Chúa Nhật I Mùa Vọng, A

 

          Mục đích của một kế hoạch hay chương trình thường được giới thiệu ngay ở phần đầu tiên.  Nếu ta hiểu Phụng vụ Lời Chúa của một năm phụng vụ muốn trình bày cho ta kế hoạch của Thiên Chúa, thì ngay tuần thứ nhất mùa Vọng phải là lúc để Giáo Hội cho ta thấy được cái nhìn tổng quát về kế hoạch ấy.  Vậy các bài đọc hôm nay sẽ cho ta biết kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch gì, hoặc nói khác đi nhắm mục đích nào và ta phải làm gì trong kế hoạch ấy.

1.  Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn quy tụ muôn dân trong Nước vĩnh cửu của Người (Bài đọc Cựu Ước - Is 2:1-5)

          Ngôn sứ I-sai-a là người được Chúa cho thấy trước một kế hoạch Người sẽ thực hiện cho tương lai của toàn thể nhân loại:  Nhà Thiên Chúa sẽ mở rộng cửa đón nhận mọi người từ muôn dân muôn nước quy tụ về.  Ở đó, Thiên Chúa sẽ dạy mọi người sống một lối sống mới và mối tương giao giữa con người với nhau cũng sẽ biến đổi từ hận thù chiến tranh sang yêu thương hòa bình.  Thực ra đó là thao thức của con người ngay từ phút đầu lịch sử nhân loại.  Người ta cố gắng đi tìm hòa bình rộng lớn hay bình an trong tâm hồn, nhưng không sao thực hiện được.  Dù có ký kết hòa bình giữa nước này với nước kia, nhưng cũng chỉ là một nền hòa bình hoặc giả tạo hoặc tạm thời.  Nguồn gốc của chiến tranh đã nằm ngay trong tâm hồn mỗi người dưới sự chi phối của tội tổ tông.  Câu truyện ông Ca-in giết em (St 4:1-15) mở đầu cho lịch sử chiến tranh loài người.  Một khi con người đã đối nghịch với Thiên Chúa do tội tổ tông thì con người cũng sẽ đối nghịch với nhau.  Để bảo vệ mình hoặc để thống trị kẻ khác, người ta chế tạo khí giới, bắt đầu còn thô sơ như gậy gộc đao kiếm, rồi mỗi ngày một tinh vi và lợi hại hơn như ta thấy ngày nay.

          Khát vọng hòa bình không phải là điều mới lạ.  Câu truyện ông Áp-ra-ham và ông Lót (St 13:8) giàn xếp với nhau về những tranh chấp nói lên một khát vọng riêng tư, nhưng cũng là khát vọng của toàn thể nhân loại nữa.  Nỗ lực tìm kiếm và kiến tạo hòa bình là điều luôn luôn được tán thưởng.  Tuy nhiên Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi Người xếp nỗ lực ấy vào số những mối phúc.  “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).

          Nhân loại khát mong hòa bình và bình an.  Thiên Chúa không những mong con người được bình an như khi Người đã đặt họ trong vườn địa đàng lúc tạo dựng, mà Người còn muốn sắp xếp một kế hoạch để tái lập hòa bình giữa Người với nhân loại và giữa loài người với nhau, thứ hòa bình đã bị mất đi do tội tổ tông và tội của mỗi người.  Ý định này Người đã tỏ lộ ngay trước khi ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và Người cũng lập lại nhiều lần trong lịch sử Dân Chúa, nhất là qua ngôn sứ I-sai-a.  Tội lỗi đã làm cho con người xa cách Chúa và xa cách nhau, thì kế hoạch của Chúa là “trong tương lai, dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi… lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (Is 2:2-3).  Đó chính là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

2.  Thời gian thực hiện kế hoạch đã tới gần (Bài đọc Tân Ước - Rm 13:11-14a)

          Ý định của Thiên Chúa đã có ngay từ sau khi A-đam và E-và phạm tội không vâng lời Chúa.  Tin Mừng nguyên thủy được Người công bố:  “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).  Lời hứa này của Thiên Chúa là Đấng trung thành đã được lập lại nhiều lần trong lịch sử dân Ít-ra-en, đặc biệt qua một vài vị ngôn sứ như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Xô-phô-ni-a, Mi-kha, như ta thấy qua những bài đọc Cựu Ước suốt mùa Vọng.  Những bài đọc này giúp ta dễ nắm bắt được chủ đề Lời Chúa trong ngày thường cũng như Chúa Nhật, tất cả xoay quanh mục đích giúp ta suy niệm ý nghĩa kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và biết phải làm sao đáp lại lời gọi cứu rỗi của Người.

          Thiên Chúa đã hứa và phác họa kế hoạch thì nhất định Người sẽ giữ lời hứa và thực hiện kế hoạch.  Nhưng khi nào Người mới thực hiện, đó là điều thắc mắc và niềm hy vọng của nhân loại.  Kế hoạch cứu độ là kế hoạch yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương ta đến độ trao nộp Con Một Người cho ta (Ga 3:16).  Thánh Phao-lô đã cho ta thấy thời điểm Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người.  “(Thiên Chúa) cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.  Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1:9-10).  Thời gian chờ đợi đã hết.  Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô đến để mở ra cho ta cánh cửa cứu rỗi.  Tuy nhiên, còn hơn cả cánh cửa cứu rỗi, chính Đức Ki-tô là sự cứu rỗi của ta, vì ta phải quy tụ trong Người, hay nói khác đi, phải hoàn toàn thuộc về Người.  Thánh Tông đồ gọi đời sống có Đức Ki-tô là “ngày”, còn đời sống trong tội lỗi là “đêm”.  Ngài mời gọi ta hãy ý thức ta đang sống trong thời được gọi là “đêm sắp tàn, ngày gần đến”.  Thực vậy, Chúa Ki-tô đã đến để “dạy ta biết đường lối của Thiên Chúa và bước theo đường Người chỉ vẽ” (bài đọc 1).  Người dẫn ta ra khỏi màn đêm tội lỗi và đưa ta vào ngày cứu độ.  Tuy là hai thực tại, nhưng cùng một tiến trình.  Càng được kéo xa khỏi đêm tối, ta càng gần Đấng là sự sáng thế gian; càng xa cái chết, ta càng gần Đấng là sự sống lại và là sự sống.

3.  “Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng” (Bài Tin Mừng – Mt 24:37-44)

          Mặc dù Thiên Chúa đã cho ta biết kế hoạch cứu độ của Người là kế hoạch gì và kế hoạch ấy đã được thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô, rồi Người muốn ta đáp lại lời gọi cứu rỗi, ta vẫn thường rơi vào tình trạng giả điếc làm ngơ, hoặc không muốn được cứu độ.  Mặc dù thánh Phao-lô Tông đồ đã thẳng thắn đề ra một quyết định sống “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày”, nhưng ta vẫn dễ để bị lôi cuốn “chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”.  Thời gian để ta đáp lại ơn cứu độ là thời gian ta đang sống tại thế gian này và thời gian đó sẽ kết thúc vào ngày Con Người quang lâm, tức là vào giờ chết của ta.  Lúc ấy quyết định cho số phận đời đời của ta.  Cái chết xảy ra chung quanh ta từng giây từng phút.  No cũng có thể đến với ta bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu.  Nhưng nhịp sống của con người nhiều khi làm ta quên mất sự hiện diện của cái chết hoặc thời điểm dứt khoát cho số phận tương lai của ta.  Trước cái chết của người thân hay bạn bè, ta đau khổ sững sờ một thời gian, rồi sau đó lại hòa mình vào nhịp sống.  Tệ hơn nữa, ta vẫn quay lại với nếp sống cũ là đời sống của “đêm” thay vì “ngày” như ta đã nhất thời quyết định sau cái chết của người thân.

          Chính vì không biết cái chết đến lúc nào hoặc không biết Chúa đến phán xét ta lúc nào, nên không gì tốt hơn là phải tình thức và sẵn sàng.  Lại thêm một sự kiện nữa liên hệ tới việc được cứu độ là có người được cứu độ, có người không được cứu độ.  Trong bài giảng về thời cánh chung, Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh cụ thể để nói lên sự kiện này:  cứ hai người thì một người được đem đi và một người bị bỏ lại.  Đó không phải là một bài toán, nhưng là một cảnh báo cho mỗi người biết mình phải cố gắng làm người được đem đi, tức là được cứu độ.

4.  Sống Lời Chúa

          Cả ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày một chương trình sống, không phải cho một năm, nhưng cho tất cả cuộc sống của ta.  Thiên Chúa có kế hoạch cứu độ ta và Người chỉ thực hiện nơi ta nếu ta bằng lòng cộng tác với Người.  Để cứu độ ta, Người cho ta một mẫu sống là chính Con Yêu Dấu của Người và qua lời thánh Phao-lô kêu gọi ta:  Anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô.  Nghĩa là ta hãy bước đi theo Chúa Giê-su là Ngày, là Sự Sáng giúp ta rũ bỏ đi dần dần những tối tăm của đời sống tội lỗi.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô dạy: Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.  Vậy đâu là “những việc làm đen tối” của tôi?  “Vũ khí của sự sáng” mà tôi cần để chiến đấu chống lại tội lỗi là thứ vũ khí nào?

Cầu nguyện:          Lạy Chúa, xin biểu dương uy quyền và lấy thần lực mà nâng đỡ chúng con, để mặc dầu tội lỗi chúng con cản trở, Chúa vẫn mở lượng khoan hồng sớm thực hiện công trình cứu độ chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  (Lời nguyện nhập lễ, Thứ Năm sau CN I mùa Vọng).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà