CHIỀU KÍCH CỘNG ĐỒNG
TRONG NIỀM TIN HÔM NAY.

Chúa Nhật 23,A

 

    Trên đường quy y theo Phật, Đại đức Sariputta bị một khất sĩ kiện vì thày đã hất hủi và xử tệ. Khi phân xử, Đức Phật chỉ căn cứ trên lập luận của Đại đức, chứ không cần bằng chứng của nhiều người. Lý do vì Đức Phật dạy: "Chỉ nên tin và chấp nhận những gì hợp với trí xét doán của mình, những gì được các bậc hiền nhân chấp nhận và khuyến khích, những gì mà nếu đem ra thực hành sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác" (Nhất Hạnh: 419-920). Hình như có một cái gì còn thiếu trong sinh hoạt của những tín đồ, mặc dầu Đức Phật đã qui tụ đệ tử thành tăng đoàn.

    Cái thiếu sót đó chính là chiều kích cộng đoàn trong sinh hoạt của các tín đồ. Nếu chỉ căn cứ vào những lý luận của mình và các hiền nhân, chúng ta đã quên đi sự hiện diện của những người đồng thời, nhất là những người làm thành cộng đoàn niềm tin. Từ xa xưa Đức Kitô đã thấy được sức mạnh cộng đoàn đó.

SỨC MẠNH CỘNG ĐOÀN

    Sức mạnh đó tìm thấy ngay trong việc tìm chứng từ cho sự thật. Tiêu chuẩn Người nêu lên là "mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân" (Mt 18:16). Như vậy mới tìm được sự thật khách quan. Còn nếu chỉ căn cứ trên lời tự biện hộ của bị cáo, chắc chắn khó thấy được sự thật.

    Bước đường tìm đến với sự thật đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Không thể nóng vội. Trước hết cần âm thầm giữa cá nhân với cá nhân. "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình" (Mt 18:15). Thật là tế nhị và rất tâm lý. Tất cả vì hạnh phúc anh em. Không phải bất cứ tội nhân nào cũng lôi ngay ra cộng đoàn. Lối giải quyết nóng vội đó dễ làm mất mặt tội nhân. Không phải cộng đoàn không đủ  sức mạnh. Nhưng cần chuẩn bị, cộng đoàn mới thể hiện được sức mạnh đúng lúc, không đánh mất mục đích sau cùng là hạnh phúc tha nhân. Trường hợp không thể thuyêt phục tội nhân, bước kế tiếp là "hãy đem theo một hay hai người nữa" (Mt 18:16) để làm chứng.   Cuối cùng mới phơi bày mọi sự trước cộng đoàn. Nhưng không phải là một cộng đoàn vô tổ chức.

    Trái lại đó là một cộng đoàn có tôn ti trật tự và quyền uy. Thực vậy Chúa dặn dò : "Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế" (Mt 18:17). Sở dĩ Hội Thánh có uy quyền vì chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: " Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mt 18:18). Bởi đó Chúa đã xây Hội Thánh như một cộng đoàn có tổ chức, có trên có dưới, chứ không phải "cá đối bằng đầu."

    Nhưng uy quyền Hội thánh phát xuất từ tình yêu, chứ không căn cứ trên luật lệ. Dù có luật lệ cũng chỉ vì con người mà thôi. Đó là lý do tại sao Hội thánh không lôi cổ tội nhân ra chỗ công khai, dù bắt được quả tang, như người Do thái. Tình yêu đó đòi kiên nhẫn. Có kiên nhẫn mới đi tới đích là hạnh phúc tha nhân. Hạnh phúc tha nhân chính là điều Đức Phật quan tâm hàng đầu. Thánh Phaolô cũng đồng ý, nhưng diễn tả kiểu khác: "Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13:10). Làm mất danh dự người khác, thì đừng hòng đưa họ về đàng chính nẻo ngay. Con người vẫn mãi là con người, dù phạm tội ác tới mấy. Uốn lòng tội nhân cũng giống như uốn kim loại. Kinh nghiệm cho thấy tuy khó khăn hơn, đường lối thuyết phục bao giờ cũng tốt đẹp và hiệu quả hơn chinh phục. Đó cũng là đường lối Tin Mừng. Chính Chúa đã cho thấy rõ điều đó khi tìm cách cứu người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:1-11) và chiếu cố đến nhà ông Giakêu (Lc 19:2-10).

    Quyền bính để phục vụ, chứ không phải để khống chế con người. Bởi vâäy, ngay cả khi dùng tới những biện pháp trừng phạt hay chế tài, Hội Thánh cũng phải hành động vì yêu thương và hạnh phúc con người. Ra khỏi đường lối Tin Mừng, quyền bính trở thành phi nhân, dù nhân danh Thiên Chúa hay Hội Thánh.

BẢN CHẤT HỘI THÁNH.

    Nhưng dù có uy quyền và tổ chức tới mấy, Hội Thánh cũng không thể đứng vững nếu không dựa trên tình yêu. Bản chất Hội Thánh là tình yêu, một tình yêu thể hiện rõ nét nhất trong việc hiệp thông cầu nguyện. Cầu nguyện chính là sức mạnh của Hội Thánh. Vì khi hiệp thông cầu nguyện, Hội Thánh sống tương quan sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi và con người. Cũng chính trong lời cầu nguyện, Hội Thánh thấy chiếu sáng lên con đường lối Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

    Đường lối Tin Mừng là tình yêu, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Chính nơi cộng đoàn, người ta mới thấy rõ con người giống Thiên Chúa tới mức nào. Con người giống Thiên Chúa về bản chất và cả về tương quan xã hội nữa. Chính đặc tính tương quan xã hội đó phản ánh tương quan thâm sâu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Rossi : 210). Con người sinh ra không phải để sống một mình và cho mình, nhưng sống với và vì người khác. Không sôùng trong tương quan đó, con người làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa.

    Trong niềm tin hôm nay, chiều kích cộng đồng càng nổi cộm hơn. Chiều kích ấy còn mở rộng tới môi trường thiên nhiên và loài vật nữa, vì tất cả đều góp phần tạo nên hạnh phúc con người. Nhưng không nơi đâu con người tìm thấy chiều kích cộng đồng sâu xa hơn trong cộng đoàn đức tin, nhất là khi cùng nhau cầu nguyện. Chính trong sự hiệp nhất sâu xa đó, Chúa Giêsu hiện diện như một bảo đảm vững chắc nhất cho những gì con người mong tìm thấy nơi Chúa Cha: "Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18:19-20). Lời cầu nguyện tưởng như một hành động nội tâm, cá nhân, thực tế lại có một chiều kích cộng đồng quá lớn lao và một sức mạnh ghê gớm, lôi kéo được sự chú ý của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ai có thể tưởng tượng nổi ?!

    Mỗi Chúa nhật chúng ta tụ họp trong thánh đường để thờ phượng Chúa. Không lúc nào chiều kích cộng đồng rõ nét hơn khi chúng ta tìm đến với Chúa và với nhau. Thực tế vãn có nhiều người  đến với Chúa và với anh em một cách gượng gạo. Họ không bao giờ có thể hưởng được niềm vui của một ý thức về cộng đoàn như một thân thể, thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu. Thân thể không hiện diện rời rạc, nhưng cùng chia sẻ một niềm vui hay nỗi buồn. Nói khác, chiều kích cộng đồng không thể thiếu vắng trong niềm tin hôm nay.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP