Chúa Nhật 21 mùa Thường niên, A

 

          Những đề tài suy niệm về Nước Trời đưa ta dần tới tâm điểm là chính Chúa Ki-tô.  Nếu không biết được Chúa Ki-tô là Đấng nào, ta sẽ không thể có cái nhìn trọn vẹn về Nước Trời, vì một vương quốc mà không có vua hoặc người lãnh đạo thì không còn là một vương quốc nữa.  Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta biết vai trò của Chúa Ki-tô trong Nước Trời, dựa trên mặc khải của Thiên Chúa qua ngôn sứ I-sai-a và nhất là mặc khải Thiên Chúa ban cho Tông đồ Si-môn Phê-rô.  Đồng thời, suy niệm của thánh Phao-lô cũng giúp ta có được một số điểm căn bản về sứ mệnh của Chúa Ki-tô.

1.  Thiên Chúa ban chìa khóa nhà Đa-vít cho Chúa Ki-tô (bài đọc Cựu Ước – Is 22:19-23)

          Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn một sự kiện được ngôn sứ I-sai-a loan báo ám chỉ việc Thiên Chúa trao vương quyền cho Đức Ki-tô.  Sép-na, viên tể tướng triều đình thời vua Ê-giê-khát, đã bị truất phế và Thiên Chúa đặt En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu, lên thay thế.  Các giáo phụ cũng như phụng vụ đều nhìn nơi En-gia-kim hình ảnh của Đấng Mê-si-a.  Vậy những gì Thiên Chúa thực hiện nơi En-gia-kim là hình bóng những gì Thiên Chúa thực hiện nơi Đấng Ki-tô, Con Một Người.  Mọi thứ trang phục bề ngoài liên hệ tới chức vụ và địa vị của Sép-na nay đã được chuyển đổi sang cho En-gia-kim.  Tuy nhiên, biểu tượng quan trọng nhất giữa những điều Chúa làm cho ông, đó là trao cho ông “Chìa khóa nhà Đa-vít”.  Chìa khóa biểu tượng cho uy quyền.  Giữ chìa khóa của một ngôi nhà tức là có toàn quyền sử dụng, sắp đặt và gìn giữ nó.  Mở cửa nhà hoặc đóng lại là quyền của người giữ chìa khóa.  Giờ đây nhà Đa-vít tức là Ít-ra-en đã được Thiên Chúa trao cho En-gia-kim chăm sóc.

Nhưng “Nhà Đa-vít” còn được hiểu là Nước Trời, hoặc Triều Đại Thiên Chúa, hoặc Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Vậy Chúa Ki-tô đã sử dụng quyền bính Thiên Chúa ban cho để xây dựng Nước Trời như thế nào?  Trên đường cùng với môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su có dịp nói về quyền bính khi hai người con của ông Dê-bê-đê tới xin Chúa dành cho các ông địa vị tốt trong nước vinh quang.  Người bảo họ:  “Anh em biết:  những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ… Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy:  ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10:42-44).  Với Chúa Giê-su, mục đích của quyền bính không phải để làm oai làm phách, nhưng để phục vụ và vâng lời.  Người đã vâng lời Thiên Chúa và phục vụ mọi người đến độ chết trên thập giá (Pl 2:8).  Mặc dù Người có toàn quyền đóng mở nhà Đa-vít, nhưng tâm nguyện của Người vẫn là tâm nguyện của Chúa Cha, muốn quy tụ muôn loài muôn vật về một mối (Ga 17:20-23).  Do đó, Người chỉ sử dụng quyền bính ấy theo ý của Thiên Chúa Cha mà thôi.  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.  Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28:19).  Quyền bính ấy giờ đây được trao ban cho ông Phê-rô và các Tông đồ để tiếp nối sứ vụ của Chúa, cũng như các người kế vị và những người có trách nhiệm lãnh đạo các cộng đoàn dân Chúa khắp nơi.

2.  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (bài Tin Mừng – Mt 16:13-20)

          Câu truyện Tin Mừng hôm nay tuy nói nhiều đến vai trò của ông Phê-rô trong Giáo Hội, nhưng theo hướng đi của các bài đọc, ta có thể chú ý đến căn tính của Chúa Giê-su để giữ sự thống nhất đề tài.  Qua hình ảnh En-gia-kim được trao cho “chìa khóa nhà Đa-vít”, ta nhận biết vai trò của Chúa Giê-su trong việc thiết lập và xây dựng Nước Trời.  Với câu truyện Tin Mừng, ta được biết mặc khải lớn lao nhất về căn tính Chúa Ki-tô, lớn lao vì “không phải phàm nhân mặc khải”, nhưng là chính Thiên Chúa Cha.  Phàm nhân đã mặc khải những điều gì về Chúa Ki-tô?  Dư luận công chúng đã chọn những điều vĩ đại nhất để diễn tả căn tính của Chúa Ki-tô.  Thử hỏi còn ai cao trọng hơn những vị ngôn sứ tầm cỡ như Ê-li-a, Giê-rê-mi-a của thời Cựu Ước, hoặc gần đây nhất như ông Gio-an Tẩy giả?  Đối với họ, ít nhất Chúa Giê-su cũng phải là hiện thân của những vị ấy.  Do đó, trước câu hỏi của Chúa Giê-su, “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” các ông cũng chẳng có thể nghĩ ra được điều gì lớn lao hơn nữa để nói về Chúa.  Đúng vậy, làm sao mà biết rõ được Chúa Giê-su là ai, vì trước mắt họ Chúa Giê-su cũng chỉ là con người như họ, Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:7).  Dù Người có nói cho họ biết Người là ai, như Người đã từng nói cho người Do-thái (Ga 10:25-26), thì họ cũng khó mà tin.  Cho nên phải là đích thân Chúa Cha mặc khải cho họ biết về Con Một của Người và ông Si-môn Phê-rô, người lãnh nhận mặc khải, quả là “người có phúc” (Mt 16:16).

          “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, ông Phê-rô thốt lên những lời này mà bản thân ông cũng chẳng hiểu ý nghĩa gì cả.  Nếu có, thì ông chỉ mới hiểu theo phạm trù của con người đương thời, nghĩa là một vị anh hùng sẽ thay đổi vận mạng Ít-ra-en, chứ không thể hiểu đó là sứ mệnh cứu độ nhân loại của Chúa Giê-su.  Bởi vậy, mặc khải ông Phê-rô, các Tông đồ và toàn thể nhân loại lãnh nhận hôm nay mới là bước đầu tiên cho một hành trình dài để biết được Chúa Giê-su rõ hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn và trung thành theo Người hơn (thánh I-nhã Loyola).  Riêng đối với Phê-rô, bắt đầu từ hôm nay ông là Tảng Đá để Chúa sử dụng xây Giáo Hội Người.  Nhưng đức tin đá tảng của ông cũng cần phải được phát triển mỗi ngày một hơn, nhất là qua những thăng trầm và những vấp ngã cuộc đời tông đồ của ông.  Chìa khóa Nước Trời cũng được Chúa Giê-su trao cho ông Phê-rô để ông “ràng buộc và tháo cởi”, sử dụng quyền bính một cách tuyệt đối, nhưng không phải cho cá nhân ông mà cho toàn thể Giáo Hội.  Bài học của Chúa trên đường lên Giê-ru-sa-lem vẫn còn in sâu trong lòng, nhất là cái chết của Thầy trên thập giá là một tấm gương vô cùng sống động, tất cả đã giúp ông “với Chúa, sẵn sàng vào tù, và chết cũng cam” (Lc 22:33).  Nhận biết căn tính của Chúa không chỉ là công việc của hiểu biết, nhưng là công việc của trái tim, của lỏng gắn bó keo sơn.  Đây quả thực là một thách đố đối với nhiều người, vì họ tưởng rằng chỉ cần “biết” Chúa là đủ rồi, chứ không cần phải theo Người, làm môn đệ Người và cùng chết với Người.

3.  Chúa Giê-su Ki-tô là tất cả:  một mầu nhiệm Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại (bài đọc Tân Ước – Rm 11:33-36)

          Suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Ki-tô và ban Đức Ki-tô cho nhân loại để cứu độ nhân loại, thánh Phao-lô đã sử dụng vốn liếng Kinh Thánh Cựu Ước để chúc tụng ngợi khen công việc của Thiên Chúa.  Ngài đã liên kết những lời trong sách Gióp, Thánh vịnh, Khôn ngoan, ngôn sứ I-sai-a và Giê-rê-mi-a để ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan, siêu việt.  Người tạo dựng nên ta là vì tình yêu.  Người cứu độ ta là vì lòng thương xót, chứ Người chẳng mắc nợ gì ta.  Việc Người sai Con Một đến thế gian là chứng từ mạnh mẽ nhất cho thấy chiều kích vô biên của tình Cha thương yêu con cái.

          Đối với ta, Đức Ki-tô là tất cả, như thánh Phao-lô đã khẳng định:  “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11:36).  Quá khứ, hiện tại và tương lai của ta đều đặt trên nền tảng là Đức Ki-tô.  Thiếu vắng sự hiện diện của Người, đời ta không còn ý nghĩa gì hết.  Chẳng vậy mà thánh Phao-lô còn quả quyết:  “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21).

          Suy niệm của thánh Phao-lô về thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa thể hiện nơi con người Đức Ki-tô đã trở thành một bài thánh thi, để tín hữu mọi thời mọi nơi cùng với ngài ca tụng Thiên Chúa.  Nhận biết địa vị cao trọng của Đức Ki-tô trong kế hoạch cứu độ, ta không thể vô tình mà không hiệp lòng hiệp ý với toàn thể Giáo Hội để cảm tạ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi ta bước theo Đức Ki-tô mà trở về nhà Cha.

4.  Sống Lời Chúa

          “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” không chỉ đơn thuần là một câu hỏi thuộc lãnh vực hiểu biết.  Có nhiều thần học gia, giáo lý viên, giám mục hoặc linh mục dạy người ta biết về Chúa, nhưng trong số ấy cũng có những vị dạy mà chính bản thân vẫn chưa gắn bó với Chúa.  Giáo dân cũng thế.  Kiến thức giáo lý đối với họ chỉ là những hiểu biết, đôi khi phải có để được rước lễ lần đầu, chịu Thêm sức hoặc lãnh nhận Hôn phối, chứ biết Chúa bằng con tim thì chưa chắc đã đủ.  Lời Chúa hôm nay, nhất là bài Tin Mừng, là một thách đố cho ta phải cố gắng tạo một quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su, hoàn toàn đặt lòng tin vào Người và làm cho cuộc đời có ý nghĩa nhờ sự hiện diện và ảnh hưởng của Người đối với ta.

Suy nghĩ:  Ông Phê-rô đã tin Chúa và đức tin của ông trở nên Tảng Đá để Chúa xây dựng công trình Giáo Hội.  Tôi có thực sự là một tảng đá hoặc thậm chí chỉ là viên sỏi để Chúa sử dụng xây Giáo Hội không?  Tôi thử nhìn lại cuộc đời mình, cách sống như người Công giáo của tôi, để thẩm định mức độ “tảng đá” đức tin của tôi.

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Đức Ki-tô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn:  này chúng con là những kẻ tin kính Đức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 23 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà