tha của Người.  Người đã dùng cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su để xóa tội loài người.

          Suy nghĩ thì có vẻ dễ dàng và quá quen thuộc rồi.  Nhưng đem thực hành trong cuộc sống lại là chuyện khác.  Ta thắc mắt tại sao khó như vậy.  Nói đi nói lại, chẳng qua tại vì ta chưa yêu mến Chúa Giê-su đủ để kết hiệp và yêu mến Người.  Càng yêu mến, ta càng dễ bắt chước người mình yêu.

          Tập tha thứ là công việc ta phải làm hằng ngày.  Đừng lo không có dịp tập tha thứ!  Chỉ sợ bài tập nhiều quá thôi!  Ta tập tha thứ trong những điều nhỏ trước:  một lời nói thiếu tế nhị, một cử chỉ vô ý...  Đôi khi ta phải đối phó với những xúc phạm lớn hơn:  một lời nói xấu, chửi mắng, làm mất thể diện của ta...  Từ việc nhỏ đến việc lớn, ta cứ lấy thước đo của lòng thương xót Chúa dành cho ta để đo lường những xúc phạm của anh chị em làm cho ta, ta sẽ thấy chẳng thấm tháp gì.  Nhưng tha thứ mà không cầu nguyện, ta sẽ khó quên được xúc phạm của anh chị em.  Khi ấy, quy luật “tha mà không quên” sẽ ngự trị trong tim ta và bảo ta rằng như thế là đúng!  Ta đọc trong lời kinh:  Nếu Chúa chấp tội, nhớ tội ta phạm, nào ai sống nổi!”  Vậy thì ta cũng đừng nhớ và phải quên đi lỗi lầm của anh chị em, để anh chị em ta sống chứ.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tha thứ là một kinh nghiệm sâu xa.  Trong đời, đã có lần nào tôi tha thứ cho người khác xúc phạm đến tôi thật nặng nề chưa?  Tôi cảm nghiệm được những gì sau khi hoàn toàn tha thứ?

          Trong gia đình tôi, trong cộng đoàn tôi, còn có ai tôi phải tha thứ hết lòng không?  Tôi sẽ làm gì để bắt đầu cho công việc khó khăn này?

          “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết những gì họ làm!”  Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su dạy tôi điều gì?  Làm thế nào sống lời nguyện này?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          có những ngày

          đón nhận những người khác

          là điều vượt quá sức con,

          vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          có những ngày

          con không thể nào kính trong kẻ khác được,

          vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

          có những ngày

          mà yêu mến người khác

          làm cho tim con đau nhói,

          vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

          và những giới hạn của bản thân con.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

          trong những ngày khó khăn đó,

          xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

          tất cả chúng con đều là con cái Chúa

          và đừng để con quên lời Chúa noi:

          “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

          là làm cho chính Ta.”    - Trích trong PRIER

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

10-9-2005

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà