CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 22, 1-14

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI

 

Chúa Giêsu trong cuộc sống loan báo Nước Thiên Chúa Cha đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả Nước Trời. Nước Thiên Chúa giống như tiệc cưới, viên ngọc quí, thủa vườn vv và vv…Nước Trời là Đức Kitô, là chính Thiên Chúa. Chúa nhật này, phụng vụ xoay quanh chủ đề tiệc cưới.

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI: Đoạn Tin mừng của thánh Matthêu 22, 1-22 làm nổi bật ý nghĩa sự hân hoan, vui mừng của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã dùng bữa tiệc để rao giảng Tin mừng của Người. Nước Trời giống như một tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để nói lên niềm vui của Nước Trời, Chúa dùng hình ảnh này nhiều nhất để diễn tả Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu mặc cho tiệc cưới một ý nghĩa đặc biệt. Chúa đã biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana khi gia đình nhà đám đã hết rượu va khi cuộc vui chưa tàn. Chúa dự tiệc với Lêvi, với Giakêu và dự tiệc với nhiều người thu thuế. Những người tội lỗi, những người thấp cổ bé họng, Chúa đều đồng bàn với họ và chia sẻ niềm vui với họ. Chúa đồng bàn với người tội lỗi, Chúa không từ chối lời mời của những người Biệt phái và Pharisiêu, những người danh giá, giầu có. Chúa chia sẻ bữa ăn với chị em Martha, Maria và Lagiarô tại Bêtania. Chúa lập phép thánh thể vào chiều thứ năm tuần thánh cũng trong một bữa ăn. Khi sống lại Chúa đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúa hiện ra trên bờ hồ, chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Chúa cùng chia sẻ miếng bánh, miếng cá với các môn đệ.

Bữa tiệc mang ý nghĩa cao sâu nói lên tình liên đới, sự hiệp thông, yêu  thương, chia sẻ. Tin mừng Matthêu 22, 1-14 gồm hai dụ ngôn, thánh sử Matthêu gồm lại thành một: vua mời dự tiệc, người được mời không có áo cưới. Vua mời dự tiệc, vua là chính Thiên Chúa. Tiệc cưới tượng trưng cho việc Thiên Chúa gặp gỡ con người. Các gia nhân đi mời khách tiêu biểu cho các ngôn sứ. Có nhiều gia nhân nghĩa là có nhiều ngôn sứ đã bị đánh đập, hành hạ, giết chết. Vua thịnh nộ sai quân lính đi tru diệt và thiêu hủy thành phố của chúng, tượng trưng cho thành Giêrusalem bị tàn phá. Sự tàn phá và tru diệt là hậu quả của sự từ khước lời mời gọi của vua. Thực khách là những người Do Thái vốn trung thành với lề luật, trung tín với Giao ước xưa, nhưng vì họ từ chối lời mời dự tiệc. Do đó, những đĩ điếm, những khách lạ ở khắp nơi được mời dự tiệc cưới. Chúa muốn qua dụ ngôn này cho nhân loại và con người hiểu rằng những thượng tế, kỳ mục, biệt phái và luật sĩ, những người có thế giá trong đạo lúc đó không chấp nhận theo Chúa, không nghe lời giảng dậy của Chúa lại còn hãm hại Chúa và những người theo Chúa. Trong khi đó, đám đông dân chúng lại theo Chúa rất nhiệt tình. Chiếc áo cưới mà những người được mời phải mặc vào khi dự tiệc cưới là những tâm tình liên đới, yêu thương, chia sẻ, gặp gỡ, trao ban, người khách phải có mới thuộc về Nước Trời.

HÃY SỐNG ĐÚNG NHÃN HIỆU: Kitô giáo là đạo yêu thương, đạo vui mừng. Mặc áo cưới không chưa đủ. Theo đạo, mang nhãn hiệu là Kitô hữu không chưa đủ, chưa chắc để vào Nước Trời. Chúa đã từng nói:” Không phải những ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời…”. Đạo công giáo là đạo tình thương. Người Kitô hữu phải sống cái cốt lõi của đạo là Tin mừng, chứ không chỉ sống hời hợt bề ngoài mà quên đi cái lõi tủy là tình thương của Chúa. Thiên Chúa qua Con của Ngài là Đức Kitô đã muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Người Kitô hữu không chỉ tự mãn cho mình là người của Giáo Hội là đã đạt được Nước Trời. Con người có là gì là do lòng thương xót của Chúa chứ không do công đức, công trạng của con người làm ra. Đi theo Chúa, lãnh nhận Nước Trời, người Kitô hữu phải có tâm hồn hoán cải, thống hối, ăn năn, trở về với Chúa, họ mới đạt được Nước Trời.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết mến chuộng, tôn kính và năng rước Chúa vào lòng, xin cho chúng con luôn biết biến cả cuộc đời chúng con thành sự gặp gỡ, chia sẻ và yêu thương, nhờ đó chúng con cảm nghiệm được cách sâu xa niềm vui của Nước Trời.

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà