Chúa Nhật V Phục Sinh

 

          Sách Công vụ Tông Đồ quả thực là sách lịch sử Giáo Hội sơ khai.  Sau ngày sinh nhật của Giáo Hội là biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, lịch sử được đánh dấu bằng những biến cố phát triển lạ lùng:  các Tồng đồ rao giảng mầu nhiệm Ki-tô, hàng ngàn người sám hối và lãnh nhận phép rửa, họ nhận lấy Thánh Thần xuống trên họ như đã xuống trên các Tông đồ, Giáo Hội nhỏ bé từ Giê-ru-sa-lem lan rộng tới các vùng xa xôi ngoài đất Ít-ra-en.  Việc hình thành một giáo hội có tổ chức và cơ chế bắt đầu.  Đồng thời một giáo lý về Giáo Hội cũng sẽ được thánh Phao-lô khai triển.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu Giáo Hội lữ hành trần gian trên đường về nhà Cha, với Chúa Giê-su là đường, sự thật và sự sống, với cộng đồng dân Chúa là “giống nòi được tuyển chọn và hàng tư tế vương giả”, sau cùng với những tổ chức thực tiễn để qua việc làm biểu lộ tinh thần bác ái và phục vụ.

1.  “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (bài Tin Mừng – Ga 14:1-12)

          Chúa Nhật trước ta đã suy gẫm về Chúa Giê-su là cửa chuồng chiên để ta được ra vào làm đoàn chiên của Chúa và được sống dồi dào, đồng thời Người cũng là Vị Mục Tử Nhân Lành dẫn ta tới đồng cỏ xanh tươi.  Đồng cỏ xanh tươi và suối nước trong lành chính là “nhà Cha” mà Người nói đến trong cuộc đàm thoại với các Tông đồ trước khi chịu cuộc Tử nạn.  Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cho các Tông đồ biết Người sắp sửa làm một cuộc Vượt Qua, qua cái chết khổ nhục để tới phục sinh vinh quang và trở về nhà Cha, Đấng đã sai Người đến thế gian.  Người hành trình về với Chúa Cha, nhưng cũng nhắm mục đích dọn chỗ cho các môn đệ sẽ đến sau, để Thầy ở đâu thì môn đệ cũng ở đấy.  Câu hỏi của ông Tô-ma không đơn sơ như ta nghĩ, nhưng đưa ta khám phá những chân lý cao cả về sứ mệnh của Chúa Ki-tô.  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

          Sứ mệnh của Chúa Ki-tô là ra đi thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao ban.  Trước hết là đi từ trời xuống đất, đi từ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, trút bỏ vinh quang” để xuống “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2:6-7).  Chúa Cha đã sai Người đi để làm chứng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3:16).  Be-lem là điểm Người đến gặp nhân loại.  Sau thời gian sống ẩn dật tại Na-da-rét, Chúa Ki-tô được sai đi để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi…” (Lc 4:18).  Khắp miền đất Ít-ra-en đều mang vết chân của Người đi rao giảng Tin Mừng.  Người đi để nhân loại được “thấy Chúa Cha” là Đấng nào, vì “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Qua Chúa Giê-su, người ta “thấy” Chúa Cha chữa lành những vết thương bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn, người ta nghe được lời khôn ngoan của Thiên Chúa, người ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi…  Có lẽ Chúa Giê-su buồn vì người ta không “thấy” hoặc không muốn “thấy” Chúa Cha.  Người có vẻ “trách móc” ông Phi-líp-phê và nhiều người khác nữa:  “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

          Tuy nhiên, mục đích Chúa Ki-tô đến với ta không chỉ là để ta “thấy” được Chúa Cha là Đấng nào, nhưng còn để ta “đến” với Chúa Cha.  Giữa Thiên Chúa và con người là khoảng cách vô biên, tự sức ta không bao giờ có thể vượt qua được.  Do đó, Thiên Chúa đã quyết định đến với ta trước qua Chúa Ki-tô, để Chúa Ki-tô dẫn đưa ta đến với Người.  Chúa Ki-tô đã chọn con đường “trút bỏ vinh quang” để đến với ta.  Người dạy ta biết về Thiên Chúa, tỏ cho ta thấy Thiên Chúa và trở thành “đạo lý” hoặc con đường để ta đến với Thiên Chúa.  Con đường của ta là con đường xa rời Thiên Chúa và dẫn ta đến hư mất.  Chỉ có con đường của Chúa Ki-tô mới dẫn ta đến Thiên Chúa.  Do đó, ta phải đổi đường, hoặc nói khác đi, phải sám hối, phải quay đầu hướng về Thiên Chúa.  “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Ta phải quay lưng lại tội lỗi và lắng nghe cùng thực thi Lời Chúa.

          Trước khi trở về với Chúa Cha, Chúa Ki-tô đã thiết lập Giáo Hội như một bí tích nói lên việc Người “ở lại” với nhân loại cho đến tận thế (Mt 28:20) qua sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần.  Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Giáo Hội thi hành sứ mệnh rao giảng về “con đường Ki-tô” cho nhân loại, để họ quay về và đi con đường ấy mà đến với Thiên Chúa.

2.  “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô” (bài Thánh Thư – 1 Pr 2:4-9)

          Đức Ki-tô là con đường đưa ta đến với Thiên Chúa.  Nhưng con đường ấy lại ngược chiều với con đường thế gian ta thích đi, do đó ta thường ngần ngại không muốn đi theo.  Thánh Phê-rô khuyên ta đừng sợ hãi e ngại, nhưng “hãy tiến lại gần Đức Ki-tô”.  Ngài không mô tả Chúa Giê-su bằng những nét lôi cuốn của loài người, nhưng sử dụng hình ảnh quen thuộc với anh chị em Do-thái để nói về Chúa Ki-tô:  Người là viên đá quý giá được Thiên Chúa chọn lựa và đặt làm tảng đá góc tường.  Thiên Chúa muốn thiết lập Giáo Hội Người trên trần gian làm phương tiện đem ơn cứu độ đến cho nhân loại.  Người đặt Chúa Ki-tô làm đá tảng góc tường.  Vị trí quan trọng của tảng đá góc tường là để nối kết các bức tường lại với nhau và giữ cho căn nhà không sụp đổ.  Nền tảng của ngôi nhà Giáo Hội là các Tông Đồ, những người lãnh nhận, gìn giữ và giảng dạy giáo lý Tin Mừng. 

Dĩ nhiên mỗi người Ki-tô hữu cũng có phần trong công việc xây dựng ngôi nhà Giáo Hội tại trần gian.  Thánh Phê-rô nói lên tầm quan trọng của ta trong việc xây dựng ấy:  “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng”.  Viên đá nằm trong tay thợ xây.  Ông biết đặt nó ở đâu mới đúng chỗ.  Hình ảnh linh hoạt này giúp ta nhìn lại chính mình và khám phá ra những tài năng vẻ đẹp Thiên Chúa ban cho ta để ta đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội.

Hình ảnh thứ hai được thánh Phê-rô sử dụng để nói lên sự đóng góp xây dựng của Ki-tô hữu, đó là ta được làm dân tuyển chọn, một Ít-ra-en Mới với sứ mệnh loan truyền những kỳ công của Người.  Mà kỳ công của Người không chỉ là việc tạo dựng trời đất muôn loài, mà nhất là Người đã cứu độ ta và cho ta được bước theo Con Một Người tiến về cõi phúc muôn đời.  Chúa không những cứu độ ta như những cá nhân, nhưng còn như một tập thể.  Sự cứu độ của ta liên kết với sự cứu độ của người khác.  Nói khác đi, ta cũng có trách nhiệm đối với ơn cứu độ của người khác.  Do đó, nếu ta giúp anh chị em được cứu độ là ta làm cho ngôi nhà Giáo Hội Chúa Ki-tô được phát triển và tăng thêm rạng rỡ.

3.  “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều” (bài trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 6:1-7)

          Phụng vụ Lời Chúa muốn đưa ra một gương mẫu cụ thể về việc xây dựng và phát triển Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Đó là việc thiết lập một sứ vụ mới nhắm vào công việc bác ái:  chức phó tế.  Việc xây dựng Giáo Hội tại thế cần phải được quân bình.  Ta không thể chỉ dồn mọi nỗ lực vật chất và tâm trí để lo xây những nhà thờ thật lớn, thật đẹp mà quên đi việc xây dựng một cộng đồng Ki-tô có căn tính đích thực.  Ta không thể lập cho nhiều hội đoàn để sinh hoạt xôm tụ mà coi nhẹ việc huấn luyện đời sống đạo đức nội tâm của hội viên.  Ngược lại, ta cũng không thể chỉ chú trọng đến kinh hạt, xưng tội rước lễ mà quên đi những công tác từ thiện bác ái.  Giáo Hội sơ khai cũng gặp những trở ngại mất quân bình ấy.  Các bà góa trong nhóm tín hữu gốc Do-thái theo văn hóa Hy-lạp đã bị bỏ quên trong sự thiếu thốn.  Do đó, các Tông đồ đã họp với tín hữu để tìm cách giải quyết.  Mọi người đồng ý thiết lập một sứ vụ mới chuyên lo giúp đỡ các bà góa và làm công việc bác ái, để các Tông đồ có thì giờ lo giảng dạy Lời Chúa.  Họ tuyển chọn một số người, đem đến giới thiệu với các Tông đồ và các ngài truyền chức phó tế cho họ.

          Điều đáng ghi ở đây là tinh thần cộng tác và hăng say của tín hữu và các Tông đồ.  Họ thành thực muốn xây dựng Giáo Hội và dễ dàng cảm thông với nhau.  Đồng cảm với Giáo Hội (sentire cum Ecclesia) là yếu tố căn bản để cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân cộng tác với nhau mà làm cho Giáo Hội được phát triển.  Giáo Hội đã kịp nhận ra sự mất quân bình và cùng nhau tìm phương cách giải quyết.  Công việc bác ái thường dễ bị quên lãng trong Giáo Hội.  Những gì đã xảy ra cho Giáo Hội sơ khai cũng có thể xảy ra tại bất cứ giáo hội địa phương nào.  Do đó, Giáo Hội hôm nay vẫn luôn luôn nhắc nhở và khuyến khích giáo dân tham gia tích cực vào những công cuộc bác ái.  Đây chính là một phương thức sống Lời Chúa thực tế nhất và giúp cho “Lời Thiên Chúa lan tràn”, đồng thời cũng giúp cho “số các môn đệ tăng thêm rất nhiều”.

4.  Sống Lời Chúa

          Từ hình ảnh Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành, Phụng vụ Lời Chúa đưa ta đến suy niệm về Giáo Hội.  Người dẫn toàn thể nhân loại tiến về đoàn tụ với Thiên Chúa.  Người tiếp tục công việc dẫn dắt ấy bằng cách thiết lập Giáo Hội, bí tích phổ quát, để quy tụ mọi người muốn bước theo Người là con đường, sự thật và sự sống.  Chúa Giê-su vẫn là Đầu Giáo Hội, là đá tảng góc tường.  Do đó, khi ta tiến lại gần và liên kết với Chúa Ki-tô là ta gia nhập đoàn lữ hành của Giáo Hội do Người dẫn dắt.  Ta cũng được mời gọi sử dụng mọi tài năng Chúa ban để góp phần xây dựng Giáo Hội của Người ngay tại trần gian này.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su nói với ông Phi-líp-phê:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Tôi đã thấy Chúa Giê-su ở đâu và qua những ai?  Tôi đã gặp gỡ Chúa Giê-su trong những hoàn cảnh nào?  Trong cầu nguyện?  Trong suy gẫm Kinh Thánh?  Trong tiếp xúc với người khác?  Tôi nhận ra Chúa Giê-su biểu lộ những gì về Chúa Cha?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Chúa trải rộng vương quyền Đức Ki-tô trên khắp cùng trái đất để mọi dân được hưởng ơn cứu độ.  Xin làm cho Hội Thánh thực sự trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho hết thảy mọi người, đồng thời cũng trở thành nơi Chúa tỏ bày và thực hiện chương trình yêu thương của Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ, Lễ cầu cho Hội Thánh toàn cầu)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà