Chúa Nhật 26 mùa Thường niên, A

 

          Ki-tô hữu chọn lựa lối suy nghĩ và hành động không theo lối của thế gian, nhưng theo gương mẫu Chúa Ki-tô.  Để thực hiện điều này, họ phải phấn đấu với chính mình, vì bản chất con người không muốn bất cứ điều gì bất lợi cho mình.  Do đó, rất nhiều khi họ nhủ lòng theo đường lối Chúa, nhưng sự lôi cuốn của lối sống người đời vẫn thắng thế.  Tuy nhiên điều quan trọng là mỗi khi như vậy, họ cố gắng hối cải, trở về với căn tính Ki-tô của họ và tiếp tục con đường Ki-tô hóa chính mình.

1.  Sám hối là đường đưa đến sự sống (bài đọc Cựu Ước – Ed 18:25-28)

          Dân Ít-ra-en chưa hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và rộng lượng thứ tha, do đó họ cũng nghi ngờ luôn cả đường lối của Người.  Một lần nữa, qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa quả quyết là đường lối của Người ngay thẳng và rõ ràng:  từ bỏ lẽ công chính mà làm điều dữ sẽ dẫn đến cái chết, còn bỏ điều bất chính mà làm điều lành sẽ đem lại sự sống.  Chỉ có một con đường và một sự chọn lựa đưa ta tới sự sống, đó là bỏ điều dữ mà thi hành điều chính trực.  Khi tạo dựng con người, Chúa ban cho ta quyền tự do lựa chọn.  Sự chọn lựa đầu tiên của con người, tức ông A-đam, đã để lại hậu quả là tội tổ tông làm cho con người có khuynh hướng chọn điều trái thay vì điều phải.  Con người dễ dàng phạm tội vì bản chất yếu đuối.  Tuy nhiên đối với Chúa, sự yếu đuối không phải là xấu, trái lại để con người biết họ cần đến Chúa và ân sủng của Người.  “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 24:8-9).  Con người ai mà chẳng là “tội nhân” trước mặt Chúa.  Nhưng trái lại, Chúa lại “nghĩa nặng ân sâu” đối với tội nhân và muốn tội nhân đi con đường sám hối để trở về với Người.

          Con đường sám hối gắn liền với bản chất yếu đuối của ta, cho ta thấy trước mặt luôn luôn là Chúa và sau lưng ta là quá khứ tội lỗi.  Càng bỏ lại sau lưng tội lỗi, ta càng gần Chúa hơn và Chúa càng lớn lên trong ta.  Giá trị Tin Mừng càng được trân quý và ảnh hưởng đến cuộc sống thì thực tại Nước Trời càng rõ rệt và vững chắc trong ta.  “Nước Trời đã gần” có nghĩa là nó đang phát triển ngay trong lòng ta mỗi ngày một mạnh mẽ thêm.  Để Nước Trời mỗi ngày một gần ta hơn thì sám hối là con đường ngắn nhất để ta đi tới.  Sám hối là cả một vấn đề phức tạp, cần phải nhận định rõ ràng tình huống để biết phải bắt đầu từ đâu và tiếp tục mỗi ngày thế nào.  Quyết định sám hối cần rõ ràng, không ôm đồm, nhưng ngắn gọn và nhất là đúng với sức của ta.  Năng xét mình hoặc xét mình hằng ngày là phương thức hiệu quả nhất giúp cho sám hối được kết quả.  Xét mình hắng ngày không chỉ là việc dành cho linh mục hoặc tu sĩ nam nữ, nhưng là cho mọi Ki-tô hữu, để họ thấy được khoảng cách giữa họ với Chúa Ki-tô đã dần dần rút ngắn được bao nhiêu.  Thực hành sám hối đòi hỏi ta phải kiên trì và khiêm tốn, vì không phải là công việc của một mình ta, nhưng giữa ta với ơn Chúa và Thánh Thần.  Kiên trì vì việc từ bỏ một nết xấu đòi hỏi thời gian.  Khiêm tốn vì phải chấp nhận những thiếu sót và giới hạn của ta, đồng thời nhận thức rằng với sức riêng, ta sẽ không thể làm nổi.

2.  Một câu truyện sám hối trong Tin Mừng (bài Tin Mừng – Mt 21:28-32)

          Đây chỉ là một câu truyện Chúa kể, nhưng không phải là truyện tưởng tượng mà là truyện thường xảy ra trong đời sống hằng ngày.  Hai người con trai trong gia đình kia đều được ông bố sai đi làm vườn nho.  Người con thứ nhất phản đối, không chịu đi làm.  Nhưng rồi anh ta hối hận và lại đi làm.  Còn người con thứ hai thì vâng vâng dạ dạ, rồi cuối cùng anh ta làm ngược lại lời cha và không chịu đi.  Kết luận người con thứ nhất đã thi hành điều ông bố muốn.  Điều câu truyện muốn nhấn mạnh chính là việc người con thứ nhất ân hận vì đã cãi lời cha và anh đã sửa lại lỗi lầm đó.  Quả thực là một câu truyện hết sức đơn sơ nói về sám hối và được áp dụng vào việc đón nhận Nước Trời.

          Đón nhận Nước Trời là điều Thiên Chúa Cha muốn mọi người phải làm.  Người sai Con Một Người đến với ý độc nhất là để “bất cứ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Kế hoạch sai Con Một đến đã được báo trước bao nhiêu đời cho dân Chúa qua các ngôn sứ.  Gần đây nhất, đó là qua việc rao giảng của ông Gio-an Tẩy giả.  Chính ông đã chỉ cho người ta thấy Chúa Giê-su là “Đấng phải đến” theo điều các ngôn sứ đã báo trước.  Muốn đón nhận “Đấng Cứu Thế”, người ta phải bạt đồi kiêu căng, lấp thung lũng tội lỗi, uốn nắn những quanh co của tâm hồn.  Nhiều người nghe ông Gio-an rao giảng đã từ chối, không muốn làm cuộc thay đổi như thế và luôn luôn cho mình là những người công chính không cần thay đổi.  Trái lại tầng lớp người vẫn bị coi là xấu xa tội lỗi như gái điếm và thu thuế thì lại nghe lời ông Gio-an và thực hành sám hối.

          Một trong những điều khiến Chúa Giê-su băn khoăn nhất, đó là thái độ cao ngạo và bướng bỉnh của những tư tế, Pha-ri-sêu và các kinh sư.  Nói nhẹ, nói nặng, Chúa Giê-su đã làm, ngay cả việc tố cáo thái độ giả hình, kiêu căng của họ Chúa cũng không bỏ qua, miễn sao đưa họ về nấp dưới bóng cánh gà mẹ của Thiên Chúa.  Nhưng sám hối đối với họ là chuyện không đúng chỗ, vì họ luôn luôn coi mình là những người công chính.  Thật buồn thay.  Chẳng những không chịu nghe lời Chúa Giê-su, họ còn “tìm cách bắt người” để tiêu diệt (Mt 21:46).

3.  Thánh Phao-lô xin anh chị em tín hữu hãy sám hối, thay đổi lối sống (bài đọc Tân Ước – Pl 2:1-5)

          Với địa vị người cha trong một gia đình cộng đoàn dân Chúa, thánh Phao-lô đã nhận thức được sự cần thiết của việc sám hối và ngài tha thiết xin mọi phần tử trong cộng đoàn hãy thay đổi lối sống.  Không nhiều thì ít, lối sống của tín hữu Phi-líp-phê vẫn còn chịu ảnh hưởng lối sống dân ngoại.  Họ cần phải thay đổi nhiều để sống sao cho xứng danh Ki-tô hữu đích thực.  Nhưng biết thay đổi gì đây?  Do đó, thánh Phao-lô đã đưa ra một số điểm thực tế liên quan tới đời sống cộng đoàn.  Vậy điều ngài quan tâm hàng đầu đó là mầm mống chia rẽ và chống đối nhau đã bắt đầu trong cộng đoàn Phi-líp-phê.  Cần phải thay đổi tình huống nguy hiểm này.  Cho nên thánh Phao-lô đưa ra một vài mục tiêu cụ thể:  a) hãy có “tứ cùng”, cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn và cùng một ý hướng như nhau;  b) hãy có lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình; c) đừng tìm lợi ích riêng, nhưng hãy mưu ích cho người khác.  Đó là tất cả những tâm tình ta gặp thấy nơi đời sống Chúa Ki-tô, Đấng đã trút bỏ vinh quuang Thiên Chúa để cùng sống chung với ta.  Giờ đây, muốn kiến tạo một cộng đoàn yêu thương, ta cũng “hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su”.

          Không phải chỉ là lời khuyên dành cho một cộng đoàn tín hữu xa xưa, nhưng là cho mọi người mọi thời.  Ta đang sống trong những cộng đoàn, nhỏ là gia đình, lớn hơn là giáo xứ, tu viện, lớn hơn nữa là giáo phận, Giáo Hội toàn cầu và thế giới.  Nhưng nếu mỗi người đều thay đổi để mang tâm tình của Chúa Giê-su thì quả thực Nước Trời đã đạt tới kết quả cánh chung của nó rồi và muôn loài muôn vật đã được quy tụ trong Chúa Ki-tô và trong Thiên Chúa.

4.  Sống Lời Chúa

          Sám hối là điều khó thực hiện, nhưng không phải là không thể làm.  Trước hết ta nhìn vào mục đích để tiến tới.  Mục đích là từ bỏ con người tội lỗi để trở nên giống Chúa Ki-tô.  Để từ bỏ tội lỗi, ta xét mình hằng ngày để kiểm điểm sự thay đổi tích cực trong lối sống.  Để trở nên giống Chúa Ki-tô, ta đọc và suy gẫm Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, để biết, yêu mến và làm môn đệ Chúa.  Sám hối là một tiến trình liên tục, chứ không phải chỉ thực hành vào mùa Chay.  Với cố gắng riêng và nhất là với ơn thánh Chúa, chắc chắn ta sẽ thay đổi, trở nên tạo vật mỗi ngày một mới hơn.

Suy nghĩ:  Đọc và suy gẫm Kinh Thánh giúp tôi khám phá được những tâm tình nào của Chúa Giê-su?  Tôi có đem những tâm tình ấy vào đời sống của tôi không?  Việc xét mình hằng ngày tôi có thực hành không?  Việc ấy giúp ích gì?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người;  xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 26 mùa Thường niên).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi         

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A