ĐỜI CHỈ ĐẸP . . .

Chúa nhật 30A Thường Niên

    Tình yêu vẫn là bản trường ca bất tận. Tình yêu là điểm con người gặp gỡ Thiên Chúa, tha nhân và tạo vật. Không có tình yêu, đời còn gì đáng sống ?   Tương giao con người sẽ vô nghĩa. Tình yêu đã thành nguồn hứng bất tận cho bao nhiêu thi ca, tiểu thuyết. Không ai có thể cưỡng lại sức thu hút mãnh liệt của tình yêu. Tình yêu chi phối tất cả, khiến ta có thể "nhìn cò ra quạ". Bởi đó, sau những sai lầm, người ta mới kêu lên :

Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở,

Tình hết vui khi đã vẹn câu thề.   (Xuân Diệu)

    Nếu thế phải chăng cuộc đời toàn những xấu xa, không gì đáng nói. Nhưng không. Chúa muốn chúng ta thấy nét tươi đẹp tuyệt vời của tình yêu con người khi được đặt ngang hàng với tình yêu Thiên Chúa.

CHIỀU KÍCH TÌNH YÊU

    Tình yêu ở đây không dừng lại khía cạnh tình cảm. Trái lại, đó là việc "trung tín với giao ước, một vấn đề của lòng muốn và hành động" (The New Jerome Biblical Commentary:1990). Đó cũng là mối bận tâm lớn lao của người Do thái. Họ tìm cách xem Đức Giêsu có thông minh, có thể tổng hợp các lề luật cha ông hay không. Bởi đấy họ tìm cách "thử Người"(Mt 22:35) : "Thưa Thày, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?" (Mt 22:36)  Lần này Người không tìm cách luồn lách, nhưng trả lời thẳng: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22:34; Đnl 6:5). Một đòi hỏi như thế không thể kiếm thấy trong phạm vi tự nhiên. Tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi tuyệt đối. Chính vì thế Đức Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa của mình khi đòi môn đệ phải từ bỏ mọi sự mà theo Thày. Tình yêu Thiên Chúa có một chiều kích vô giới hạn.

    Nhưng tình yêu Thiên Chúa không bay bổng trên không trung, trái lại rất thực tế. Người ta chỉ có thể sống tình yêu Thiên Chúa khi cụ thể hóa tình yêu đó bằng tình yêu tha nhân. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đặt tình yêu Thiên Chúa ngang tầm với tình yêu tha nhân. Cả hai đều quan trọng như nhau. Người Do thái đã không đặt nặng vấn đề như thế. Trái lại Đức Giêsu coi tình yêu tha nhân rất quan trọng. Không yêu tha nhân tức là không yêu Thiên Chúa. Quả thực "Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ?" (1 Ga 3:17)

    Nhưng khác với tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân chỉ đòi hỏi ở mức độ "như chính mình" (Mt 22:39) mà thôi. Ở đây hé lộ cho chúng ta thấy không yêu được chính mình, cũng không thể yêu tha nhân. Nhưng yêu chính  mình như thế nào ?  Đó mới là vấn đề. Nhiều người tưởng Kitô giáo cấm yêu chính mình. Thực tế tình yêu chính mình rất chính đáng. Tình yêu chính mình trở thành chuẩn mức đo lường tình yêu tha nhân. "Tình yêu chính mình rất quan trọng trong cuộc sống con người. Tình yêu đó giúp hoàn thành bản thân một cách chính đáng" (The New Dictionary of Catholic Social Thought:1994). Ngược lại nhiều người nghĩ cuối cùng tất cả phải nhắm tới phần rỗi cá nhân. Bởi vậy họ "giản lược tình yêu tha nhân vào một hình thức tế nhị của tình yêu chính mình …  Đôi khi các Kitô hữu nói họ yêu tha nhân để hoàn thành ơn gọi của mình" (The New Dictionary of Catholic Social Thought:1994).

    Tuy thế, tình yêu đó  phải nhường bước trước đòi hỏi tình yêu Thiên Chúa.   Bởi vậy Đức Giêsu mới nói : "Ai muốn theo Thày, phải từ bỏ chính mình"(Mt 16:24). Nhiều khi người ta có thểø yêu tha nhân hơn chính mình, như trường hợp thánh Maximilien Kolbe. Đó là mức độ anh hùng. Nhưng tất cả chỉ vì "tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5:14).

TÌNH YÊU TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

    Từ ngàn xưa, lề luật đã "nhấn mạnh tới việc đối xử công bình và quan tâm tới phúc lợi của ngoại kiều" (Roland J. Faley:1994, x.Xh 23:9; Lev19:33; Đnl 23). Người nghèo trong cộng đoàn cũng được bảo vệ tối đa (Xh 22:24-26), vì Thiên Chúa đứng về phía người nghèo. Thiên Chúa "vốn nhân từ" (Xh 22:26), sẵn sàng nghe và đáp ứng tiếng họ kêu cứu (x.Xh 22:26)

    Thế giới ngày nay, nghèo khó bao trùm ba phần tư nhân loại. Bởi đó hơn lúc nào, đức ái Kitô giáo phải có một chiều kích toàn cầu và qui mô hơn. Nhưng không được quên "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta," (Rm 5:5) trong Đức Giêsu Kitô.  Đó là động lực khiến mọi người hiệp nhất trong công cuộc bác ái như một chứng từ sống động cho tình yêu Thiên Chúa. Chính từ niềm tin đó, Hội Thánh đủ sức mạnh góp phần xây dựng thế giới. Kang Moon-kyu, người Hàn Quốc, cho rằng "các cộng đoàn đức tin là những tác nhân tiềm tàng tạo biến đổi mạnh mẽ, vì họ có thể nhân bản hóa xã hội, góp phần xây dựng các giá trị cốt lõi của xã hội dân sự và cổ vũ cho công lý" (VietCatholic : 20/10/1999).

    Nếu không bắt nguồn từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa, công cuộc bác ái "cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng" (1Cr 13:1). Rất may Đức Giêsu đã nêu cao giới răn mến Chúa như là "điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu" (Mt 22:38). Lòng yêu mến tha nhân, mặc dù quan trọng như điều răn thứ nhất, cũng chỉ là phản ảnh và là kết quả của nỗ lực sống điều răn thứ nhất mà thôi. Thượng Hội Đồng Giám mục Âu châu báo động: ngày nay "cám dỗ nghiêm trọng là cám dỗ sống dường như thể không có Chúa Kitô nữa" (ĐHY Tettamanzi:1999). Nếu chỉ có chiều kích nhân bản, tình yêu không thể làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng nếu chỉ giới hạn trong chiều kích thiêng liêng, tình yêu Kitô trở thành một thứ hột xoàn trong tủ kính. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu liên kết hai mặt của thực tại tình yêu trong một hòa điệu tuyệt vời: "Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy" (Mt 22:39).

    Nếu thực sự sống trong tình yêu, chúng ta không thể kỳ thị. Trong Đức Giêsu không còn phân biệt văn hóa, chủng  tộc, giàu nghèo, nam nữ, địa vị, giai cấp v.v (x.Gl 3:28). Con người ngày nay quá ích kỷ. Ích kỷ dưới mọi hình thức: cá nhân, gia đình, tập thể, cộng đoàn, đảng phái, quốc gia v.v. Chính vì thế chúng ta cần cầu xin Thánh Linh đem công lý và hòa bình đến cho nhân loại, một nhân loại tràn ngập số lượng thông tin, nhưng vẫn xa cách như bao giờ.

    Xác tín vào sứ điệp của Đức Giêsu như một giải pháp hoàn hảo và toàn diện, chúng ta không sợ trực diện với những thách đố thời đại. Những đối lực hôm nay chỉ tìm được hòa giải trong Đức Giêsu Kitô, vì nơi Người kiện toàn hai chiều kích vĩ đại của tình yêu : Thiên Chúa và con người. Đời chỉ đẹp khi tìm thấy hai chiều kích vĩ đại đó trong tâm hồn và giữa những tương giao muôn mặt hôm nay.

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A