THẦN TƯỢNG

Chúa Nhật 22A Thường Niên

 

 

Ngày mới rời Uùc sang Mỹ năm 1998, tôi được hân hạnh diễn lại cuộc tử đạo của thánh Thomas Đinh Viết Dụ.  Chiều hôm đó, tất cả đưa tôi ra pháp trường.  Chiếc gươm phập xuống muốn chém đứt đầu tôi.  Nhưng tiếc thay lưỡi gươm đã sút ra, bay vù vù trên đầu một ông trùm.  Hú vía !  Suýt nữa ông trùm tử đạo thật !

    Người ta bảo đó là một cuộc đóng phim. Nhưng thiên hạ không hiểu tại sao tôi đóng khéo quá, khiến nhiều người rơi nước mắt.  Không phải tôi có tài cán gì (vì nếu tài thật, tôi đã giọn nhà vô Hollywood từ lâu rồi).  Nhưng một đàng tôi thấy đó là một vinh dự.  Một đàng tôi quan niệm đó là cuộc diễn lại một đoạn đời thánh thiện tột độ của một vị thánh.  Bởi đó tôi phải hết sức "nhập vai". Nhập vai để cảm thấy thực sự hiểu trên bước đường theo Chúa, các thánh tử đạo Việt Nam đã "liều mất mạng sống mình vì Thày" (Mt 16:24) như thế nào.

 

NGHỊCH LÝ

 

Đức Giêsu đã được mạc khải là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” (Mt 16:16) nắm toàn quyền “cầm buộc và tháo cởi.” (xc 16:19) trong khi thi hành ba sứ mệnh vương giả, tư tế và ngôn sứ.   Thực ra, tất cả quyền hành đó chỉ được tỏ lộ trong cung cách phục vụ.   Quả thế, trong khi ông Phêrô kỳ vọng Đức Kitô sẽ đem lại vinh quang và thịnh vượng cho dân Do thái, thì Đức Giêsu lại cho ông thấy mặt trái của vinh quang ấy.   Đã đến lúc, “Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết.” (Mt 16:21)

          Phêrô đã không hiểu việc Thày liều mạng sống vì Chúa Cha như thế nào, nên mới lớn tiếng can ngăn Chúa (Mt 16:22).  Nhưng Chúa đưa ngay một nhận định : "Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16:23)   Muốn hiểu được tư tưởng Thiên Chúa, Phêrô phải "lui lại đằng sau Thày !" (Mt 16:23) nghĩa là phải theo Thày.  Muốn theo Thày, chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài việc "vác thập giá mình mà theo." (Mt 16:24)

          Theo Thày lên Giêrusalem để cùng chịu chết với Thày.  Theo Thày không phải đi tìm cái chết, nhưng là sự sống.  Bởi vì Thày "sẽ sống lại" (Mt 16:21) và "Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người." (Mt 16:27)  Đó là lý do và là động lực thúc đẩy các môn đệ bước theo Thày.  Cái chết không thể tiêu diệt môn đệ ra hư không.  Cái chết đã bị mất hết nọc độc trước sự phục sinh và vinh quang Thiên Chúa.  Bởi vậy các môn đệ mới nắm chắc hi vọng "sẽ tìm được mạng sống" (Mt 16:25) sau khi đã "liều mất mạng sống  mình vì Thày." (Mt 16:25)

Các ông không ngờ bộ mặt thật quá bi đát như vậy.   Ông Phêrô như muốn cầu cứu Thiên Chúa trước cảnh tối tăm sắp chụp xuống trên thân phận Thày trò.   Nhưng hành động đó thật thiếu suy nghĩ.  Chính vì thế, Đức Giêsu cần xác định vị trí của mình và vạch trần hành động nguy hiểm của ông : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy !   Anh cản lối Thầy.” (Mt 16:23)  Đúng là “trò không hơn thày.” (Mt 10:24; Lc 6:40; Ga 13:16; 15:20; 4:34; 12:24)   Nói khác, ông Phêrô cứ tưởng lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi đường lối Thiên Chúa.   Nhưng chính Người lại lôi ông trở về địa vị môn đệ, phải luôn ở vị trí “đàng sau Thầy”.   Oâng phải học hỏi cho biết phân biệt “tư tưởng của Thiên Chúa” khác xa “tư tưởng của loài người.” (xc Mt 16:23)  

Muốn làm môn đệ Đức Giêsu, phải “đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24)  Theo Thầy không phải để vinh thân phì da.  Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha.   Thầy là sự thật giải thoát muôn dân.   Muốn theo Thầy, không những phải “từ bỏ chính mình”, tức là “tư tưởng của loài người,” mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai.   Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá.   Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát.  

Hi vọng ấy đã trở thành một hấp lực không cưỡng lại nổi.  Lịch sử Giáo hội đã chứng thực điều ngôn sứ Giêrêmia thưa với Chúa : "Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.  Ngài mạnh hơn con và ngài đã thắng." (Gr 20:7)  Vì vinh quang phục sinh trở thành một sức mạnh lạ lùng, quyến rũ hơn cả vinh hoa thế gian.  Chính Lời Chúa "như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt" (Gr 20:9) đã mạc khải vinh quang ấy cho những ai sẵn sàng "hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa." (Rm 12:1)

Đó là cả một công trình kỳ diệu của Thánh Linh trong "thời ân sủng, bắt đầu từ khi Đức Kitô chết và sống lại, x.Gl 1:4" (Kinh thánh Tân Ước:644).  Không ai có thể hiểu nổi, trừ những người luôn thao thức tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa, tức vinh quang Thiên Chúa trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian.

Nhưng vinh quang Thiên Chúa là gì ?  Vinh quang đó có thực và có phù hợp với thực tế không ?  Giữa trăm ngàn ưu tư và lo toan cuộc sống hằng ngày, tại sao lại đề cập tới vinh quang Thiên Chúa ?  Phải chăng đó là bận tâm của những người sống trên mây ?  Phải chăng Thiên Chúa quá ích kỷ khi bắt mọi người phải hướng về mình ?   Thực ra khi Thiên Chúa muốn "danh Cha cả sáng", Người không muốn áp đảo con người. Con người là chi mà Chúa cần phải tranh giành ?  Người muốn mọi người biết Chúa như nguồn hạnh phúc tuyệt vời. Thực vậy, vinh quang Thiên Chúa là hạnh phúc con người.  Vì muốn con người hạnh phúc, Thiên Chúa mới mạc khải chính mình cho họ.  Người ta có thể trách cứ về những mối lo vượt ngoài những bận tâm hằng ngày cũng như trách các nhà thiên văn lo những truyện trên trời hay những nhà hải dương học lo những truyện dưới đáy biển.  Mặt trời có liên hệ gì tới cuộc sống của tôi ?  Nhưng nếu không có những nhà khoa học đo địa chấn chắc chắn tai họa do núi lửa và động đất còn bi thảm hơn nhiều.

Dầu sao, muốn sống làm người trên cõi đời này, chúng ta phải biết đến nguồn gốc và hướng sống.   Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời ý nghĩa và khỏi thất vọng trước những thách đố muôn mặt.   Bởi thế "theo Thày" không phải là đi vào cõi chết, nhưng là tìm về cõi sôáng.  Những đòi hỏi quyết liệt của Thày chỉ có lý khi chúng ta nhìn ra vinh quang Thiên Chúa ngay chính cuộc sống chất chứa nguồn mạch phục sinh này.

Bước theo hướng đó, môn đệ sẽ bị chê là ngu dại, vì đã lâm vào một nghịch lý căn bản.   Ai cũng yêu mạng sống mình, tại sao họ lại tìm cách đánh “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16:25) ?    Phải chăng Thầy có sức thu hút khiến họ không thể chống cưỡng được ?  Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên : “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.   Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20:7)   Người có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để “ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Mt 16:21) khỏi cõi chết.  

Cuộc vận hành giữa sống và chết đã mạc khải một thực tại lạ lùng.   Cái tôi như  ẩn như hiện.   Càng tìm cái tôi càng mất.   “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.” (Mt 16:25)   Người ta tưởng chiếm hữu càng nhiều, càng làm cho cái tôi dầy cộm lên.   Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống.   Nhiều người đánh đổi mạng sống lấy những của cải vật chất.   Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian.    Nhưng “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?   Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16:26)  Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là “mất mạng sống mình vì Thầy.” (Mt 16:25)  Cả thế giới cũng không đem lại sự sống.  Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ lại “tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16:25) vì Thầy là “sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11:25)   Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ.  Cứ tưởng chỉ có vũ trụ mới thu hút được con người.   Ai dè còn có Đấng quyến rũ hơn Lý do vì Thầy là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6) !   Nói khác, chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể giải thoát nhân loại khỏi mọi ma lực tà thần.

 

THỨC TỈNH TRƯỚC GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI

 

Trước phong trào vận động quần chúng trục xuất Thiên Chúa ra khỏi học đường và xã hội Hoa Kỳ, nhiều người bi quan về tương lai tôn giáo.   Càng bi quan hơn nữa khi nhìn đến thống kê gần một trăm triệu người Mỹ không bước đến nhà thờ nữa.   Khi đã dư thừa vật chất, con người cần gì phải cầu xin Thiên Chúa ?   Phải chăng “Thiên Chúa đã chết” ?  

Thực ra, đa số những người không đi nhà thờ vẫn tin Thiên Chúa.  Theo José Antonio Marina, một triết gia Tây Ban Nha, “các tôn giáo đang chỗi dậy, nhưng một cách không rõ ràng”. Oâng khẳng quyết : “Không những tôn giáo không biến mất, nhưng ngày càng hiện diện trong thế giới hôm nay”.  Bởi thế, ông nghĩ cuộc tuyên truyền về “việc khai tử các tôn giáo vào trung tuần thế kỷ vừa qua là một hành động thiếu suy nghĩ”.   Oâng nhìn nhận một trong những yếu tố phương hại tới cảm quan tôn giáo là chủ nghĩa cơ hội cấu kết với “những phong trào độc lập quốc gia và các phong trào cực hữu”.  Ví dụ thế giới Hồi giáo đang thực hiện không phải một “chiến tranh tôn giáo chống Tây phương, nhưng là một chiến tranh dành độc lập”, trong đó tôn giáo được phất cao “như một lá cờ”.  Bởi đó, nhiều người coi tôn giáo như một chướng ngại hơn là một sự trợ giúp cho nhân loại.   Nhưng triết gia Marina cho biết vẫn chưa thấy ứng nghiệm những tiên đoán rằng kiến thức khoa học sẽ loại bỏ tôn giáo ra khỏi “tim óc con người.” (Zenit 27.8.2002) Như  thế Thiên Chúa vẫn chiếm một địa vị kiên cố trong nhân loại.   

 Sở dĩ được như thế vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)   Nói khác, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đem thần khí và sự thật đến cứu sống nhân loại.   Nhưng trên hết là tình yêu, một mầu nhiệm được mạc khải trọn vẹn trong đời sống gia đình.   Thực thế, “chính Ngôi Lời Thiên Chúa “mạc khải” và “hoàn thành” kế hoạch đầy khôn ngoan và yêu thương đối với hôn nhân, cho họ được thực sự chia sẻ một cách huyền nhiệm vào chính tình yêu Thiên Chúa yêu thương nhân loại.” (Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách về Gia Đình, Zenit 27.8.2002)  Do đó, muốn cứu sống nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ gia đình.

Chính trong gia đình, người ta có thể tìm thấy con đường theo Chúa.  Thế nhưng, thực tế đã có nhiều người không tìm thấy con đường giải thoát trong đời sống gia đình.  Bằng chứng, ngày nay có rất nhiều vụ ly dị, trong đó có nhiều người Công giáo Việt nam.  Trước hiện trạng đó, chúng ta phải làm gì ?

Trước hết, không nơi nào tình yêu cần thiết bằng gia đình.  Nhưng nếu yêu thực sự, người ta phải biết từ bỏ chính mình.  “Từ khi yêu em là anh biết quên mình.”  Sở dĩ gia đình khủng hoảng vì người ta chỉ tìm chính mình trong cuộc sống hôn nhân. Ai cũng chỉ tìm cách bắt người khác phục vụ, chỉ mong mọi người thỏa mãn đam mê của mình, chứ không để ý đến nhu cầu và sẵn sàng phục vụ người khác. 

Bởi thế, muốn cứu vãn cuộc sống gia đình và hôn nhân, con người phải biết làm cho mình trở thành trống rỗng và từ bỏ chính mình.  Chỉ khi đó, tâm hồn con người mới có thể mới tràn ngập Thánh linh tình yêu.  Với sức mạnh Thánh Linh, con người có thể chịu đựng được mọi loại khổ đau, vì họ sẽ chịu đựng bằng sức mạnh Thiên Chúa.  Hơn nữa, nhờ sức mạnh đó, con người có thể biến khổ đau thành những phúc lợi cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP



 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà