CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, nămA

Mt 3, 13-17

 

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA : MẪU GƯƠNG CHO TA

 

Người ta vẫn có cảm tưởng, suốt quãng đời ẩn dật 30 của Chúa Giêsu tại làng Nagiarét có một cái gì đó thật lặng lẽ, thật êm đềm, nếu không nói được là hầu như Người bị lãng quên. Nhân loại, con người và mỗi người vẫn chưa nhận ra được sứ mạng Thiên sai của Chúa Giêsu. Do đó, trong suốt thời gian dài dằng dặc này, Gioan Tẩy Giả vẫn tiếp tục rao giảng và làm phép rửa sám hối cho dân chúng. Rồi,tới ngày Thiên Chúa Cha định, Chúa Giêsu đã xuất hiện công khai bên bờ sông Giorđan, nơi Ông Gioan đang làm phép rửa.

 

MỘT BIẾN CỐ. MỘT SỨ MẠNG. MỘT CON NGƯỜI : Có thể nói được, đây là biến cố quan trọng, trước khi khai mạc sứ mạng công khai của Chúa Giêsu bởi vì lúc ấy, Chúa Giêsu vừa tròn 30 tuổi. Chúa Giêsu đến với Gioan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Đây là biến cố. Một biến cố đã được chuẩn bị cả 30 năm trời ở làng Nagiarét, nơi gia đình Thánh Gia. Biến cố này được chuẩn bị kỹ càng bằng cầu nguyện, bằng sự kết hiệp mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Gioan đã được Chúa Thánh Thần soi sáng, Ông biết rằng Ông đang đứng trước mặt : “ Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Thiên sai, Đấng  xóa tội trần gian “. Ông cũng hiểu rằng:” Đấng xin Ông làm phép rửa bằng nước sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần “, nên Ông Gioan đã từ chối :” Chính tôi mới phải xin Ngài rửa cho, tại sao Ngài lại xin tôi ?”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thuyết phục Gioan Tẩy giả :” Hãy làm theo ý Cha của Người “. Và rồi, khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Người và có tiếng từ  trời phán :” Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Phép rửa, Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan trong dòng sông Giorđan, khai mào cho sứ mạng và con đường cứu độ, con đường cứu thế của Chúa Giêsu. Đó là con đường của người tôi tớ đau khổ, con đường khiêm nhu, hiền lành. Con đường yêu thương, hiệp nhất và hòa bình. Chúa Giêsu quả là người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa. Người đã bắt đầu sứ vụ raogiảng bằng việc tự hạ xếp hàng với những tội nhân dù Người hoàn toàn vô tội. Đúng, đây là một biến cố rất ư quan trọng bắt đầu sứ mạng của một con người, một cuộc đời.Cuộc đời của con người có tên Giêsu, Đấng Thiên sai, Đấng Mêsia, Đấng cứu thế.

 

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA ĐỂ LÀM GƯƠNG CHOCHÚNG TA:

Phép rửa mà Chúa Giêsu thiết lập hoàn toàn khác với phép rửa của Gioan tiền hô : Thánh Gioan chỉ lấy nước mà rửa để giục lòng người ta ăn năn thống hối, còn Chúa Giêsu đã rửa người ta bằng nước và Thánh Thần. Chính thánh Gioan đã tuyên bố :” Phần ta, ta rửa các ngươi bằng nước để lo hối cải, còn Đấng sẽ đến sau ta và ta không đáng xách dép cho Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa “. Chúa Giêsu đã lập phép rửa để sinh ta lại làm con cái Chúa và làm con Hội Thánh. Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế để làm đẹp lòng Cha. Người sống hoàn toàn vâng phục và luôn hiếu thảo với Thiên Chúa Cha. Chúa  Giêsu đi xuống dòng sông Giorđan để dìm mình trong dòng sông sám hối. Chúa Giêsu hòa mình với các tội nhân để chết thay cho các tội nhân. Chúa là Con Thiên Chúa mà đã chấp nhận hòa mình với các tội nhân. Do đó, chúng ta là gì mà dám tự cao, tự mãn bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúa cao sang hoàn toàn thánh thiện mà đã tự hạ dìm mình trong sông Giorđan. Chúng ta là gì mà dám ngẩng cao không dám tự hạ để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Sám hối là bước đầu để đổi mới. Chúng ta hãy thực lòng sám hối, tự hạ để cúi xin Chúa thương ban ơn tha thứ. Chúa đã dìm mình trong dòng sông Giorđan sám hối để làm gương cho nhân loại, cho mọi người, cho mỗi người chúng con.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con không ngừng canh tân đổi mới, để chúng con luôn sẵn sàng khiêm tốn lãnh nhận ơn tha thứ vì chỉ mình Chúa là Đấng thánh, là Đấng giầu lòng tha thứ. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà