NHƯ VIÊN ĐÁ XANH

Chúa Nhật 5A Phục Sinh

 

 

 

Nếu khám phá ra hạnh phúc tuyệt vời của người Kitô hữu, chắc chắn người ta phải phát ghen lên. Nhưng chính người Kitô hữu nhiều lúc quên lãng hay coi thường hạnh phúc của mình.   Hạnh phúc đó chính là đức tin nơi Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô.

 

SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI

 

Con người hạnh phúc vì đã xây được những công trình vĩ đại trên mặt đất.  Đó là niềm hãnh diện của nhân loại.   Nhưng đó chỉ là những công trình vật chất.    Kitô hữu còn hạnh phúc biết bao khi được “Thiên Chúa dùng như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng,” (1 Pr 2:5)  không ai phá hủy nổi, vì đó là công trình của Thiên Chúa.   Chính Đức Giêsu cũng  là “viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quí giá.” (1 Pr 2:4)   Đúng hơn, đó là “đá tảng góc tường” (1 Pr 2:6) nối kết các viên đá xây nên Đền Thờ đó.

 

Những viên đá sống động đó đã được Thiên Chúa biến thành “hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:5)   Vinh dự và cao cả biết bao được làm Kitô hữu trên trần gian ! Đó là chiều dọc trong sứ mệnh Kitô hữu.   Chiều ngang cũng quan trọng không kém.   Đó là Kitô hữu được Thiên Chúa kêu gọi “để loan truyền những kỳ công của Người.” (1 Pr 2:9)    Họ trở nên những chứng nhân vì “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.”  (1 Pr 2:9)   Tất cả đều là công trình vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.

 

Hồng ân cao cả Thiên Chúa đã ban tặng các Kitô hữu.   Họ được tuyển chọn do cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô.   Đó là tất cả “công việc Thầy làm” (Ga 14:11) cho nhân loại.   Chỉ cần tin vào công việc đó, họ sẽ thấy một sức mạnh vô cùng lớn lao của Đức Giêsu nơi chính mình.   Sức mạnh đó do sự hiện diện thâm sâu và hiệp nhất lạ lùng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.   Quả thực, chính Thánh Linh mới có thể giải thích tại sao huyền nhiệm cao cả : “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” (Ga 14:11)   Nếu tin, Kitô hữu sẽ đi vào tương quan kỳ diệu đó vàsẽ tìm được một nơi trú ẩn vững chắc nhất giữa bao nhiêu thách đố.    Chính Đức Giêsu đã bảo đảm cho các môn đệ : “Anh em đừng xao xuyến !   Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14:1)  Điệp khúc này Đức Giêsu không ngừng lập lại : “Anh em hãy tin Thầy.” (Ga 14:11)

 

Tin vào Thầy không những tìm được nơi an toàn nhất trong cuộc đời đầy bất trắc.   Nhưng hơn nữa, tin vào Thầy sẽ làm được những công trình vĩ đại.  Quả thực, “ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.   Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha,” (Ga 14:12) để “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)   Nhờ đó, Thầy mới có thể hiện diện một cách sâu xa và sung mãn hơn nơi các tín hữu.   Thầy về cùng Chúa Cha để kéo mọi sự lên với Thầy (x. Ga 12:32) và để nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Mt 28:19).    Tin tưởng tuyệt đối vào lời Thầy hứa, ngay từ đầu các môn đệ đã thực hiện những việc lớn lao hơn về mặt tổ chức, chiều kích và ảnh hưởng.   Quả thế, trong cộng đoàn tông đồ nhỏ bé, không phân biệt những người “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” (Cv 6:4) và những người chuyện “lo việc ăn uống” (Cv 6:2) hay “phân phát lương thực hằng ngày” (Cv 6:1) cho dân Chúa.    Trước phục sinh, “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi.” (Mt 12:24)    Nhưng sau phục sinh, Thầy sai các môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28:19)  Ngày còn tại thế, Đức Giêsu là đối tương của lòng căm thù ghen tức.  Có bao giờ thấy cảnh tư tế tỏ lòng sám hối hàng loạt sau bài giảng của Đức Giêsu đâu !  Thế nhưng, sau khi biến cố phục sinh, các môn đệ đã làm cho “một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.” (Cv 6:7)  Môn đệ đã làm những việc lớn lao hơn sư phụ, nhưng vẫn không qua mặt sư phụ được.  Quả thế, nếu Thầy xác tín “Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình,” (Ga 14:10), người môn đệ cũng thâm tín rằng : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20) Như vậy, chính Đức Giêsu đang làm những việc vĩ đại hơn khi còn tại thế nơi Giáo Hội.    Đó là niềm tin của người môn đệ Chúa.

 

TOÀN CẦU HÓA NIỀM TIN.

 

Vì tin tưởng mãnh liệt vào sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu trong lòng Giáo Hội, các môn đệ đã dễ dàng thực hiện mệnh lệnh toàn hầu hóa niềm tin hầu đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.   Ngay sau khi phục sinh, Chúa đã ban bố mệnh lệnh đó (x. Mt 28:19)   Bao nhiêu lực lượng thù nghịch bên trong cũng như bên ngoài đang nỗ lực cản trở việc toàn cầu hóa đó.

 

Bên trong, nhiều anh em Kitô hữu giữ mãi mối thù nghịch với Giáo Hội Công giáo. Chẳng hạn, Đức Tổng giám mục Chính thống giáo Nga Yevsevi (Savvin) đã yêu cầu Tổng thống Vlaimir Putin “đừng cho phép những kẻ thù của quê hương và quốc gia – Giáo hoàng Rôma và Công giáo – phất cờ chiến thắng trên miền Đất Thánh Pskov.” (CWNews 23/04/02)   Ông giải thích : “Chúng ta phải ý thức rằng các người Công giáo không phải là những ân nhân của chúng ta.   Họ chẳng mang lại cái gì tốt đẹp hay ích lợi cho quê hương chúng ta.  Họ đi đến đâu, hủy diệt, phân hóa và phá hoại tới đó.” (CWNews 23/04/02)   Tại sao lại có một cái nhìn hằn học như vậy ?   Có thể tìm thấy nét Tin Mừng nào trong cái nhìn đó không ?   Chẳng lẽ tình yêu đầy khoan dung thứ tha của Thiên Chúa không ảnh hưởng gì tới người an hem Kitô hữu sao ?   Nếu đúng thế, làm sao có thể thi hành mệnh lệnh toàn cầu hóa đức tin ?

Bên ngoài, kẻ thù đang tìm cách giới hạn sức mạnh toàn cầu hóa của Giáo Hội.  Tại Hoa kỳ, “cuộc khủng hoảng về linh mục lạm dụng tính dục vị thành niên không phải là do truyền thông tạo nên hay là quan tâm của công luận tại Hoa Kỳ, nhưng đây là một vấn đề rất hệ trọng làm cho sứ mạng của Giáo hội bị tê liệt.   Muốn thay đổi đòi phải tái tạo niềm tin."  (ĐHY Bernard Law : VietCatholic  23/4/2002)   Thế nhưng, đằng sau sự kiện đó kẻ thù đang nỗ lực hạ uy tín hàng giáo phẩm.  Nếu họ thành công, chắc chắn việc Phúc âm hóa sẽ bị khựng lại.   Lý do vì linh mục đóng vai chủ chốt trong mọi sinh hoạt Giáo Hội.   ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhớ : “Chúng ta phải xác tín rằng thời gian thử thách sẽ thanh tẩy toàn thể cộng đồng Công giáo, một sự thanh tẩy khẩn thiết nếu Giáo Hội muốn rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô với tất cả sức mạnh giải phóng nhân loại một cách hiệu quả hơn.   Giờ đây phải tin chắc rằng ở đâu tội lỗi gia tăng, ở đó ân sủng càng chan chứa (x.Rm 5:20).   Càng nhiều đau khổ, càng nhiều buồn sầu càng đưa chức linh mục, giám mục và Giáo Hội đến sự thánh thiện hơn.   Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn sự thánh thiện.  Trên hết chúng ta phải quay về với Người để xin ơn tha thứ, để chữa lành và đón nhận ân sủng để có đủ can đảm đối đầu với thách đố một cách không khoan nhượng mà vẫn đạt mục đích” (CWNews 23/04/02) là toàn cầu hóa niềm tin theo mệnh lệnh Chúa.

Càng bị thách đố, Giáo Hội càng ý thức hơn về sức mạnh đích thực trong việc toàn cầu hóa niềm tin.   “Thách đố trước mắt làm cho chúng ta hiểu rõ những lựa chọn cải tiến tinh thần qua cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa, giữa mạc khải và những vấn đề nhân loại để bảo đảm cả phẩm giá con người lẫn sự trưởng thành nhân vị” (Zenit 2/9/02) sẵn sàng cho việc toàn cầu hóa đức tin.  Thiên Chúa đang dùng biến cố hôm nay để đẩy mạnh công cuộc Phúc âm hóa đang khựng lại ở nhiều nơi chăng ?

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà