TRẬT TỰ MỚI

Chúa Nhật 25A Thường Niên

 

Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc xác định “mọi người sinh ra đều bình đẳng”.   Nhưng thực tế vẫn có những chênh lệch.   Làm sao dung hòa ?    Làm sao lấp đầy khoảng cách giàu nghèo ?   Đâu là tiêu chuẩn Tin Mừng ?

 

CÓ BẤT CÔNG HAY KHÔNG ?

 

Tin Mừng Mathêu khi đưa ra những tiêu chuẩn khác biệt nhau.   Khi thì đề cao lương tâm công bình và đạo đức lao động (x. Mt 25:14-30, nhất là câu 29), làm càng nhiều thu càng bộn, như đoạn Tin Mừng trước đó (Mt 19:27-30).   Lúc lại nói : “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.” (Mt 20:16a) Phải chăng có mâu thuẫn ?

Nếu đọc kỹ Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ thấy không có mâu thuẫn hay đảo ngược các giá trị.   Trái lại, càng đọc càng xác tín vào sự trung thành và lòng đại lượng của Thiên Chúa đối với con người.  “Dụ ngôn này làm cho nhiều người buồn phiền vì thách đố và đảo ngược các giá trị công ước, kể cả ý thức về công lý và công bình trong các độc giả đạo đức của Tin Mừng Mathêu.” (NIB 1995:393) Dĩ nhiên, Đức Giêsu đã đặt những ý niệm cổ điển về công lý và công bình vẫn thường các thày rabbi nhấn mạnh trước một thách đố lớn lao.   Công bình có thể tạo ảo tưởng cho con người.   Người ta cứ tưởng dựa vào công bình để đòi Thiên Chúa phải trả công xứng đáng với những hi sinh này nọ.   Đức Giêsu muốn cho mọi người thấy sự thật về lòng thương xót vô cùng lớn lao của Thiên Chúa.   Chẳng ai có thể đòi Thiên Chúa phải trả công.   Nhưng sở dĩ con người được ân thưởng chính vì Thiên Chúa muốn thi hành tất cả những gì Người đã hứa và ký kết với con người trong giao ước cứu độ.

Để minh họa tư tưởng đó, Đức Giêsu đã tưởng tượng trần gian như một vườn nho.   Ngay từ sớm ôâng chủ vườn đã lo đi kiếm thợ.   Có ba lớp thợ khác nhau.   Lớp thứ nhất dựa trên một khẩu ước theo giá cả bình thường.   Các nhóm sau được ông chủ hứa: “Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20:4)  Thế nào là “hợp lẽ công bằng” ?  Tất cả đều tùy thuộc vào ý thức và thiện chí ông chủ.  “Mặc dù nhóm thứ nhất có một ‘khế ước’ và nhóm thứ hai chỉ có thể tin vào ý thức ông chủ về công lý, thực tế cả hai nhóm đều tùy thuộc vào lòng thành tín của ông chủ vườn nho.” (NIB 1995:393)

Con người không thể dựa trên lẽ công bằng, nhưng chỉ dựa vào lòng Thiên Chúa xót thương để tìm đến đích điểm hạnh phúc.    Nếu chỉ loanh quanh với tư tưởng loài người, không ai có thể suy tư vượt lên trên lẽ công bằng.   Nhưng với con mắt đức tin, người ta có thể nhìn cao hơn và sâu hơn vào chính tình yêu trời bể của Thiên Chúa. Từ công bình đến lòng xót thương, một khoảng cách không có chi lấp đầy được.  Chính vì thế, Thiên Chúa mới nói : “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.” (Is 55:8)   Tư tưởng và đường lối đó chung qui mạc khải cho mọi người biết Thiên Chúa là một ông chủ “tốt bụng.” (Mt 20:15) Người không lệ thuộc vào lẽ công bằng của con người, nhưng hoàn toàn “có quyền tùy ý định đoạt về những gì.” (Mt 20:15) Người muốn, vì “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.” (Tv 24:1)   Nhưng định đoạt bất cứ điều gì, Người cũng dựa trên tình yêu.   Vì Thiên Chúa không thể làm ngược lại bản tính của mình.  

Chính vì thế, hành động của Thiên Chúa đã trở nên một thách đố cho con người.   Dụ ngôn hôm nay đã cân bằng quyền lợi “kẻ đứng chót” với “kẻ đứng đầu”, mà vẫn tránh được bất công.   Không những thế, trật tự thế giới mới làm cho “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.” (Mt 20:16a; 19:30)  Thật là kỳ diệu !   Nhưng cũng thật là nhức nhối cho những “kẻ đứng đầu”.  

Đó là một bài học đắt giá cho các Kitô hữu !   Trong Giáo Hội không có cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”.   Không thể khinh thường những anh chị em tân tòng.   Thời kỳ Giáo Hội phôi thai, nhiều Kitô hữu gốc Do thái đã mắc phải lỗi lầm đó.   Chính vì thế, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu ý thức  rằng : “Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.   Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:13)  Thần Khí chính là “một quan tiền.” (Mt 20:2, 13) Thiên Chúa ban cho tín hữu.   Mọi người tín hữu đều bình đẳng khi đón nhận “quan tiền” này, bất kỳ họ bắt đầu làm vườn nho từ giờ nào.

 

VƯỜN NHO HÔM NAY

 

Từ “một quan tiền” đó, nhiều hiệu quả phong phú khác nhau đã đem lại cho các thợ vườn nho niềm hãnh diện lớn lao.    Không ai có thể tự hào hơn người khác.   Vì công xá không được đo bằng thời giờ hay lao lực, nhưng tùy thuộc hoàn toàn vào ân huệ nhưng không của ông chủ là Thiên Chúa.   Giáo Hội vườn nho trồng nhiều loại cây thập giá.   “Thập giá là biểu tượng cao cả nhất của tình yêu.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 15.9.2002)  Từ cây tình yêu này sẽ sinh nhiều hoa trái ngon ngọt cho loài người thưởng thức.   Quả thực, “thập giá trở thành dấu chỉ tuyệt vời của một nền văn hóa đem lại chân lý và tự do, tin tưởng và hi vọng từ sứ điệp Kitô giáo.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 15.9.2002)   Đó là những giá trị nhân loại đang khao khát.   Mất những giá trị đó, nhân loại sẽ mất tất cả.   Chưa lúc nào nhân loại thấy choáng váng trước cơn lốc hoang tưởng và tuyệt vọng như hôm nay.   Xã hội đang đánh mất thế quân bình và một nền tảng cần thiết cho hạnh phúc đích thực.  “Trong một thế giới ngày càng tục hóa, tín hữu cần phải coi thập giá là nguồn ân phúc và ơn cứu độ.   Biểu tượng chính của Kitô giáo là cây thập giá.  Tin Mừng bén rễ ở đâu, thập giá là dấu chỉ Kitô hữu hiện diện tại đó.” (xc. ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 15.9.2002)   Kitô hữu nỗ lực làm chứng thập giá là nguồn phát sinh ân sủng, chứ không phải là dấu chỉ công lý.   Hơn nữa, khi công bố thực tại thập giá Đức Kitô, Giáo Hội trình bày cho thế giới “ý nghĩa cao cả và trọn vẹn nhất của cuộc sống mỗi người và của toàn thể lịch sử nhân loại.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 15.9.2002)  Chắc chắn ý nghĩa đó phải do tình yêu Thiên Chúa mạc khải nơi cây thập giá. Thực vậy, con người bất toàn làm sao có thể tạo nên ý nghĩa cuộc sống cho con người ?   

Cuộc sống đó bắt đầu từ gia đình, một vườn nho tí hon của Thiên Chúa.   Giáo Hội kêu gọi mọi người hãy nâng cao vẻ đẹp gia đình thành một phương tiện làm cho việc toàn cầu hóa có bộ mặt nhân bản (Đại Hội Quốc tế về Thánh Gia: Zenit 16.9.2002).  Thực thế, “như một cộng đoàn đức tin đón nhận từ Tin Mừng và ơn gọi theo lối sống riêng, Giáo Hội cống hiến một bộ mặt tích cực cho hiện tượng toàn cầu hóa,” (ĐGM Francisco Gonzalez : Zenit 16.9.2002) tránh xa nguy cơ bị chủ thuyết kinh tế thị trường và tân-tự do lôi kéo, chỉ biết có sản xuất và lợi nhuận.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà