Chúa Nhật 5 Mùa Phục Sinh Năm A

Ðường Dẫn Tới Sự Sống

(Cv 6,1-7; 1P 2,4-9; Yn 14,1-12)

 

Phúc Âm: Yn 14, 1-12

"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người". Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói "Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha"? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật V Phục Sinh

Cv 6,1-7; 1P 2,4-9; Yn 14,1-12

Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe thánh Phêrô khuyên nhủ hãy quay mặt về với Ðấng là Mục tử các linh hồn để thấy Người đã đi trước đưa chúng ta vào sự sống dồi dào. Hôm nay có thể nói chúng ta hãy đến xem cánh đồng cỏ mà Người đã dẫn chúng ta đến, cũng là đàn chiên mà Người đã đem chúng ta vào, là Hội Thánh mà chúng ta đã gia nhập nhờ đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người, khác nào như qua Cửa của ràn chiên. Cả ba bài Kinh Thánh vừa nghe đọc đều cho chúng ta thấy những phương diện khác nhau của Hội Thánh.

 

A. Một Cơ Quan Có Nhiều Phận Sự

Bài Công vụ các Tông đồ không đơn sơ như chúng ta tưởng sau khi nghe qua một lượt. Chúng ta nghĩ đây chỉ là chuyện thiết lập các Phó tế, chứng tỏ Hội Thánh đầy đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng tại sao lại có việc thiết lập ấy? Việc thiết lập này đã giải quyết được những gì? Và có hệ gì đến đời sống đạo của chúng ta ngày nay không?

Những câu đầu của bản văn thật ý nghĩa. Số các môn đồ gia tăng. Hội Thánh như hạt cải đang lớn thành cây. Sự đồng tâm ý hiệp phải khó hơn. Sách nói có tiếng người Hylạp rì rầm chống đối người Dothái. Ðó là triệu chứng bất hòa và xung khắc giữa bổn đạo mới và bổn đạo cũ, giữa lương dân trở lại và Dothái tòng giáo. Cả hai đều mới mẻ trong Ðức Kitô. Nhưng xuất xứ, nguồn gốc và nhất là phong tục làm cho hai bên khó sống chung trong một thân thể và nhận mình là chi thể của nhau. Sự khó dung hòa này còn kéo dài lâu và đưa đến những thái độ quyết liệt như chúng ta sẽ thấy sau này.

Ở đây, nguyên nhân sự bất hòa xem ra chỉ do việc các quả phụ người Hylạp không được phục vụ tươm tất. Bản văn nói vắn tắt quá khiến chúng ta khó thẩm định được sự thật như thế nào. Nhưng ít nhất chúng ta phải nhận thức: sinh hoạt của Hội Thánh ngay từ đầu đã không hạn chế nguyên trong phạm vi phụng vụ. Giáo hội đã biểu thị sức sống bác ái của mình trong cả việc phục vụ tha nhân, đặc biệt trong các phần tử đau khổ trong xã hội. Chính Chúa đã nói với Hội Thánh, kẻ nghèo sẽ còn ở mãi với chúng ta. Và Người ngầm bảo: thế nên, chúng con phải săn sóc họ. Chắc chắn các Tông đồ đã ý thức tầm quan trọng của công việc phục vụ này nên đã muốn tự tay làm. Nhưng miễn là việc cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa không bị thiệt thòi!

Thế mà dường như sự đó đã xảy ra. Lời các Tông đồ nói khi giải quyết nỗi bất hòa khiến chúng ta có thể nghĩ như vậy. Ít ra, khi có tiếng rì rầm phàn nàn về việc phục vụ, các Tông đồ đã có dịp suy nghĩ về cách thức thi hành phận sự của mình. Các ngài tỏ ra là những người cởi mở, biết nghe nguyện vọng và chỉ trích của người dưới. Ðó là những cơ hội để nhận định đúng về sứ mệnh và lề lối làm việc của mình. Nhận ra mình phải dồn sức cho những công việc quan trọng hơn, các ngài đem sáng kiến giải quyết vấn đề cho anh em suy nghĩ và kêu gọi sự cộng tác. Rõ ràng các ngài dành cho anh em nhiều phần sáng kiến để chỉ định những người có tiêu chuẩn. Người phục vụ phải đầy Thánh Thần và khôn ngoan, vì lẽ công việc của Hội Thánh là công việc của Chúa Thánh Linh và của Ðức Yêsu Kitô. Việc nào trong Hội Thánh cũng mang tính cách tôn giáo. Thế mà việc thờ phượng của Ðạo Mới phải thi hành trong Thần Khí và Sự Thật (Yn 4,23). Matthya đã được chọn thế chân Yuđa vì ông đã biết Chúa Yêsu và tất cả các Tông đồ phải chờ ơn Thánh Thần xuống để khởi sự hoạt động trong Giáo hội và cho Giáo hội. Vì thế việc lựa chọn những người mới theo các tiêu chuẩn trên chứng tỏ sự "một lòng một ý" giữa hàng ngũ Tông đồ và các cộng sự viên. Hội Thánh vẫn duy nhất trong cơ cấu, mặc dầu mỗi ngày càng nhiều cơ quan phục vụ. Và có lẽ đây là điểm then chốt trong bài Công vụ hôm nay. Tác giả muốn đề cao sự nhất trí sâu xa nhân dịp có những chuyện dường như muốn chia rẽ Giáo hội.

Hai nhóm trong Hội Thánh, hai khuynh hướng mới cũ, Dothái và Hylạp, tiêu biểu cho mọi mối căng thẳng, đã tìm lại được sự sống bình an. Vai trò chủ động vẫn do các Tông đồ nắm giữ, nhưng được thực thi với thái độ cởi mở, linh động và không thiếu phần cương quyết. Những người được kêu gọi hợp tác cũng ý thức phận sự của mình là tham gia vào sứ vụ của Thần Khí và Sự Thật. Kết quả dù những người được bầu lên đều mang tên Hylạp và sẽ đi giảng nơi dân ngoại như Philip sẽ đi Samari, công việc của họ đều đã được các Tông đồ đặt tay. Họ chỉ nối dài tay các ngài khiến ta thấy rồi đây Tin Mừng sẽ mau lan rộng ra lương dân. Và ngay ở Yêrusalem số môn đồ cũng tăng gấp lên, chắc chắn nhờ thái độ cởi mở của các Tông đồ và của Giáo hội, cũng như nhờ sự hợp tác và duy nhất sâu xa giữa các tín hữu.

Như vậy bài sách Công vụ hôm nay còn nói rất nhiều với chúng ta, với cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và Giáo hội chúng ta. Hội Thánh của Chúa không được đóng khung trong Phụng vụ. Sinh hoạt của Hội Thánh phải bao hàm việc phục vụ tha nhân. Cả trong lãnh vực này, Hội Thánh vẫn phải "chỉ có một tấm lòng, một linh hồn" và điều đó đòi hỏi cố gắng của mọi người trong chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những lý do mạnh mẽ để sống tinh thần duy nhất này khi suy nghĩ về bài Thánh Thư và bài Tin Mừng.

 

B. Một Ðền Thờ Do Nhiều Viên Ðá Sống Ðộng

Mở đầu bài thư, thánh Phêrô khuyên mọi người hãy đến với Tảng đá sống động mà loài người đã chê chối nhưng Thiên Chúa đã lựa chọn và tôn vinh. Rõ ràng ngài muốn nói đến Ðức Yêsu Tử nạn Phục sinh. Chúa nhật trước cũng chính thánh Phêrô giới thiệu Người như là Ðấng chăn dắt các linh hồn, đã hy sinh mạng sống vì chiên. Hôm nay Người được coi như Tảng đá sống động đã bị loại bỏ nhưng rồi đã được nhặt lên để xây lên một Ðền Thờ lớn. Không phải thánh Phêrô đã tạo ra hình ảnh này. Chính Ðức Kitô khi còn sống đã trích lời Thánh vịnh 118 nói về Viên Ðá bị thải nhưng rồi trở thành Ðỉnh Góc để ám chỉ cuộc Tử nạn-Phục sinh của Người (Mt 21,42). Thánh Phêrô chỉ thêm tĩnh từ "sống động" vào danh từ "Tảng Ðá" để nói lên niềm tin của mình vào Ðức Kitô Phục sinh hiện nay đang sống động thực sự. Và có thể nói Người sống động hơn bao giờ hết vì đang xây dựng tín hữu nên Ðền Thờ mới.

Những người này cũng là những viên đá sống động vì mang trong mình sự sống của Ðức Kitô phục sinh, nhờ việc đã đi qua Bí tích tái hiện việc chết đi sống lại của Chúa. Họ đã đồng hóa với Người nên cùng Người làm thành Ðền Thờ mới. Nói đúng ra, thánh Phêrô không dùng danh từ Ðền Thờ vì có lẽ khi ngài viết bức thư này, Giáo hội chưa có Ðền thờ riêng, nhưng thường thi hành việc bẻ bánh trong các "nhà". Nhưng nhà thiêng liêng cũng là Ðền thờ. Vì không phải vật liệu đá, gỗ hay các chiều cao thấp, lớn nhỏ, phân biệt nhà và Ðền thờ. Chính Thánh Thần mới là yếu tố phân định. Nhà trở thành Ðền thờ khi Thần Trí Chúa ập vào. Chính Thần xác Ðức Kitô cũng chỉ trở thành Ðền thờ thay thế Ðền thờ Yêrusalem như Yn 2,19-22 đã nói, khi Người đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh để Thân xác Người trở thành đầy Thánh Thần. Vậy, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, các tín hữu đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa, thì họ được đầy Thánh Thần, trở nên đá sống xây trên Tảng đá sống động, làm thành nhà thiêng liêng.

Và như Ðức Kitô Phục sinh không phải chỉ là Ðền thờ mới, mà còn là vị Thượng tế tuyệt với, các tín hữu khi làm thành nhà thiêng liêng cũng trở nên hàng tư tế thánh để dâng lễ. Không cần các lễ dâng vật chất nữa, nhưng đã có các hy tế thiêng liêng đầy Thánh Thần, là những lễ vật duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nghĩ trong đoạn thư này thánh Phêrô nhấn mạnh đến sinh hoạt phụng vụ và vai trò dâng lễ của Hội Thánh. Nhưng chúng ta cũng có thể nói chủ ý của ngài là nói lên đặc tính duy nhất, thánh thiện của Giáo hội. Toàn thể các tín hữu được xây trên Ðức Yêsu Phục sinh làm thành Ngôi nhà thiêng liêng. Và như vậy ta sẽ thấy ăn ý hơn ở đoạn sau.

Quả vậy tiếp đó, thánh Phêrô trích một lời trong Tiên tri Isaia (28,16) để làm chứng Thiên Chúa đã tiền định như vậy, để Ðức Kitô "trở thành viên đá đỉnh góc quý giá và ai tin vào đó tất không bị hổ thẹn" (c.6). Và ngài nói luôn: "Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì... đá kia chỉ là khối thạch chướng ngại". Như thế, ngài vẫn không quên Ðức Kitô Phục sinh đã được đặt làm "Thẩm phán" kẻ chết và người sống. Những ai tin Người ở một bên và bên kia là những kẻ không tin. Như vậy, thánh Phêrô đã coi tín hữu như một khối. Ngài muốn nói đến sự duy nhất trong Giáo hội. Ngài coi tín hữu như những viên đá sống động nằm trong Ngôi nhà thiêng liêng. Các vinh dự mà ngài kể ra và nói đã được dành cho tín hữu toàn có tính cách tập thể, vì anh em là "dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương, nước thánh thiện, dân được chọn làm sở hữu". Bao nhiêu phẩm tước của dân Giao ước cũ (Xh 43,20; 19,5) được chuyển cho Dân Giao ước mới. Ðó là những vinh dự của cộng đồng chứ không phải của cá nhân. Nên ta có thể nghĩ ở đây thánh Phêrô muốn nói nhiều về Hội Thánh duy nhất.

Nếu thế thì chữ "nhà" mà tác giả dùng ở trên có thể gợi đến một đoạn Kinh Thánh quan trọng. Ðavít bấy giờ muốn làm nhà cho Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa lại hứa sẽ xây cho Ðavít một nhà tồn tại muôn đời. Ðó là nhà vua Ðavít, dòng họ của ông, là Ðức Yêsu Kitô Vua muôn thuở nhờ việc Tử nạn Phục sinh, là Hội Thánh gồm những viên đá sống động làm nên nhà thiêng liêng. Nhà Ðavít chỉ nắm vương quyền; nhưng Ðấng Cứu Thế phải thi hành quyền tư tế, nên các tiên tri về sau vẫn loan báo một Vị Cứu Tinh vừa làm Vua vừa là Thượng tế. Và lời Thánh Kinh ấy đã ứng nghiệm nơi Ðức Kitô Phục sinh. Hội Thánh, Thân thể của Người, vì thế được gọi là hàng tư tế hoàng vương.

Thánh Phêrô muốn cho chúng ta suy nghĩ những tước hiệu tập thể ấy để chúng ta rao truyền các kỳ công của Thiên Chúa trong tinh thần duy nhất, như tác giả Công vụ đã khẳng định Hội Thánh thuở ban đầu đã một lòng một ý trong việc mở mang Nước Chúa. Và đó cũng là mệnh lệnh Chúa đã để lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

C. Một Ðường Dẫn Tới Sự Sống

Thánh Yoan ghi lại câu chuyện cuối cùng Chúa nói với môn đệ trước khi bị nộp. Người hướng về tương lai, nói đến những việc sẽ tới. Người đang ngồi giữa môn đệ trước khi ra đi chịu chết, nhưng lại nói như thể Người đang ở trong trạng thái phục sinh. Thế nên chúng ta có điều kiện hiểu Người dễ hơn các môn đệ lúc bấy giờ. Nói cách khác, đây đúng hơn là tâm tình của Chúa phục sinh nói với chúng ta. Và vì vậy chúng ta hãy chú ý nghe Người.

Người mở đầu: "Lòng chúng con chớ rúng động!". Người quen nói như vậy mỗi khi hiện ra sau ngày sống lại. Chính tiếng nói của Ðấng Vô hình làm cho người ta sợ, nên Chúa phục sinh phải mở đầu như thế. Và thái độ đầu tiên Người đòi hỏi nơi người ta là hãy tin vào Người. Không tin Người đã sống lại thì không có đủ điều kiện để thu hoạch lời Người. Và phải tin vào Người như tin vào Thiên Chúa, vì bây giờ Người không còn như xưa nữa, khi "Người đã chẳng nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, song Người đã hủy mình ra không" (Ph 2,6-7). Nhưng bây giờ Người đã được đặt làm Chúa, nên người ta phải tin vào Người như tin vào Thiên Chúa.

Vậy chính Chúa Yêsu Phục sinh đang nói với chúng ta, qua các môn đệ của Người. Người bảo: trong nhà Cha có nhiều chỗ ở; Người sẽ đi dọn chỗ cho chúng ta; rồi Người trở lại đem chúng ta đến nơi Người ở. Ðầu óc chúng ta tự nhiên muốn vẽ ra con đường lên trời và như thấy Người đang ở xa chúng ta, tận nhà của Cha Người. Nhưng không phải vậy, vì chính Người lại quả quyết: đàng dẫn đến Chúa Cha lại chính là Người. Làm sao có thể như vậy được? Ðầu óc chúng ta muốn nổ tung ra mất. Nhưng này, đang tiếp chuyện "Con Người thiên thai", sao chúng ta lại cứ nghĩ như con người trần ai? Chúng ta hãy để Người giải thích, nâng tâm trí chúng ta lên bình diện Nước Trời. Lúc đó, Lời Người nói sẽ rõ rệt hơn và có thể hiểu được lắm.

Người nói: Cha với Người là một. Người ở trong Cha và Cha ở trong Người. Ai thấy Người cũng thấy Cha. Có gì cấm ta tin như vậy? Người đã phục sinh rồi. Người đã trở lên nơi vinh hiển của thuở đầu; Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa, theo kiểu nói của người Dothái; và sống lại rồi, Người cũng đang ở với Hội Thánh hàng ngày cho đến tận thế. Vậy giữa Người với Cha và với Hội Thánh không có không gian cách quãng gì cả. Chỉ có giữa Hội Thánh và Cha phải có Người là trung gian, là đàng dẫn Hội Thánh tới Cha, dẫn các linh hồn tới Thiên Chúa. Một mình Người làm được công việc này; và Người đã làm khi ra đi Tử nạn Phục sinh. Chính khi chết và sống lại, Người đã trở nên đàng cứu độ dẫn chúng ta tới Thiên Chúa. Vì thế Người cũng là sự thật và là sự sống của chúng ta để chúng ta chắc chắn được đến cùng Cha và được sống.

Như vậy bài Tin Mừng Yoan quá sâu sắc. Ít nhất chúng ta phải thấy rằng Ðức Yêsu Phục sinh này là đàng dẫn ta đến Thiên Chúa. Không phải con đàng có chiều dài chiều rộng, vì Cha đang ở trong Người và Người đang ở trong Cha. Nhưng là Trung gian, là Cửa để chúng ta đến với Thiên Chúa, là Cửa ràn chiên để chúng ta ra vào tìm được sự sống. Chúng ta vào Cửa là đã gặp Thiên Chúa rồi. Chúng ta đến với Chúa Yêsu là đến với Thiên Chúa. Chỉ có một điều nên nhớ: tự sức mình chúng ta không đến với Người được. Chính Người phải đến đưa chúng ta lại. Và Người chỉ đến với chúng ta khi đã trở về với Cha qua mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, mầu nhiệm mà chúng ta sắp tái hiện trên bàn thờ. Ở đây, Chúa Yêsu trở lại gặp chúng ta đức chúng ta vào nhà Cha, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó; Người ở trong Cha và Cha ở trong Người thì chúng ta cũng ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Và sở dĩ được như vậy là nhờ Bí tích Thánh Thể, nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, nhờ Người là đàng, là sự thật và là sự sống.

Mầu nhiệm này không xây dựng sự hiệp nhất sao? Chính nhờ việc Người ở trong Cha, Cha ở trong Người và hai Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong các Ngài mà chúng ta mật thiết với nhau hơn các viên đá trong một Ðền thờ, hơn các chi thể trong một thân thể. Sự duy nhất ấy không được chỉ thể hiện nơi nhà thờ, vì như bài Công vụ cho biết, sinh hoạt tôn giáo phải là phục vụ tha nhân nữa. Chúng ta chỉ sống đạo đầy đủ khi thể hiện sự duy nhất cả nơi xã hội, trong mọi sinh hoạt với đồng bào, khiến tuy có nhiều phận vụ khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một tấm lòng, một linh hồn. Xuất xứ, tính tình, phong tục làm chúng ta xung khắc, nhưng sức mạnh hợp nhất chúng ta lại bởi Chúa. Chính Người là đàng đưa chúng ta vào sự duy nhất của Thiên Chúa để Thánh Thần sẽ là dây bác ái kết hợp chúng ta lại với nhau ở trong Người. Và Người sắp làm việc ấy bây giờ cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy cùng nhau sốt sắng tham dự.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A